THẦY MÃI LÀ THẦY… (Nhân ngày sinh lần thứ 95 của GS Nguyễn Thúc Hào)

Năm 1954, ngay sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, chúng tôi cũng vừa tốt nghiệp bậc phổ thông ở Nghệ An. Sau ngày quân ta tiếp quản Thủ đô, chúng tôi hăm hở “tiến về Hà nội” mong “đánh chiếm” một chỗ ngồi trong giảng đường trường đại học của đất nước vừa được giải phóng một nửa.

Tôi thi đậu vào trường Đại học Sư phạm và buổi học đầu tiên tôi hồi hộp, háo hức chờ nghe bài giảng về môn toán cao cấp… Đúng giờ vào lớp, một thầy giáo có vóc người nhỏ nhắn bước lên bục giảng, nhẹ nhàng chào và mời chúng tôi ngồi. Ông chỉ khoảng trên dưới 40 tuổi, ăn mặc giản dị nhưng nghiêm chỉnh, nói năng chậm rãi nhẹ nhàng với chất giọng có gốc gác miền Trung. Ông mở đầu rất ngắn gọn và đi ngay vào bài giảng. Ngay lập tức bài giảng đã cuốn hút tôi vì nhiều lẽ: cách đặt vấn đề rõ ràng và mang tính gợi mở, cách giải quyết vấn đề rất minh bạch và mạch lạc, các phép tính toán luôn luôn ngắn gọn, không vụn vặt, thường là dùng phương pháp rút gọn thông minh, cách diễn đạt sinh động dễ hiểu với ngôn ngữ chuẩn xác, phong phú nhưng không cầu kì…, và cuối cùng là cách trình bày bảng rõ ràng và đẹp đẽ…
Cuối buổi học tôi mới biết ông là ai. Thì ra đó là người thầy giáo mà tôi đã nghe tiếng từ khi còn học phổ thông ở Nghệ An, nhưng chưa biết mặt: GS Nguyễn Thúc Hào.
Thầy Hào là người Nghệ, sinh tại làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, trong một gia đình nho học, thân phụ là cụ phó bảng Nguyễn Thúc Dinh. Ở bậc trung học, thầy học tại các trường Quốc học Huế, rồi chuyển ra trường Albert Sarraut Hà Nội, các năm cuối cùng học ở trường Lycée Mignet ở Aix-en-Provence nước Pháp. Sau khi đỗ tú tài Pháp, thầy học tại trường Đại học Khoa học Marseille, lớp toán đặc biệt. Từ năm 1931 dến năm 1935 thầy lấy 6 chứng chỉ: Toán học đại cương, Giải tích toán học, Vật lý đại cương, Cơ học thuần lý, Cơ học chất lỏng, Thiên văn học, đồng thời viết xong luận án cao học về Hình học và Cơ học.
Trở về nước thầy dạy toán ở trường Quốc học Huế. Sau Cách mạng Tháng 8, năm 1946 thầy ra Hà Nội làm quyền Giám đốc Trường ĐH Khoa học Hà Nội, nhưng không lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thầy lại cùng gia đình trở về Nam Đàn quê hương, và tại đây thầy đã mở lớp Toán học đại cương kéo dài trong bốn khóa, mỗi khóa học kéo dài một năm… Từ năm 1951 đến năm 1954 thầy tham gia Ban giám đốc trường Dự bị ĐH rồi trường Sư phạm cao cấp ở vùng tự do liên khu Bốn.
Hòa bình lập lại, năm 1954 thầy trở về dạy học ở trường ĐH khoa học, rồi trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thầy Lê Văn Thiêm và thầy Nguyễn Thúc Hào là hai người đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Giáo sư.
Tôi là người may mắn được học với GS Nguyễn Thúc Hào từ khi trường ĐH SP mới thành lập, và sau đó tôi lại có dịp làm việc với thầy trong một khoảng thời gian khá dài. Tốt nghiệp ĐH, tôi được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và được phân công về tổ bộ môn Hình học do thầy làm tổ trưởng, lúc ấy Chủ nhiệm khoa Toán là thầy Lê Văn Thiêm. Sau đó thầy được cử làm phó Hiệu trưởng trường ĐH SP Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm khoa Toán. Năm 1959 khi trường ĐH SP Vinh được thành lập, GS Nguyễn Thúc Hào lại trở về quê hương nghĩa nặng tình sâu với chức vụ Hiệu trưởng của một trường ĐH non trẻ và là trường ĐH đầu tiên không đặt ở thủ đô Hà Nội. Là người Nghệ An, tôi lại cùng thầy về trường Vinh, và 15 năm làm việc tại đây là 15 năm tôi được học tập ở thầy rất nhiều điều bổ ích…        
Cùng với một số ít nhà toán học khác như Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển…, GS Nguyễn Thúc Hào đã góp phần đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền Đại học ở nước ta, và thầy đã đào tạo ra nhiều thế hệ học trò có khả năng giảng dạy và nghiên cứu toán học.
Thầy còn là một nhà hoạt động xã hội nhiều mặt, như đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp, Phó chủ tịch  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, Ủy viên ban chấp hành hội Hữu nghị Việt –Pháp, Phó chủ tịch hội Toán học Việt Nam…
Và trong 15 năm đứng đầu trường ĐHSP Vinh, thầy đã chứng tỏ khả năng quản lý của nhà toán học, đưa nhà trường vượt qua bao nhiêu thử thách cam go, chống lại cuộc khủng bố giã man của không lực Hoa Kỳ… Thầy đã để lại trong tập thể cán bộ và sinh viên trường Vinh một ấn tượng rất cao đẹp về một người Hiệu trưởng công minh, chính trực, chí công vô tư, yêu người yêu nghề, có tầm nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và biết quyết đoán…
Trong những ngày gian khổ của trường ĐH SP Vinh, sống gần thầy tôi đã nhận thấy một nhân cách lớn lao trong một con người nhỏ nhắn. Thầy toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp lớn mà không hề nghĩ gì đến chính mình. Có chăng chỉ là một cốc cà phê buổi sáng do vợ rang trong ống bơ và tự mình tán nhỏ trong cối giã, hoặc là mươi phút thư giãn trong đêm khuya nghe nhạc cổ điển từ một chiếc máy thu thanh nhỏ bé và cổ lỗ… Khi mới về Vinh, thầy cùng sống với cán bộ chúng tôi trong khu vực “nhà dòng” chật hẹp, và sau này khi trường mở rộng sang khu vực mới, thầy cũng ở trong một phòng của dãy nhà “tranh tre nứa mét” mà nguy cơ cháy luôn luôn thường trực. Tỉnh ủy Nghệ An định tìm cho thầy một căn phòng “tử tế” hơn, nhưng thầy bảo: anh em ở như thế nào thì tôi ở như thế. Về hưu, chẳng có tài sản gì giá trị, ngoài một chiếc giường và chiếc tủ áo do trường Vinh tặng, thầy chuyển ra Hà Nội, ở nhờ nhà nghỉ của trường Vinh. Sau đó thầy được Bộ cho một căn nhà tạm bợ, vốn là của nước Thụy Điển cứu trợ cho những gia đình bị đổ nhà trong vùng bão lụt. Căn nhà đó đã hỏng từ lâu, may mà miếng đất nhỏ bé thì vẫn còn, nên con cháu đã làm cho ông bà một căn hộ nho nhỏ, phòng khách chỉ vừa chỗ cho 5 người ngồi sát cánh…
Tôi nhớ lại một chuyện vui vui: thầy về hưu, được chuyển hộ khẩu về Hà Nội, nhưng cô (vợ thầy) thì không, vì hồi ấy nhập vào Hà Nội cần có tiêu chuẩn cao… Không có hộ khẩu thì có thể tạm trú, nhưng không có phiếu gạo và các thứ tem phiếu khác thì thật là gay go. Biết rằng việc nhập hộ khẩu vào Hà Nội là rất khó, tôi đề nghị thầy viết thư cho các vị cấp cao may ra có thể giải quyết được… Thầy vốn là bạn học của tướng Võ Nguyên Giáp (hai người cùng thi vào Quốc học Huế, tướng Giáp đậu nhất, thầy đậu nhì), cùng là bạn học của Bộ trưởng Giáo dục Tạ Quang Bửu, lại là thầy học của Tố Hữu…, cho nên tôi nghĩ rằng nên nói cho các vị ấy biết chuyện “trái khoáy” của thầy. Nhưng rồi thầy bảo: “Đừng làm thế, nên để cho các anh ấy lo toan những công việc trọng đại của đất nước, không bận lòng đến việc nhỏ nhặt…”. Tôi đành chịu nghe nhưng vẫn ấm ức thay cho thầy và cô. Cuối cùng tôi nghĩ ra diệu kế: “Thưa thầy, thầy và cô nên viết đơn ra Tòa xin… ly dị” . Thấy thầy rất ngạc nhiên, tôi giải thích tiếp: “Mục tiêu của hôn nhân là được sống với nhau, lúc trẻ đã thế, về già lại càng thế… Nay vì vấn đề hộ khẩu, mục tiêu hôn nhân không đạt được thì phải ly dị thôi. Thử xem Tòa giải quyết như thế nào…”. Thầy cười và bảo: “Anh chỉ được cái lắm chuyện…”.    
Những thầy giáo và sinh viên trường Vinh mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, nói chuyện nhiều thứ, nhưng cuối cùng bao giờ vẫn quay lại những kỉ niệm của trường Vinh mà nổi bật là người Hiệu trưởng đáng kính: GS Nguyễn Thúc Hào. Nhiều người nói: giá bây giờ mà có nhiều Hiệu trưởng kiểu như thầy…!
Nhân dịp thầy lên thọ 95, tôi có bài đường luật tặng Thầy, xin chép  ra đây để kết thúc bài viết này:

                MỪNG THẦY NGUYỄN THÚC HÀO 95 TUỔI THỌ 
                                                            Học trò Văn như Cương.
    
                      Thầy mãi là thầy của chúng con,
                      Tấm gương soi sáng mọi tâm hồn.
                      Cuộc đời gieo hạt trong như ngọc,
                      Sự nghiệp trồng người đỏ tựa son.
                      Hiệu trưởng quang minh danh sáng mãi,
                      Giáo sư thanh bạch tiếng thơm còn.
                      Chín mươi lăm tuổi bài thơ đẹp,
                      Đức trọng đạo cao sánh núi non.                

Văn Như Cương

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)