Tích hợp hay không tích hợp môn lịch sử: Cuộc thảo luận chệch hướng

GS Hoàng Tụy cho rằng những tranh luận chung quanh việc có nên tích hợp hay không môn lịch sử vào môn học khác đang “lu lấp” vấn đề bản chất hơn của việc dạy và học môn lịch sử.

Chọn dễ, bỏ khó

Dự định tích hợp môn lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, theo tôi, là có ý tốt, muốn giảm tải vì trong môn Công dân với Tổ quốc, học sinh cũng học về lịch sử, chứ hoàn toàn không hàm ý coi nhẹ môn lịch sử.

Đó là nói về việc dạy lịch sử ở bậc THCS. Còn ở bậc THPT thì theo phương án đã được Nhà nước thông qua, tức là THPT thì phải chuyên, phải chú ý đến sở thích riêng của học sinh. THCS là bậc bảo đảm giáo dục phổ thông, tối thiểu cần thiết cho mọi công dân. Học sinh sau THCS thì hoặc là vào trường trung học nghề, hoặc là vào THPT, mà THPT thì đã xác định dứt khoát là để chuẩn bị cho ĐH, CĐ – bậc học này bắt buộc phải chú ý đến sở thích của học sinh, mỗi học sinh phải chuyên một lĩnh vực nào đấy, chứ không phải là dạy chung chung. Ở bậc THPT chỉ có hai môn chính bắt buộc là văn và toán, nhưng văn và toán mỗi người cũng ở mức độ khác nhau tùy theo, còn lịch sử không vào loại bắt buộc mà có tính chất tự nguyện, nhưng phải hiểu là tự nguyện chuyên, chứ còn những học sinh không chọn lịch sử làm môn chuyên thì vẫn phải học lịch sử ở mức tối thiểu.

Như vậy có thể thảo luận chuyện tích hợp môn lịch sử vào các môn khác ở bậc THCS là nên hay không nên. Một số anh em bên sử học như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc lên tiếng phản đối việc tích hợp, theo tôi hiểu là các anh ấy có lý do để làm như vậy, nhưng tiếc là lại có người này người kia muốn dựa vào những ý kiến đó để nâng vấn đề lên thành lập trường, cáo buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo coi nhẹ lịch sử. Thật ra thảo luận như vậy là chệch hướng.

Sở dĩ câu chuyện môn lịch sử ồn ào là bởi vì cách dạy lịch sử ở trường trung học của chúng ta chưa ổn, dạy thế nào mà học sinh chán, không thích học. Vấn đề là ở chỗ đó. Lẽ ra phải thảo luận đến nơi đến chốn việc tại sao học sinh chán học môn lịch sử, tại sao dạy môn lịch sử không có kết quả.

Nhìn kỹ lại thì một trong những nguyên nhân quan trọng là như thế này: trường học chỉ tập trung dạy về giai đoạn lịch sử sau năm 1930, còn trước năm 1930 thì dạy phớt, đến nỗi có người nói rằng coi như cả lịch sử đất nước chỉ có từ năm 1930. Trong các kỳ thi THPT, các câu hỏi bao giờ cũng về giai đoạn ấy, rất ít khi rơi vào những giai đoạn trước.
Và dạy về giai đoạn từ năm 1930 đến nay nhưng chỉ dạy theo quan điểm một chiều, không nói hết sự thật, cho nên học sinh chán bởi chúng đâu phải không biết gì, hay chỉ biết bảo sao nghe vậy.

Cái thứ nữa là trước năm 1930, sử dân tộc mình cũng biết bao nhiêu chuyện vẻ vang, dân tộc mình thì mình phải biết kỹ, trong khi cách dạy lịch sử hiện nay có vẻ không coi trọng nhiều lắm đến điều đó.

Một điều quan trọng là môn lịch sử muốn hấp dẫn học sinh thì phải có nhiều câu chuyện nhưng sách vở lịch sử của ta rất thiếu, phim lịch sử cũng thiếu, cho nên ngoài SGK, ngoài lời thầy dạy, học sinh không tìm ra được chỗ nào để biết thêm.

Đáng lẽ ra phải phân tích kỹ chỗ đó, còn chuyện tích hợp hay không là chuyện kỹ thuật. Có thể là không nên tích hợp mà phải dạy riêng môn lịch sử, nhưng việc đó dễ giải quyết. Còn cái việc khó hơn, chính yếu hơn làm thế nào cho môn sử hấp dẫn và học sinh thích học thì lại chưa được thảo luận rốt ráo.

Đáng lý cứ để công chúng thảo luận thì Quốc hội lại ra quyết định ngay là môn sử phải dạy riêng thành một môn. Tôi thấy Quốc hội không cần thiết phải quyết định như thế, điều đó có nghĩa là môn lịch sử sẽ tiếp tục được dạy riêng nhưng điều đáng nói hơn là hơn cách dạy sử như lâu nay sẽ không thay đổi bao nhiêu. Trong lúc đó rõ ràng vấn đề là phải thay đổi cách dạy sử thì câu chuyện đó lại bị cuộc tranh luận tích hợp hay không tích hợp lu lấp hết cả.

Không nên phủ nhận mọi nỗ lực cải cách của ngành giáo dục

Một thời gian rất dài, nền giáo dục Việt Nam có thể nói là trì trệ và một trong những lý do là những người lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không chịu nghe, rất bảo thủ. Tôi từng có bài trên Tia Sáng “Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng”.

Nhưng đó là tình hình trước đây, còn độ bốn – năm năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tinh thần lắng nghe và có tinh thần muốn thay đổi thật sự. Bộ đã ra được nghị quyết về đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, trong khi trước đó chỉ dám nói thay đổi từ từ. Trong những cố gắng đổi mới đó, dĩ nhiên có những cái làm được, có những cái chưa làm được, và có những cái cũ vẫn còn phát tác, tức là nói về tiêu cực trong giáo dục thì vẫn còn nhiều nhưng mà phải thấy ngành giáo dục đương cố gắng vươn lên, những gì ngành làm được thì phải ủng hộ.

Tôi lấy thí dụ việc thi cử. Từ rất lâu rồi tôi đã nói thi cử ở Việt Nam rất lạc hậu. Hằng năm đến kỳ thi, gia đình nào có con đi thi cũng rất khổ sở. Năm vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới thi cử, không thi kiểu thi ba chung như trước mà thi rất nhẹ nhàng, được nhiều người ủng hộ. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều người vẫn giữ thành kiến bấy lâu nay về Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho nên họ cứ phê bình lung tung.

Tôi nghĩ rằng nếu một cơ quan, một ngành sau khi bị phê phán mà tự nó thấy được cái sai và đương trên quá trình sửa – quá trình sửa thì không phải một hôm hai hôm mà xong – thì phải ủng hộ những cái tốt của nó chứ còn hễ cái gì nó đưa ra cũng bị phê phán thì không bao giờ nó đổi mới được.

PV ghi

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)