Tiêu chí về nền giáo dục đại học

Để phát triển bền vững trong khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, Giáo dục Đào tạo (GDĐT) đóng một vai trò rất quan trọng. Những điều này đã được luận bàn nhiều, trong bài này tôi chỉ xin đề cập đến: thế nào là một nền GDĐT "lành mạnh" để đóng một vai trò cho phát triển bền vững?

Nói tóm tắt, một nền GDĐT “lành mạnh” là: một nền GDĐT có sứ mạng rõ rệt, mang mục tiêu khả thi, mang tính khoa học, trung thực, rạch ròi, bảo đảm được hiệu quả ích lợi cho xã hội cho đất nước, bảo đảm được sự công bằng cho mọi công dân, vv.
Trong giới hạn của bài viết, chỉ xin nêu vài điểm với thí dụ minh họa tập trung vào GDĐT đại học:

Sứ mạng của nền đại học. Nói vắn tắt: sứ mạng của nó là mở rộng biên thùy của sự hiểu biết, mang sự hiểu biết (đã, đang và sẽ có được) vào cuộc sống; do đó từ nghiên cứu cơ bản, tìm cách chuyển sang nghiên cứu áp dụng, rồi đưa vào sử dụng đại trà (thí dụ như khâu công nghệ của một số ngành, có liên kết với các doanh nghiệp), song song với sự chuyển giao hiểu biết. Từ sứ mạng đó, mới định ra mục tiêu, qui chế, mới phân biệt phần kiến thức cơ bản và phần đào tạo nghề nghiệp, mới đưa những phương tiện tài chính và vật chất vào để thực hiện, mới tính toán sao cho cân đối ngành nghề hợp với nhu cầu, mới phân chia vai trò của công lập và tư lập, vv. Sức mạnh của một siêu cường và của các nước phát triển cao hiện nay chính nhờ ở quan niệm đại học như vậy, chứng tỏ một niềm tin lành mạnh vào khoa học. Nó khác xa với một quan niệm về một nền đại học nào đó (lại thêm cụm từ “sau đại học” nữa!) tồn tại trong một số người Việt Nam, kiểu: đại học là nơi tụ tập một số “danh nhân” được “phong hàm (hay chức danh) giáo sư cao quí (!)”, với những phương tiện đồ sộ, rồi để tồn tại, phải tiếp tục có công trình nghiên cứu để chứng minh sự cần thiết của mình, và để chuyển giao sự hiểu biết về những phát minh có thể là vô bổ của mình cho những sinh viên chen đua vào học để có bằng cấp cần thiết cho một địa vị xã hội, và rồi cứ quay vòng như vậy… Một quan niệm sai lạc như vậy không thể tạo ra những con người “biết việc” và những “tay nghề có giá trị” cần thiết cho sự phát triển.

Mang tính trung thực. Một nền GDĐT mà bằng cấp đánh giá đúng được trình độ hiểu biết, danh hiệu phù hợp với chức vụ, với nhiệm vụ. Nền GDĐT đó không chạy theo thành tích với bất cứ giá nào. Có những con số thống kê mà người ta đem ra để đánh giá trình độ của một đại học. Phải hiểu đó là một phần những tiêu chí để đo một thực trạng, chứ không phải là “điều kiện đủ” để đạt trình độ. Lại càng nguy hiểm hơn nữa khi những con số đó được nêu ra như những mục tiêu, với sự khù khờ hay ẩn ý bên trong: Cần đạt tỉ số “bao nhiêu sinh viên/1 vạn dân”? Cứ mở vung vãi nhiều “đại học”, tuyển sinh cho nhiều dù có phải giảm điểm sàn, thì cũng đạt được. Cần đạt tỉ số “bao nhiêu sinh viên/1 nhà giáo”? Cứ tuyển bừa nhà giáo có trình độ hay không, thì cũng đạt được. Cần “bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ ” cho những năm tới? Nếu coi bằng cấp chỉ là những mảnh giấy có đóng dấu, thì giấy tờ và con dấu rất dễ tạo. Nhưng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, không đơn giản như vậy.

Mang tính khả thi. Một nền GDĐT mà mục tiêu phù hợp với khả năng thực hiện, chứ không phải là với một mục tiêu “hoành tráng” nêu ra – dù không chủ ý để tự dối mình và dối người – xa rời thực tế của nước mình. Một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học mang tính khả thi ở nước ta hiện nay, không mơ tưởng đến những lĩnh vực “khoa học bự” (tôi dịch chữ “big science”: kiểu dự án ITER, trung tâm CERN, thám hiểm vũ trụ…) mà tập trung vào những lĩnh vực không cần đầu tư tốn kém lắm và chỉ cần những công nghệ trong tầm tay của ta, với một đội ngũ chuyên gia có đủ hiểu biết: thí dụ như những lĩnh vực về năng lượng tái tạo, vv… để nâng mức sống, mà không gây ra tai họa.


Khuôn viên Trường Quản trị kinh doanh thuộc  Harvard

Các hệ công lập và tư lập được phân biệt rạch ròi. Tư nhân mở trường là một sự lựa chọn cá nhân,  kể cả trong mục tiêu thiện chí. Nhà nước mở trường, là một bổn phận bảo đảm được cho GDĐT vai trò “lò nung đúc trí tuệ của dân tộc” trong sự liên tục và có thừa kế, bảo đảm công bằng xã hội cho mọi công dân trong việc học tập, bảo đảm được hướng đi lên, đại trà và/hoặc tinh hoa, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, có nghiệp vụ cao vv. Ngay trong khung cảnh giả thuyết tư và công đều vô vị lợi, tư nhân mở trường phải tính toán để tồn tại, cho nên trường tư có thể chọn những ngành đầu tư ít mà chóng có hiệu quả; còn Nhà nước, nơi “cầm trịch”, có bổn phận phải (ít hay nhiều) đảm nhiệm mọi ngành, đặc biệt là các ngành cần đầu tư lớn, dài hạn, hoặc mang tính chất chiến lược – ở đây, đừng lẫn lộn với chuyện bao cấp vô tội vạ – liên quan đến cả vấn đề độc lập tự chủ và thống nhất của đất nước. Vì vậy, khẳng định rằng “công lập” và “tư lập” cũng như nhau, là một khẳng định khiên cưỡng. Lại có vấn đề tham gia của doanh nghiệp vào GDĐT. Có ý cho rằng doanh nhân sử dụng nhân công đã được đào tạo, vậy thì họ phải chịu hoàn toàn gánh mảng đào tạo nghề nghiệp kỹ thuật. Ý này có phần đúng mà cũng có phần không đúng, bởi vì doanh nghiệp phát triển thì doanh nhân, dù có lợi riêng, cũng góp phần làm giàu cho đất nước; họ được hưởng, nhưng cũng có phần đóng góp. Nhưng cũng như đã nói trên, họ không có “vai trò chủ trì” như nhà nước, cho nên sự tham gia của doanh nghiệp tuy là cần thiết (về mặt nội dung đào tạo cũng như về mặt tài chính – ở một số nước có thứ thuế  mà doanh nghiệp phải đóng đặc biệt cho quĩ đào tạo nghề nghiệp), nhưng không thể hoàn toàn giao phó hẳn một mảng đào tạo cho doanh nhân.

Mang tính khoa học. Theo nghĩa rộng, dù về nội dung hay về cách tổ chức. Vài thí dụ:
a) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, không có chỗ cho những tình trạng phi lý, dẫn tới sự tồn tại những công trình nghiên cứu mà kết quả được khẳng định lại không có chứng minh, thí dụ bón lúa bằng mắt nhìn.
b) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, không có những qui định kỳ lạ để đánh giá công trình khoa học theo kiểu hành chính cứng nhắc, dùng số lượng để đánh giá chất lượng, thí dụ như muốn thành giáo sư (GS) thì phải có bao nhiêu ấn phẩm, dài, ngắn thế nào vv. Ai đã từng thực sự hành nghề khoa học đều biết là giá trị phụ thuộc vào nội dung công trình. Có những giải thưởng lớn được trao mà nội dung công trình chỉ chứa đựng trong một vài ấn phẩm. Thời gian phát minh cũng không cứ là phải dài, trong khi có những ấn phẩm được rặn ra cả mớ, mà không mang lại được ích lợi gì. Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, cũng không thể có chỗ cho một qui định loại: muốn là GS thì phải thạo tiếng Mỹ và chỉ tiếng Mỹ thôi – tại sao một chuyên gia về văn hóa Tây Ban Nha, hay văn hóa Pháp, hoặc văn hóa Chăm lại phải chịu tiêu chuẩn đó? Không nên lẫn lộn “nên” và “phải”. Thiết tưởng những nhà quản lý chỉ nên có những qui định về cơ cấu – thí dụ như có hay không có “Hội đồng nhà nước công nhận tư cách ứng viên GS”, “Hội đồng khoa học tuyển chọn GS của từng đại học” –  còn về nội dung đánh giá thì cứ để cho các nhà khoa học thành viên các hội đồng đó quyết định với nhau, như ở các nước đã phát triển vẫn làm.
c) Trong một nền GDĐT mang tính khoa học, tất nhiên cũng không có chỗ cho sự nhập nhằng, lẫn lộn về khái niệm về “chức vụ” và “hàm-chức danh” cho nhà giáo, giải thích, bàn cãi cả mấy năm vẫn chưa tỏ.

Không bắt chước một cách dập khuôn. Xin  nêu một thí dụ, dù rằng chúng thuộc khía cạnh thứ yếu:
Vấn đề “khuôn viên” (campus) đại học “điển hình” nào đó: khang trang, hội tụ đầy đủ những phương tiện vật chất, tập trung được mọi ngành, nơi mà nhà giáo và sinh viên có những điều kiện học tập và sinh hoạt tối ưu. Nhưng hình như một số khuôn viên đại học điển hình như vậy được xây dựng đã lâu đời, ngay từ thuở thành phố được qui hoạch, cho nên nằm ngay trong nội thành; đó là chưa kể đến những phương tiện di chuyển tương đối dễ dàng. Cách đây vài chục năm ở Châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, người ta cũng xây cất một số “khuôn viên” đại học mới, nhưng lại ở ngoại thành, (vì lý do dễ hiểu: đất rẻ); đến chiều và đến cuối tuần thì “vắng như chùa bà Đanh”. Ngược lại, tôi đã từng hành nghề mấy chục năm ở đại học không có khuôn viên tập trung, nhưng giữa lòng thủ đô Paris; tuy có những nhiêu khê, nhưng cũng có những thuận lợi, thí dụ có thể tổ chức những lớp giảng vào những giờ muộn chiều tối, mà cả những người đang đi làm kiếm sống cũng có thể tham dự. Đó là chưa kể đến vấn đề sinh viên cư trú trong gia đình, đỡ tốn kém, vì chỗ ở cho sinh viên ký túc xá không phải là vô hạn vv. Cho nên cũng cần có sự cân nhắc, liệu cơm mà gắp mắm.

Bùi Trọng Liễu

Tác giả