Tiến bộ là một đường thẳng?

Tiến bộ, theo cách hiểu cổ điển, là con đường đi lên theo "bề dọc". Xác định theo "bề dọc" là việc rất khó, bởi nó có thể dẫn lên đỉnh cao mà cũng có thể kéo dẫn xuống vực sâu! Vì thế, thay cho cách nói ấy, ngày nay người ta, khiêm tốn hơn, chuộng nói theo "bề ngang".

Khai minh là điều kiện tiên quyết cho sự tiến bộ trong nhiều lĩnh vực: khoa học, giáo dục, đạo đức, xã hội. Tiến bộ thường được quan niệm như là sự phát triển ngày càng cao hơn. Theo lòng tin này, không chỉ cá nhân mà cả cộng đồng, rồi cả nhân loại, về nguyên tắc, đều có năng lực phát triển ngày càng không ngừng cao hơn. Chính lòng tin mãnh liệt này vào sự tiến bộ, vào khả năng giáo dục con người và loài người nói chung, là cội nguồn của nhiều triết thuyết giáo dục và sư phạm thực hành từ “thời đại khai minh” (thế kỷ 18) cho đến ngày nay. Đó là lòng tin lớn lao vào hiệu quả giáo dục (còn gọi là “thuyết lạc quan sư phạm”), tức lòng tin vào sự biến đổi có mục đích của não trạng, nhân sinh quan, thái độ sống v.v… nhằm vượt qua những khủng hoảng xã hội. “Chủ nghĩa lạc quan” ấy có cơ sở không và đã trải qua những biến chuyển nào?

NGHỊCH LÝ CỦA “TIẾN BỘ”

“Khai minh” – dù biểu thị một thời đại theo nghĩa hẹp hay một tư thế sống, theo nghĩa rộng – dựa vào ẩn dụ về “ánh sáng”. Khai minh là rời bỏ hang tối của mê lầm và định kiến, để tự kiểm tra để xem sự việc có đúng hay không và điều gì nên làm hay không nên làm. Khai minh, trong quan niệm của Kant, bao hàm cả hai khía cạnh: kiểm tra sự hiểu biết của ta về thế giới, đồng thời và kiểm tra về chính khả năng có thể nhận thức của ta. Như thế, khai minh là không còn phục tùng mù quáng những gì ta tin và ta vâng lời, mà không tự hỏi phải chăng chúng chỉ là sản phẩm của “sự lười biếng và hèn nhát” của chính bản thân ta. Trong quan niệm như thế về “khai minh” rõ ràng đã chứa đựng sẵn tiềm năng tự phê phán về chính mình, kể cả phê phán về quan niệm “lạc quan về tiến bộ”.

Và, trong thực tế, đã không thiếu những luận cứ vạch ra những chỗ mâu thuẫn, nghịch lý của một quan niệm “dễ dãi” về sự tiến bộ:

1.   Nói đến tiến bộ là nói đến một ẩn dụ có tính định hướng, theo đó, “cao hơn” bao giờ cũng có nghĩa là “tốt hơn”; “ở trên” bao giờ cũng hơn “ở dưới”, nói khác đi, một sự “tăng cường” như thế giả định rằng lịch sử có một mục tiêu, một cứu cánh tối hậu. Một thứ “cứu cánh luận về lịch sử” như thế là vô bằng cớ, bởi không ai có thể nhận diện một “siêu tác nhân” hoạt động như “bàn tay vô hình” (Adam Smith) hay “lý tính ranh mãnh” ở hậu trường (Hegel), hiểu như là ý nghĩa hay quy luật lịch sử.

2.   Một “cứu cánh luận” như thế không khéo sẽ phá hủy nền tảng đạo đức. Nếu lịch sử đàng nào cũng sẽ “tiến bộ đi lên”, việc gì tôi phải nỗ lực góp phần? Trầm trọng hơn, quan niệm đạo đức về sự tiến bộ của “nhân loại” rõ ràng mâu thuẫn với quan niệm của chính Kant về con người như “cứu cánh tự thân” chứ không phải chỉ là phương tiện, công cụ, dù là cho “lịch sử nhân loại”!

3.    Hệ luận của điều trên là đối xử “bất công” với những thế hệ đi trước. Thật thế, nếu đời sống của từng cá nhân quá ngắn ngủi, không kịp “phát triển hết mọi tố chất và khả thể”, thì cần có nên cần sự kế tục của nhiều thế hệ. Thế nhưng, các thế hệ tiền nhân phải chăng chỉ là “chất liệu” đơn thuần cho sự tiến bộ vô danh, hay, như Hannah Arendt nhận xét: “sự tiến bộ của giống loài chẳng mang lại ích lợi gì cho từng cá nhân hết cả!” Một câu hỏi trầm trọng cho triết học giáo dục!

4.   Sự tiến bộ của giống loài hóa ra là một sự “vô tận giả mạo”, tức một sự tăng tiến bất tận với sự “bất mãn” bất tận?

5.   Sự tiến bộ phải chăng sẽ dẫn đến một sự “đồng dạng hóa”? Việc loại bỏ dần những giá trị, những phong cách sống cổ truyền không làm cho thế giới nghèo nàn đi?

6.   Và, sau cùng, phải chăng ý niệm về sự tiến bộ không gì khác hơn là một thứ tôn giáo được “thế tục hóa” mà thôi?

TƯƠNG LAI “MỞ”

Tiến bộ, theo cách hiểu cổ điển, là con đường đi lên theo “bề dọc”. Xác định theo “bề dọc” là việc rất khó, bởi nó có thể dẫn lên đỉnh cao mà cũng có thể kéo dẫn xuống vực sâu! Vì thế, thay cho cách nói ấy, ngày nay người ta, khiêm tốn hơn, chuộng nói theo “bề ngang”: chẳng hạn, tiếp tục phát triển, tiếp tục học tập, đào tạo v.v… Một khi quan niệm tiến bộ hướng theo bề dọc mất dần sức thuyết phục, thì quan niệm về “tương lai mở” ngày càng được chấp nhận, bởi không ai dám đoan chắc rằng cuộc hành trình của chúng ta (về giáo dục, đạo đức, chính trị…) sẽ dẫn đến đâu và “nên” dẫn đến đâu. Khi tương lai “mở” ra trước chúng ta, câu hỏi sẽ là: tương lai “đến với” chúng ta hay ta “đi tới” tương lai? Ẩn dụ về “tiến bộ” hiểu tương lai theo cách sau: ta tin rằng mình nắm chắc tương lai, nên có thể dùng ý chí để thiết kế nó, cải tiến nó theo hình dung của mình. Ngược lại, nếu hiểu tương lai như là “sự biến” sẽ xảy ra cho ta, thì buộc ta phải thường xuyên đổi mới chính mình, phải lo “tự trang bị” để đương đầu với nó dù ta muốn hay không. Bám giữ cái cũ sẽ đón nhận thất bại. Tự thay đổi và không ngừng cải cách, đổi mới là con đường sống. Tự thay đổi để thích hợp với hoàn cảnh và tình thế, chứ không phải đòi ngược lại: biến đổi tương lai cho phù hợp với hình dung và sở nguyện của mình.

Sáng kiến, sáng tạo, do đó, đang là tiêu ngữ của thời đại bấp bênh và nhiều nguy cơ ngày nay, hơn là cách nói “duy ý chí” quen thuộc của nào là “quyết tâm”, “phấn đấu”… của một thời!

TRỞ LẠI VỚI KANT

Kant thường được xem là đại biểu của quan niệm về sự tiến bộ. Nhưng, đọc kỹ, ta thấy Kant không hề là một nhà lạc quan dễ dãi. Ông không che dấu cái nhìn khá “bi quan” về thân phận mỗi cá nhân: “Hoàn cảnh hiện thời của mỗi cá nhân bao giờ cũng tồi tệ so với hoàn cảnh tương lai mà họ hăng hái bước vào. Hình dung về một sự tiến bộ không ngừng hướng đến cứu cánh tối hậu không khỏi đồng thời là viễn cảnh về chuỗi dài những điều tồi tệ, không để cho con người có sự hài lòng, thỏa mãn nào cả”. Lòng tin “thế tục hóa” luôn xung đột với sự “bất tất, mong manh” của kiếp người. Vì thế, việc giáo dục hướng đến tự do cần phải từ bỏ quan niệm “cố định”, “chết cứng” về con người và cả về mẫu người “lý tưởng” nào đó. Theo Kant, không có những chân lý vĩnh cửu để chỉ đơn thuần được “vận dụng” trong thực hành giáo dục, giống như không có quy tắc nào của hội họa giúp tạo ra những nhà họa sĩ đích thực cả. Mỗi người tự quyết về số phận của mình, không theo một cương lĩnh giáo dục tối hậu nào hết. Cũng như nghệ thuật, giáo dục, theo Kant, là sự tìm tòi thường trực những sáng kiến để phù hợp với những yêu cầu của sự tự định hướng cho chính mình. “Giáo dục là một nghệ thuật” (Kant) (tức người dạy và người học đều là những “nghệ sĩ”), một quan niệm vượt lên chủ trương duy lợi và duy công cụ, mở đường cho triết thuyết giáo dục của thuyết Duy tâm Đức sau Kant, một trong những thời kỳ sâu sắc nhất của tư duy giáo dục, như ta sẽ tìm hiểu tiếp theo đây.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 26, 24.07.2014)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)