Tiếp nhận công nghệ đào tạo, bồi dưỡng tài năng của Mỹ vào Việt Nam
Áp dụng mô hình giáo dục đại học và chương trình đại học Mỹ, các quốc gia châu Á đi sau đã mau chóng tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng, làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Vậy Việt Nam nên áp dụng mô hình đó như thế nào?
Thiên tài và tài năng thiên bẩm là rất hiếm hoi. Sự khác biệt giữa quan niệm về tài năng của Mỹ với các quốc gia khác ở chỗ: tài năng theo quan điểm của Mỹ là số đông được đào tạo và bồi dưỡng trong các trường đại học có uy tín có bằng cấp cao. Thực chất quá trình đào tạo tài năng ở Mỹ phụ thuộc vào khả năng và sự lựa chọn của người học. Do đó các khóa học và chương trình đào tạo được xây dựng tùy thuộc vào trình độ, có nhiều chủ đề khác nhau và chính quá trình đào tạo bồi dưỡng đó tự nó vừa tuyển chọn người có năng khiếu và đào tạo ra tài năng cho từng ngành, lĩnh vực.
Mô hình giáo dục đại học của Mỹ
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thừa nhận Mỹ có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới. Giáo dục đại học Mỹ có một số đặc điểm nổi trội: Chất lượng đào tạo đạt trình độ cao, khuyến khích sáng tạo, chương trình đào tạo theo sát yêu cầu thực tế và luôn thay đổi, sử dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, nghiên cứu và đào tạo gắn chặt với nhau.
Điều tạo nên tính độc nhất vô nhị của hệ thống giáo dục đại học Mỹ chính là tính chất đa dạng về chất lượng. Nó bao gồm từ những trường trung học được nâng cấp lên thành đại học cho đến những trường tốt nhất thế giới. Không ai kiểm soát nó theo cách quản lý mà các bộ giáo dục của các quốc gia khác đang tiến hành. Tính chất đa dạng dường như là vô hạn, cái gì cũng có thể dạy được. Một học sinh trung học không được xếp loại khá ở bậc phổ thông vẫn có thể bước vào một trường đại học danh giá nhất nước Mỹ, nếu anh ta có chỉ số IQ cao. Thành tích kém cỏi trong quá khứ không phải là tiêu chuẩn để xem xét, lỗi có thể do nhà trường trung học chứ không phải là học sinh. Một hệ thống giáo dục tôn trọng các giá trị cá nhân trong quá trình phát triển. Với quan niệm đó đại học Mỹ đã lựa chọn được đông đảo những sinh viên có năng khiếu, để đào tạo họ thành người tài năng.
Tài năng theo quan điểm của Mỹ là số đông được đào tạo và bồi dưỡng trong các trường đại học có uy tín có bằng cấp cao. Chính quá tình đào tạo bồi dưỡng đó tự nó vừa tuyển chọn người có năng khiếu và đào tạo ra tài năng cho từng ngành, lĩnh vực. |
Hầu hết các nước công nghiệp phát triển đều áp dụng mô hình giáo dục đại học và chương trình đào tạo bậc đại học của Mỹ. Ở châu Á, một số trường có chất lượng cao như Nan yang, Đại học quốc gia của Singapore, Chulalongkorn của Thái Lan, đại học quốc gia Seoul, Đại học Korea, đại học Yonsei của Hàn Quốc, đại học Thanh Hoa cua Trung Quốc đều sử dụng các chương trình của đại học Mỹ để giảng dạy. Giáo trình các trường đại học châu Á nêu trên đang sử dụng là các giáo trình của Harvard, MIT, Stanford, Beckely ở Califonia. . . Để tiếp thu một cách chính xác, trung thực nội dung của các giáo trình đại học Mỹ, các giáo sư đại học sử dụng nguyên bản tiếng Anh, không chú ý tới việc biên soạn giáo trình. Nếu cần sử dụng làm tài liệu tham khảo cho số đông sinh viên, các trường đại học sẽ tiến hành biên dịch. Việc biên dịch các tài liệu từ tiếng Anh ra ngôn ngữ bản địa thực tế không được các trường đại học này khuyến khích, bởi vì hầu hết sinh viên ở các trường đại học nêu trên đều sử dụng tiếng Anh thành thạo. Chính nhờ áp dụng mô hình giáo dục đại học và chương trình đại học Mỹ, các quốc gia châu Á đi sau đã mau chóng tạo ra nguồn nhân lực có kỹ năng, làm chủ công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Quan trọng hơn là rút ngắn thời kỳ công nghiệp hóa trong thời kỳ trước đây và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại ngày nay.
Áp dụng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tài năng của Mỹ vào Việt Nam theo cách thức nào?
Các chương trình đào tạo tài năng toán học và Khoa học công nghệ (BEST) kinh doanh (HP và EP), đào tạo lãnh đạo ở Mỹ có thể áp dụng vào Việt Nam theo trình tự sau:
1. Tổ chức chọn lựa sinh viên có năng khiếu của Việt Nam học các chương trình đào tạo tài năng theo quy trình chặt chẽ. Ở Mỹ việc chọn các sinh viên có năng khiếu thông qua những bài thi và dựa vào các đánh giá chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), CQ (chỉ số sáng tạo). Mức độ cạnh tranh vào học tại các trường đại học danh tiếng với chương trình đào tạo tài năng rất gay gắt. Bởi vì sau khi kết thúc khóa học, các sinh viên đó mau chóng có việc làm, có thu nhập cao tại những công ty lớn. Cách chọn học sinh có năng khiếu của Việt Nam hiện tại để đào tạo chưa ổn do đó Việt Nam có thể tham khảo cách thi tuyển của một số trường đại học Mỹ, sử dụng các tiêu chuẩn đánh giá của ETS (Công ty phát hiện và tuyển chọn tài năng của Mỹ), để chọn ra các ứng viên có năng khiếu tham gia các khóa đào tạo tài năng.
2. Lựa chọn một số chương trình có khả năng thực hiện tại Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á đã áp dụng thành công. Thí dụ các chương trình của Harvard, MIT, Chicago và Stanford. Riêng về chương trình đào tạo tài năng kinh doanh và quản lý nên áp dụng chương trình của Harvard (xem cụ thể chương trình đào tạo của Harvard Business School, Kennedy School qua (www. hbs. edu/about/case. html). Còn đào tạo tài năng toán học và khoa học công nghệ có thể nghiên cứu các ý tưởng và mục tiêu của BEST qua (www. best workforce. org).
3. Tập trung cao độ cho việc đào tạo giáo viên. Có thể khẳng định rằng số người có thể giảng dạy được các chương trình đó tại Việt Nam rất ít. Do yếu kém ở cả ba khâu, tri thức, tiếng Anh và phương pháp giảng dạy. Có hai cách tiếp cận và chuyển giao các chương trình đó vào Việt Nam. Một là, lúc đầu mời một số giáo sư của đại học Mỹ sang Việt Nam giảng dạy. Hai là, cử một số giáo viên trẻ có năng lực sang Mỹ để tiếp thu, thực hiện đào tạo thí điểm tại đại học Quốc gia Hà Nội, có đánh giá kết quả, sau đó nhân rộng diện đào tạo nguồn nhân lực tài năng ở một số trường đại học trọng điểm của Việt Nam. Để cho sinh viên có tài liệu tham khảo, Bộ Giáo dục đào tạo cần phải hỗ trợ kinh phí để dịch các tài liệu cần thiết ra tiếng Việt. Chắc chắn số tiền dịch và xuất bản các tài liệu đó không nhiều so với việc thuê các tác giả Việt Nam biên soạn giáo trình. Lợi thứ nhất là nhà nước, ngành giáo dục tiết kiệm được nguồn tài chính. Lợi thứ hai, sinh viên tiếp thu một cách chính xác tư tưởng và nội dung khoa học. Bởi vì, nhiều giáo trình đại học do tác giả Việt Nam biên soạn quá đơn giản, những nội dung cần thiết cho việc phát triển tư duy thường bị cắt bỏ, thậm chí một số vấn đề trình bày không đúng, theo ý chủ quan của tác giả.
4. Đổi mới phương pháp giảng dạy. Phương pháp giảng dạy là bộ phận chủ yếu cấu thành nên công nghệ giáo dục. Trong đó, việc phát hiện, hướng dẫn, khuyến khích ý tưởng mới, trao đổi và tranh luận thẳng thắn được xem là những khâu quan trọng. Ngoài ra để áp dụng công nghệ giáo dục hiện đại, các trường đại học cần phải đầu tư thiết bị hiện đại, liên kết giữa giáo dục đào tạo với các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức công nghiệp, để thực hiện những đề tài khoa học có giá trị thực tế.
5. Tăng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đại học. Muốn cho chất lượng đào tạo được nâng cao, đào tạo gắn kết với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, nhà nước cần phải ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cho các trường đại học trọng điểm. Mau chóng chuyển các trường đại học thành trung tâm nghiên cứu lớn của quốc gia theo mô hình của các nước tiên tiến trên thế giới. Không có một nhà khoa học nào được giải thưởng Nobel mà lại không tham gia các dự án lớn, bên cạnh mình không có các phòng thí nghiệm và không có các thiết bị hiện đại hỗ trợ nghiên cứu. Tự do học thuật và khoan dung là hai điều kiện cơ bản cho sáng tạo và đổi mới.
6. Mở rộng liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp. Hiện nay, chương trình đào tạo của các trường đại học xa rời các yêu cầu kỹ năng của các doanh nghiệp. Do đó cần phải mở rộng lien kêt giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Một mặt đào tạo ra lực lượng nhân lực có trình độ cao phục vụ cho quá trình phát triển, mặt khác các trường đại học có thể nhận nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Vốn tài trợ đó có thể giúp đổi mới chương trình đào tạo hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và giúp cho các sản phẩm nghiên cứu được thương mại hoá. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc Nhật Bản liên kết giũa các truong đại học và cac cơ sở sản xuât công nghiệp la rât chặt chẽ. Đặc biệt một số trường đại học đã chuyển sang mô hình đại học doanh nghiêp như MITcủa Mỹ, NUS của Singapo. Ngoài ra để mở rộng không gian hoạt động tường đại học phải có quyền tự chủ cao.
***
Đào tạo nguồn nhân lực tài năng trong quá trình CNH đất nước là yêu cầu cấp thiết. Hiện nay không chỉ có đại học quốc gia Hà Nội mà một số trường đại học khác cũng triển khai đào tạo cử nhân tài năng, cử nhân chất lượng cao. Tài năng là hiếm hoi, nhưng khi mở rộng diện đào tạo tài năng thành phong trào chắc chắn chất lượng đào tạo sẽ giảm sút. Thực tế, Việt Nam đã trải qua nhiều hoạt động có tính phong trào; rốt cuộc phong trào thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Do đó, các cơ quan quản lý giáo dục cần có đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Theo tôi, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phải xuất phát từ phía nhu cầu: nhu cầu của người học và nhu cầu của người sử dụng. Xuất phát từ phía cung như hiện nay là việc làm phản khoa học. Chỉ khi nào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tài năng ăn nhịp với nhu cầu thực tế của tiến trình phát triển kinh tế – xã hội về kỹ năng nghề nghiệp thì việc đào tạo và sử dụng mới mang lại hiệu quả.
—
* PGS. TS, Viện NC Châu Phi vàTrung Đông