Trường Đại học Luật Đông Dương: Cất cánh trong thời kỳ 1939-1945

LTS: Trong kì trước, tác giả Lê Xuân Phán đã kể về sự hình thành của Đại học Luật Đông Dương khởi đầu tuy gian truân nhưng vẫn nỗ lực hướng đến những chuẩn mực đào tạo và thi cử không thua gì đại học bên Pháp. Trong kì này, ta sẽ chứng kiến Đại học Luật Đông Dương tiến thêm một bước nữa với những hoạt động nghiên cứu sâu sắc, mở ra những chương trình giảng dạy sau đại học mà đặc biệt là chương trình tiến sĩ.

Những bước tiến về tổ chức và lực lượng giảng viên

Paul Doumer. Nguồn: historicvietnam.com

Trước khi trường Luật Đông Dương ra đời, tiền thân của nó, Trường Cao học Đông Dương cũng tổ chức các khóa luật trong vòng một năm nhằm cấp “Chứng chỉ nghiên cứu pháp luật Đông Dương” (Certificat d’études juridiques indochinois) cho những người đã đi làm trong chính quyền.

Về sau, trường Luật Đông Dương cũng có một khóa tương tự, nhưng nội dung được nâng cấp hơn1, gọi là “Trường hành chính Đông Dương (École d›Administration indochinoise).2 Khóa học này gọi là “năm thứ tư”, dành cho những ai đã kết thúc ba năm học cử nhân luật. Để tham gia một số lĩnh vực của hệ thống hành chính, khóa học này là bắt buộc. Chương trình dạy học của chứng chỉ này gồm những môn sau: 3

Luật dân sự Đông Dương và lịch sử các thể chế tư pháp và phong tục Đông Dương (cả năm học);

– Luật công và hành chính Đông Dương (cả năm học);

– Các nguyên tắc kinh tế chính trị áp dụng vào Đông Dương và viễn đông (nửa năm học-học kỳ);

– Tổ chức xét xử và thủ tục tố tụng dân sự có thể áp dụng vào Đông Dương (học kỳ);

– Luật hình sự và thủ tục tố tụng hình sự có thể áp dụng vào Đông Dương (học kỳ);

– Lịch sử nước Annam (Việt Nam) từ thế kỷ XVI đến thời điểm khi đó (năm học);

– Tài chính Đông Dương (học kỳ); vấn đề xã hội Đông Dương (học kỳ);

– Đào tạo chuyên viên và hành chính (học kỳ).

Theo luật sư Vũ Quốc Thúc, nhờ chương trình này mà người học có thể am hiểu tình hình kinh tế và chính trị trong xứ Đông Dương thay vì chỉ có một kiến thức tổng quát về luật học.4

Để thực hiện được chương trình đào tạo này, các giáo sư trường Luật Đông Dương thời kỳ này đã cộng tác cùng các cộng sự để nghiên những vấn đề như luật, kinh tế các nước Đông Dương từ đó có tài liệu giảng dạy và học tập cho sinh viên. Theo sắc lệnh ngày 27/4/1940, Viện Cao học Tư pháp và Xã hội Viễn đông (Institut des Hautes Études Juridiques et Sociales d’Extrême-Orient)5 được thành lập trực thuộc Đại học Luật Đông Dương và có sự bảo trợ của Khoa Luật Paris. Viện này có mục tiêu sau:  

– Tăng cường cộng tác trong giảng dạy;

– Phát triển sự hiểu biết của các tổ chức về cả lý thuyết và ứng dụng;

– Hình thành một trung tâm làm việc và nghiên cứu  khoa học về luật, trung tâm tài liệu khoa học và trung tâm hợp tác quốc tế. 

Về đội ngũ giảng viên. Theo giáo sư René Maunier, đại biểu của Khoa Luật Paris được cử đến trường Luật Đông Dương, thì lực lượng giảng viên trong khoảng 5 năm 1935-1940 đã có đổi mới và phong phú hơn. Vào năm 1940, cả về phương diện chất lượng và số lượng, lực lượng giảng viên tại đây đã ngang bằng với khoa luật của các vùng của Pháp. Trường đã có tám giáo sư thực thụ, trong số đó có sáu người đã có bằng chuyên gia cao cấp (hay Bằng chuyên môn cao cấp) (agrégé, agrégation6).7

Các giáo sư trường Luật Đông Dương từ Pháp sang công tác ở đây cũng thường tự hào là họ có nhiệm vụ bảo vệ những truyền thống cao đẹp của đại học. Họ cố gắng giữ thái độ độc lập, không muốn dính líu tới chính sách của nhà cầm quyền thuộc địa.

Trong thời kỳ chiến tranh, một số giáo sư, giảng viên được huy động tham gia nghĩa vụ. Lực lượng giảng viên của trường bị tổn thất. Giáo sư Dennesy đã hy sinh vì nước Pháp vào ngày 23/9/1940 tại chiến trường Lạng Sơn8 (sự kiện Nhật vào Đông Dương và tiến qua Lạng Sơn), giáo sư Edouard Andt mất ngày 05/11/1941.9 Lực lượng giáo sư, giảng viên còn lại đã phải cáng đáng một số lượng công việc lớn vì số sinh viên tăng lên đáng kể, ngoài ra còn có thêm một số chứng chỉ được mở ra.10

Nghiên cứu các báo cáo của chính quyền và của các giáo sư của Khoa Luật Paris được cử sang chủ trì các kỳ thi tại Hà Nội cho thấy họ có tinh thần khách quan, độc lập, nghiêm túc trong đánh giá. Họ luôn làm đúng trách nhiệm để đảm bảo chất lượng, đồng thời có những đề xuất để phát triển trường Luật Đông Dương với tư cách là một bộ phận của Khoa Luật Paris. Ví dụ, một hành động rất thiết thực và ý nghĩa đó là vào năm học 1934-1935, nhờ sự can thiệp của giáo sư Gidel, 300 luận án của Khoa Luật Paris được bổ sung cho trường Luật Hà Nội, đó là những tài liệu quý giá cho giáo sư và sinh viên ở Hà Nội.11 Đây là điều rất được trân trọng. Các giáo sư trường Luật Đông Dương từ Pháp sang công tác ở đây cũng thường tự hào là họ có nhiệm vụ bảo vệ những truyền thống cao đẹp của đại học. Họ cố gắng giữ thái độ độc lập, không muốn dính líu tới chính sách của nhà cầm quyền thuộc địa. Sau khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, để khỏi gây mâu thuẫn với phủ toàn quyền theo chế độ Pétain, Vichy, các giáo sư phải tìm hình thức cộng tác không thương tổn tới quy chế độc lập của họ.12

Đào tạo nghiên cứu sinh luật khoa

Gabriel Le Bras (1891 – 1970), một nhà nghiên cứu luật pháp và một thẩm phán có tiếng ở Pháp, người ủng hộ mạnh mẽ việc Đại học Luật Đông Dương cần mở chương trình đào tạo nghiên cứu sinh.

Từ đầu năm 1937, trong một báo cáo của mình về trường Luật Đông Dương, giáo sư Gabriel Le Bras đã nêu quan điểm ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập tại trường Luật Hà Nội một ban đào tạo nghiên cứu sinh. Theo ông, có những lý do sau:13

Thứ nhất: để đáp ứng đề nghị của sinh viên (các sinh viên khoa luật thường gửi đến các giáo sư từ Paris sang những lời đề nghị, trong đó có đề nghị việc mở khóa đào tạo nghiên cứu sinh luật tại Hà Nội).

– Thứ hai: là một cơ sở giáo dục đại học thực sự và trọn vẹn phải đạt đến mức đào tạo nghiên cứu sinh tốt nghiệp với một luận án tiến sĩ.

– Thứ ba: đây là cơ hội tốt để cho các giáo sư và sinh viên tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, nhất là về những vấn đề tại Đông Dương.

– Cuối cùng: Trường sẽ thu hút hơn sự chú ý của những người nước ngoài và sinh viên những nước lân cận có thể quan tâm về vấn đề đào tạo nghiên cứu sinh. (Đây là vấn đề mở rộng, gây ảnh hưởng văn hóa Pháp ra bên ngoài).

Giáo sư Le Bras đã dự kiến một chương trình hoàn chỉnh cho việc đào tạo nghiên cứu sinh luật tại Hà Nội, cụ thể là sau khi có bằng cử nhân, cần phải học tiếp và lấy các chứng chỉ sau: tư pháp, công pháp, kinh tế chính trị, lịch sử khoa học và cuối cùng là bảo vệ một luận án tiến sĩ. Năm 1937, hai học giả về luật và kinh tế có tiếng ở Pháp bấy giờ là Gaëtan Pirou và Jean Escarra đã đưa ra một phương án đơn giản và thực tế hơn. Nghiên cứu sinh thay vì phải học bốn chứng chỉ thì chỉ cần hoàn thành hai chứng chỉ trước khi bảo vệ luận án: Một chứng chỉ về tư pháp theo mô hình bên Pháp, và một chứng chỉ nghiên cứu chuyên sâu về Đông Dương. Tên của hai chứng chỉ này là: Nghiên cứu về tư pháp và Nghiên cứu về kinh tế chính trị (“Études supérieures de Droit privé” và “Études supérieures d›Economie politique”). Số lượng sinh viên đăng ký học hai chứng chỉ này đã tăng từ 39 vào năm học 1942-1943 lên 47 vào năm 1943-1944. Cuối cùng, khi làm luận án, học viên sẽ được định hướng nghiên cứu chủ yếu những vấn đề về luật và kinh tế Đông Dương và vùng Viễn Đông.14

“Tôi ghi danh học chứng chỉ Cao học Tư pháp (Diplôme d’Études supérieures de Droit privé) từ tháng 10 năm 1942, nhưng chỉ có thể đến tham khảo ở Thư viện Đại học hằng ngày cho tới tháng giêng 1943, vì từ lúc đó trở đi tôi phải làm việc ở Phủ Toàn quyền. Học cao học tư pháp luôn luôn phải tra cứu các bộ tạp chí pháp luật Dalloz và Sirey: vì bận đi làm, tôi chỉ có thể tới thư viện chiều thứ bảy và sáng chủ nhật, do đó việc nghiên cứu rất khó khăn, thay vì đậu ngay khóa tháng 5/1943, tôi phải đợi khóa tháng chín năm đó mới đậu nổi và đậu một cách chật vật. Tháng 10 cùng năm tôi ghi danh học chứng chỉ Cao học Kinh tế chính trị, Diplôme d’Études supérieures d’Economie politique. Học chứng chỉ này tôi có thể mượn sách của thư viện để về nhà đọc. Mỗi lần có thể mượn hàng chục cuốn sách(…). Khi đọc sách kinh tế chính trị, tôi thấy hấp dẫn đặc biệt. Tôi còn nhớ có hai cuốn sách đã biến tôi thành một tín đồ nhiệt thành của môn kinh tế học. Cuốn thứ nhất nói về tiền tệ của tác giả Hartley Withers nhan đề What is Money? dịch ra Pháp văn là Qu’est ce que le monnaie (Tiền tệ là gì). Tôi bắt đầu đọc vào buổi tối và say mê đến nỗi thức trắng đêm để đọc cho hết cuốn sách. Cuốn sách của Withers đã thúc đẩy tôi khảo cứu thêm về vấn đề tiền tệ, tín dụng và đặc biệt là các phương pháp mà nhà nước có thể áp dụng để chỉ huy kinh tế qua tiền tệ và tín dụng. Lúc làm luận văn để thi tôi đã chọn đề tài tiền tệ. Giáo sư Khérian phụ trách ban cao học kinh tế rất hãnh diện về cái luận văn của tôi nên yêu cầu tôi đưa thêm cho ông một bản để ông gửi cho ông Gannay, lúc đó làm Tổng Giám đốc Đông Dương Ngân hàng Hà Nội (…). Lúc bấy giờ chủ tâm của ông Khérian chỉ là để khoe với ông Gannay là ban Cao học Kinh tế của trường Luật Hà Nội không phải chỉ hữu danh vô thực, lạm dụng danh hiệu để lập lờ đánh lận con đen. Trái lại, nó có thể đào luyện những chuyên viên có trình độ tương đương với các sinh viên Tiến sĩ ở Pháp”. 15

Theo một tổng kết ngắn16, tính đến năm 1944, Đại học Luật Đông Dương mỗi năm cấp khoảng 30 bằng cử nhân luật và tính đến ngày 9/3/1945, Trường đã đào tạo được khoảng 260 cử nhân luật, trong đó có 220 người Việt Nam. Đó là chưa kể số người được đào tạo thành công để nhận các chứng chỉ các khác. Trong số những người nước ngoài học tại đây có cả người Pháp đang sinh sống tại Đông Dương. Điều này cho thấy định kiến trường chỉ là nơi dành cho người bản xứ đã phần nào bị xóa bỏ. Sinh viên theo học trường ngày càng tăng trong những năm 1940 và Đại học Luật Đông Dương vươn lên chiếm vị trí hàng đầu trong tổng số sinh viên của Đại học Đông Dương khi đó.

Tuy nhiên, sự kiện Nhật- Pháp bắn nhau vào ngày 9/3/1945 đã khiến Đại học Luật Đông Dương phải đóng cửa. Vì vậy, theo ông Vũ Quốc Thúc, một trong những nghiên cứu sinh đầu tiên của trường Luật Đông Dương, thì chưa có sinh viên nào kịp bảo vệ luận án tại đây. 17 Bản thân ông cũng đang chuẩn bị trình luận án, nhưng cũng không kịp và sau này đã sang Pháp bảo vệ thành công luận án vào tháng 5/1950 và được đánh giá cao.18

Trường Đại học Luật Đông Dương và việc phổ biến tư tưởng tiến bộ của nhân loại

Sinh viên và giảng viên trường Luật Đông Dương trong khoảng năm 1939-1941.

Từ 1937, giáo sư Pirou đã nêu quan điểm rằng trường luật không nên chỉ dừng lại ở vai trò giáo dục. Nó còn phải thực hiện nhiệm vụ về khoa học, đó là làm cho mọi người vùng Viễn Đông biết về văn hóa lập pháp và nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề về pháp luật và kinh tế tại Đông Dương.19

Trong những năm tồn tại, trường Luật Đông Dương đã góp phần hiệu quả vào việc lan tỏa tư tưởng pháp quyền của phương Tây. Ông Vũ Quốc Thúc đã viết trong hồi kí của mình:

“Ngay trong buổi khai giảng đầu tiên, giáo sư Camerlynck, khoa trưởng trường Luật khoa Đại học, đã bàn về tinh thần pháp luật. Ông ta đã nói một cách vô cùng hấp dẫn, nghe tới đâu tôi hiểu tới đó và cảm thấy hoàn toàn đồng ý. […]”20 “Trong giáo trình của các đại học Luật khoa theo kiểu mẫu Pháp có ba bộ môn, đối với tôi là cả một sự khám phá, vì nhờ các bộ môn này tôi đã nhìn thấy một chân trời mới giống như một kẻ vừa ra khỏi hang tối được thấy ánh sáng Mặt trời. Trước hết là bộ môn tư pháp gồm những bộ môn như dân luật, hình luật, luật thương mại, tố tụng, tổ chức tư pháp, luật La Mã vv… Từ lâu tôi vẫn tưởng rằng những kẻ học luật phải thuộc lòng các điều khoản phức tạp khô khan ghi trong các bộ luật. Tôi nghĩ rằng nếu phải dùng trí nhớ như vậy, kẻ học luật chẳng khác chi một con vẹt thông thái. Sau khi nghe các giáo sư giảng bài tôi mới nhận thấy điều cần phải lĩnh hội và nếu hưởng ứng, ghi sâu trong tâm khảm, chính là tinh thần pháp trị, là những nguyên tắc trác việt đã khiến cho người ta phải chấp nhận các điều khoản được ghi trong các bộ luật. Những điều khoản này dĩ nhiên phức tạp vì phải áp dụng cho nhiều trường hợp cụ thể, nhưng bao giờ cũng suy diễn từ một số nguyên lý căn bản. Một khi đã lĩnh hội được nội lý ấy, kẻ học luật không cần phải thuộc lòng mọi điều luật, đó là một sự cố gắng vô ích. Vì mỗi khi cần, người ta có thể tra cứu các bộ luật in sẵn.[…] Bộ môn thứ hai giúp tôi “giác ngộ”, chính là môn Chính trị học. Ta thừa hiểu là nếu chính quyền Pháp bằng lòng cho thiết lập một trường Đại học Luật khoa ở Hà Nội để trấn an dư luận sau các biến cố năm 1930, họ vẫn ngần ngại chưa dám cho thiết lập một trường Đại học Chính trị giống như Institut d’E’tudes Politiques ở Paris. Mặc dù vậy nhờ ở một số môn nằm trong giáo trình các trường Đại học Luật Khoa, sinh viên có thể gián tiếp tiếp cận bộ môn chính trị học. Đó là các môn: Luật hiến pháp, Pháp chế sử, Quốc tế công pháp, Luật hành chính, Luật tài chánh. Theo đúng tinh thần, phải vượt qua bề ngoài các định chế, nhìn xuyên qua lời lẽ các luật lệ để tìm hiểu những nguyên lý trác việt, các giáo sư trường Luật đã luôn luôn dựa trên chính trị học để giảng bài cho sinh viên. Chính vì vậy mà họ đã đem lại cho sinh viên bản xứ cơ hội để nhận thức sự mâu thuẫn trầm trọng giữa những gì được đề cao ở trường Luật Hà Nội và thực tế thuộc địa vô cùng tàn nhẫn, bỉ ổi. […]”

Bộ môn thứ ba đã kích thích óc hiếu kỳ của tôi là kinh tế học. Hồi đó, tức là năm 1939, môn kinh tế học chưa được giới đại học Pháp coi là một khoa học trưởng thành nghĩa là có những quy luật chính xác ai nấy đều tín cẩn. Môn này còn được gọi là kinh tế chính trị học, Économie politique, nói khác nó là một phần của chính trị học chuyên dạy về những học thuyết kinh tế để giúp cho những kẻ làm chính trị.(…). Môn kinh tế học chỉ được dành một chỗ đứng rất khiêm tốn trong giáo trình của Luật khoa Đại học.( …). Mặc dù vậy, tôi đã rất chú ý tới môn này vì thấy người ta đã giải thích một cách khoa học những sự kiện thông thường trong cuộc sống hằng ngày, như hiện tượng vật giá lên xuống, hiện tượng tiền tệ lưu thông, vv… Mặt khác, qua lịch sử các học thuyết kinh tế, tôi đã có một ý niệm mặc dù mơ hồ về một vài chủ thuyết lúc đó bị nhà cầm quyền thuộc địa nghiêm cấm như chủ thuyết Mác, Ăng Ghen, chủ thuyết Quốc gia kinh tế.” 21

***

Sau khi có chiến tranh nổ ra vào cuối năm 1946, Pháp chiếm đóng lại Hà Nội, trường Luật vẫn duy trì hoạt động tuyển sinh, đào tạo cho đến năm 1954 khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội trong hòa bình. Điều này cho thấy việc mở trường luật, ngay từ lúc đầu, là việc làm nghiêm túc của người Pháp khi đó.

Những người có bằng cử nhân luật tại trường Luật Đông Dương được công nhận giá trị như bằng cử nhân luật bên Pháp. Liệu có gì mâu thuẫn không khi mà một nước đến nước khác xâm lược rồi đô hộ và cai trị lại đi mở trường để dạy cho dân thuộc địa về luật như bên nước họ? Thực ra đó là xuất phát từ tư tưởng coi trọng và thực thi quản lý xã hội bằng pháp luật.

Mặc dù, Việt Nam vẫn là một nước bị đô hộ và người dân vẫn phải chịu bất công trong nhiều lĩnh vực. Và, những cuộc khởi nghĩa đòi độc lập dân tộc đều bị đàn áp thẳng tay vào thời kì đó. Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày, từng bước đã có các văn bản pháp luật, các quy định và hướng dẫn thực hiện được ban ra để các cá nhân và các tổ chức tuân thủ trong hầu hết các lĩnh vực như tổ chức hành chính, giáo dục, y tế, kinh tế (mở công ty tư, kinh doanh, trường tư), báo chí, thuế, môi trường, vệ sinh, xây dựng, tranh chấp dân sự, gia đình, hôn nhân vv…. Thời đó cũng đã có luật sư tranh tụng trước tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cá nhân và tổ chức theo luật.

Khi trường Luật ra đời cũng có ý đào tạo các tri huyện có trình độ cử nhân luật, am hiểu pháp luật (sau còn phải học thêm một vài chứng chỉ khác liên quan đến phong tục tập quán mới có thể được thi, tập sự rồi mới được bổ nhiệm làm quan tri huyện). Công bằng để đánh giá thì đó chính là việc nâng cao quản lý xã hội bằng pháp luật. Các ông tri huyện cử nhân luật Tây học sẽ thay dần cho các ông tri huyện theo chế độ quan lại cũ. Phân tích như vậy để thấy thêm được vai trò của trường. Ngoài ra, trường còn giúp cho một bộ phận, dù rất nhỏ, trong giới thanh niên nước ta khi đó được học hỏi, tiếp cận một cách có hệ thống với văn minh pháp quyền phương Tây, văn minh lập pháp. Mà văn minh đó thời nào cũng rất cần thiết để xây dựng xã hội. Bên cạnh đó, các sinh viên luật cũng được học những lĩnh vực khoa học mới mẻ nhưng rất hữu ích như kinh tế chính trị học. Thực tế là một bộ phận các cử nhân luật từ đây ra đã góp phần tích cực, hiệu quả vào việc soạn thảo, góp ý xây dựng hiến pháp tiến bộ năm 1946, hoặc vào cải cách tư pháp của nước ta, bên cạnh đó là vào nhiều lĩnh vực quan trọng trong xây dựng xã hội sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. □

—-

1 Le Rectorat d’Académi, Les œuvres culturelles en Indochine, op.cit, p.62.

2 AGEFOM//243, Faculté de Droit.

3 F.R. Giraud et Bui Ngo Hien, Université de Hanoi. Livret de l’étudiant indochinois, 1942-1943, publié par la Direction de l’Instruction Publicque, Hanoi, p.22-23.

4 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.159.

5 F.R. Giraud et Bui Ngo Hien, Université de Hanoi. Livret de l’étudiant indochinois, 1942-1943, publié par la Direction de l’Instruction Publicque, Hanoi, p.26.

6 Từ “agrégé” dịch sang tiếng Việt có khi dùng là thạc sĩ, nhưng như thế có thể bị hiểu lầm là bằng thạc sĩ cao học như hiện nay, tức cao hơn cử nhân một bậc. Thực tế bên Pháp để đạt bằng Agrégé khó và phức tạp hơn, thường thì thí sinh phải có bằng tiến sĩ và có kinh nghiệm rồi mới thi và đậu được. Đây cũng là điểm đặc biệt trong giáo dục của Pháp. Chúng tôi dịch là Bằng chuyên gia cao cấp, hoặc Bằng chuyên môn cao cấp (người có bằng này thì gọi là chuyên gia cao cấp).

7 ANP, AJ/16/8339, Rapport sur la session d’examens de l’École supérieure de Droit (mai 1940)

8 (Báo) Le Figaro, Le Carnet du Firago, no 326, le 22 novembre 1940.

9 Ông thọ 54 tuổi, nguồn : Association générale des étudiants de l’Université indochinoise, Le Monôme. Organe de l’Association générale des étudiantsde l’Université indochinoise. N°29, 1941-11, p.12.

10ANP, AJ/16/8339, Rapport sur le fonctionnement de la Faculté de Droit de l’Indochine (Pierre Lampué, novembre 1946)

11 Gouvernement général de l’Indochine, Rapports au grand Conseil des intérêts économiques et financières et au Conseil de gouvernement, session ordinaire de 1932, Hanoi, Impr Extrême-Orient, 1935, p.101.

12 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.158.

13 ANOM, Indochine, Nouveau Fonds, Carton 259, dossier 2229

14 ANP, AJ/16/8339, Rapport du professeur René Cassin sur le fonctionnement de l’École supérieur de Droit, le 3 juin 1939.

15 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.194-196.

16 Le Rectorat d’Académi, Les œuvres culturelles en Indochine, op.cit, p.63.

17 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.159.

18 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.279.

19 ANP , AJ/16/8339,  Rapport sur l’École supérieure de Droit de Hanoi 1937 (de Mr Pirou).

20 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.147.

21 Vũ Quốc Thúc, Thời đại của tôi, cuốn II, Đời tôi trải qua các thời biên, Nxb Người Việt, 2010, tr.153-156.

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)