Tin thêm về trường đặc cách ở Mỹ *

Ngày 5-4 mới đây, Trung tâm Cải cách giáo dục (Center for Education Reform, CER) đã công bố Báo cáo điều tra tình hình các trường đặc cách ở Mỹ. Tài liệu này cho thấy hiện nước Mỹ cần lập thêm khoảng 5.000 trường đặc cách nữa mới đáp ứng nhu cầu của học sinh.


Được ưa chuộng vì không quan liêu, phiền toái

Bản báo cáo cho biết: do ngày càng có nhiều phụ huynh các sắc tộc ít người và tầng lớp nghèo muốn chuyển con em họ đi khỏi các trường công truyền thống lâu nay hoạt động không tốt, danh sách học sinh xin vào học trường đặc cách đã tăng lên một cách đầy ấn tượng; bình quân mỗi trường đặc cách ở Mỹ đang đứng trước yêu cầu tiếp nhận thêm 239 học sinh (trong khi bình quân một trường đặc cách hiện nay có 372 học sinh), tức trong năm 2009 nhu cầu cho con em học trường đặc cách của các phụ huynh đã tăng 21%. Hơn 54% học sinh các trường đặc cách thuộc diện nhà nghèo; học sinh da màu chiếm 52% sĩ số.

Hiện nay luật pháp hầu hết các bang đều hạn chế số học sinh có thể vào học ở trường đặc cách, cấm lập thêm trường đặc cách hoặc hạn chế số lượng trường đặc cách. Vì vậy cầu đã vượt cung: nhu cầu về trường đặc cách đã vượt quá khả năng hiện có. Một số trường đặc cách đứng trước yêu cầu số học sinh xin học nhiều gấp ba quy mô hiện có của trường.

Theo bà Jeanne Allen, Giám đốc CER, “Trường đặc cách và sự lựa chọn trường thể hiện những gì đang diễn ra trong hệ thống giáo dục Mỹ. Khi được cung cấp sự lựa chọn tốt thì các phụ huynh sẽ chọn được trường tốt nhất cho con em họ. Các nhà làm luật nên lắng nghe ý kiến cử tri của mình và nới rộng khả năng cho học sinh đến với các trường đặc cách bằng cách cho phép lập thêm loại trường này, bảo đảm sự công bằng trong sử dụng ngân sách Nhà nước, cho phép các trường vận hành với nhiều quyền tự chủ hơn và huỷ bỏ sự hạn chế về số trường đặc cách được phép mở.”

Điều đáng ngạc nhiên là các trường đặc cách được dân chúng ưa chuộng không phải vì họ có ngân quỹ lớn để chi tiêu hào phóng (kinh phí mỗi trường đặc cách nhận được từ ngân quỹ của bang và liên bang thấp hơn 3.468 USD so với trường công truyền thống) mà là do họ đưa ra các chương trình, dịch vụ, phương thức giảng dạy thích hợp nhu cầu của các phụ huynh, là những thứ không thể thấy ở các trường công truyền thống.

“Các trường đặc cách tốt không có nạn quan liêu và những thủ tục phiền toái, nhờ vậy phục vụ học sinh, giáo viên và cộng đồng xã hội hiệu quả hơn,” Kevin P. Chavous, một thành viên CER, nói.

Bản báo cáo điều tra nói trên dựa trên phân tích toàn diện các ý kiến phản hồi từ gần 1.000 trong số 5.000 trường đặc cách hiện có ở Mỹ.

Ngay từ tháng 3/2009 Tổng thống Obama đã nói có 365 nghìn học sinh đang chờ đợi được vào học các trường đặc cách, vì thế ông kêu gọi các nghị sĩ nên huỷ bỏ sự hạn chế về số lượng trường đặc cách.

The Equity Project và mức lương giáo viên trong mơ

Năm 2009 Zeke M.Vanderhoek, 31 tuổi, từng tốt nghiệp ĐH Yale, nguyên giáo viên trung học, được phép mở một trường đặc cách có tên là The Equity Project (TEP, Dự án Công bằng) tại Upper Manhattan thuộc thành phố New York mà ông vừa là người sáng lập vừa là hiệu trưởng đầu tiên.

Nhằm thu hút giáo viên giỏi đến làm việc, nhà trường hứa sẽ trả lương cho giáo viên ở mức 125.000 USD/năm (tức 10.417 USD/tháng), chưa kể tiền thưởng khoảng 25.000 USD/năm. Mức lương này cao gấp 2,5 lần mức lương trung bình của giáo viên trung học tại các trường công ở Mỹ.

Để so sánh, xin nêu mức lương năm 2006 của một số chức danh khác: nhân viên công tác phúc lợi xã hội – 39.000 USD, giáo viên trung học – 49.470 USD, nhân viên thư viện – 50.860 USD, kiến trúc sư – 59.760 USD, kỹ sư máy tính – 91.280 USD, luật sư – 113.660 USD, bác sĩ gia đình – 149.850 USD, nha sĩ – 176.900 USD.

Mới đầu trường TEP có bảy giáo viên và 120 học sinh, hầu hết là người Tây Ban Nha nghèo. Về sau trường có 28 giáo viên và 480 học sinh, không có hiệu phó, chỉ có 1-2 người làm công tác xã hội (social workers). Hiệu trưởng hưởng mức lương 90.000 USD/năm, thấp hơn lương giáo viên.

Thành phố của trường đặc cách

Tháng 10/2005 khi tranh cử thị trưởng thành phố New York nhiệm kỳ 2, ông Michel Bloomberg đã hứa sẽ tăng gấp đôi số lượng trường đặc cách của thành phố, lúc đó mới là 50, vào cuối nhiệm kỳ. Luật pháp của bang New York chỉ cho phép toàn bang được lập 100 trường loại này. Tháng 4/2007 luật nói trên đã được sửa đổi, cho phép lập thêm 100 trường đặc cách. Đến mùa thu 2009, thành phố New York đã có cả thảy 100 trường đặc cách, đúng như lời hứa của thị trưởng Bloomberg. Ngoài ra, ông Bloomberg còn cùng Giám mục Nicholas DiMarzio xem xét việc chuyển bốn trường của Giáo hội thành trường đặc cách. Nhờ thành tích ấy, ông Bloomberg được Liên minh toàn quốc vì trường đặc cách (National Alliance for Public Charter Schools) tặng giải thưởng Champion for Charters.

Năm 2008, học sinh các trường đặc cách ở thành phố New York có thành tích học tập tốt hơn các trường công trong thành phố. Hơn 84% học sinh trường đặc cách đạt hoặc vượt điểm chuẩn ở môn toán, trong khi chỉ có 74% học sinh các trường công đạt được như vậy. Ở môn tiếng Anh, 67% học sinh trường đặc cách đạt hoặc vượt điểm chuẩn, con số này ở các trường công là 58%.

Trường đặc cách là trường công điều hành bởi một nhóm thành viên phi lợi nhuận được ủy quyền. Trường có thể bị đóng cửa nếu học sinh không đạt được thành tích học tập tốt hoặc nhà trương không đạt được mục tiêu đã đề ra. Trường đặc cách thu nhận học sinh trong khu vực đặt trường.
—————-
   
* Đọc thêm bài Charter School, một thử nghiệm “thị trường hóa” giáo dục phổ thông ở Mỹ trên Tia Sáng số 10, ra ngày 20-05-2010.
————————
Nguồn tham khảo chính:
1)http://www.edreform.com/Issues/Charter_Connection/?Annual_Survey_of_Americas_Charter_Schools_2010
2) http://www.nytimes.com/2008/
03/ 07/nyregion/07charter.html,
3) www.tepcharter.org
4) http://gothamschools.org/2009/ 02/10/mayor-beats-his-own-deadline-to-open-100-charter-schools/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)