Thông điệp của Obama và sự chú trọng của Mỹ với nguồn nhân lực các ngành STEM
Ngày 23/5, trong buổi họp báo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Barack Obama đã nói về việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các ngành STEM: “Những cơ sở học thuật và công nghệ hàng đầu như Intel, Oracle, Đại học Arizona State và những đơn vị khác sẽ giúp các trường Đại học Việt Nam nâng cao việc đào tạo trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.”
Tổng thống Barack Obama trong ngày hội khoa học tại Nhà Trắng 2015
Thông điệp trên của Obama – vị Tổng thống hết sức tâm huyết và ủng hộ các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển giáo dục STEM – cho thấy việc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực các ngành STEM là một trong những nội dung quan trọng được phía Mỹ quan tâm. Lâu nay, giáo dục STEM là một yêu cầu cốt lõi trong chiến lược phát triển của Mỹ, bởi họ cho rằng đây là cách đầu tư tốt vào nguồn lực con người nhằm thúc đẩy nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững, giải quyết những vấn đề nóng của bản thân nước Mỹ cũng như thế giới. Trong chiến lược giáo dục STEM trên website của Nhà Trắng có đoạn: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò trung tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ thế kỉ 21 và thiết yếu đối với nỗ lực của chính phủ trong việc xây dựng và duy trì một thế giới dân chủ, an toàn, khỏe mạnh và thịnh vượng”.
Trong bài phát biểu ngày 24/5, Tổng thông Obama cũng chia sẻ: “Trong những nền kinh tế tri thức, việc làm đến từ những nơi mà con người có tự do theo đuổi những điều mình muốn, trao đổi ý tưởng và để đổi mới sáng tạo. Và những hợp tác kinh tế thực sự không phải là chỉ quốc gia này lấy nguồn lực từ quốc gia khác. Đó là đầu tư vào những nguồn lực tốt nhất của chúng ta, chính là con người của chúng ta, những kĩ năng và tài năng của họ, dù cho họ sống ở thành phố lớn hay nông thôn. Và đó là cách hợp tác mà Mỹ đưa ra”.
Ở Việt Nam, giáo dục STEM vẫn còn là khái niệm tương đối xa lạ với đại chúng. Các học sinh Việt Nam lâu nay được cho là học khá các môn tự nhiên, nhưng trên thực tế tư duy học tập chưa mang tính gắn kết chặt chẽ giữa học và hành, chưa tích hợp ngành này và ngành khác để tạo ra các sản phẩm thiết thực cụ thể như giáo dục STEM luôn hướng tới. Chính vì vậy, các môn khoa học chưa tạo niềm đam mê cho học sinh, các em ít có động lực hướng tới các ngành STEM, đồng thời nguồn nhân lực khoa học – kỹ thuật được đào tạo qua các bậc học chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn của đời sống.
Tuy nhiên, trong vòng 5 năm qua, trong cộng đồng xã hội đã bắt đầu có sự quan tâm đến giáo dục STEM, xuất phát từ các tổ chức tư nhân dưới hình thức tổ chức các CLB Khoa học trong các trường tiểu học và một số ít các trường THCS với mục đích để các em sử dụng kiến thức từ các môn khoa học nhằm giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Quá trình này không chỉ khơi gợi niềm đam mê khoa học, định hướng nghề nghiệp cho các em sau này mà còn hình thành những kĩ năng quan trọng trong công việc sau này như kĩ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình…
Về phía Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam hiện đang thay đổi chương trình học hướng đến giáo dục tích hợp và giáo dục định hướng năng lực. Khi đó, giáo dục STEM sẽ được áp dụng rộng rãi hơn và có thể phổ cập trên cả nước. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang kết hợp với Hội Đồng Anh để thí điểm GD STEM trong 9 trường THCS và THPT ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng thể hiện quan điểm hết sức ủng hộ giáo dục STEM, qua việc bảo trợ cả ba ngày hội STEM được tổ chức liên tiếp trong khoảng 1 năm nay tại Hà Nội và TP HCM, thu hút sự quan tâm tham gia của hàng nghìn trẻ em, phụ huynh, cùng rất nhiều trường tiểu học, trung học – trong đó có không ít các trường đến từ các vùng nông thôn.
Trong bối cảnh đó, chúng ta hi vọng rằng việc hỗ trợ đào tạo các ngành STEM của Mỹ đối với các trường Đại học Việt Nam sẽ là một tín hiệu góp phần quan trọng thu hút sự quan tâm và nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ cũng như các bậc phụ huynh đối với giáo dục STEM, đồng thời sự hỗ trợ đó sẽ giúp hình thành đội ngũ những người có đủ năng lực để tổ chức, tư vấn, đào tạo giáo viên cho các hoạt động STEM ở các trường học, đáp ứng nhu cầu của đất nước về nhân lực STEM dự kiến sẽ bùng nổ trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.