Thầy – Trò

Khi nói rằng máu mình không quý bằng máu của Harry, khi nói rằng bản thân mình không quý giá bằng Harry, thầy phù thủy Dumbledore có tự hạ giá mình không? Không. Trái lại, ông ấy tự nâng cao giá trị của mình lên, vì không những ông biết nhận ra giá trị của Harry, mà ông còn biết bảo vệ các giá trị đó.

“- Máu của trò quý giá hơn máu của ta nhiều”.

Đấy là lời của một thầy giáo nói với một học sinh, lời của Hiệu trưởng trường Hogwarts nói với Harry Potter, ở tập 6 của bộ phim dài tập nổi tiếng Harry Potter, tập này có nhan đề là “Harry Potter và hoàng tử lai”. Vị phù thủy già Dumbledore tự cắt tay lấy máu của mình mở lối đi, để bảo vệ dòng máu của cậu học trò Harry Potter.

Và đến khi phải uống chất độc tự làm suy yếu bản thân để có thể lấy được Trường Sinh Linh Giá, Dumbledore cũng giành lấy cái quyền uống, tức là nhận nguy hiểm về mình. Đáp lại câu hỏi của Harry: “Sao không để con uống ?”, ông nói: “Vì ta già hơn, tinh khôn hơn và không quý giá bằng con”.

Khi nói rằng máu mình không quý bằng máu của Harry, khi nói rằng bản thân mình không quý giá bằng Harry, ông thầy phù thủy vĩ đại nhất của mọi thời đại có tự hạ giá mình không ? Không. Trái lại, ông ấy tự nâng cao giá trị của mình lên, vì không những ông biết nhận ra giá trị của Harry, mà ông còn biết bảo vệ các giá trị đó. Harry là một kẻ mạnh trong số những phù thủy tốt. Harry là kẻ được chọn để đối đầu và tiêu diệt thủ lĩnh hắc ám. Harry cần được bảo vệ. Cách ứng xử của các nhân vật ở đây hoàn toàn tương ứng với triết lý của Nietzsche, người kêu gọi: “phải luôn luôn bảo vệ kẻ mạnh…” Phải bảo vệ kẻ mạnh là Harry thì giới phù thủy mới có cơ may tiêu diệt cái ác. Những người tốt phải mạnh thì thế giới mới có thể được xây dựng theo nguyên tắc của cái thiện, cái đẹp. Nếu người tốt suy yếu, nếu trong mỗi người, phần tốt yếu hơn phần xấu thì cái xấu cái ác sẽ thắng và thế giới sẽ được thiết lập theo nguyên tắc của cái xấu và cái ác.

Vì thế mà phải bảo vệ kẻ mạnh, vì thế mà mỗi người phải bảo tồn phần mạnh mẽ trong chính mình để chống lại sự trỗi dậy của cái xấu và cái ác.

Harry, khi được thầy mình nói cho rằng mình quý giá hơn ông ấy, liệu có trở nên kiêu ngạo không? Không! Bởi vì nếu ông thầy hiểu được giá trị của trò, thì trò cũng sẽ hiểu được giá trị của thầy, hiểu được tầm lớn lao, vĩ đại của “sự hiểu biết”. Ở đây, hành động của Dumbledore không phải là biểu hiện của đức tính khiêm nhường, mà chính là sự thấu hiểu, là khả năng đánh giá được giá trị và năng lực của người khác, cũng tức là tự đánh giá được giá trị và năng lực của mình. Dumbledore biết mình có thể làm gì và không thể làm gì, biết rằng dù được thừa nhận là phù thủy vĩ đại, ông không thể đánh bại Voldemort, điều mà Harry có thể làm được. Vì thế mà ông hy sinh để bảo vệ Harry, bảo vệ kẻ mạnh nhất của cộng đồng phù thủy tốt, cũng tức là bảo vệ tương lai của cái thiện, bảo vệ thế giới khỏi bị chiếm lĩnh bởi cái ác.

Chính ở ví dụ này ta thấy được tinh thần của thầy và trò trong quan niệm của người phương Tây, ta hiểu sức mạnh của người phương Tây được tạo ra từ đâu. Từ cái ý thức bảo vệ kẻ mạnh của họ, từ ý thức sử dụng kẻ mạnh của họ. Trong truyện Harry Potter, không chỉ có ông hiệu trưởng trường Hogwarts mà những người khác cũng hành xử theo tinh thần ấy. Hai người bạn thân nhất của Harry, Hermione Granger và Ron Weasley, trong một tình huống, đã chấp nhận chết để cho Harry có thể đi đến đích, tức là tìm gặp Chúa tể hắc ám. Hermione và Ron cũng hiểu rằng chỉ  Harry mới đủ mạnh để tiêu diệt nó. Dù sao thì tác giả đã không để những người bạn tốt ấy chết.

Tinh thần này được khẳng định khắp nơi. Có thể chọn ngẫu nhiên bài phát biểu của Bill Gates tại lễ tốt nghiệp của Ðại học Harvard năm 20071. Trong bài đó Bill Gates đưa ra yêu cầu này: “Hãy cho tôi có một yêu cầu cho các Trưởng khoa và các vị giáo sư – các nhà lãnh đạo trí tuệ ở đây, tại Đại học Harvard: Khi vị tuyển chọn  giảng viên mới, bổ nhiệm chức vụ, xem xét lại chương trình giảng dạy, và xác định các yêu cầu của bằng cấp, xin hãy tự hỏi chính mình: Nên chăng những bộ óc tuyệt vời nhất của chúng ta được dành để giải quyết các vấn đề lớn nhất của chúng ta?”

Ông ta yêu cầu rằng những bộ óc mạnh nhất, những bộ óc tuyệt vời nhất phải được dùng để giải quyết các vấn đề lớn nhất. Yêu cầu đó không nằm ngoài cái nguyên lý phải bảo vệ kẻ mạnh, phải sử dụng kẻ mạnh. (Kẻ mạnh hiểu theo nghĩa của Nietzsche: là kẻ có khả năng sáng tạo, có các giá trị để dâng hiến, chứ không phải là kẻ dẫm đạp lên người khác, buộc người khác khuất phục quyền uy của mình).

Trong thực tế, nhiều bộ óc mạnh, nhiều trí tuệ mạnh đã chỉ được sử dụng để giải quyết những việc rất nhỏ nhặt, đôi khi buộc phải dùng chỉ để giải quyết vấn đề mưu sinh cá nhân mà thôi. Lúc ấy không những sức mạnh của những bộ óc đó suy giảm, mà sự suy thoái sức mạnh của các bộ óc đó sẽ kéo theo sự suy thoái sức mạnh của cả cộng đồng. Phải hiểu một cách đầy đủ về điều này: cần bảo vệ kẻ mạnh, cần tạo điều kiện cho kẻ mạnh phát triển sức mạnh của mình. Ở nhiều nơi trên trái đất này, kẻ mạnh – kẻ mang thiên hướng thiện – vẫn đang bị hủy hoại; sức mạnh đang bị hủy hoại, từng giờ từng ngày, mà người ta không ý thức được, không thấy xót xa và tiếc nuối.

Trở lại với thầy trò nhà Harry Potter để thấy mối quan hệ thầy trò có thể được thiết lập theo phương thức: Thầy không chỉ truyền dạy cho trò, mà còn đánh giá được các giá trị của trò. Khi cần thầy sẵn sàng thừa nhận sự vượt trội của trò, giúp trò ý thức được vai trò và các năng lực của mình. Và có những lúc thầy phải hy sinh để bảo vệ trò, nếu điều đó là cần thiết cho tương lai chung của cả cộng đồng.

(1) Có thể tham khảo bản dịch tiếng Việt tại websirte của Khoa VHNN, ĐHKHXHNVTPHCM:
http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2515%3Anhng-mong-i-ln-lao&catid=115%3Agiao-dc&Itemid=189&lang=en

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)