Tránh tình trạng “sửa đâu sai đấy”

Chương trình (CT) và Sách giáo khoa (SGK) là những vấn đề xã hội rất quan tâm, vì nó đụng chạm đến hàng chục triệu trẻ em đang cắp sách đến trường. Trên các phương tiện truyền thông có rất nhiều ý kiến khác nhau về CT và SGK, thậm chí rất trái ngược nhau. Vừa qua Bộ GD&ĐT đã tổ chức một hội nghị để tổng kết các ý kiến đánh giá về CT và SGK. Nhân dịp này, Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với GS Văn Như Cương, một trong các tác giả viết SGK môn Toán.

PV. Được biết Ông là tác giả nhiều sách giáo khoa ở bậc Đại học và bậc Phổ thông, xin Ông vui lòng cho biết  về một số vấn đề liên quan đến SGK phổ thông hiện nay.
GS Văn Như Cương. Rất vui lòng. Về SGK hầu như ai cũng có thể có ý kiến: học sinh (người phải học  SGK), cha mẹ học sinh (người phải bỏ tiền mua SGK), các thầy cô giáo (người đang phải dạy theo SGK), các nhà khoa học (chuyên môn của họ được viết thành SGK), các nhà báo (người phản ánh ý kiến của nhân dân về SGK), các đại biểu Quốc hội (người thay mặt cử tri để nói về SGK). Vậy thì tôi, một trong những người viết SGK, cố nhiên cũng có ý kiến riêng của mình. Tôi xin sẵn sàng biết gì nói nấy, nghĩ gì nói thế.
Ông có thể cho biết ông đang viết những cuốn SGK nào, và những người cùng cộng tác với ông là do ai cử? Có người phê phán chính sách “mặt trận” trong việc lựa chọn tác giả SGK, ông thấy thế nào?
Tôi được Bộ GD&ĐT mời làm chủ biên bộ sách Hình học nâng cao của lớp 10, 11, 12. Các tác giả cùng cộng tác với tôi là do tôi lựa chọn và đề nghị, không hề có chính sách “mặt trận” hay “cơ cấu” gì cả. Tôi biết rõ năng lực của những người cộng tác với tôi, tôi muốn làm việc với họ, và họ cũng muốn làm việc với tôi. Cố nhiên không phải chúng tôi là nhóm người duy nhất có thể viết bộ sách “Hình học nâng cao”, mà phải có đến hàng trăm người có thể viết được. Nhưng vì có chủ trương “một bộ SGK” nên chỉ có một nhóm tác giả mà thôi.
Cũng cần nói thêm rằng không phải chúng tôi đã “chạy” để được chọn làm tác giả, vì một lẽ đơn giản là công việc viết SGK rất nặng nề, tốn rất nhiều thì giờ, thường bị phê phán rất gắt gao, trong khi tiền nhuận bút lại khá… “bèo”.           
Ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nói đại ý rằng 80% tác giả SGK chưa từng dạy phổ thông, hoặc hiện nay không còn dạy ở bậc phổ thông, nên có thể sách họ viết ra chưa phù hợp với trình độ của học sinh phổ thông! Theo ông, có nên chọn những người như vậy để viết SGK bậc phổ thông hay không?
Tôi có nghe Ông Bộ trưởng nói như vậy ở một kì họp Quốc hội. Về con số 80% nói chung ấy chắc là đáng tin cậy, vì được các cơ quan chức năng của Bộ tổng hợp và báo cáo. Riêng đối với bộ sách mà tôi là chủ biên, thì tôi có thể nói rằng 100% tác giả của nó đều đang dạy ở bậc phổ thông. Chúng tôi viết SGK, và chúng tôi trực tiếp dạy những bài chúng tôi đã viết và đang viết, và qua đó chúng tôi chỉnh lí, sửa chữa những điều đã viết cho phù hợp với trình độ học sinh…
Đối với các bộ môn khác thì theo tôi nhận biết, phần lớn các tác giả là những người đang giảng dạy ở các trường ĐH Sư Phạm. Có thể họ không trực tiếp giảng dạy ở trường PT, nhưng họ đang “huấn luyện” cho những người sau này sẽ dạy ở trường PT. Tôi không nghĩ rằng họ là những người xa rời thực tế phổ thông!
Một nhà khoa học lớn, cỡ quốc gia hay quốc tế, viết một cuốn SGK thì chắc chắn là có tính khoa học cao, nhưng có thể tính sư phạm lại thấp. Ngược lại một giáo viên dạy giỏi có thể viết một cuốn SGK thì chắc chắn là có tính sư phạm cao, nhưng có thể tính khoa học lại thấp. Còn nếu một nhà khoa học lớn và một giáo viên dạy giỏi cộng tác với nhau  để viết SGK thì rất có thể là cả tính khoa học và tính sư phạm đều thấp! Chuyện như vậy là bình thường và đã từng xảy ra.
Có người cho rằng những người viết SGK ở nước ta là người “tay ngang”, ý nói là không có hiểu biết gì nhiều về công việc của mình, chẳng hạn không hiểu gì về tâm lí học, về giáo dục học, về công nghệ giáo dục. Thật đáng tiếc là nước ta chưa có trường dạy nghề viết SGK, cho nên số người “tay dọc” còn quá ít . 
Có nhiều ý kiến phê phán rất gay gắt chương trình và SGK phổ thông hiện nay, thậm chí có người còn cho rằng phải viết lại toàn bộ! Ông suy nghĩ thế nào?
Là người trong cuộc, tôi rất chú ý đọc và nghe những điều phê phán đó. Nhiều ý kiến rất xác đáng, đặc biệt là của các thầy cô giáo đang đứng lớp. Qua những góp ý cụ thể và chi tiết của họ, chúng tôi đã có những điều chỉnh cần thiết để làm cho bản thảo tốt hơn. Nhưng quả thật cũng có nhiều ý kiến làm cho chúng tôi hết sức ngỡ ngàng và khó hiểu.
Chẳng hạn có người nói cách làm SGK của nước ta chẳng giống ai, vì nó làm ngược: đáng lí phải có chương trình rồi mới viết SGK, trong lúc ở ta thì lại viết sách trước khi có chương trình. Riêng tôi, tôi chỉ biết rằng khi người ta “thuê” tôi viết một cuốn sách nào đó thì người ta phải đưa cho tôi cái “chương trình” và tôi phải viết đúng theo chương trình đó Nếu không như thế thì làm sao tôi dám nhận viết? Khi viết xong lại có một Hội đồng thẩm định đọc bản thảo của tôi xem tôi có viết đúng theo chương trình hay không! Nếu không có chương trình thì cái Hội đồng ấy căn cứ vào đâu để thẩm định, để nghiệm thu, để duyệt hay không duyệt?
 

Lại có người nói rằng các tác giả SGK chỉ biết chúi mũi viết trên trời dưới đất, mà không chịu tham khảo CT, SGK của các nước khác xem người ta viết như thế nào! Thật ra thì không phải như thế. Hội đồng làm chương trình có đầy đủ nhiều chương trình khác nhau của nhiều nước trên thế giới, và tất nhiên họ phải tham khảo rất kĩ càng những chương trình đó. Còn tác giả SGK cũng có nhiều SGK của các nước để tham khảo so sánh Viện Chiến lược Giáo dục có một thư viện về SGK khá đầy đủ để có thể truy cứu, ngoài ra mỗi cá nhân tác giả SGK cũng có nhiều tài liệu tham khảo.
Có người phê phán rằng một cuốn SGK có quá nhiều người viết, mỗi người viết một khúc, rồi ghép lại, nên chẳng ăn nhập gì với nhau, cả về văn phong lẫn kiến thức. Thực tế ở cuốn SGK mà tôi chủ biên thì không phải như vậy (mà có lẽ ở các cuốn sách khác cũng thế thôi). Sau khi bàn thảo rất chi tiết từng chương, từng mục, từng bài chúng tôi mới phân công người chấp bút. Tất cả bài viết ra đều phải được thảo luận, thông qua tập thể nhóm tác giả. Nhiều cuộc bàn cãi, tranh luận rất cụ thể và chi tiết thậm chí cho từng câu chữ. Nếu sách chúng tôi có gì sai, không hay, không hợp lí, thì ta cứ tranh luận cho ra nhẽ, nhưng không nên nói rằng chúng tôi làm ăn cẩu thả, chắp vá, tùy tiện…
Tôi cũng có nghe ý kiến là nên phá bỏ CT và SGK hiện nay đi để làm lại hoàn toàn. Và còn nói thêm rằng chỉ dăm sáu tháng là có thể làm xong CT và SGK mới, từ lớp 1 đến lớp 12. Thật tình, tôi không dám hình dung điều gì sẽ xảy ra khi một kế hoạch như thế được thực hiện. Từ lâu, ngành giáo dục nước ta đã mắc cái tiếng xấu là “thay đổi xoành xoạch”. Đôi khi chỉ là thay đổi, sửa chữa rất nhỏ và không thường xuyên nhưng vẫn cứ là “xoành xoạch”. Nếu bây giờ chưa thay sách được một vòng (năm 2009 mới xong) mà phá đi làm lại thì chắc chắn là được nâng cấp lên là “siêu xoành xoạch” vậy!
Một trong những đánh giá về CT và SGK hầu như được thống nhất trong dư luận là quá tải, quá nặng. Theo Ông thì điều đó có đúng không?
Tôi chỉ dám nói về môn Toán mà thôi, các môn học khác tôi không thể có ý kiến.
Theo tôi, CT và SGK môn Toán không nặng, không cao, không khó nếu so với các nước khác, kể cả so với CT và SGK cũ của chúng ta. Đó cũng là ý kiến của đa số các thầy cô giáo dạy môn Toán. Vì thế không nên làm cho nó nhẹ hơn, thấp hơn và dễ hơn.
Nếu chúng ta “giảm tải” CT và SGK môn Toán nhiều hơn nữa thì thật là đáng buồn, vì trí tuệ, năng lực của con em chúng ta đâu có kém cỏi đến mức phải học một CT thấp đến như vậy!
Thế nhưng tại sao học sinh, cha mẹ học sinh và nhiều người khác lại kêu là nặng quá?
Tôi cho rằng nếu dạy và học đúng theo yêu cầu, mức độ mà CT và SGK đòi hỏi thì không nặng đối với học sinh. Nhưng vấn đề là chỉ học như thế thì không hy vọng vào đại học được, vì trong 100 em thì chỉ có 15 em lọt qua cổng trường ĐH mà thôi. Vậy thì phải học sâu hơn, kĩ hơn, làm bài tập nhiều hơn, khó hơn so với yêu cầu. Học trò đòi hỏi như vậy, phụ huynh đòi hỏi như vậy, và thầy giáo cũng phải làm như vậy. Nhiều trường hợp phụ huynh học sinh kiến nghị với ông Hiệu trưởng để thay thầy Toán vì thầy dạy “không cao hơn SGK”! Đúng ra, nếu thầy dạy cao hơn SGK thì mới bị ông Hiệu trưởng phê bình!
Tôi đang có các cháu học lớp bốn và lớp năm. Tôi bị các cháu hỏi nhiều bài toán mà tôi cho rằng quá khó đối với chúng. Tôi mở SGK ra xem thì mới biết rằng đó là các cô giáo cho thêm, để được tiếng là dạy “cao hơn SGK”!
Một nguyên nhân khác: vì cả nước dùng chung một cuốn SGK nên nếu đối với học sinh ở nơi này, vùng này là vừa sức, thì tất nhiên cũng có nơi khác, vùng khác quá sức. Không thể có một cỡ giày nào vừa chân cho tất cả mọi người. Bởi vậy, tuy cùng một CT nhưng phải có nhiều bộ SGK khác nhau cho các vùng, miền khác nhau.
Theo Ông, nếu “không phá đi làm lại” CT và SGK hiện nay thì có nên tiến hành chỉnh sửa gì không ?

Việc chỉnh sửa là cần thiết, không phải chỉ đối với CT và SGK. Quốc hội thông qua các luật rồi, nhưng có thể một vài năm sau lại phải ra luật sửa đổi một số điều của luật này, luật nọ. Đó là việc làm cần thiết, không nên xem là “thay đổi xoành xoạch”. Qua cuộc hội thảo đánh giá CT và SGK vừa rồi, mọi người cũng đã nhận ra một số điều cần chỉnh sửa. Cố nhiên việc chỉnh sửa cũng cần phải nghiên cứu và tiến hành một cách thận trọng, tránh tình trạng “sửa đâu sai đấy”.
Xin cám ơn Ông.

PV thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)