Về những câu hỏi “Tại sao?” của GS Văn Như Cương

Trong bài viết “Thi xong rồi lại phải hỏi TẠI SAO?”(1) GS  Văn Như Cương tin rằng cũng như mọi năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hẳn sẽ lại được Bộ GD&ĐT đánh giá là nghiêm túc, bảo mật, bám sát chương trình, v.v, tóm lại là thành công tốt đẹp. Nhưng với cái nhìn của một người quan sát từ bên ngoài như GS Cương, thì kỳ thi ấy có quá nhiều điều “khó hiểu” cần phải trả lời.

Cụ thể, ông nêu làm ví dụ một loạt 6 câu hỏi như sau:

1.    Tại sao các bậc phụ huynh phải đóng tiền để hỗ trợ kỳ thi ?
2.    Tại sao nhiều thầy cô giáo không muốn xem thi và chấm thi?
3.    Tại sao so với năm 2009, số thanh tra ủy quyền của Bộ năm nay lại giảm đi 15 lần (600 người so với 9000 người)?
4.    Tại sao không thực hiện điều mà Bộ từng tuyên bố: từ năm 2009 mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm?
5.    Tại sao đề thi lại phải có phần tự chọn cho chương trình chuẩn và chương trình nâng cao? Tại sao riêng môn ngoại ngữ lại không cần?
6.    Tại sao phải thi theo cụm trường làm cho một số không ít thí sinh rất vất vả?

Quả là quá nhiều câu hỏi, khiến ta không thể không băn khoăn. Dường như sau rất nhiều cải cách, việc tổ chức những kỳ thi quan trọng của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên các biện pháp được thực hiện mà không rõ lý do. Người trả lời tốt nhất cho những câu hỏi của GS Cương tất nhiên là Bộ Giáo dục, nhưng vì Bộ chưa bao giờ đưa ra câu trả lời rõ ràng và chính thức, nên chúng ta đành phải tự tìm cách trả lời. GS Cương đã đưa ra trong bài viết của mình một số cách lý giải mà tôi thấy đều có lý. Tôi cũng nghĩ thêm ra được vài cách lý giải khác, vàc ó lẽ ai có con em đi học cũng đều có thể đưa ra được một số câu trả lời được, theo kinh nghiệm của riêng mình mà chẳng mấy khó khăn.

Ví dụ, việc đóng góp hỗ trợ kỳ thi của phụ huynh, vốn là chuyện tự nguyện “không ai bắt buộc”. Điều này thì có con em đi học ở Việt Nam đều đã quá quen, vì nó chẳng khác gì với nhiều kiểu “tự nguyện” đóng góp nhiều thứ trong suốt 12 năm học tập ở trường phổ thông. Lý do ư? Vì đầu tư cho ngành giáo dục không đến nơi đến chốn, và/hoặc việc quản lý và sử dụng kinh phí trong ngành giáo dục không được minh bạch và hiệu quả. Thầy cô giáo không muốn xem thi và chấm thi ư, có lẽ đó là hậu quả của tình trạng “quyền rơm, vạ đá”. Công việc thì nặng nhọc, trách nhiệm thì cao, bồi dưỡng thì lại rất bèo bọt. Mà cũng có thể họ chẳng mấy tin vào sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi như những đánh giá chính thức từ Bộ, nên cảm thấy những hy sinh của mình là vô nghĩa. Còn số thanh tra ủy quyền giảm đi 15 lần, có thể là vì sự có mặt của lực lượng thanh tra quá đông đảo vào năm 2009 thực ra cũng chẳng mấy có tác dụng, nên không còn cần huy động đông đúc tốn kém như vậy nữa.

Một vài câu hỏi của GS Cương thiên về kỹ thuật, đòi hỏi phải hiểu biết về thi cử một chút, nhưng không đến nỗi không thể trả lời. Chẳng hạn, việc Bộ không áp dụng cách tổ chức “mỗi thí sinh một đề thi” như đã tuyên bố cũng chẳng có gì lạ. Chẳng phải đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có những tuyên bố như đinh đóng cột nhưng sau đó lại không thực hiện (có lẽ là do không thực hiện được). Các thầy cô giáo trong ngành giáo dục đã rất vui mừng chờ đợi năm 2010 sẽ sống được bằng lương, để đến giữa năm 2011 thì ai cũng biết rằng cuộc sống của thầy cô giáo còn khó khăn hơn trước nhiều do lạm phát phi mã. Riêng việc Bộ đã không áp dụng phương pháp “mỗi thí sinh có một đề thi” có lẽ lại là một điều hay, trước hết là vì trên thế giới có lẽ chẳng ai làm như thế cả, hơn nữa nếu thực hiện ở Việt Nam trong điều kiện ra đề thi và in sao đề thi thiếu chuyên nghiệp và cận ngày thi như hiện nay thì việc sai sót dây chuyền và hàng loạt là rất dễ xảy ra.

Hai câu hỏi cuối cùng mặc dù liên quan đến những vấn đề kỹ thuật khác nhau nhưng lại có chung một câu trả lời: Tại sao ư, chẳng có tại sao hết! Những việc ấy, giống như nhiều việc khác ở Việt Nam, đã được quyết định mà không hề dựa trên ý kiến chuyên môn của những người có hiểu biết nhiều nhất về thi cử và khảo thí, mà dựa trên ý kiến của số đông, vốn là những người không hiểu rõ những gì mình đang góp phần ra quyết định.

Tất cả những câu hỏi nêu trên dẫn đến một câu hỏi cuối cùng: Tại sao Bộ lại cứ phải ôm lấy công việc mà các Sở có thể làm? Theo tôi, đây không phải là một câu hỏi, mà là ý kiến góp ý của GS Cương đối với Bộ Giáo dục, đó là: xin Bộ hãy trao bớt các quyền lực và công việc mà mình đang nắm xuống các địa phương, tức các Sở Giáo dục (và các trường đại học, trong trường hợp kỳ thi đại học). Có vẻ như GS Cương cho rằng chỉ cần giao quyền từ trung ương xuống địa phương thì mọi câu hỏi tại sao ở trên sẽ tự động mất đi, và mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Tại sao Bộ không giao quyền cho các địa phương hoặc các trường? Tôi tin rằng Bộ Giáo dục cảm thấy mình có những lý do rất đúng đắn để giữ lại quyền tổ chức các kỳ thi quan trọng, bởi một khi giao quyền đi thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một cách, thiếu thống nhất, và Bộ sẽ không có điều kiện để kiểm tra, giám sát cho xuể nếu các địa phương cố tình làm sai. Vì vậy, Bộ cần phải nắm lấy các kỳ thi để tạo sự công bằng và giữ vững chất lượng – những mục tiêu quả thật là quan trọng, và vì vậy, việc Bộ vẫn tiếp tục nắm toàn quyền trên các kỳ thi quan trọng xem ra là hoàn toàn chính đáng.

Có lẽ chúng ta cần một lần dứt khoát xác định rõ mục tiêu của cải cách thi cử: cải cách là vì lợi ích của chính người học, và vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải vì thành tích của ngành, hay để bảo vệ quan điểm của một vài người, hay vì những mục tiêu ngầm nào khác, hay, đơn giản là cải cách chỉ là để … cải cách.

Nhưng ngay lập tức ta lại vấp phải những câu hỏi lớn hơn, là phải chăng sự công bằng có thể được đem lại bằng cách thống nhất tất cả mọi thứ như hiện nay: một kỳ thi chung, một điểm sàn cho mỗi khối thi, một bộ sách giáo khoa, một chương trình khung, một mức lương thống nhất cho các giáo viên, một mức học phí cho một cấp học? Và phải chăng chỉ có Bộ Giáo dục mới có thể kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của ngành giáo dục một cách hiệu quả nhất để đem lại chất lượng cho giáo dục Việt Nam? Thực tế của nền giáo dục Việt Nam hiện nay đã cho thấy câu trả lời là không phải thế.

Là một nhà giáo với kinh nghiệm gần 30 năm, đồng thời là một phụ huynh, tôi có một kinh nghiệm quý như thế này: khi ta giải một bài toán theo cách làm mò, thì chẳng bao lâu sẽ bị rơi vào tình trạng vừa trả lời xong một câu hỏi thì ngay lập tức phát sinh một (hoặc nhiều) câu hỏi khác phát sinh, và cứ thế kéo dài mãi. Mỗi lần như vậy, tôi luôn nói với học sinh, hoặc con cái của tôi: Cần phải trở lại từ đầu, và bắt đầu từ những điều căn bản.

Kinh nghiệm này giờ đây có vẻ cũng đúng áp dụng được với việc cải cách thi cử của Việt Nam. Có lẽ chúng ta cần một lần dứt khoát xác định rõ mục tiêu của cải cách thi cử: cải cách là vì lợi ích của chính người học, và vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải vì thành tích của ngành, hay để bảo vệ quan điểm của một vài người, hay vì những mục tiêu ngầm nào khác, hay, đơn giản là cải cách chỉ là để … cải cách.

Chỉ khi nào chúng ta xác định rõ ràng mục tiêu của cải cách thi cử thì lúc ấy mới có thể bàn chuyện nên làm gì và làm như thế nào. Bằng không, thì e rằng những câu hỏi “tại sao”giống như những câu hỏi của GS Cương sẽ cứ tiếp tục vang lên sau mỗi kỳ thi mà không bao giờ chấm dứt.

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)