Từ kết quả một cuộc thi lập trình

Cuộc thi lập trình bậc đại học của ACM (ACM International Collegiate Programming Contest, viết tắt là ACM-ICPC) hàng năm là cuộc thi lập trình có truyền thống và danh tiếng nhất của sinh viên máy tính bậc đại học trên thế giới. Đạt được thứ hạng cao trong cuộc thi này làm gia tăng đáng kể tiếng tăm của một trường, dù là ở bất kỳ nước nào trên thế giới

 Các thành viên của một đội tuyển đoạt thứ hạng cao thì có một đề mục nặng ký trong bản tóm tắt thành tích (resumé) để xin học Masters, Ph.D ở các trường hàng đầu thế giới. Năm vừa rồi, một Ph.D xin việc ở khoa tôi đã từng nằm trong một đội tuyển của Slovakia đứng thứ 12 trong kỳ thi ACM-ICPC năm 1996.
Các trường đại học ở Trung Quốc và Đông Âu (bao gồm Nga) bắt đầu thống trị cuộc thi này những năm gần đây. Trường đại học đạt hạng cao nhất của Mỹ chỉ đứng thứ 17. Ta có thể rút ra bài học hay các câu hỏi gì từ kết quả này (khá đồng nhất trong những năm gần đây)?
Phải chăng chất lượng giáo dục khoa học máy tính (KHMT) ở Mỹ đang giảm sút? Hay chất lượng sinh viên học KHMT ở Mỹ đang giảm sút? (Nhớ rằng ta đang xét đến chất lượng giáo dục KHMT ở bậc đại học chứ không phải sau đại học). Nếu câu trả lời là có thì do nguyên nhân nào?
Một bài báo gần đây của Thomas L. Friedman trên tờ New York Times có bàn về vấn đề này. Thomas gợi ý rằng sinh viên Mỹ đang tụt hậu về khoa học và kỹ thuật.
Một bài phỏng vấn khác của CNet News cũng quan tâm đến cùng đề tài. Giáo sư David Patterson, Chủ tịch của ACM là người trả lời phỏng vấn. (Giáo sư Patterson là nhà nghiên cứu chủ đạo thiết kế cấu hình RISC và hệ thống RAID. RISC là nền tảng của cấu hình SPARC của hãng Sun Microsystems). Trong bài, giáo sư Patterson quy kết quả yếu của các đại học Mỹ cho các lý do: (a) sự thiếu quan tâm tầm quốc gia [ví dụ các trường ở Nga đoạt giải thì được chính tổng thống Putin khen thưởng], (b) các trường ở Đông Âu và Trung Quốc coi trọng cuộc thi này hơn các trường ở Mỹ, nhưng ông cũng nghĩ đó không phải là lý do cốt yếu, (c) người Mỹ biếng nhác hơn vì họ đã thống trị KHMT quá lâu, (d) sự giảm sút của đầu tư vào giáo dục và nghiên cứu KHMT những năm gần đây ở Mỹ, và (e) chất lượng đầu vào của sinh viên giảm sút sau bùng nổ dot-com.
Gần đây, Bill Gates làm một tour nói chuyện ở vài trường đại học lớn để kêu gọi sinh viên giỏi vào học KHMT và kêu gọi các trường tìm cách thu hút thêm sinh viên giởi từ nước ngoài. Lý do cho chuyến “du Nam” này của Bill chính là sự giảm sút chất lượng và số lượng sinh viên KHMT mà Microsoft đang và sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việc xin visa sinh viên vào Mỹ khó khăn trong những năm gần đây làm giảm đáng kể số sinh viên ngoại quốc ở Mỹ. Out-sourcing, off-shoring làm cho sinh viên KHMT ở Mỹ tìm việc khó khăn hơn, do đó họ không lao vào KHMT nhiều như những năm 90.
Kết quả thi này có phản ánh chính xác trình độ sinh viên và chất lượng của đại học đoạt giải hay không?
Giáo sư Norm Matloff lý luận là không. Norm cho rằng, cũng như chuyện “luyện gà chọi” thi Olympics thể dục dụng cụ, Trung Quốc và các nước Đông Âu đầu tư rất nhiều vào các kỳ thi loại này. Kết quả thi không phản ánh đúng trình độ của học sinh và chất lương giáo dục. Ví dụ, ở ngay tại Trung Quốc thì hai trường Đại học Bắc Kinh (Peking University) và Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) là hai trường hơn hẳn Shanghai Jiaotong University, thế nhưng cả Bắc Kinh lẫn Thanh Hoa đều không nằm trong top 10. Ta có thể thêm vào các IIT của Ấn Độ – chất lượng sinh viên và chất lượng giáo dục các ngành kỹ thuật rất cao – nhưng họ không có mặt trong top 10.
Các trường đại học ở Việt Nam có thể học được gì từ kết quả này?
Các trường đại học Mỹ có tham gia kỳ thi này hay không thì cũng không ảnh hưởng mấy đến giáo dục đại học của họ. Việt Nam thì khác. Tôi nghĩ ta nên tích cực tham gia kỳ thi này. Có vài cái lợi trước mắt và lâu dài:
* Đầu tư vào một kỳ thi như vậy không nhiều (từ thời gian đến tiền bạc), lại có thể tiến hành độc lập từ các trường đại học, không cần quản lý tầm quốc gia. Bản chất kỳ thi là giữa các trường với nhau, không phải là giữa các nước với nhau như kỳ thi toán quốc tế. Mỗi trường chỉ cần 3 sinh viên và một huấn luyện viên và chẳng cần thiết bị gì ngoài một cái máy tính và một số sách vở.
* Một đại học ở VN có thể cải thiện danh tiếng tầm quốc tế ngay lập tức nếu đạt thứ hạng kha khá. Các sinh viên tốt nghiệp đại học này sẽ được xem xét với một ánh mắt khác khi xin học Masters/Ph.D ở nước ngoài. Các sinh viên đoạt giải trong kỳ thi sẽ có tương lai sáng láng khi xin học sau đại học.
* Tạo được thêm động cơ học tập lập trình cho sinh viên KHMT. Việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật nhanh với lời giải đẹp như trong kỳ thi ACM-ICPC là chất lượng rất quan trọng của kỹ sư máy tính.
Có không ít các tranh cãi về chuyện “luyện gà chọi” thi học sinh giỏi ở Việt Nam. Nhiều người có thể nghĩ rằng thêm một nhóm “gà chọi” nữa sẽ làm cho vấn đề tệ hơn. Mặc dù vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ càng hơn nhưng tôi muốn nêu một thực tế rất đáng chú ý là có rất rất nhiều những khoa học gia của Việt Nam thành công ở nước ngoài, hoặc đang giữ các vị trí quan trọng trong nước hiện nay là cựu sinh viên chuyên Toán…

Ngô Quang Hưng (Mỹ)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)