Vào miền đất lạ

Trẻ em phải học lấy một phương pháp học tiếng nước ngoài mà hiệu quả của phương pháp nằm ở chỗ các em phải sở hữu được cái tiếng nước ngoài đó như một công cụ thực thụ. Cái công cụ đó được dùng vào việc giao tiếp với đối tác, được dùng để học hỏi những cái hay cái đẹp của một nền văn hóa khác lạ, và cũng là công cụ của một cung cách tư duy khác.

Trong tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình, văn hào Lev Tolstoy mô tả việc dùng tiếng Pháp trong các gia đình quý tộc Nga, và không quên giễu một bà hầu tước nào đó chuyên phát âm chữ Europe thành “uy-rôp”.

Chuyện phát âm sai đó phản ánh một thực trạng học tiếng nước ngoài trước đây trên toàn thế giới: phần lớn người học đi sâu vào học để đọc, để dịch, để ngâm ngợi những nét đẹp ngôn ngữ xa lạ với tiếng mẹ đẻ của mình. Trừ những trường hợp buộc phải giao tiếp, ngoài ra việc học tiếng nước ngoài trước đây chỉ nhằm tự bồi bổ trí tuệ. 

Ấy thế rồi nổ ra Đại chiến thế giới lần thứ hai. Cuộc Đại chiến năm 1914-1918 chưa đủ sức làm đảo lộn toàn bộ Trái đất này. Nhiều miền đất vẫn như còn mơ ngủ sau cuộc Thế chiến thứ nhất. Nhưng đã không có tình trạng không thức tỉnh nữa sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Thế chiến thứ hai tàn phá mạnh, nhưng cũng mở ra một thời đại cho ai ai cũng nhận thấy toàn cầu hóa sẽ cứu vãn thế giới. Với nhiều vùng đất, Thế chiến thứ nhất vẫn diễn ra như là chuyện cháy nhà hàng xóm, “ta đây” vẫn bình chân được.

Có lẽ người Mỹ là người vừa có điều kiện, vừa biết chuẩn bị sớm nhất, kỹ nhất cho việc thúc đẩy cái sự nghiệp toàn cầu hóa đó. Một quả bom hạt nhân để đánh dấu sự kết thúc chiến tranh, một kế hoạch cỡ như Marshall phục hồi toàn diện một châu lục, và … một chương trình đào tạo tiếng Anh cấp tốc vừa phục vụ cho việc tiếp quản những miền đất lạ vừa phục vụ cho giao lưu kinh tế-văn hóa trong viện trợ Mỹ.

Từ đầu năm 1944, người Mỹ đã đào tạo gần nửa triệu sĩ quan học các tiếng nước ngoài đủ sức giao tiếp với cư dân các vùng đất lạ. Phương pháp cấp tập intensive và theo đường lối giao tiếp communicative ra đời.

Phương pháp này được hoan nghênh và được củng cố vào những năm hậu chiến. Tình trạng nghèo nàn hậu chiến khiến cho dòng di dân hết sức tấp nập. Nước Italia, nước Pháp, nước Hy Lạp cùng là tư bản và dân chủ, mỗi năm mỗi nước chừng vài ba triệu người chạy qua Mỹ kiếm sống. Nước Nam Tư, nước Ba Lan, nước Hungary, nước Tiệp, nước Albania cộng sản và dân chủ mới, cũng mỗi năm mỗi nước chừng vài ba triệu người chạy qua Mỹ kiếm sống. Chưa kể, sau này, còn dòng người tị nạn chiến tranh cục bộ, rồi thuyền nhân tị nạn hòa bình, ai ai cũng phải biết giao tiếp bằng tiếng của đất đón rước họ, không thể chờ lâu hơn ba tháng… Sao lại ba tháng nhỉ? Hình như đó là thời hạn nhận khoản trợ cấp cho cả những người tị nạn có tổ chức và không có tổ chức.

Chỉ tội nghiệp cho những nền giáo dục nào đã trót thể chế hóa “cách tiếp cận” giao tiếp trong cách học cấp tập vài ba tháng, và áp dụng máy móc vào cho học sinh có cả một thời gian dài nhiều năm để học lấy một tiếng nước ngoài – những học sinh nhận khoản trợ cấp của cha mẹ ít ra cũng dài nhiều lần hơn ba tháng trợ cấp thất nghiệp theo thể thức tị nạn.

Phải nói luôn: với trẻ em, cái gọi bằng “lối tiếp cận giao tiếp” khi học tiếng nước ngoài đã mắc một sai lầm kép: tạo ra một tâm lý thỏa mãn non coi như người học “giao tiếp” đến vậy là đủ; trong khi hoàn toàn không có những kỹ thuật sư phạm bảo đảm cho “lối tiếp cận” đó thành công.

* * *

Đất nước đang bắt buộc phải hội nhập vào cuộc toàn cầu hóa. “Bắt buộc” hiểu theo nghĩa quy luật, hiểu theo nghĩa tính tất yếu. Nhận thức được điều đó sẽ dấn thân vào cuộc toàn cầu hóa một cách có ý thức. Như một người đi vào miền đất lạ. Như một người học tiếng nước ngoài. Vả chăng muốn hội nhập vào cuộc viễn du toàn cầu hóa, thì cái công cụ đầu tiên phải sắm chính là tiếng nước ngoài vậy.

Chỗ khác nhau giữa một người lớn và một em học sinh trong việc học tiếng nước ngoài là ở điểm này. Người lớn chỉ cần có công cụ là tiếng nước ngoài. Người lớn có thể học theo cách học của sĩ quan Hoa Kỳ năm 1944, intensive và communicative. Cốt chiếm lĩnh lấy cái tiếng nước ngoài đó bằng mọi giá.

Trẻ em thì khác. Trẻ em phải học lấy một phương pháp học tiếng nước ngoài mà hiệu quả của phương pháp nằm ở chỗ các em phải sở hữu được cái tiếng nước ngoài đó như một công cụ thực thụ. Cái công cụ đó được dùng vào việc giao tiếp với đối tác, được dùng để học hỏi những cái hay cái đẹp của một nền văn hóa khác lạ, và cũng là công cụ của một cung cách tư duy khác để đến được với một Shakespeare hoặc một Rabelais hoặc một nhà thơ khác nữa là Rumi.

Bạn đã thấy là tôi hoàn toàn không hề nói đến một mảnh bằng hoặc một chứng chỉ, mà hoàn toàn suy tưởng đến những khía cạnh văn minh văn hóa của một công việc trong nhiều công việc hội nhập. Có khi cũng cần đến một chứng chỉ, nhưng chỉ nên coi đó là sự cần thiết tạm thời để vươn xa hơn vào văn hóa và văn minh nhân loại.

Với cách suy nghĩ như vậy thì cách học một thứ tiếng nước ngoài sẽ phải hoàn toàn thay đổi, không thể dừng lại ở cung cách “giao tiếp”, ngay từ tiết học đầu tiên đã “lấy giao tiếp nuôi giao tiếp”.

Việc học tiếng nước ngoài cũng phải theo quy luật của việc tự giáo dục nói chung mà bậc tiểu học phải là bậc học phương pháp học. Nhà giáo (nhà sư phạm) có nhiệm vụ tổ chức việc học phương pháp học, chứ không phải là cải tiến phương pháp dạy học. Từ đây, một cách tổng quát, nghĩ rằng chúng ta sẽ gọi khái niệm mới phương pháp tiếng nước ngoài đó cũng tương tự như phương pháp nghệ thuật (khi học văn thơ), phương pháp lịch sử (khi học những vấn đề của Sử học), phương pháp ngôn ngữ (khi học tiếng mẹ đẻ), phương pháp toán (khi học toán hoặc logic).…

Cái phương pháp tiếng nước ngoài mà trẻ em cần sở hữu bắt đầu bằng cách học phát âm. Phát âm chuẩn là bước đầu bắt buộc của việc học tiếng nước ngoài. Các âm của tiếng nước ngoài lại không nằm viển vông nơi hư vô, mà gửi trong các từ và trong các biểu đạt (trong sự nối âm, trong cách nhấn trọng âm). Song, để dễ học (cho học trò) và dễ tổ chức việc học (cho giáo viên), và cũng để hợp với tâm lý người học, ta sẽ chia ra như sau:

Lớp Một, âm và từ, trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp;

Lớp Hai, Từ và từ loại, trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp;

Lớp Ba, Từ và câu, trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp;

Lớp Bốn, Câu và bài, trò chơi ngôn ngữ, trò chơi giao tiếp;

Lớp Năm, Văn, thơ, kịch tiêu biểu của nền văn hóa người học đang thâm nhập, trò chơi ngôn ngữ, thực hành giao tiếp.

Lên bậc học trên, giả định là bậc tương đương như phổ thông cơ sở hiện thời, vòng học thứ nhất ở bậc tiểu học về âm, từ, câu và bài lại được “ôn tập lại” (vận dụng nâng cao) trong những vật liệu đa dạng lên, đã có thể dùng tiếng nước ngoài bồi bổ tri thức cho người học.

Hoàn toàn có thể nghĩ, nếu học tiếp theo cách thức này, đến bậc học tương đương như phổ thông trung học hiện thời, vòng học thứ nhất và thứ nhì kể trên sẽ được nâng cao thành vòng học đi tìm tri thức cho học sinh, và hoàn toàn không cần có những lớp “đặc quyền đặc lợi” tách ra học từng môn học riêng biệt bằng tiếng nước ngoài (rất phản cảm như những lớp học VIP đã bị dư luận lên án).

Cũng không loại trừ đến một khúc nào đó, tùy tình hình chuẩn bị của ngành giáo dục, tùy khả năng kinh tế của đất nước, và nhất là tùy theo nhu cầu cần được đáp ứng của người học, nhà trường phổ thông sẽ tổ chức học một ngoại ngữ thứ hai, với phương pháp học cấp tập (intensive) hơn, mang nhiều yếu tố tự học và tự chọn hơn.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)