Trung Quốc chiêu mộ nhân tài cho trường đại học
Trung Quốc đang nỗ lực lật ngược tình thế chảy máu chất xám, nhưng có vẻ như những biện pháp đã triển khai chỉ giải quyết được vấn đề danh tiếng hơn là thực chất cho nền học thuật nước này.
Từ cuối những năm 1970, Trung Quốc đã chú trọng tới việc gửi sinh viên ra nước ngoài học trong nỗ lực vực lại nền giáo dục sau những tổn thất mà chính sách của Mao Trạch Đông đã gây ra cho các viện, trường. Hơn 3 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài du học. Sinh viên Trung Quốc chiếm 1/5 tổng số sinh viên quốc tế ở các nước có thu nhập cao thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Hơn một phần tư trong số đó học tập tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ 1/3 số sinh viên du học về nước, thậm chí tỉ lệ này trên thực tế còn có thể thấp hơn. Nghiên cứu do một học giả tại Viện Khoa học và Giáo dục Oak Ridge (Mỹ) thực hiện năm nay cho thấy, tính đến năm 2011, 85% nghiên cứu sinh Trung Quốc đã nhận bằng tiến sĩ vào năm 2006 ở Mỹ vẫn ở lại đây.
Để thu hút chuyên gia về các trường đại học trong nước, từ giữa những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng một loạt chương trình, như chính sách đãi ngộ một lần (có thể lên đến 1 triệu nhân dân tệ, tương đương 160.000 đô-la Mỹ), thăng chức, trợ cấp nhà ở, thậm chí là giao tặng căn hộ… Một số đại học hàng đầu còn xây nhà ở cho các học giả thuê hoặc mua với giá ưu đãi. Nhưng sau tất cả những nỗ lực đó, chỉ có hai trường của Trung Quốc lọt vào top 100 bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher Education. Chính phủ vẫn phàn nàn về sự thiếu vắng giải Nobel khoa học.
Chủ trương kéo một vài học giả tiếng tăm trở về nước để biến Trung Quốc thành một cường quốc học thuật cũng không thành công bởi rất nhiều học giả chỉ trở về làm việc bán thời gian. Theo David Zweig thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, gần 75% những người mang quốc tịch Trung Quốc tham gia chương trình “1.000 nhân tài” đã không từ bỏ chức vụ ở nước sở tại. Bên cạnh đó, đối tượng mà chương trình chiêu mộ học giả Trung Quốc ở nước ngoài này chủ yếu nhắm đến những giáo sư đã thành danh, viên mãn trong nghề, bởi vậy mà thời kỳ làm việc hiệu quả và sáng tạo nhất của họ thường đã qua.
Các đại học Trung Quốc cũng còn nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng nhân tài trong nước. Theo ông Cao Cong thuộc Đại học Nottingham (Anh), việc đề cao những kinh nghiệm ở nước ngoài trong tiêu chí xét tuyển vô hình trung đã khuyến khích những người trẻ tuổi xuất sắc nhất của Trung Quốc dành những năm tháng làm việc hăng say nhất ở nước ngoài. Bằng chứng là mỗi năm có hơn 300.000 sinh viên ra nước ngoài học tập.
Trong hoạt động nghiên cứu, nhiều khoản kinh phí được giao cho những nhà quản lý không có chuyên môn thẩm định đề tài thay vì tổ chức bình duyệt công khai và cạnh tranh. Ông Cao cho biết, môi trường học thuật ở Trung Quốc không khuyến khích việc “ngờ vực” những lý thuyết sẵn có, nhất là những lý thuyết mà các giáo sư kỳ cựu – cũng là những người nắm quyền quản lý các nguồn lực – tin theo. Việc đánh giá tổ chức và nhà khoa học chỉ dựa vào các con số: các học giả được xét thưởng dựa theo số lượng bài báo công bố chứ không phải chất lượng, khiến cho các nhà nghiên cứu né tránh những nghiên cứu liên ngành. GS Shi Yigong, Trưởng khoa Khoa học Sự sống tại ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh cũng cho biết thực trạng nhiều khi chỉ cần có “quan hệ” là xin được kinh phí hay thăng chức. Chính phủ đã chọn ra sáu lĩnh vực nghiên cứu cụ thể trong khoa học để tài trợ, trong đó có công nghệ nano, biến đổi khí hậu, và tế bào gốc. Việc để các quan chức quyết định phạm vi nghiên cứu như vậy sẽ không thúc đẩy được đổi mới sáng tạo.
Cho đến nay, các trường vẫn theo lệ tuyển luôn sinh viên mới ra trường của mình. Nhiều giảng viên trong trường không có bằng tiến sĩ; giảng viên được nhận biên chế trọn đời nên cũng mất đi động lực vươn lên; việc thăng tiến của giảng viên cũng do nội bộ trường quyết định.
Hiện tại đã bắt đầu có những dấu hiệu đáng khích lệ hơn. Một số đại học như ĐH Bắc Kinh đang sử dụng những phương pháp đánh giá quốc tế trong việc tuyển dụng và thăng chức: các vị trí, công việc được đăng quảng cáo công khai và các học giả có thể yêu cầu thăng chức và thưởng công theo những thành quả đạt được. Cách làm này cách đây 10 năm đã bị chính đội ngũ giảng viên của trường phản ứng mạnh mẽ, buộc trường phải từ bỏ kế hoạch. Trung Quốc còn có hơn 2.400 đại học và cơ sở nghiên cứu khác, và cho đến nay mới chỉ rất ít trong số này có thể thay đổi cách nghĩ và cách làm.
Khánh Minh lược dịch
Nguồn: http://www.economist.com/news/china/21633865-china-trying-reverse-its-brain-drain-matter-honours