Vì sao Mẹ Hổ “chạm vào dây thần kinh” người Mỹ

Cuốn sách “tường thuật” lại, có phần bông lơn và thậm xưng, về hành trình dạy con nghiêm khắc “kiểu Trung Hoa” của Amy Chua đã thật sự "chạm vào thần kinh của người Mỹ. Vì sao vậy?

Trích đoạn trong quyển Khúc chiến ca của Mẹ Hổ* của tác giả Amy Chua đăng trên Tạp chí Phố Wall có thể nói không ngoa là đã khơi mào cho một cuộc thảo luận sôi nổi về triết lý giáo dục con cái trên toàn nước Mỹ. Trong cuốn sách của mình, Amy Chua đã “tường thuật” lại, có phần bông lơn và thậm xưng, về hành trình dạy con nghiêm khắc “kiểu Trung Hoa” của bà để dẫn đến hai cô con gái rất thành công trong học hành: cô chị vừa được Harvard nhận, và cả hai cô con gái đều chơi nhạc cụ cổ điển xuất sắc.

Có thể hiểu tại sao người Mỹ lại bị “chạm vào dây thần kinh” vì quyển sách này. Một mặt, triết lý giáo dục con cái của họ nhìn chung là trái ngược với những gì Amy Chua thể hiện trong sách. Họ luôn đề cao tính độc lập của trẻ em, để cho trẻ em được rất nhiều tự do chọn lựa trong học hành và giải trí, xây dựng lòng tự trọng và cá tính nghi ngờ quyền thế. Mặt khác, người Mỹ phải đối mặt với các con số cụ thể, rằng học sinh gốc Á chiếm trên 50% tại các trường trung học số một nước Mỹ như Lowell, Stuvyesant, Hunter College, rằng 44% người Mỹ gốc Á có bằng đại học so với 26% của dân da trắng.

Kể cũng khá oái oăm là ở Trung Quốc các nhà giáo dục đã và đang tìm cách thoát ly khỏi lối giáo dục từ chương, nghiêm ngặt chặt chẽ, tạo ra một thế hệ những con ong thợ rất tốt luôn phục tùng nhưng thiếu hẳn tính sáng tạo. Trong khi đó, ở Mỹ các nhà giáo dục luôn lo lắng và tranh luận về sự sa sút của kết quả thi cử của học sinh Mỹ so với trẻ em cùng tuổi trên thế giới. Ranh giới cân bằng tinh tế giữa hai triết lý giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa có lẽ là một trong những nguyên nhân chủ đạo của cuộc thảo luận sôi nổi không hồi kết này.

Các kết quả nghiên cứu tâm lý trẻ em hiện nay cũng “xẻ” Amy Chua làm đôi, nửa đúng nửa sai. Các nghiên cứu tâm lý học đều khẳng định rằng chỉ có lao động miệt mài thì mới có thể thành công ở một công việc bất kỳ, chơi đàn piano, vẽ, hay giải Toán. Sự nghiêm khắc của Amy Chua với hai con: không TV và video games, không ngủ ở nhà bạn, luôn phải được điểm A, 6 tiếng piano mỗi ngày, v.v., đã góp phần dẫn đến thành công của hai cô bé. Và, bà Amy Chua cũng hoàn toàn đúng rằng nếu không lao động cho đến khi xuất sắc thì sẽ không thể phát triển được sự đam mê với công việc. Mà một khi ta đã đam mê thì ta lại càng xuất sắc. Mặt khác, sự khắc nghiệt cả về tâm lý lẫn vật lý của bà (như việc thóa mạ và hành xác các con) có khả năng dẫn đến những hậu quả khôn lường trong phát triển tâm lý và tính cách cá nhân về lâu dài. Các em gái Mỹ gốc Á từ 15 đến 24 tuổi có tỉ lệ tự vẫn cao nhất trong các nhóm chủng tộc.

Một loạt số thống kê khác mở rộng cuộc thảo luận theo hướng mới. Ở Mỹ thì học sinh Mỹ gốc Á chiếm gần 20% tỉ lệ sinh viên ở các trường Ivy-League (Harvard, Princeton, Yale, Brown, Cornell, Columbia, Dartmouth, Upenn). Đó là chưa kể các học sinh gốc Á đã phải thi điểm SAT trung bình cao hơn các nhóm khác 150 điểm thì mới vào được các trường này. Thế nhưng, mặc dù chiếm 5% dân số Mỹ, người Mỹ gốc Á chỉ chiếm 0,3% các viên chức ở các tập đoàn, ít hơn 1% thành viên các ban bệ ở các tập đoàn, và 2% hiệu trưởng các đại học. Chỉ có 9 CEOs gốc Á trong danh sách Fortune 500. Thậm chí, ở những chỗ mà dân gốc Á thống lĩnh về lượng như ở thung lũng Silicon, các con số cũng mất cân xứng tương tự. Một phần ba các kỹ sư phần mềm ở thung lũng Silicon là gốc Á, thế nhưng họ chỉ chiến 6% thành viên các ban bệ và 10% viên chức trong 25 công ty lớn nhất thung lũng. Ở viện sức khỏe quốc gia Mỹ, 21,5% các nhà khoa học là người gốc Á, nhưng chỉ có 4,7% là các giám đốc.

Có lẽ, thành công nhất của Amy Chua là quyển sách của bà khơi mào cho mỗi bậc cha mẹ chúng ta có cơ hội tranh luận, tư duy, và hình thành một triết lý giáo dục cho riêng mình, chứ không phải do Khúc chiến ca của Mẹ Hổ là một cẩm nang nuôi dạy trẻ. Một số nghiên cứu trong ngành Kinh tế học gần đây đã gợi ý rằng, giáo dục của cha mẹ không phải là chỉ số chính đo “thành công” của con cái. “Môi trường” mới là chỉ số chính. Đa số con cái của các đồng nghiệp của tôi (các giáo sư trong một đại học Mỹ) đều học các trường đỉnh, không Ivy-League thì Stanford, Berkeley. Một đồng nghiệp người Hoa thậm chí rất “phản”-Amy Chua. Ông nói Amy Chua làm xấu hình ảnh Hoa kiều ở Mỹ. Con trai ông được nuôi dạy theo kiểu “Tây”: cho nhiều chọn lựa và phát triển cá tính. Cậu bé chán Cello thì sang học Guitar, chán Toán thì sang học Khoa Học Máy Tính. Năm vừa rồi cậu thi giải nghiên cứu khoa học trẻ của hãng Intel được vào top-40, và đã được vào Nhà Trắng bắt tay tổng thống Obama. Cậu đã được hai trường số 1 thế giới về khoa học và công nghệ nhận: CalTech và MIT. Để làm đối trọng với Mẹ Hổ, ta có thể gọi ông là Ba Voi: hiền lành và cung cấp một nền tảng vật chất vững chãi và môi trường sinh hoạt lành mạnh cho con mình.

Tìm một điểm cân bằng hữu lý trong giáo dục con cái sẽ là một hành trình rất cá nhân của từng bậc phụ huynh. Khúc chiến ca của Mẹ Hổ gợi mở cho chúng ta nhiều vấn đề thiết thực cần giải quyết trong hành trình này. Quan trọng hơn hết, có lẽ chúng ta nên lưu tâm rằng “làm thế nào để nuôi con thành công?” không đồng nghĩa với “làm thế nào để dưỡng dục một con người hạnh phúc?”

                                                                                                    
* NXB Thời đại và AlphaBooks ấn hành tháng 6/2011, 396 trang 

 

Tác giả