Trách nhiệm giải trình của đại học
Lâu nay, chúng ta vẫn bàn nhiều về quyền tự chủ (autonomy) của các trường đại học nhưng ít khi chúng ta thảo luận đến vế còn lại của vấn đề này, đó là: “trách nhiệm giải trình” (accountability). Câu chuyện “lò tiến sĩ” tại Học viện Khoa học Xã hội ầm ĩ mấy tuần qua chính là một cơ hội tốt để chúng ta xem xét đến những khía cạnh của vấn đề này.
Khái niệm “trách nhiệm giải trình”
Theo nhà nghiên cứu giáo dục, TS. Phạm Thị Ly [1], trách nhiệm giải trình được hiểu “là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà chúng ta đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý, và thực hiện công việc. Khả năng giải trình trách nhiệm được hiểu như năng lực thực hiện nghĩa vụ thông tin đầy đủ, năng lực biện minh cho hành động của mình trong quá khứ hoặc tương lai, và chịu sự trừng phạt nếu như hành động ấy vi phạm các quy tắc đạo đức và pháp lý”.
Trong thực tế, trách nhiệm giải trình đã là một vấn đề được giới chuyên môn trên thế giới mổ xẻ khá nhiều trong khoảng 50 năm trở lại đây. Trách nhiệm giải trình có thể là trách nhiệm gắn với tổ chức hoặc cá nhân trong bất kỳ một lĩnh vực nào.
Với tầng tổ chức, vấn đề trách nhiệm giải trình hay gắn liền với cơ quan tại khu vực công; điều này dễ hiểu bởi khu vực này hoạt động bằng tiền thuế của dân, vì vậy họ phải có trách nhiệm giải trình cao nhất trước dân – những người đóng tiền nuôi họ.
Riêng với các trường đại học, đặc biệt là đại học công thì trách nhiệm giải trình cũng rất quan trọng; điều này xuất phát từ đặc thù về chức năng đặc biệt của loại hình tổ chức này.
Về chức năng, đại học có sứ mệnh truyền bá (đào tạo) và sáng tạo (nghiên cứu) ra tri thức. Vì vậy, nếu trường đại học dạy sai hoặc tiến hành nghiên cứu không theo các chuẩn mực đạo đức và khoa học được thừa nhận thì ảnh hưởng tiêu cực của nó tác động lên không chỉ người thụ hưởng (người học hoặc người tiếp nhận tri thức) mà còn ra cả toàn xã hội.
Như vậy, trường đại học cần phải có trách nhiệm giải trình, không chỉ bởi họ nhận tiền ngân sách từ tiền thuế của dân mà còn vì chức năng và sứ mệnh họ gánh trên vai.
Quay trở lại sự kiện đào tạo tại Học viện Khoa học xã hội; như đã nói ở trên, đây là một trong ví dụ rất tốt giúp chúng ta nhìn nhận về vấn đề “trách nhiệm giải trình” của đại học một cách cụ thể, lại ngay trong bối cảnh Việt Nam.
Như chúng ta đều biết, nguồn cơn dẫn đến việc lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội phải tổ chức cuộc họp báo sáng ngày 22/4 vừa qua đến từ “làn sóng” nghi ngờ của công chúng về chất lượng đào tạo tại cơ sở này lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội trong khoảng 1-2 tuần trước đó. Cụ thể, trước họp báo, dư luận quan tâm đến hai vấn đề chính:
Một là, vấn đề năng suất hơn một ngày cho ra “lò” một tiến sĩ, như ước tính của một facebooker nổi tiếng trước đó, cụ thể thực hư là như thế nào? Học viện liệu có đủ nhân lực để đào tạo nghiên cứu sinh với năng suất như vậy?
Hai là, những chủ đề có vẻ “ngô nghê” và “tức cười” như “hành vi nịnh”, “đặc điểm giao tiếp của chủ tịch xã” có xứng đáng là đề tài cho luận án tiến sĩ hay không? Phải chăng chất lượng của đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Học viện có vấn đề?
Đáp lại những nghi ngờ này, Học viện Khoa học Xã hội đã “giải trình” như thế nào? Người viết bài này thử liệt kê một số điểm giải trình được và chưa được của Học viện.
Ba điểm giải trình “được”
Học viện đã tổ chức họp báo khá kịp thời với sự tham gia của lãnh đạo Học viện và đầy đủ các bên liên quan bao gồm: đơn vị chủ quản (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN) và các nhà khoa học có các đề tài (luận án của nghiên cứu sinh) bị dư luận “nghi vấn” ngay khi khủng hoảng về việc này leo thang đến đỉnh điểm. Xét một cách công bằng, đây là một điểm “được” cho Học viện. Điều này đặc biệt được đánh giá cao nếu chúng ta đem so nó với phản ứng của nhiều cơ quan chức năng khác trong thời gian gần đây khi đối mặt với nghi vấn từ phía dư luận.
Một điểm “được” khác dành cho Học viện là việc “giải trình” thoả đáng năng suất hơn một ngày/một tiến sĩ của Học viện từ đầu năm đến giờ. Bởi trong thực tế, cần phải hiểu đây là năng suất đào tạo tiến sĩ của toàn đơn vị chủ quản của Học viện là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN. Mô hình đào tạo của Học viện, về bản chất là đặc biệt và tương đối khác với mô hình của các trường đại học khác; và nếu tính quy mô của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN thì năng suất này là dễ hiểu.
Một vấn đề khác mà Học viện cũng đã giải trình tương đối thành công là liệu những chủ đề nghe có vẻ “tức cười” như “hành vi nịnh” hay “đặc điểm giao tiếp của chủ tịch xã” có phải là các nội dung nghiên cứu phù hợp hay không? Với việc đưa ra các so sánh (với các đề tài tương tự ở các nước khác) và số liệu cụ thể (số lượng xã trên cả nước); về cơ bản, Học viện đã chứng minh được các chủ đề này đúng là các nội dung có thể trở thành đối tượng nghiên cứu. Đây có thể xem là điểm “giải trình” được thứ ba của Học viện.
Hai điểm giải trình “chưa được”
Phần giải trình “chưa được” thứ nhất liên quan đến phần giải trình “được” thứ ba. Ở đây, chúng ta có thể đồng ý “hành vi nịnh” và “đặc điểm giao tiếp của chủ tịch xã” có thể là các đề tài nghiên cứu nhưng điều gì đảm bảo đây là các đề tài nghiên cứu đạt chất lượng. Ở điểm này, nếu Học viện giải thích và trình bày cụ thể hơn về nội dung các luận văn tương ứng, các sản phẩm liên quan từ luận văn này (bài báo, báo cáo hội nghị) hoặc khung lý thuyết, các tài liệu viện dẫn của luận văn thì sẽ có tính thuyết phục cao hơn với công chúng; nhất là đối với những người có chuyên môn về khoa học xã hội.
Một phần giải trình “chưa được” liên quan đến câu hỏi của phóng viên ở gần cuối buổi họp báo liên quan đến số lượng công bố quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN: đã có sự chênh lệch rất lớn giữa thông tin mà nhà báo có được (ba công bố trong năm 2015) với thông tin từ lãnh đạo Học viện (400 công bố trong giai đoạn 2011-2015). Cũng cần lưu ý, đây không phải lần đầu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Học viện Khoa học Xã hội gặp phải vấn đề “vênh thông tin” này. Còn nhớ vài năm trước, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN cũng không đồng tình với thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ về số lượng công bố khoa học của Viện. Như vậy, sẽ là thoả đáng hơn, nếu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Học viện Khoa học Xã hội công bố công khai danh mục các ấn phẩm khoa học quốc tế của mình.
Hai điểm giải trình “được” mà “chưa được”
Trong phần trả lời tại họp báo, có hai chính sách được lãnh đạo Học viên chia sẻ: một là, Học viện dự kiến sẽ nâng cấp thư viện để nghiên cứu sinh không phải vất vả di chuyển tới Thư viện Quốc gia để tra cứu tài liệu; hai là, Học viện dự kiến sẽ mua phần mềm nhằm phát hiện đạo văn của nghiên cứu sinh. Hai luận cứ này, thoạt nhìn có vẻ là hai điểm “được” thể hiện chất lượng đào tạo của Học viện; tuy vậy, khi xem xét kỹ thì lại thấy có lẽ lại là “chưa được”, cụ thể:
Hai điểm này mới chỉ dừng ở mức dự kiến của Học viện; tức là toàn bộ các luận án trước đây vẫn chưa được hưởng lợi từ hai chính sách này.
Đối sánh với thực tiễn đào tạo trên thế giới, có thể nói, hai điểm này đáng lý phải là hai điều kiện tiên quyết, điều kiện đảm bảo chất lượng của bất kỳ cơ sở giáo dục nào; thậm chí ở nhiều nước tiên tiến, nếu hai điểm này chưa được thực hiện thì đừng nói đến chuyện tổ chức đào tạo. Như vậy, vô hình trung, chia sẻ của lãnh đạo Học viện lại cho chúng ta thấy một khoảng cách tương đối của đào tạo tiến sĩ tại Học viện so với trình độ quốc tế, ít nhất là ở khía cạnh “điều kiện đảm bảo chất lượng”, trong đó bao gồm yếu tố thư viện và chống đạo văn.
Lời kết
Tự chủ và trách nhiệm giải trình là hai vế song hành không thể thiếu khi nói về bản chất của đại học. Ở nước ta trong khoảng 10 năm trở lại, khái niệm tự chủ được thảo luận tương đối kỹ; tuy vậy vế còn lại – trách nhiệm giải trình – dường như ít được thảo luận rốt ráo. Trường hợp “giải trình” của Học viện Khoa học Xã hội mới đây là một cơ hội tốt để chúng ta nhìn nhận vấn đề này trong đúng bối cảnh Việt Nam. Và nói gì thì nói, phản ứng nhanh của lãnh đạo Học viện tại cuộc họp báo ngày 22/4 vừa qua cho thấy Học viện đã ý thức tương đối tốt về trách nhiệm giải trình trước chất vấn từ xã hội. Bên cạnh đó, những điểm mà Học viện chưa “giải trình” chưa thoả đáng sẽ cần được làm sáng tỏ trong thời gian trước mắt.
—————————
[1] Phạm Thị Ly (2012). Tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình: quan hệ giữa nhà nước, nhà trường và xã hội. Tạp chí Phát triển Khoa học – Công nghệ, tập 15, Q1-2012.