Vấn đề Đạo đức Nghiên cứu trong Y sinh học và Khoa học Xã hội: Một So sánh giữa các nước Phát triển và Đang phát triển

Tóm tắt Y sinh học và khoa học xã hội từ lâu đã bị quan ngại về những vấn đề đạo đức trong nghiên cứu. Tuy nhiên có một sự cách biệt khá rõ trong các nước phát triển và các nước đang phát triển trong cách tiếp cận có tính chất đạo đức về việc nghiên cứu. Hiển nhiên là những thủ tục đạo đức trong nghiên cứu đang được tuân theo trong các nước đang phát triển vẫn còn ở giai đoạn ban sơ. Các nhà nghiên cứu ở những nước phát triển và đang phát triển đang tranh luận về việc nên chăng chỉ có một bộ khung đạo đức có thể áp dụng cho cả thế giới và cố gắng xác định những tiêu chuẩn đạo đức toàn cầu cho việc nghiên cứu y sinh học và khoa học xã hội. Hội đồng Các Tổ chức Y khoa Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những vấn đề đạo đức trong việc thực hiện những nghiên cứu y sinh học và khoa học xã hội, đồng thời tỏ ra quan ngại về sự an toàn, bí mật, sự tôn trọng lợi ích và không phi pháp của người tham gia nghiên cứu. Bắt đầu bằng tầm quan trọng của các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu về con người, bài viết này sẽ thảo luận về những vấn đề đạo đức trọng yếu trong việc thực hiện nghiên cứu. Phần tiếp theo là so sánh các nước phát triển và đang phát triển trong nghiên cứu khoa học xã hội và y sinh học.

Tổng quan

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nghiên cứu được xem là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Một điều đã được công nhận rộng rãi là mọi nghiên cứu liên quan đến con người hoặc những thông tin về con người có thể xác định được thì đều cần được thực hiện theo những nguyên tắc về đạo đức (Draper and Wilson, 2007). Người ta mong đợi các nhà nghiên cứu nhận thức rõ và tuân theo những tiêu chuẩn đạo đức như sự ưng thuận của người cung cấp thông tin, sự đền bù cho người tham gia, sự cẩn mật, và những nguyên tắc cơ bản trong việc công bố khoa học và hợp tác quốc tế (Kanungo, 2006). Tuy vậy, lịch sử đã cho thấy vô số trường hợp phi đạo đức trong nghiên cứu (Kanungo, 2006). Mặc dù các nhà nghiên cứu y sinh học đã rất chú ý vấn đề đạo đức, sự quan tâm của các nhà nghiên cứu xã hội đối với vấn đề đạo đức nghiên cứu vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Cũng tương tự như thế, có một sự khác biệt rất đáng kể giữa các nước phát triển và đang phát triển về mức độ quan tâm đến vấn đề đạo đức trong việc thực hiện nghiên cứu (Christakis, 1992). Cân nhắc những luận cứ trên, bài viết này giải thích tầm quan trọng của cách tiếp cận có tính đạo đức trong nghiên cứu khoa học xã hội khi nó liên quan đến con người và những thông tin về con người có thể nhận biết được. Hơn nữa, bài viết sẽ so sánh sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và các nhà y sinh học ở các nước phát triển và đang phát triển trong cách tiếp cận về mặt đạo đức trong khi thực hiện việc nghiên cứu.

 

Tại sao chúng ta cần có cách tiếp cận đạo đức đối với nghiên cứu: Một ví dụ

Một ví dụ nổi tiếng thế giới về nghiên cứu phi đạo đức là “Nghiên cứu Tuskegee về bệnh giang mai không được điều trị”. Trong nghiên cứu này, vốn là do Cơ quan Dịch vụ Y tế Hoa Kỳ bảo trợ thực hiện từ năm 1932 đến 1972, 412 người Mỹ gốc Phi nghèo khó với căn bệnh giang mai không được điều trị đã được theo dõi đối chứng với 204 người không bị bệnh để xác định lịch sử tự nhiên của bệnh giang mai. Mặc dù vào thời điểm cuộc nghiên cứu này bắt đầu, không có thứ thuốc nào tốt để điều trị căn bệnh, nhưng cuộc nghiên cứu vẫn được tiếp tục ngay cả khi thuốc kháng sinh penicillin đã trở thành phổ biến (năm 1944) và đã được biết là một phương tiện hữu hiệu để điều trị căn bệnh này. Những người bệnh là đối tượng của cuộc nghiên cứu đã không được điều trị mãi đến năm 1972. Cuộc nghiên cứu đã không bị hủy bỏ cho đến khi nó trở thành sự chú ý của các nhà báo và bị đưa lên trang nhất báo Washington Star New York Times khiến Chính phủ Nixon phải kêu gọi tạm dừng cuộc nghiên cứu này lại. Trong cuộc nghiên cứu này, có khá nhiều vi phạm đạo đức: Những người tham gia cuộc nghiên cứu với tư cách đối tượng nghiên cứu đã không được thông tin về quyền ưng thuận của họ (thực ra, họ đã bị lừa dối một cách có tính toán cẩn thận); họ bị từ chối điều trị theo cách tốt nhất; và cuộc nghiên cứu vẫn tiếp tục thậm chí sau khi cách điều trị hữu hiệu đã trở thành phổ biến. Và lý lẽ của nhóm nghiên cứu này là gì? Là những người Mỹ gốc Phi nghèo khổ này dù sao cũng đã không được điều trị, cho nên các nhà nghiên cứu chỉ làm mỗi một việc là quan sát cái gì sẽ xảy ra, và kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng (một “cơ hội không bao giờ có lại lần nữa”); một bác sĩ nói, sau khi penicillin trở thành phổ biến. Mối quan tâm về đạo đức được diễn giải ở đây là cuộc nghiên cứu này có một ý nghĩa quan trọng không chỉ vì giá trị thông tin, mà đối với số đông những người giống như những người đang là đối tượng của cuộc nghiên cứu – một dân chúng đang bị bần cùng hóa vì một tỉ lệ lớn những người bị bệnh giang mai không được điều trị. (Nguồn: Editorial, The New England Journal of Medicine). Những gì đã xảy ra đã khiến  giới nghiên cứu ý thức rõ hơn về việc xây dựng những thủ tục cho nghiên cứu và đạo đức nghiên cứu.

 

Đạo đức nghiên cứu

Đạo đức nghiên cứu là những nguyên tắc đạo lý hướng dẫn việc thực hiện nghiên cứu từ lúc khởi sự cho đến khi hoàn thành và công bố kết quả. Theo Walton, đạo đức nghiên cứu phân tích những vấn đề đạo đức đặt ra khi con người liên quan tới các cuộc nghiên cứu với tư cách là những đối tượng được nghiên cứu. Có ba mục tiêu trong đạo đức nghiên cứu: Mục tiêu trước hết và cơ bản là bảo đảm sự an toàn và nhằm bảo vệ những người tham gia cuộc nghiên cứu. Hai là bảo đảm rằng cuộc nghiên cứu được thực hiện theo cách phục vụ cho lợi ích của các cá nhân, các nhóm người cũng như phục vụ cho cộng đồng như một tổng thể. Cuối cùng, mục tiêu thứ ba là xem xét những hoạt động nghiên cứu và dự án cụ thể về tính chất đạo đức của nó, về việc những dự án này chuẩn bị cho các rủi ro như thế nào, bảo vệ sự cẩn mật ra sao và thực hiện những thủ tục cho thấy sự ưng thuận của người tham gia nghiên cứu như thế nào (Walton).

Bằng những nguyên tắc và cách tiếp cận đạo đức, các nhà nghiên cứu có thể bảo vệ sức khỏe, sự an toàn, quyền hạn, sự riêng tư và phẩm giá của những người tham gia cuộc nghiên cứu với tư cách là đối tượng nghiên cứu. Như Calman (2002) đã nói  “Để bắt đầu một cuộc hành trình hay đặt một nền móng, phải xác định những tính cách như sự thành thật, cởi mở, chia sẻ và tôn trọng quan điểm của người khác, cũng như khoan dung với quyền tự quyết định của họ; làm điều tốt đẹp nhất cho người khác thay vì làm tổn thương họ, giữ lời hứa, chia sẻ những thời khắc khó khăn với người khác”. Do vậy, để bảo đảm an toàn, lợi ích và sự bí mật của những người tham gia cuộc nghiên cứu và những thông tin cá nhân của họ, cần bắt buộc giới khoa học và nghiên cứu sinh phải được phê chuẩn về mặt đạo đức trước khi thực hiện cuộc nghiên cứu.

 

Vai trò của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu trong việc phê chuẩn đạo đức

Phần lớn các trường đại học và tổ chức nghiên cứu hiện nay đã bắt đầu làm quen với những thủ tục/ ủy ban chính thức trong việc xem xét phương diện đạo đức của những công trình thực hiện trong y sinh học và các khoa học xã hội như kinh tế, xã hội học, tâm lý học, và tiếp thị. Tuy nhiên, có những mức độ thay đổi khá nhiều giữa các ủy ban xem xét vấn đề đạo đức nghiên cứu của các trường và của các tổ chức nghiên cứu trong việc xem xét và thủ tục phê chuẩn (Christakis, 1992). Các nhà nghiên cứu ở các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu cần nộp những tài liệu cần thiết cho Ủy ban đạo đức nghiên cứu để được phê chuẩn và thực hiện nghiên cứu một cách độc lập và có hiệu quả. Những tài liệu cần nộp và thủ tục phê chuẩn được nêu trong Phụ lục. Nếu Ủy ban thấy rủi ro hay tổn thương cho người tham gia trong quá trình nghiên cứu, họ có quyền từ chối phê chuẩn. 

Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Kinh tế của Anh đã xác định những nghiên cứu sau đây là có nhiều rủi ro trên mức tối thiểu và yêu cầu được phê chuẩn về mặt đạo đức trước khi thực hiện:

Ø             Nghiên cứu liên quan đến các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và thanh thiếu niên, người khuyết tật hay thiểu năng tâm thần, hoặc những người đang ở trong một mối quan hệ phụ thuộc và bất bình đẳng.

Ø             Nghiên cứu liên quan đến những chủ đề nhạy cảm như hành vi tính dục, hành vi chính trị hoặc phi pháp, kinh nghiệm về bạo lực, sự bạo hành và bóc lột, sức khỏe tâm thần, giới tính và chủng tộc của người được nghiên cứu.

Ø            Nghiên cứu liên quan đến các nhóm  như chủng tộc hay văn hóa, về những cộng đồng bản xứ hay người nhập cư, v.v…

Ø             Nghiên cứu liên quan đến việc tiếp cận những hồ sơ cá nhân và những thông tin mật

Ø             Nghiên cứu liên quan đến những căng thẳng tâm lý, những nỗi lo âu, sự bị làm nhục và đau đớn hơn mức tối thiểu.

Ø             Nghiên cứu liên quan đến sự lừa dối.

Ø             Nghiên cứu liên quan đến sự can thiệp thô bạo vào cuộc sống hằng ngày của người được nghiên cứu 

Theo báo cáo của Hội đồng, những nghiên cứu của giới khoa học và sinh viên thực hiện ở Anh và các nước châu Âu đã tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực đạo đức và nghiên cứu chỉ bắt đầu khởi sự sau khi được Ủy ban đạo đức nghiên cứu phê chuẩn. Tương tự như vậy, Ủy ban Đạo đức Nghiên cứu Con người ở Úc và Hội đồng Xét duyệt Thể chế của Hoa Kỳ xem xét các dự án nghiên cứu ở Úc/Hoa Kỳ và bảo đảm sự an toàn cũng như bảo vệ người được nghiên cứu. Những tổ chức nghề nghiệp như Hội Nghiên cứu Giáo dục Hoa Kỳ (AERA), Hội Nghiên cứu Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), Hội Nghiên cứu Xã hội học Hoa Kỳ (ASA) đều có những hướng dẫn tổng quát cho thành viên và thực hiện việc phê chuẩn về đạo đức nghiên cứu. Khảo sát các công trình nghiên cứu y sinh học và khoa học xã hội liên quan đến con người ở các nước đang phát triển, có thể thấy không hề có một khuôn khổ đạo đức thích hợp nào được xây dựng và người nghiên cứu không tỏ ra chú ý đến việc bảo vệ sự an toàn và bí mật của người được nghiên cứu. Tuy nhiên, sẽ trở thành điều bắt buộc đối với các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển trong việc tuân thủ sự phê chuẩn về đạo đức nghiên cứu nhằm thu hút được các quỹ tài trợ nghiên cứu của các tổ chức nước ngoài. Đã có nhiều dự án nghiên cứu với nội dung khoa học rất tốt bị từ chối vì thiếu nền tảng đạo đức theo sự xem xét của các hội đồng ở các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức tài trợ (Patton, 2002). Đồng thời điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc công bố kết quả.

 

Phê chuẩn đạo đức và việc công bố kết quả nghiên cứu

Thật thú vị nếu ta lưu ý rằng phần lớn các tạp chí nghiên cứu khoa học đã bắt đầu yêu cầu các nhà nghiên cứu, các tác giả cung cấp bằng chứng về việc phê chuẩn đạo đức trước khi công bố những kết quả nghiên cứu liên quan đến con người hay sử dụng những thông tin cá nhân của con người. Tuy nhiên, họ không ngăn cản các nhà nghiên cứu đang làm việc mà không có sự phê chuẩn đạo đức. Mặt khác, những quy định này gây trở ngại cho việc công bố các kết quả nghiên cứu (Draper and Wilson, 2007). Một mặt hạn chế chính của cách làm này là các tạp chí nghiên cứu không nắm chắc được phẩm chất và kinh nghiệm của những Ủy ban đạo đức đã phê chuẩn cho một dự án nghiên cứu. Theo Draper và Wilson (2007), các tạp chí nghiên cứu y khoa thường gặp phải những vấn đề này ở những công trình không khởi sự ở các nước phát triển. Vấn đề này cũng rất phổ biến trong lãnh vực khoa học xã hội.  

 

Vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học

Vấn đề đạo đức nghiên cứu trong quy trình xem xét và đánh giá những công trình y sinh học đã được thực hiện hàng thế kỷ nay với những hướng dẫn và quy tắc nghiêm ngặt ở các nước phát triển. Năm 1964, Tuyên ngôn Helsinki của Hội Nghiên cứu Y khoa Thế giới đã nhấn mạnh 12 nguyên tắc căn bản cho việc thực hiện những nghiên cứu y sinh học có liên quan đến con người (Kalantri, 2003). Theo đó, Hội đồng Các tổ chức nghiên cứu Y khoa Quốc tế (CIOMS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra những hướng dẫn cho cả các nước phát triển và đang phát triển để tiến hành những nghiên cứu y sinh học một cách có đạo đức. Bản hướng dẫn này về sau được điều chỉnh them vào năm 1993 và trở thành Hướng dẫn Đạo đức Quốc tế về Nghiên cứu Y sinh học liên quan đến con người. Nhờ CIOMS và WHO, các nhà nghiên cứu từ những nước đang phát triển giờ đây đã nhận thức được tầm quan trọng của cách tiếp cận đạo đức trong nghiên cứu và áp dụng các nguyên tắc đạo đức trong thực tiễn nghiên cứu. Các tư liệu thành văn cho thấy nghiên cứu y sinh học ít được chú ý về mặt đạo đức ở các nước đang phát triển (Kalantri, 2003). Thực tế này ở Ấn Độ đã thu hút các công ty sản xuất dược phẩm ở các nước phát triển. Lực lượng lao động có năng lực kỹ thuật, chi phí thấp, bệnh nhân có sẵn, hệ thống kiểm soát dược phẩm dễ dãi, thiếu các quy định về thử nghiệm, không nhất quán trong những yêu cầu về sự ưng thuận của người thử nghiệm thuốc, và quá trình xét duyệt về đạo đức nghiên cứu không thỏa đáng đã biến Ấn Độ thành một điểm đến thích hợp cho các nghiên cứu y sinh học (FERCAP Newsleter, 2008). Khoảng dưới 40 Ủy ban về đạo đức nghiên cứu được thành lập và hoạt động ở Ấn Độ một cách đúng đắn, còn lại những ủy ban khác thì thật đáng ngờ vực. Thêm vào đó, luật pháp ở Ấn Độ không yêu cầu các điều tra viên hoặc thành viên Ủy ban đạo đức phải khai báo những mâu thuẫn về lợi ích của mình khi thực hiện nhiệm vụ. 

Xem xét tình hình đạo đức nghiên cứu ở Việt nam, Ủy ban đạo đức nghiên cứu y sinh học đang hoạt động ở cấp bộ và cấp đơn vị. Ủy ban ở cấp bộ có nhiệm kỳ 5 năm, và chín thành viên. Ủy ban ở cấp đơn vị có nhiệm kỳ 4 năm và có bảy thành viên (Quang, 2007). Ủy ban đạo đức nghiên cứu ở Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xem xét dự thảo và thông báo cho các nhà nghiên cứu/ các cơ quan nghiên cứu về những quyết định liên quan đến việc nghiên cứu và những vấn đề mà họ quan ngại (Quang, 2007). Tuy nhiên, lĩnh vực hoạt động của các ủy ban này chỉ giới hạn trong Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP.HCM. Ở những trường đại học khác, các nhà nghiên cứu y sinh học không cần trải qua thủ tục xét duyệt nào về đạo đức nghiên cứu (Quang, sđd). Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng việc xem xét về mặt đạo đức trong việc thực hiện các nghiên cứu y sinh học ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác đang còn giai đoạn sơ khai và ở mức thấp so với các nước phát triển (Xem bảng 1).

 

Đạo đức trong Nghiên cứu Khoa học Xã hội

Theo Walton, đạo đức nghiên cứu có truyền thống tập trung vào nghiên cứu y sinh học. Trong những năm gần đây, việc xem xét yếu tố đạo đức trong nghiên cứu khoa học xã hội bắt đầu trở thành mối quan tâm hàng đầu. Điều này có phần là hệ quả của những thay đổi về mặt pháp lý trong vấn đề bảo vệ thông tin và quyền con người, đồng thời là kết quả của mối quan ngại ngày càng tăng trong công chúng về những đòi hỏi còn hạn chế của đạo đức nghiên cứu. Không có lãnh vực nào của hoạt động con người có thể được miễn trừ khỏi những mối quan ngại về đạo đức. Dịch vụ công, y tế và sức khỏe, chăm sóc xã hội, các doanh nghiệp tài chính và thương mại ngày càng được chi phối bằng việc đánh giá những hậu quả đạo đức mà hoạt động của họ có thể gây ra. Các nhà nghiên cứu hoạt động trong các ngành khoa học xã hội như kinh tế học, tâm lý học, xã hội học và y tế có những nguyên tắc riêng của họ về đạo đức và phê chuẩn đạo đức theo các nguyên tắc đó. Ngay cả khi cùng trong một lĩnh vực của khoa học xã hội, mỗi nhà nghiên cứu có một quan điểm khác nhau về vấn đề đạo đức. Bởi vậy không có một tuyên bố nào có thể áp đặt một bộ công thức hay luật lệ cứng nhắc để các nhà nghiên cứu khoa học ở khắp mọi nơi có thể dựa vào. Vì khoa học xã hội rất rộng lớn, có những khác biệt khá lớn trong những vấn đề liên quan đến con người, những phương pháp nghiên cứu mới đang hình thành làm nảy sinh những vấn đề quan trọng nhưng rõ ràng về đạo đức và những nghĩa vụ của người nghiên cứu (Walton). Vì vậy, những vấn đề đạo đức đủ loại khác nhau đang khuấy động việc nghiên cứu khoa học xã hội và việc xây dựng những quy trình thủ tục nhằm phê chuẩn đạo đức vẫn còn ở giai đoạn ban sơ. Bởi thế, tuân theo những phương pháp đạo đức trong nghiên cứu khoa học xã hội vẫn còn là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu.

Rubin và Rubin (1995) cho rằng hướng dẫn đạo đức không bao hàm được tất cả những tình huống lưỡng nan mà một nhà nghiên cứu phải đương đầu trong thực tiễn nghiên cứu khoa học xã hội. Vì vậy, bổn phận của người nghiên cứu là tự suy nghĩ và nhận định về trách nhiệm đạo đức của họ. (Patton, 2002). Sự ưng thuận của người cung cấp thông tin trong các nghiên cứu định tính và nghiên cứu xã hội làm đơn giản hóa các thủ tục về đạo đức và các nhà nghiên cứu thấy thế là dễ dàng và có hiệu quả. Tuy vậy, Homan (1992) cho rằng, trong phần lớn các nghiên cứu khoa học xã hội, bổn phận đạo đức bắt đầu và kết thúc với giấy ưng thuận của người cung cấp thông tin cho cuộc nghiên cứu. Trong một số trường hợp, giấy ưng thuận này có vẻ như nhằm bảo vệ người nghiên cứu hơn là bảo vệ người cung cấp thông tin cho cuộc nghiên cứu. Một nhà nhân loại học nói “Tôi sợ rằng giấy ưng thuận của người cung cấp thông tin khi áp dụng máy móc bằng cách dùng một mẫu đơn có sẵn, sẽ trở thành một thứ bảo vệ người nghiên cứu hơn là người được nghiên cứu. Giấy ưng thuận có được bằng cách này có tính chất đơn phương hơn là song phương và bảo vệ ngườii nghiên cứu tránh khỏi những trách nhiệm với những người được nghiên cứu, là những người không hiểu hết nội dung và kết quả của cuộc nghiên cứu” (Fluehr-Lobban, 1998, p.199).

Vì đạt được phê chuẩn đạo đức là điều bắt buộc để thực hiện nghiên cứu ở các nước phát triển, sự gắn bó của các nhà nghiên cứu với thủ tục về đạo đức khó có thể so sánh với các nước đang phát triển. Các nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở các nước đang phát triển tỏ ra rất ít quan tâm đến thủ tục xin phê chuẩn về đạo đức và rất ít công trình được thực hiện với sự phê chuẩn của ủy ban đạo đức. Sự không nhất quán trong thủ tục xin phê duyệt gây trở ngại cho việc tham gia vào quá trình này của các nhà nghiên cứu. Thêm nữa, tình hình kinh tế và chính trị của các nước đang phát triển cũng làm nản lòng giới khoa học và sinh viên trong việc tuân thủ những thủ tục này.

 

 

 

 

 

Các nước phát triển

 

Các nước đang phát triển

Nghiên cứu y sinh học

 

 

Rất quan tâm đến vấn đề đạo đức

 

 

 

Ít quan tâm đến vấn đề đạo đức

 

Nghiên cứu KHXH liên quan đến con người

 

Rất quan tâm đến vấn đề đạo đức

 

 

 

 

Không quan tâm đến vấn đề đạo đức

 

 

Figure 1: Research Ethics Matrix.

 

Kết luận

Hiển nhiên là trong một thế giới phức tạp, đạo đức là một đòi hỏi ngày càng quan trọng hơn, không chỉ đối với y sinh học và y tế công, mà cả đối với lĩnh vực khoa học xã hội  (Ringheim, 1995). Vì vậy các nhà nghiên cứu ở cả những nước phát triển và đang phát triển đều rất cần duy trì một tiêu chuẩn cao về đạo đức. Cần bắt buộc phải có phê chuẩn về đạo đức trước khi bắt đầu cuộc nghiên cứu. Trách nhiệm của Nhà nước là thành lập những ủy ban xem xét về đạo đức nghiên cứu và quản lý quá trình nghiên cứu. Như Ringheim (1994) đã nói, nghiên cứu cần được thực hiện theo những nguyên tắc đạo đức; tôn trọng con người, hướng thiện, công bằng và không có tính chất phi pháp.  

Phạm Thị Ly dịch

 

Reference:

Calman, K. C. (2002), “Communication of risks: choice, consent, and trust”, Lancet, vol. 360, pp. 166-68

Christakis, N.A. (1992), “Ethics are Local; Engaging Cross-Cultural Variation in the Ethics for Clinical Research”, Social Science and Medicine, vol. 35, no. 9, pp. 1079-1091.

Council for International Organizations of Medical Sciences. International ethical guidelines for biomedical research involving human subjects. Geneva. Council for International Organization of medical Sciences; 1993.

Draper, H. and Wilson, S. (2007), “Research Ethics Approval: Comprehensive Mechanisms are Essential but Not Available”, Family practice, vol. 24, pp. 527-228.

 

Fluehr-Lobban, C. (1998). Ethics. In H. R. Bernard (Ed.), Handbook of Methods in Cultural Anthropology (pp. 713-201). London: Alta Mira Press.

Forum for Ethical Review Committees in Asia and the Western pacific, FERCAP Newsletter, 2008.

Homan, R. (1992), “The Ethics of Open Methods”, The British Journal of Sociology, vol. 43, no. 3, pp. 321-332.

Kalantri, S.P. (2003), “Ethics in Clinical Research”, Indian Journal of Anaesthesia, vol. 47, no. 1, pp. 30-32.

Kanungo, R. (2006), “Ethics in Research”, Indian Journal of Medical Microbiology, vol. 24, no. 1, pp. 5-6.

Patton, M. (2002), Qualitative Research and Evaluation Methods. (3rd ed.), Thousand oaks: Sage.

Quang, N.N. “Ethical Aspects of Biomedical Research”, Symposium Proceedings; A Two Day Workshop on Implementing Clinical Research in Vietnam: A Dialogue on the Current Regulations of the Ministry of Health Held at Hanoi, Vietnam, 2007, pp. 9-12.

Redshaw, M.E., Harris, A. and Baun, J.D. (1996), “Research Ethics Committee Audit: Differences Between Committees”, Journal of Medical Ethics, vol. 22, pp. 78-82.

Research Ethics Framework, Economic and Social Science Research Council Report, (2003), pp. 1-36.

Ringheim, K. (1995), “Ethical Issues in Social Science Research with Special Reference to Sexual Behaviour Research”, Social Science and Medicine, vol. 40, no. 12, pp. 1691-1697. 

Rubin, H. and Rubin, I. (1995), Qualitative Interviewing: The Art of Bearing Data, Thousand Oaks, CA: Sage.

Walton, “What is Research Ethics”, http://www.researchethics.ca/what-is-research-ethics.htm

Tác giả