Thấy gì từ trường Đông kinh Nghĩa Thục

Hy vọng những cái Thấy từ trường Đông kinh Nghĩa Thục sẽ gợi mở cho chúng ta những vấn đề bàn cãi về giáo dục từ nhiều năm nay, nhất là trong năm 2007.

1. Thấy một cách đặt tên trường học rất có ý nghĩa cho dù có mô phỏng trường Khánh ứng Nghĩa Thục (Keio Gijuku) của Nhật Bản do Phúc Trạch Dụ Cát (Fukuzawa YuKichi: 1835-1901) thành lập từ năm 1858. Đây là một sự mô phỏng có nâng cao. Bởi với tên trường Khánh ứng Nghĩa Thục thì “Khánh ứng” là để ghi nhớ triều đại trước chính thể Minh Trị duy tân (1865). Còn với Đông Kinh Nghĩa Thục thì “Đông Kinh” vốn là Thăng Long, Đông Đô ngày trước, Hà Nội về sau: kinh đô, thủ đô lâu đời nhất (hẳn còn là tương lai vĩnh viễn), đất ngàn năm văn vật tiêu biểu nhất của Tổ quốc Việt Nam. Như thế là ở đây, nhà trường muốn tìm điểm tựa vững bền ở Tổ quốc, ở dân tộc, chứ không ở một vương triều. Rồi nữa, với hai chữ “nghĩa thục” thì đúng là mô phỏng hoàn toàn nhưng lại phù hợp với điều cốt lõi nhất trong đạo lý Việt Nam là chữ “Nghĩa”. Nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận: ở Việt Nam ta chữ “nghĩa” “là cao nhất – cao hơn chữ “trung”, chữ “hiếu”. Cách đặt tên trường Đông Kinh Nghĩa Thục là theo truyền thống “ngôn chí” mà ngôn chí với một nội dung cao cả như thế.
 2. Thấy một mục tiêu giáo dục cao cả, tối ưu so với yêu cầu của thời đại.
Với trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mục tiêu giáo dục là nâng cao dân trí, mở mang thực nghiệp, đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhưng cũng phải nói thêm: mục tiêu cuối cùng về giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cứu nước, giành độc lập dân tộc và xây dựng cho đất nước một nhân sinh quan mới, một nền văn hóa mới, đưa đất nước lên cõi văn minh cùng thế giới. Từ mục tiêu giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, có thể nói rằng: đã có sự tương xứng giữa mục tiêu giáo dục của trường Đông kinh Nghĩa Thục với yêu cầu của lịch sử. Nói thế, chính là muốn kiến nghị với các nhà lãnh đạo đất nước, các vị trực tiếp điều hành sự nghiệp giáo dục nước nhà hãy nhận thức, quan tâm sâu sắc hơn nữa đến mục tiêu của nền giáo dục hiện thời.
3. Thấy một nền tảng tư tưởng – văn hóa vững chãi và tiên tiến của giáo dục Đông Kinh Nghĩa Thục. Với giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa yêu nước đã chuyển từ phạm trù phong kiến sang phạm trù dân chủ tư sản đã đành, mà còn một trào lưu tư tưởng có ý nghĩa cách mạng chưa từng có trong lịch sử tư tưởng của dân tộc. Trong trào lưu tư tưởng này, nhờ có sự đón nhận những luồng tư tưởng tiến bộ, mới mẻ của thế giới, mà từ đó có sự ly khai khá rõ ý thức hệ phong kiến. ở đây, đã diễn ra một cuộc hôn phối rất đẹp giữa chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam với tư tưởng dân chủ tư sản có độ tinh khiết, có giá trị vĩnh hằng trong thời kỳ giai cấp tư sản phương Tây  còn có vai trò cách mạng chân chính. Chuyện này của trường Đông Kinh Nghĩa Thục cách đây 100 năm thật là lý thú, giàu ý nghĩa cho những ai có trách nhiệm với nền giáo dục hiện thời của đất nước.
4. Thấy một mô hình trường học có sức mạnh tổng hợp cao độ không dễ gì có. ở đây, dưới sự lãnh đạo của vị thục trưởng, có 4 ban: giáo vụ, tài chính, tu thư và cổ động. Hai ban trên là chuyện thông thường. Hai ban sau là chuyện đặc biệt. Bởi dưới thời đại phong kiến trước đó, các trường học, kể cả trường Quốc Tử Giám là trường học sáng giá nhất, làm gì có Ban tu thư, một khi tài liệu giảng dạy và học tập là các sách kinh điển của Nho gia được truyền đời. Riêng về ban cổ động mà trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã có thì quả là xưa nay chưa có trường học nào có, kể cả các trường đại học. Công việc cổ động của trường Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ bó hẹp vào việc mở trường mà còn liên quan đến việc thành lập các thương quán, thương điểm ở các địa phương. Chính từ kết quả cổ động này mà trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã trở thành phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục có ảnh hưởng lan rộng hầu khắp cả nước không chỉ trong thời gian nó tồn tại (từ tháng 3 đến tháng 12/1907) mà cả sau khi nó bị giải tán. Riêng từ góc nhìn giáo dục thì quả thật ở đây đã có một bài học vô cùng lớn lao về việc gắn nhà trường với cuộc sống ở đủ phương diện: chính trị, văn hóa, xã hội, kể cả kinh tế.
5. Thấy một tập thể giảng viên có phẩm giá vô tiền khoáng hậu trong phạm vi nhà giáo Việt Nam. Tiêu biểu cho tập thể giảng viên của Đông Kinh Nghĩa Thục là vị Thục trưởng Lương Văn Can (1854-1924), thứ đến là vị giám học Nguyễn Quyền (1869-1941). Còn đội ngũ thì gồm: Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Phan Lãng, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Cầu, Bùi Liêm, Nguyễn Quang Đoan (con Nguyễn Quang Bích), Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn… Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế tuy không là thành viên trực tiếp nhưng cũng từng lui tới giảng bài, đặc biệt là Phan Châu Trinh. Tập thể ấy đã có mặt với lịch sử dân tộc không chỉ với tư cách những nhà giáo mà cao hơn còn là những nhà tư tưởng, những nhà văn hóa, những nhà cách mạng hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cứu nước. Có thể nói: tập thể giảng viên của trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một hiện tượng có phẩm giá vô tiền kháng hậu trong lịch sử giáo dục Việt Nam xưa nay, không phải là điều quá đáng.

Nguyễn Đình Chú

Tác giả