Tự học như một tầm nhìn

Sáu năm hoạt động, nhóm Cánh Buồm không bao giờ che giấu ý đồ làm mẫu những công việc mong sao tác động được vào tiến trình thay đổi công cuộc Giáo dục Việt Nam hôm nay. Nói cách khác, nhóm Cánh Buồm rất có ý thức về Tầm nhìn Giáo dục của mình. Đã đến lúc nhóm Cánh Buồm nói rõ Tầm nhìn Giáo dục đó ra được chưa?


Phổ cập thì được gì nếu đồng thời “phổ cập” luôn cả lối học tập nhồi sọ

Tầm nhìn Giáo dục cần được định nghĩa như là cái nguyên lý phát triển chi phối toàn bộ công việc. Tầm nhìn khác với triết lý giáo dục. Nếu nền giáo dục may mắn có được một triết lý giáo dục, thì triết lý đó cũng chỉ chi phối mặt tinh thần của công cuộc đó thôi. Còn Tầm nhìn Giáo dục lại như một thứ “đề án” vừa “tinh thần” vừa “vật chất”: nó mang tư tưởng riêng, mang hoài bão riêng, song lại không dừng ở địa hạt tinh thần – nó rất cụ thể vì phải mang trong mình cả giải pháp kỹ thuật thực thi nữa.

Chỉ cần đọc tên các cuộc hội thảo hằng năm của nhóm Cánh Buồm1, có thể thấy lặp đi lặp lại yếu tố tự học, thậm chí cả tự giáo dục. Với nhóm Cánh Buồm, có thể nói đó là một mục tiêu ám ảnh có tính chất như một lý tưởng sống. Cái lý tưởng dắt dẫn toàn bộ hoạt động của nhóm được nói lên và viết ra nhiều lần: “Tự học là một năng lực các nhà sư phạm hai tay dâng lên trẻ em Việt Nam”. Năng lực tự học sẽ giúp con em tự giáo dục để tổ chức quá trình tự phát triển, nhờ đó mà biết sống tự lập, tự cường.

Nhóm Cánh Buồm chỉ có một tầm nhìn xoay quanh việc hai tay dâng năng lực tự học cho con em toàn thể dân tộc. Nhóm không đưa ra một “tầm nhìn” hình thức kiểu như “một xã hội học tập”, kiểu “phổ cập Tiểu học” để rồi lần lần leo lên “phổ cập Đại học” một ngày nào đó chưa biết chừng! Phổ cập thì được gì nếu đồng thời “phổ cập” luôn cả lối học tập nhồi sọ, giáo điều, lối học để ghi điểm, học để thi đỗ, học để “vẻ vang dòng họ” kéo theo đủ thứ khoa trương khoe mẽ không cần thiết chút gì cho cuộc sống!

Tự học như một thách thức, một lối sống

Tự học như một tầm nhìn, ngay từ một khởi điểm u buồn, vẫn thấy được tất cả thanh thiếu niên Việt Nam vào đời không trang bị bằng tài sản thừa kế mà bằng năng lực của bản thân. Tự học như một phẩm chất hoàn toàn trái ngược với mọi “phẩm chất” trì trệ, xa lạ với một thế giới biến động từng giây từng phút. Tự học như một viễn kiến chống lại mọi giá trị hủ lậu được tân trang bằng những đồ trang kim hàng mã nhân danh cái “hiện đại”. Tự học của học trò như một thách thức và buộc phải cải tạo giới nhà giáo, trong đó không ít người quen “leo cao” nhờ sự trì trệ của xã hội. Tầm nhìn tự học, tự giáo dục rồi sẽ phải trở thành một ao ước nồng nàn, kiên trì, của cả thầy lẫn trò đồng hành xây dựng cuộc sống thực của cuộc đời bắt buộc phải hiện đại hóa từng bước chắc chắn.

Tầm nhìn Tự học đòi hỏi phải xử lý khái niệm Giáo dục theo cách khác – theo cách tôn trọng người học thay vì chỉ tôn trọng người dạy – và khi đó khái niệm tự học mới được sáng tỏ.

Tự học như một phương pháp, một lối sống, một công cụ tâm lý, không phải là điều có thể đặt ra một cách dễ dãi. Tầm nhìn đó hoàn toàn ngược lại cách thức người lớn vẫn áp đặt cho trẻ em từ lâu đời – những người lớn “bắt” trẻ con phải “nên người” – mà ngay chính bản thân người lớn cũng mù mờ về khái niệm Người họ đem ra dứ trẻ con. Mà nực cười nhất là nhiều “người lớn” càng nếm trải thất bại đủ kiểu càng khăng khăng tự cho mình cái quyền đòi hỏi trẻ con phải nên người!

Tầm nhìn Tự học chống lại những lý thuyết hỗ trợ cho mọi cách định nghĩa khái niệm Giáo dục theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa. Tầm nhìn mới đòi hỏi phải xử lý khái niệm Giáo dục theo cách khác – theo cách tôn trọng người học thay vì chỉ tôn trọng người dạy – và khi đó khái niệm tự học mới được sáng tỏ.

Tầm nhìn Tự học đòi hỏi ta trở lại với nhà tâm lý học phát triển Jean Piaget, để có được những nghiên cứu về cách học của con người kể từ khi chào đời. Chỉ khi nào đi tìm nguồn gốc hành động học từ trong sự phát triển tự nhiên của sinh vật người, khi đó hành động học của từng chủ thể học sẽ hiện ra dưới ánh sáng khác.

Trước khi chào đời, đứa nhỏ sống trong bụng mẹ tối om, lại là một môi trường nước, nó lại không cần ăn uống và hít thở vì nhau thai đã làm hộ các công việc thiết yếu đó. Nhưng khi chào đời, đứa nhỏ sống dưới ánh sáng Mặt trời, nó tự thở bằng phổi, nó tự ăn mà sống. Và thế là từ phút thứ nhất của đời mình, đứa trẻ đã phải học để thích nghi với môi trường sống mới. Jean Piaget coi sự thích nghi này là sự học (tự học một cách sinh vật học) để tự có những điều học được. Những điều học được này sẽ thay đổi để thành những điều học được mới mẻ hơn, có chất lượng khác đi – và Jean Piaget gọi đó là hoạt động điều tiết. Một định nghĩa khái niệm Giáo dục đơn giản mà chính xác đến thế là cùng! Chẳng thế mà Albert Einstein đã có cách đánh giá Jean Piaget không gì đẹp hơn: “Giản dị như một thiên tài”!

Giải pháp kỹ thuật

Một dân tộc tự học, một quốc gia tự học, một xã hội tự học, đó là Tầm nhìn Giáo dục của nhóm Cánh Buồm. Có một vế đối cho nó để nó không dừng lại ở cấp độ một ảo tưởng. Vế đối đó được tạo thành bởi những giải pháp kỹ thuật.

Muốn có giải pháp kỹ thuật, việc đầu tiên là truy tìm nguyên nhân nền giáo dục cũ không mang lại năng lực tự học cho học sinh. Nhóm Cánh Buồm cho rằng thủ phạm là sự thiếu hiểu biết của các nhà sư phạm về CÁCH HỌC. Nhà sư phạm luôn luôn nghĩ tới cách dạy mà không nghĩ xem cách dạy của mình hiệu quả đến đâu. Nhà sư phạm chăm chăm dạy dỗ, và khi học sinh không tiếp thu những điều được nhồi nhét, thì lỗi được đổ lên đầu vùng quê, dòng họ, gia đình người học để lý giải tình trạng học sinh học dốt.

Tầm nhìn Tự học của nhóm Cánh Buồm không dừng lại ở cấp độ một ảo tưởng bởi nó mang trong mình cả giải pháp kỹ thuật thực thi nữa. Trung thành với lý thuyết thao tác của Jean Piaget, nhóm đã tìm ra tương đối đầy đủ thao tác học tiếng Việt (ngôn ngữ học) và thao tác học Văn (nghệ thuật).

Nói một cách công tâm, có lẽ Hồ Ngọc Đại là nhà sư phạm đầu tiên lên tiếng cảnh báo tình trạng tập trung vào cách dạy (với đỉnh cao là “năm bước lên lớp”) và ông kêu gọi hãy đi tìm sâu vào cách học. Chương đầu tiên trong tác phẩm Bài học là gì? của Hồ Ngọc Đại có cái tên khá “phản cảm” với rất nhiều người, đó là “Vẫn chưa có trường sư phạm”. Hồ Ngọc Đại đã chỉ ra rằng Việt Nam chưa có nghề sư phạm mặc dù có trường sư phạm. Vậy nếu có nghề sư phạm, thì nghề đó có đặc trưng gì? Cũng theo Hồ Ngọc Đại, suy cho cùng, và định nghĩa chắt lọc nhất, đó là nghề đi tìm những thao tác học và ứng dụng vào người học.

Tư tưởng sư phạm tập trung vào thao tác học vô cùng đúng đắn đó đã được Jean Piaget nghiền ngẫm, khảo sát, ghi chép hàng chục năm trời trên những “chuột bạch” là ba con đẻ của mình, sau đó là vô số vật phẩm tại trường phổ thông Jean-Jacques Rousseau ở Thụy Sĩ, để cuối cùng đúc kết rằng tư duy con người cũng mang tính thao tác. Lẽ ra, trong một bối cảnh tự do hơn rất nhiều đồng nghiệp, Hồ Ngọc Đại có thể đi xa nữa. Hơn ba chục năm tồn tại, lẽ ra Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm của Hồ Ngọc Đại có thể hoàn thành toàn bộ chương trình và sách cho toàn bộ bậc học phổ thông! Nguyên nhân là do trình độ triển khai tư tưởng thao tác của Piaget, hay do chủ động dừng lại làm thật đẹp ở lớp Một và vài lớp trên lớp Một.

Nhóm Cánh Buồm mà người sáng lập luôn luôn nhận mình đã học được nhiều từ Hồ Ngọc Đại những truyền đạt không nguyên văn, song đã quyết đi theo tư tưởng thao tác của Piaget đến triệt để. Nhóm Cánh Buồm chủ động lập một Tủ sách Tâm lý Giáo dục mà trong hơn một năm đã có hai xuất bản phẩm gốc từ Piaget. Còn dưới một chục đầu sách Piaget đang nằm chờ dịch và in với sự tham gia của hai nữ tiến sĩ Việt Nam ở Pháp và nhóm dịch giả ở trong nước, gồm Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ và dịch giả Hoàng Hưng, và dịch giả Dương. Tủ sách đó cũng không chỉ dừng lại ở Piaget, nó còn được bổ sung bằng những tác giả kinh điển và hiện đại khác. Về lâu dài, rõ ràng là nó gợi ra những nghiên cứu tâm lý học giáo dục bản địa. Và đây là điều hết sức quan trọng: bên cạnh sách lý thuyết, nhóm Cánh Buồm trung thành với lý thuyết thao tác của Jean Piaget đã tìm ra tương đối đầy đủ thao tác học tiếng Việt (ngôn ngữ học) và thao tác học Văn (nghệ thuật).

Mười cuốn sách Tiểu học hai môn Văn và Tiếng Việt của nhóm Cánh Buồm đem dùng có kết quả ở trẻ em đã thúc giục nhóm triển khai soạn sách Văn và Tiếng Việt lớp Sáu như một thăm dò đầu tiên. Thăm dò vào ba điểm: (a) trẻ em lớp Sáu có thể tự học được không (dĩ nhiên có sự trợ giúp về cách học của giáo viên, nhưng không có bài giảng của giáo viên); (b) các nhà nghiên cứu đại diện cho bộ phận sáng láng của dư luận xã hội có phản ứng ra sao; và (c) có thể tiếp tục triển khai lên đến hết lớp Chín không.

Tại sao Tầm nhìn của nhóm Cánh Buồm lại dừng “đột ngột” ở lớp Chín? Đó là vì cũng theo Tầm nhìn ấy, dự kiến học sinh học hết lớp Chín sẽ vào đời. Các em sẽ vào đời theo ba hướng: (a) Đi kiếm sống; (b) Học thêm ở trường học nghề rồi cũng đi kiếm sống “có đẳng cấp” hơn; và (c) Học lên bậc Trung học Phổ thông (như tên gọi bây giờ, và Tầm nhìn Cánh Buồm muốn đề nghị đổi tên thành bậc Trung học Chuyên ban, với “tầm nhìn” là bậc tập nghiên cứu, để bước lên bậc tập độc lập nghiên cứu hoặc bậc Đại học).
Có vậy thôi ư? Xin thưa, sáu năm hoạt động, nhóm Cánh Buồm xin tạm trình ra xã hội bấy nhiêu điều thuộc Tầm nhìn Giáo dục của chính mình thai nghén và cho chào đời. Đó là những sản phẩm có thực, xã hội có thể đem về dùng thử, hoàn toàn không vu vơ như những thu hoạch… vu vơ.

1Kể từ năm 2009, nhóm Cánh Buồm đều đặn tổ chức hội thảo hằng năm: Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em (2009), Chào lớp Một (2010), Tự học – Tự giáo dục  (2011), Em biết cách học (2012), Cánh Buồm no gió – thời đại Internet (2013), Cao hơn, xa hơn, và dễ tự học (2014), Chào lớp Sáu (2015).


Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)