Từ tư tưởng giáo dục của Rousseau, nghĩ về giáo dục VN

Hình ảnh nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau, và một học sinh Việt Nam cùng độ tuổi, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động. Đây chính là hệ quả của các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục khác nhau.

Cách đây hơn một năm, sau một buổi thuyết trình, một em học sinh lớp 11 đến gặp tôi và xin “hướng nghiệp”, em đang suy nghĩ để chọn ngành thi đại học nhưng không biết chọn ngành nào. Tôi đã khuyên em nên tìm hiểu rõ hơn những ngành mà em quan tâm, suy nghĩ kỹ về bản thân, về tương lai cũng như về hoàn cảnh gia đình rồi tự đưa ra quyết định. Hơn sáu tháng sau, em liên lạc lại với tôi và thể hiện là em có tìm hiểu về các ngành học, nhưng vẫn không biết quyết định thế nào. Hôm mồng hai Tết vừa rồi, em chúc Tết tôi, tôi hỏi em quyết định thế nào rồi, em vẫn trả lời là chưa quyết định được và nói có lẽ sẽ “để người khác quyết định” giúp.

Cũng thời gian này tôi đọc xong toàn bộ tác phẩm Emile hay là về giáo dục của Rousseau*, triết gia người Pháp sống vào thế kỷ 18, và thấy hình ảnh của nhân vật Emile, sản phẩm giáo dục theo hình dung của Rousseau vào độ tuổi như em học sinh nói trên, khác nhau rất nhiều theo hướng Emile trưởng thành, vững chãi, độc lập hơn trong tư duy, phán đoán và hành động.

Ở đây, tôi không có ý so sánh hình ảnh một học sinh Việt Nam có thật với một Emile tưởng tượng của Rousseau, nhà triết học “đa tài, đa nạn, đa đoan” (Bùi Văn Nam Sơn, 2013), nhưng sẽ nói tới sự lạc hậu trong quan niệm và cách thức giáo dục của chúng ta hiện tại so với quan điểm và cách thức giáo dục của triết gia Rousseau, người sống cách chúng ta 250 năm trong tác phẩm Emile. Bởi lẽ tôi thấy rất nhiều học sinh, thậm chí là cả các sinh viên gần ra trường cũng gặp rất nhiều vấn đề tương tự như em học sinh cuối bậc trung học phổ thông nói trên, nên có thể nói đây là một hiện tượng gắn liền với giáo dục.

Giáo dục của Rousseau

Hình ảnh một người trẻ, độ tuổi 15 mà Rousseau muốn tạo ra là: Tự lập, tự tin vào bản thân, mạnh khoẻ về thể lý và tinh thần, chân tay lanh lẹ, “trí óc đúng đắn và không thành kiến, tâm hồn tự do… Không phá rối sự an tĩnh của ai hết, nó đã sống hài lòng, hạnh phúc và tự do, hết mức mà thiên nhiên cho phép” (tr. 277).

Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cho trẻ em kiến thức, mà dạy cho trẻ biết làm thế nào để có kiến thức. “Vấn đề là chỉ ra cho nó cần làm thế nào để luôn khám phá ra sự thật hơn là bảo cho nó biết một sự thật”. (tr. 273). Rousseau muốn đứa trẻ phải tự học hỏi, phải tự sử dụng lý trí của nó chứ không phải sử dụng lý trí của người khác; ông không dạy đứa trẻ khoa học mà dạy nó “tiếp thu khoa học theo nhu cầu” (tr. 276). Ông mong muốn đứa trẻ có một đầu óc “phổ quát”, cởi mở, thông minh, sẵn sàng cho tất cả.

Mục tiêu của giáo dục là dạy đứa trẻ làm người tự do chứ không đào tạo đứa trẻ thành ông này bà khác trong xã hội, hay làm công dân của một chế độ nào đó nhất định. Con người tự do là con người khi tư duy, khi hành động không bị ràng buộc bởi vật chất, thành kiến hay dư luận, không bị những đam mê nhục dục khống chế. Tức là con người trưởng thành và độc lập trong tư duy trong phán đoán, biết sử dụng lý trí của mình để suy xét, quyết định và hành động một cách hợp lẽ trong sự tôn trọng “tự nhiên” và sự thật, tôn trọng người khác chứ không chịu lụy thuộc bất cứ thứ gì.

Con người tự do không “phục tùng luồn cúi của một nô lệ”, cũng không có “giọng điệu hách dịch của một chủ nhân” (tr. 206) kiểu thượng đội hạ đạp. Là con người luôn sống và tỏ ra chính là mình, không hào nhoáng bên ngoài, không thêm không bớt.

Giáo dục cũng phải tạo ra con người có đạo đức, biết rung cảm, biết thương xót, có lòng trắc ẩn. Giáo dục phải dạy cho học sinh làm những việc tốt, không chỉ là việc bỏ một số tiền túi ra bố thí cho những người nghèo khó mà bằng sự chăm sóc đối với họ, dạy cho học sinh lấy lợi ích của họ làm lợi ích của mình, phục vụ họ, bảo vệ họ, dành cho họ cả con người và thì giờ.

Con người đó phải biết nghi ngờ chính mình, “biết thận trọng trong cách cư xử, biết kính nể những người hơn tuổi mình…” (tr. 342). Là con người yêu hòa bình, không những hòa bình giữa người với người mà còn với thiên nhiên. Emile của Rousseau không bao giờ suỵt cho hai con chó cắn nhau, hay làm cho con chó đuổi cắn con mèo (tr. 343). Emile hiền lành và yêu hòa bình, nhưng không nhu nhược, khi để bảo vệ chân lý và sự thật, anh ta sẽ sẵn sàng dấn thân để đấu tranh.

Phương pháp của Rousseau là tự học, ông viết: “Chắc chắn là người ta rút ra được những khái niệm rõ ràng hơn nhiều và vững vàng hơn nhiều từ những sự vật mà ta tự học hiểu lấy như vậy, hơn là từ những sự vật được người khác giáo huấn; và, ngoài việc ta không hề làm cho lý trí mình quen phục tùng một cách nô lệ trước uy quyền, ta còn khiến mình thành giỏi giang hơn trong việc tìm ra các quan hệ, kết nối các ý tưởng, sáng chế các dụng cụ, so với trường hợp ta tiếp nhận tất cả những điều này y như người ta đem lại cho mình, và để đầu óc mình tiêu trầm trong trạng thái uể oải…” (tr. 230). Khi bắt đầu hướng dẫn cho Emile nghiên cứu các quy luật tự nhiên, Rousseau bắt đầu với những hiện tượng thông thường và rõ rệt nhất.

Phần Lan là học trò trung thành của Rousseau

Giáo dục phổ thông Phần Lan những năm gần đây được thế giới ca ngợi. Theo tôi, Phần Lan có các quan điểm giáo dục và cách tổ chức giáo dục rất gần với tư tưởng của Rousseau. Người Phần Lan không đem ra một khuôn mẫu có sẵn để làm mục tiêu đào tạo, mà đào tạo học sinh trở thành những con người tự do, tự chủ trong phán đoán, độc tập trong tư duy, trang bị cho học sinh phương pháp hơn là kiến thức.

Nếu Rousseau kèm riêng cho Emile với “giáo án” riêng dựa trên tâm tính và hoàn cảnh của Emile thì nhà trường Phần Lan cũng chủ trương “khác biệt hóa” trong phương cách giáo dục của họ. Không chỉ tăng thêm các môn tự chọn cho học sinh, họ còn chủ trương “kèm” từng học sinh với những kế họach riêng – nhiệm vụ của giáo viên là nghiên cứu tâm lý thể trạng, hoàn cảnh, thực lực của học sinh trong lớp để thiết kế những “giáo án” riêng cho từng em trong sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan an sinh xã hội, câu lạc bộ địa phương với mục tiêu giúp học sinh phát triển một cách tối đa và cách toàn diện về trí tuệ, thể lý, đạo đức phù hợp với bản tính “tự nhiên”.

Nếu mục tiêu của Rousseau là làm cho Emile hạnh phúc tối đa trong lứa tuổi của anh ta, với những gì được thiên nhiên trao tặng trước khi dạy cho Emile sự hiểu biết thì mục tiêu của người Phần Lan cũng là tạo ra một môi trường làm cho học sinh hạnh phúc nhất vì họ cho rằng một đứa trẻ hạnh phúc phải phát triển toàn diện, cân bằng và nhờ đó có khả năng lĩnh hội bất kỳ điều gì.

Nếu Rousseau là người thầy duy nhất của Emile từ khi nhỏ đến khi Emile cưới cô nàng Sophie nhằm có thể hiểu thấu đáo học trò của ông để đưa ra những hướng dẫn phù hợp nhất thì tại Phần Lan, giáo viên thường theo học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, thậm chí đến hết lớp 9, cũng nhằm có thể hiểu thấu đáo từng học sinh và có các phương án dạy dỗ phù hợp nhất với từng em…

Giáo dục Việt Nam

Tìm hiểu về giáo dục phổ thông Việt Nam hiện tại, tôi thấy giáo dục chúng ta cách xa so với các tư tưởng giáo dục nói trên. Chúng ta không đặt ra mục tiêu đào tạo con người “tự do”, “tự chủ” như tư tưởng của Rousseau hay của giáo dục Phần Lan, mà muốn tạo ra con người công cụ theo một khuôn mẫu đã được định sẵn. Chúng ta không đặt mục tiêu trang bị cho học sinh khả năng tư duy và phán đoán một cách độc lập, không để cái đầu của các em có cơ hội tự suy nghĩ, khám phá những cái mới mà chúng ta đã suy nghĩ thay, sắp xếp thay cho các em đến từng chi tiết. Rousseau đã chống lại chuyện học thuộc lòng, ngay cả học thuộc những vần thơ hay như Ngụ ngôn La Fontaine vào thế kỷ 18, thế mà ngày nay chúng ta vẫn bắt trẻ nhỏ học thuộc lòng đủ thứ, vẫn tồn tại hiện tượng “văn mẫu” một cách phổ biến trong nhà trường.

Thay vì dạy cho học sinh phương pháp, chúng ta lại dạy kiến thức theo những nội dung chương trình được soạn sẵn một cách chi tiết và nặng nề. Thay vì tìm cách phát triển học sinh một cách toàn diện theo đặc điểm tâm thể lý của từng em, chúng ta lại “sản xuất” đồng loạt bằng cách áp đặt lên toàn bộ hệ thống cùng một nội dung chương trình, một cách thức tổ chức giảng dạy và thi cử… Cách giáo dục như vậy không thể làm cho học sinh trưởng thành độc lập trong tư duy, trong phán đoán, có thói quen sáng tạo, phát minh, phát kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội.

Cũng vậy, với lối giáo dục phụ thuộc này, chuyện học sinh không có khả năng thực hiện những quyết định liên quan đến tương lai như câu chuyện trình bày ở trên là điều dễ hiểu, là hệ quả của một lối giáo dục.

Theo tôi, hơn bao giờ hết, những tư tưởng giáo dục của Rousseau rất có giá trị tham khảo. Trong thời đại thông tin ngày nay, khi khối lượng kiến thức nhân loại liên tục tăng lên theo cấp số nhân, nếu chúng ta cứ chạy theo nhồi nhét kiến thức cho học sinh thì sẽ chỉ làm đầu óc non nớt của trẻ nhỏ thêm u mê và mệt mỏi đến tê liệt. Thời đại ngày nay cũng có quá nhiều thứ cám dỗ so với thời của Rousseau, dễ làm cho giới trẻ rơi vào tình trạng lệ thuộc, trở thành những “nô lệ” mới (nô lệ cho game, cho thế giới ảo, cho các trào lưu ăn chơi, cho các thành kiến định kiến của người lớn, cho dư luận, v.v), nếu giáo dục không làm gì để phòng ngừa, để giải phóng, giành lại “tự do” cho các em, mà lại tăng thêm “gông cùm” nặng nề, thì các em sẽ không đủ trưởng thành, tự tin và có khả năng tự lập khi bước vào đời.

Bộ Giáo dục Việt Nam đang chuẩn bị cho “trận đánh lớn” theo hướng làm cho giáo dục Việt Nam xích lại gần hơn với giáo dục của những nước tiến bộ, nhưng nhìn từ quan điểm của Rousseau hay triết lý giáo dục của người Phần Lan, thì theo tôi vẫn còn khoảng cách quá lớn. Nếu những người có trách nhiệm trong giáo dục không đổi mới tư duy một cách “căn bản và toàn diện” thì làm sao nền giáo dục có thể thay đổi một cách căn bản và toàn diện?

————–

* Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành lần đầu năm 2008.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)