Toán học Việt Nam tụt hạng là đáng lo ngại

Đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế (IMO) 2011 với sáu thành viên chỉ đoạt huy chương đồng, xếp hạng 31, là thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải. Đánh giá sự kiện này, GS Ngô Bảo Châu nói:

“Thật ra tình trạng tụt hạng của toán học VN anh em làm toán chúng tôi đã nhìn thấy vài năm nay nên không quá bất ngờ với kết quả thi IMO. Cách đây 4-5 năm, Hội Toán học VN đã trình Nhà nước chương trình quốc gia về toán học, như là một cái phao để toán học VN không bị chìm. Vào thời điểm đó, những người làm toán chúng tôi đã không nhìn thấy lực lượng kế cận của toán học VN. Còn bây giờ nhiều người đã nhìn thấy rõ điều này.

Thực tế 5-6 năm nay rất ít em thi toán quốc tế đeo đuổi theo ngành toán. Điểm thi ĐH vào khoa toán ở các trường tốt nhất cũng rất thấp, chứng tỏ rất ít học sinh theo ngành toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Đó là điều rất đáng lo ngại.

Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, không phải là con đường dễ đi, trong khi có quá nhiều con đường đảm bảo cho cuộc sống cá nhân và gia đình của một bạn trẻ. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ không đi theo khoa học toán. Do vậy cần khuyến khích những em yêu toán, đam mê khoa học lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học thay vì ai ai cũng ào ào thi vào kinh tế, tài chính.

Để toán học VN không tụt hậu thêm, chúng ta cần thôi nghĩ rằng VN là một nước nhỏ. Một đất nước có hơn 80 triệu dân, là một trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới thì không thể là một nước nhỏ được. Và như vậy ngoài phát triển kinh tế là điều vô cùng cần thiết, cần phải có tham vọng xây dựng một nền giáo dục từ phổ thông đến đại học và nền khoa học tương xứng với vị thế của đất nước. Cái đó ai cũng đồng ý nhưng ít người đồng ý với những giải pháp cụ thể.

Xét riêng ngành toán, tôi thấy có hai mảng cần tập trung sức lực. Một là nâng cao chất lượng nghiên cứu toán học ở các trường ĐH. Việc này Viện Nghiên cứu cao cấp về toán có thể làm được một phần bằng việc tổ chức những nhóm nghiên cứu mới, triển khai những đề tài mới, qua đó tiếp sức cho những giảng viên đương chức tại các trường ĐH. Song viện có thể giúp nhưng không có khả năng làm thay cho các trường ĐH trong việc thu hút những nhà khoa học trẻ tài năng. Mảng thứ hai là tiếp sức về chuyên môn và bằng vật chất cho các thầy cô giáo dạy toán giỏi ở bậc phổ thông, đặc biệt là những người dạy chuyên toán.

Ở các nước phát triển, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để tập trung vào công việc nghiên cứu chuyên môn. Tôi nghĩ không thể ngày một ngày hai VN có được điều kiện như vậy, nhưng chúng ta phải làm từng bước, từng bước để đạt được điều đó.

Song tôi cho rằng VN có thể làm được điều này: tổ chức những nhóm làm việc về những đề án nghiên cứu lớn, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học VN cũng như các nhà khoa học trẻ người VN ở nước ngoài để họ thấy ở VN họ cũng có cơ hội và có thể làm được khoa học, sống được bằng khoa học”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)