Tính quốc tế là nguyên lý đào tạo nghệ thuật hiện đại
Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghệ thuật có lẽ là điều bắt buộc trong thời đại ngày nay và trong tình hình hiện thời, vì tính chất mở và tính quốc tế là nguyên lý đào tạo nghệ thuật hiện đại, khi nghệ thuật hòa nhập với xã hội và quốc tế.
Nhìn lại thế kỷ 20 ta có thể thấy tới 60 – 70% thành công, thành tựu văn học nghệ thuật Việt Nam là sản phẩm của giao thoa hội nhập mà bước đầu tiên nền tảng là “có yếu tố quốc tế” trong đào tạo đại học. Các “cây đa cây đề” văn nghệ hiện nay thường có những điểm sáng trong Bio-CV của mình là những năm học đại học, thực tập, nghiên cứu ở nước ngoài, làm việc với các nghệ sĩ tên tuổi, các bậc thầy quốc tế. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi học thầy Nga, trường phái Stanislavsky. Đạo diễn Nguyễn Đình Quang học Đức trường phái “lạ hóa” của BB (Bertolt Brecht), ngay đạo diễn Chèo TM cũng nói gặt hái rất nhiều từ chuyến thực tập tham quan trường phái này ở Đức mà ông cho rằng rất gần gũi vì chính Brecht cũng đã học rất nhiều ở sân khấu phương Đông mới sinh ra được cái nguyên lý “lạ hóa – verfremdung” tuyệt diệu của mình. Khỏi nói tới nhạc cổ điển mà các NSND, ƯT… đều là sản phẩm của hợp tác quốc tế trong đào tạo. Việc hiện đại hóa nghệ thuật biểu diễn truyền thống sẽ không xảy ra nếu không có “đào tạo mang yếu tố ngoại”. Điện ảnh cũng cùng một con đường như kịch nói và nhạc cổ điển và ca khúc Việt vv và vv. Mỹ thuật thì rõ ràng hơn: Trường Mỹ thuật (MT) Đông Dương do các thầy Pháp dạy là chính mà các học trò xuất sắc lại trở thành các bậc thầy làm nên bản sắc dân tộc và đỉnh cao nghệ thuật hội họa Việt Nam. Trường MT Việt Nam thời hiện thực XHCN có các thầy Liên Xô dạy nên điêu khắc hiện đại mới nhúc nhích đôi chút và các tác phẩm cuối cùng của trường phái hiện thực XHCN vẫn có chỗ đứng đáng trân trọng trong nghệ thuật Cách mạng. Trường MT Công nghiệp nhờ sự tham gia giảng dạy và làm chương trình đào tạo Design của Đức mà có được uy tín trong lĩnh vực đào tạo nghề hot nhất đương thời này. Nghiên cứu, lý luận văn nghệ thường cũng là sản phẩm của đào tạo quốc tế bởi Việt Nam không có truyền thống nghiên cứu, lý luận và khá yếu về phương pháp luận. vv và vv
“Mẹ cả” – Đặng Xuân Hòa. |
Riêng về đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam (mà tôi đoán rằng đào tạo các môn nghệ thuật khác cũng vậy) có thể nói tình trạng là lạc hậu và bảo thủ. Tư duy chủ đạo vẫn còn là truyền nghề nên việc rèn luyện kỹ năng chiếm tỷ lệ thời gian tuyệt đối của khóa học. Các kỹ năng này lại phiến diện theo cách dạy của phương Tây đã quá cũ kỹ. Hình ảnh người sinh viên tốt nghiệp Đại học MT ở Việt Nam là hình ảnh một thợ thủ công pha trộn với chút “nghệ sĩ lãng tử, nổi loạn” kiểu châu Âu cuối thế kỷ 19! Cử nhân mỹ thuật không đủ tư thế một người trí thức sáng tạo trên một lĩnh vực đặc biệt. Trong khi đó quan niệm đào tạo nghệ thuật hiện đại là nhà trường phải là nơi gợi cảm hứng sáng tạo, là môi trường sáng tạo cho sinh viên – những người nghệ sĩ trẻ (chứ không phải chỉ là các thợ học việc lo tích lũy kĩ năng thụ động). Sinh viên ta và nghệ sĩ trẻ ta thường thiếu tự tin, lúng túng trong hoạt động cộng đồng sáng tạo và thường mất một thời gian dài “mò mẫm” bắt chước các trường phái, các loại hình hiện đại và đương đại mà họ không được tiếp xúc trong nhà trường.
Điều tiếp theo làm cho hợp tác quốc tế trở nên quan trọng vì đào tạo MT ở ta hiện quá khép kín, quá “đóng” trong cả chương trình lẫn phương thức dạy và học. Đây thực chất là tình trạng “cơm chấm cơm” ở các trường MT. Thực tế là các nghệ sĩ thành công ít tham gia giảng dạy ở các trường. Giảng viên các trường có thể truyền dạy kĩ năng nhưng sinh viên thường không tìm thấy các tấm gương sáng tạo, sự gợi ý sáng tạo hay các khuynh hướng nghệ thuật hấp dẫn họ nơi các giảng viên trong trường. Các trường cũng có mời thỉnh giảng nhưng chỉ là để lấp các chỗ trống trong chương trình chứ không phải để sinh viên được học hỏi, tiếp cận các nghệ sĩ tài năng, học giả uyên bác. Sinh viên, cử nhân MT ở các trường thường sáng tác giống nhau và ở tầm “sàn sàn” như nhau là vì vậy. Tình trạng “cha truyền con nối” hay có người gọi đùa là “gia đình trị” khá thịnh hành dù nó thường được khoác áo “truyền thống cả nhà làm nghệ thuật”. Nếu quan niệm nhà trường MT là nơi nuôi mầm cảm hứng sáng tạo. là môi trường sáng tạo thì tình trạng khép kín, “cơm chấm cơm” là cản trở lớn đáng buồn. Sinh viên các trường MT quốc tế thường vào Việt Nam (và đi các nước khác) thực tập. Giao lưu quốc tế là một phần chương trình đào tạo của họ. Trong khi sinh viên ta bị ngăn cản tiếp xúc quốc tế vì nhà trường không có đủ tầm cỡ để giao lưu và vì sợ sinh viên “chưa đủ lông đủ cánh” dễ bị ảnh hưởng, lai căng! “Còn yếu chưa nên ra gió!” là quan niệm đào tạo thế thủ, lạc hậu. Mấy năm gần đây các trường MT ta có các triển lãm giao lưu với các trường MT Thái Lan là điều mới đáng hoan nghênh.
Sắp đặt “Đêm” – Đặng Thị Khuê. |
Tựu trung lại tôi cho rằng hợp tác quốc tế trong đào tạo nghệ thuật có lẽ là điều bắt buộc trong thời đại ngày nay và trong tình hình hiện thời, vì tính chất mở và tính quốc tế là nguyên lý đào tạo nghệ thuật hiện đại, khi nghệ thuật hòa nhập với xã hội và quốc tế. Mở và hợp tác quốc tế cần thể hiện ngay trong chương trình, giáo trình (tham khảo chương trình giáo trình các trường tốt ở nước ngoài để hiện đại hóa chương trình giáo trình ở các trường của ta ) và thực tế giảng dạy (mời thầy nước ngoài, nhất là trong đào tạo sau ĐH bởi tình trạng đào tạo tràn lan sau ĐH kiểu “cơm chấm cơm” ở các trường cho đạt chỉ tiêu Master và TS trong giảng viên thực đã hạ thấp chất lượng đào tạo, di hại lâu dài. Tốt nhất là nên bắt buộc hợp tác với trường nước ngoài để đào tạo lớp giảng viên “đạt chuẩn” này).
Việc tham gia hoạt động xã hội cộng đồng và giao lưu quốc tế của sinh viên trong quá trình đào tạo cũng cần được đưa vào chương trình bắt buộc.
Mới đây tôi có gặp một GS họa sĩ khá nổi tiếng Malaysia gốc Hoa. Ông mới được mời về làm việc cho một Đại học Mỹ thuật lớn ở Trung Hoa đại lục để phụ trách phần Hợp tác quốc tế của trường.
Tuy gần đây ở các trường MT thí dụ như ở Hà Nội và Huế đã có các giảng viên nước ngoài, có giao lưu quốc tế nhưng đa phần vẫn là thụ động do một số nghệ sĩ nước ngoài sống ở Việt Nam đề xuất và các cơ quan văn hoá nước ngoài hỗ trợ. Ta chưa chủ động tìm chương trình hay, thầy giỏi cho sinh viên và chưa có hợp tác quốc tế thực thụ trong đào tạo. Tôi đoán rằng điều này là do triết lý, tư duy đào tạo chưa thay đổi vẫn là “đóng cửa” thế thủ, bảo thủ và lạc hậu, chưa lấy sinh viên làm trung tâm .
Dù các Đại học Mỹ thuật ta đang xây các tòa nhà mới khá nguy nga nhưng cuộc cải cách đào tạo nghệ thuật còn lâu nữa chưa xuất hiện ở Việt Nam.