Thủ tục rườm rà không phải là cách để chống tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ

Lá thư ngỏ gần đây của GS. Pierre Darriulat gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo1 là lời kêu gọi một sự thay đổi và đơn giản hóa các quy định hành chính quan liệu đang gây ra những khó khăn, bất cập cho những người thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong quá trình bảo vệ luận án của họ.  

Ông đưa ra ví dụ về việc một số nghiên cứu sinh Việt Nam thực hiện luận án theo hình thức đồng hướng dẫn giữa các cơ sở giáo dục/khoa học của Việt Nam và Pháp. Ba người trong số các nghiên cứu sinh này đã tiến hành bảo vệ luận án thành công tại Pháp và nhận được bằng tiến sĩ từ những trường đại học uy tín của Pháp như Orsay và Paris 6 – Jussieu từ vài năm trước. Tuy nhiên, phía Việt Nam “không theo những điều khoản đã được ký kết và viết rất rõ trong thỏa thuận ở cấp cao của các cơ sở tham gia đào tạo”, đến nay vẫn chưa hề cấp bằng tiến sĩ cho ba người này.

Ngoài ba nghiên cứu sinh kể trên, hai nghiên cứu sinh khác cũng thực hiện luận án theo hình thức đồng hướng dẫn nhưng được GS. Darriulat cho tiến hành bảo vệ tại Việt Nam với hi vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn, nhưng họ cũng vấp phải những trở ngại phi lý trong quy trình bảo vệ được quy định từ phía Việt Nam. Đơn cử như quy định nghiên cứu sinh phải nhận được ít nhất 15 nhận xét tích cực từ các chuyên gia2, mà với những ngành có số lượng chuyên gia vô cùng ít ỏi như thiên văn vô tuyến (theo GS. Darriulat, cả nước chỉ có hai chuyên gia trong ngành này) thì điều này là hoàn toàn bất khả thi.

Là người từng nhiều năm làm việc tại những cơ sở khoa học uy tín của châu Âu và Mỹ, với “nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn và đánh giá luận án tiến sĩ” ở các quốc gia này, GS. Darriulat khẳng định chưa từng ở đâu sử dụng một quy trình với những quy định vừa phức tạp vừa không phù hợp với thực tế như của Việt Nam. Điều đó không chỉ cho thấy những người làm quy chế trong nước đã không dựa trên thông lệ khoa học quốc tế, không am hiểu sự bất cập khi áp dụng một quy định cứng nhắc chung cho nhiều ngành khoa học đặc thù, mà còn phản ánh một tâm lý đã tồn tại phổ biến từ lâu nay ở Việt Nam, đó là sự thiếu tin tưởng ở những người thầy hướng dẫn, cả về tư cách đạo đức lẫn trình độ chuyên môn. Hẳn do tâm lý đó mà người ta phải dùng số lượng thật đông các chuyên gia nhằm tăng uy tín và chất lượng thẩm định, chống gian dối tiêu cực (ví dụ, các trường, viện của Việt Nam phải dùng tới hai vòng hội đồng bảy người, trong khi các đại học thế giới chỉ dùng một vòng như vậy, chưa kể phải có tới 15 nhận xét tích cực từ các chuyên gia bên ngoài.)

Thực tế cho thấy, chính quy trình càng rắc rối, rườm rà bao nhiêu, thì lại càng làm tăng động lực để người ta luồn lách, và càng khiến gian dối, tiêu cực nảy sinh nhiều hơn. Đồng thời, càng tăng thêm số lượng các ý kiến chuyên gia thẩm định thì càng làm nhẹ đi trách nhiệm của từng cá nhân chuyên gia, khiến tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào ý kiến người khác càng trầm trọng.

Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những quy định mới, đơn giản hóa nhưng có tính thực chất, phù hợp hơn với thực tiễn đời sống trong đào tạo tiến sĩ nói riêng và trong giáo dục – khoa học nói chung, đồng thời thực hiện chúng một cách nghiêm túc thực sự, bởi đúng như GS. Darriulat đã nói, “cách để chống lại gian dối là phạt thật nặng những tác giả của nó, chứ không phải làm cho cuộc sống của những người trung thực trở nên khốn khổ”.
 
            TIA SÁNG
———————-
1 http://www.inst.gov.vn/Vatly/Open_letter_Pierre_Darriulat.htm

2 Khoản 18 Điều 1, Thông tư số 05/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 02, 2012 của Bộ Giáo dục Đào tạo (nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07 tháng 05, 2009 về quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ) quy định: Hội đồng đánh giá luận án cấp trường hoặc viện chỉ họp sau khi nhận được ít nhất 15 bản nhận xét của các nhà khoa học thuộc ngành, lĩnh vực nghiên cứu có trong danh sách gửi tóm tắt luận án và nhận xét của tất cả các thành viên Hội đồng đánh giá luận án.”

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)