Vì sao các Hội đồng trường tồn tại mờ nhạt?

Trong lĩnh vực quản trị giáo dục đại học, cơ chế Hội đồng trường (HĐT) được sử dụng rất phổ biến ở các nước phát triển và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Dù ở đâu, các HĐT đều mang đặc trưng của một hội đồng quản lý với thẩm quyền cao nhất trong một trường đại học, đại diện cho chủ sở hữu của nhà trường, mà đối với các trường đại học công lập thì đó chính là chủ sở hữu cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam lại không như vậy.


Nhiều người học không biết HĐT là tổ chức gì vì tất tật các lĩnh vực hoạt động của trường đại học có liên quan đến người học đều do một tay hiệu trưởng hoặc các phó hiệu trưởng thay mặt hiệu trưởng quyết định.

Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học…) đều khẳng định vai trò quan trọng của HĐT trong thể chế tự chủ của các trường đại học. Ai cũng biết HĐT là tổ chức quản lý có quyền lực cao nhất trong nhà trường với các đại diện từ các nhóm lợi ích có liên quan như nhà nước (cơ quan chủ quản), đảng (Bí thư Đảng ủy), chính quyền (Ban giám hiệu gồm hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng), Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giáo viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, v.v… Ai cũng thừa nhận quyền tự chủ của trường đại học không thể trao cho cá nhân hiệu trưởng mà phải cho một tập thể lãnh đạo – HĐT. Do vậy, rõ ràng, việc thành lập HĐT phải được coi là khâu đột phá trong triển khai tự chủ đại học, và đúng ra, như một lẽ tự nhiên, nó phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT.

Tiếc là, rằng hay thì thật là hay, nghe ra thực tế nhiều năm qua ở không ít trường đại học công lập, HĐT chỉ tồn tại rất mờ nhạt, là nơi phát ra những khẩu hiệu hô hào mà thiếu các hành động cụ thể và thiết thực, hầu như không thể hiện được vai trò của một tổ chức quyền lực, và không thực sự phản ánh tinh thần dân chủ lẽ ra phải có ở các cơ sở giáo dục đại học.

Có ý kiến cho rằng, thực trạng đó tồn tại trước hết là do hạn chế về năng lực, phẩm chất của bản thân các HĐT, ngoài ra còn do sự thiếu quan tâm chỉ đạo từ chính phủ và thiếu quan tâm từ bản thân các thành viên trong cộng đồng ở mỗi trường đại học cũng như cộng đồng xã hội nói chung.   

Về sự thiếu quan tâm và chỉ đạo thiết thực, hiệu quả của chính phủ, ai cũng thấy dường như sau khi cơ quan có trách nhiệm ban hành quyết định giao quyền thí điểm đổi mới cơ chế quản lý, các trường coi như phải tự bơi. Người ta cũng dễ thấy sự “đánh trống bỏ dùi” trên các văn bản pháp quy cũng như trên các văn bản điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp hay gián tiếp có trách nhiệm đến lĩnh vực GD&ĐT. Xin nêu vài ví dụ:

HĐT trong tâm thức nhà quản lý

Cho đến nay, chưa có Quy định nào của Ban Bí thư thay thế Quy định số 97-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp (trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu…), ký ngày 22/3/ 2004, nên trong Quy định số 1237A-QĐ/ĐUK của Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, ký ngày 04/01/2017, vẫn không dám “đi xa”, trong việc quy định vai trò của HĐT, cụ thể: “Trên cơ sở ý kiến, chủ trương của Đảng ủy, Hội đồng trường ra quyết nghị thông qua dự thảo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng công tác do Ban Giám hiệu chuẩn bị”, “Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và tình hình thực tế của nhà trường, Ban Giám hiệu có trách nhiệm chuẩn bị dự thảo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, phương hướng công tác báo cáo để Đảng ủy thảo luận. Đảng ủy tập trung thảo luận, ra nghị quyết về những mục tiêu chủ yếu, những biện pháp lớn để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường” (Mục 1 Điều 2), “Ban Giám hiệu có trách nhiệm đề xuất báo cáo xin ý kiến tập thể Đảng ủy về nhân sự được đề xuất. Hội đồng trường giám sát việc thực hiện theo các quy định đã được thông qua. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, Hiệu trưởng ra quyết định” (Mục 3 Điều 4: những vấn đề về tổ chức và cán bộ). Như vậy, mọi việc dường như đã được đảng ủy và ban giám hiệu làm cả, HĐT chỉ có việc “thông qua” hoặc là “giám sát”, không thấy vị trí là “cơ quan quyền lực cao nhất” của nhà trường thể hiện ở chỗ nào.

Trong các tài liệu pháp quy hiện hành đều quy định rất rõ ràng, chủ tịch HĐT không là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, nhưng quy định này không áp dụng cho các đại học quốc gia và đại học vùng; vì thế, ở đại học quốc gia và đại học vùng, giám đốc kiêm nhiệm luôn cả chức bí thư và chủ tịch HĐT. Một người vừa đề ra chính sách, vừa tổ chức thực hiện chính sách, và giám sát luôn việc thực hiện chính sách ấy, thì khó có thể đảm bảo mọi việc đều được công khai, minh bạch, dân chủ. Không có cơ sở khoa học nào của việc giám đốc đại học quốc gia và đại học vùng, một người được phép làm cả ba chức vụ, còn các trường đại học khác thì không.

Khi đề cập đến hoạt động của HĐT, các văn bản đều quy định: HĐT họp thường kỳ ít nhất sáu tháng một lần. Quy định này được đại đa số các vị bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường hiểu là HĐT mỗi năm họp hai lần. Như vậy, 25-30% số thành viên HĐT là người ngoài trường sẽ gần như không nắm bắt được tình hình hoạt động thực sự của trường, dẫn tới tình trạng các thành viên hầu như không có ý kiến phản biện, không thấy báo cáo “giám sát” nào đáng giá của hội đồng, tất cả chỉ là sự đồng ý trên tinh thần “vui vẻ cả”.

Về tiêu chuẩn, điều kiện của Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, các tài liệu pháp quy hiện hành luôn quy định “tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng”, “nhiệm kỳ của hội đồng trường theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng”, trong khi trên thực tế, HĐT là tổ chức chịu trách nhiệm lựa chọn và tổ chức bầu hiệu trưởng theo quy trình do HĐT xây dựng và thông qua. Nghĩa là HĐT có trước, ban giám hiệu có sau, vậy mà vẫn tồn tại qua nhiều năm quy định “sinh con rồi mới sinh cha”, nhưng không thấy ai có ý kiến gì.

Vị thế và vai trò của HĐT thiếu được coi trọng còn thể hiện rõ qua thực tế là trong các cuộc họp của Bộ GD&ĐT cũng như của các bộ ngành liên quan khác, giấy mời của Bộ GD&ĐT gửi các trường dự Hội nghị tổng kết năm học cũng như các Hội nghị khác thường chỉ mời hiệu trưởng hoặc ban giám hiệu, hiếm khi nào mời HĐT!

HĐT tồn tại như thế nào ở một trường đại học

Khi được cấp trên yêu cầu phải thành lập HĐT, hiệu trưởng các trường đại học thường chọn một vị trưởng phòng nào đó như trưởng phòng tổ chức cán bộ, trưởng phòng đào tạo, cũng có thể là chủ tịch công đoàn, hoặc cùng lắm là một phó hiệu trưởng sau khi được “làm công tác tư tưởng” đã “xung phong” nghỉ vai trò phó hiệu trưởng để nhận nhiệm vụ mới. Không khó để thấy rằng họ hầu như không thực sự có vị thế bình đẳng để có thể bàn “chuyện triều đình”, hoặc chất vấn, phản biện trước hiệu trưởng. Người ta thậm chí còn nói, chức danh chủ tịch HĐT trên thực tế chỉ có quyền làm theo ý hiệu trưởng.

Nếu dự một hội nghị của một trường đại học, thì bao giờ chức danh được “kính thưa” cũng theo thứ tự (bất thành văn) là bí thư, hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, rồi mới đến ông/bà chủ tịch HĐT vô cùng kính mến. Tương tự như vậy, khi các vị áo cao mũ dài đến thăm một cơ sở giáo dục đại học công lập, khi “cho ý kiến chỉ đạo”, thường thì bao giờ các vị ấy, như một lẽ tự nhiên, cũng “thưa” ông/bà hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trước chức danh chủ tịch HĐT, dù họ là những người chữ nghĩa đầy người, thuộc loại “trên thông thiên văn”, biết thừa HĐT là “cơ quan quyền lực cao nhất” của trường đại học tự chủ.

Còn với người học, họ không biết HĐT là tổ chức gì vì trong suốt quá trình học ở trường đại học, họ không thấy một dấu tích, dù bé nhỏ, của HĐT. Các vấn đề thiết thân với cán bộ viên chức và người học như mức học phí, thời gian nghỉ lễ nghỉ hè, khen thưởng, kỉ luật, bằng cấp, lương bổng, v.v… tóm lại là tất tật các lĩnh vực hoạt động của trường đại học có liên quan đến người học đều do một tay hiệu trưởng hoặc các phó hiệu trưởng thay mặt hiệu trưởng quyết định. Ngay cả trên các loại bằng cấp của người học, các quy định pháp luật của ta đều không có chỗ cho sự hiện diện của HĐT – ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển thì không thế, ta hãy thử nhìn vào bằng Thạc sĩ, bằng Tiến sĩ của một đại học nào đó ở Hoa Kỳ, ở đó đều có chữ ký ở vị trí trang trọng nhất của ông/bà chủ tịch HĐT; thậm chí bằng cấp là do HĐT quyết định, nên trên các bằng cấp này đều có dòng chữ “Be it Known that the Trustees of X Universiy…” hay “the Trustees of the University have conferred upon…”.

Với các đối tác (trong và ngoài nước), khi tìm đến trường đại học, họ đều tìm đến hiệu trưởng hoặc chí ít là phó hiệu trưởng, đều mong gặp ban giám hiệu, không ai tìm đến HĐT để gặp gỡ, để thương thảo; vì họ biết, chỉ có ban giám hiệu mới có thực quyền quyết định những vấn đề “ra đồng tiền bát gạo”. Khi nhà trường cần gặp gỡ, thương thảo với các đối tác hay với lãnh đạo cấp trên cũng vậy, không ai cử HĐT vì vừa không đúng với chức năng, nhiệm vụ của HĐT, vừa không ai tin rằng HĐT, trên thực tế, có thực quyền quyết định một việc nào đó, dù to hay nhỏ của nhà trường.

Như vậy, khi mà các HĐT tồn tại mà không có thực quyền, không có vị thế trong thực tiễn cuộc sống của các trường đại học, và chưa thực sự được coi trọng trong tâm thức các nhà quản lý, thì phải chăng sự tồn tại đó chỉ cho “đầy đủ thủ tục”, thể hiện rằng chúng ta cũng đang đổi mới và hội nhập về GD&ĐT “theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế”?

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)