Vì sao sinh viên khối KHXH và nhân văn giảm

Năm 2011, số hồ sơ đăng ký dự thi vào khối KHXH và nhân văn đều sút giảm. Nhiều trường không có hồ sơ nào đăng ký khối C (Văn, Sử, Địa). Tình trạng sinh viên xa lánh khối KHXH và nhân văn đã diễn ra từ mấy năm qua, nhưng đến năm nay thì ‘báo động đỏ’, nói theo một tham luận tại hội thảo Làm Gì Để Người Học Tìm Đến Với Nhóm Ngành KHXH và Nhân Văn do ĐH Văn Hiến tổ chức ngày 30/3/2011 (vhu.edu.vn).

Quan niệm chưa chuẩn về đào tạo

Muốn có một bức tranh đầy đủ về khối KHXH và nhân văn thuộc hệ đại học Việt Nam tất cần một cuộc khảo sát toàn diện, nghiêm túc và khách quan. Tuy nhiên, các thông tin trên báo chí về sự sụt giảm lượng sinh viên đăng ký khối KHXH và nhân văn từ mấy năm qua là một chỉ dấu phản ảnh phần nào sự thật. Cách giải thích trực tiếp và đơn giản nhất là nhìn các hiện tượng chung quanh.
   
Thứ nhất là chất lượng giảng dạy. Cơ chế đòi người dạy đại học phải có bằng thạc sĩ. Yêu cầu này đúng nhưng không đủ, bởi lẽ không cứ thạc sĩ là dạy được; và không cứ cử nhân là không dạy được. ĐH Columbia của Mỹ, đứng hàng 6 thế giới về khối KHXH và nhân văn theo xếp hạng của Times Higher Education 2011, đã bổ nhiệm vị khoa trưởng Khoa Báo Chí không có bằng thạc sĩ: Nicholas Lemann. Lemann chỉ ‘cử nhân thôi’ nhưng ông là nhà báo kỳ cựu của the Washington Post, Texas Monthly, và Atlantic Monthly. Điều này cho thấy bằng cấp không bao giờ là yêu cầu duy nhất để làm thầy trong các đại học lớn, mà phải có kinh nghiệm hành nghề trong lĩnh vực của mình (industry experience).

Nguyên nhân thứ hai là do chính quan niệm không đúng về khối KHXH và nhân văn của nhiều người trong giới đại học.

Một vị giáo sư mới đây phát biểu với Tuổi Trẻ rằng sinh viên tốt nghiệp lịch sử hay địa lý nếu không làm việc đúng chuyên môn sẽ có ít cơ hội để chuyển đổi nghề nghiệp. Nhận xét này vừa đúng vừa sai. Đúng qua thực tế, chẳng hạn sinh viên ngành sử, khó chuyển đổi qua làm ngành khác. Sai là ở chỗ: quan niệm sai về sử học, do xuất phát điểm sai nên chương trình dạy (sử) không chỉ sai từ việc tập trung dạy sử, mà còn sai cả trong cơ cấu toàn bộ chương trình cử nhân, không chú trọng đào tạo các kỹ năng khác cần cho một ‘sử gia’.

Sử học không phải biểu trưng bởi các ‘sử gia’ gật gù ngồi hồi tưởng quá khứ. Cốt tủy của sử học là quá trình tìm tòi điều tra, thách thức người học đi tìm mức độ xác thực về một hiện tượng và giải thích nó qua bằng chứng chứ không chỉ ôn (và ôm) lại một hiện tượng. Khi tái tạo quá khứ có bằng chứng, người học sử giúp nhà làm chính sách hoạch định tương lai. Để làm được các yêu cầu tối thiểu này, sinh viên theo ngành sử phải được trang bị các kiến thức và kỹ năng khác, gồm kiến thức về kinh tế, thống kê, văn hóa, xã hội, và cả địa lý. Người học sử phải như một con chim bay trên cao (và do đó) có thể nhìn toàn cảnh một cảnh rừng. Nhưng muốn biết toàn cảnh đó gồm những gì (thì) phải bay sà xuống thấp mới thấy cánh rừng đó gồm nhiều loại cây khác nhau, nhiều loại thú, và cả tiếng kêu của côn trùng.
   
Thực ra sinh viên tốt nghiệp ngành sử của Việt Nam đều được học các môn có vẻ như cung cấp các kỹ năng nói trên. Chỉ riêng các môn cơ sở ngành và bắt buộc cũng đã trên 30 môn, nhiều hơn bất cứ chương trình sử nào ở Mỹ hay Úc. Một chương trình rộng, nhưng thực chất là cung cấp kiến thức từ sách vở, trong khi cái cần là đào luyện kỹ năng tìm tòi, suy luận để (tự) tìm ra sự thật, một năng lực gần như phản xạ của sinh viên các nước phát triển.
   
Nếu được đào tạo để hiểu sử gia tái tạo lịch sử và phân tích lịch sử bằng cách nào thì năng lực người học sẽ không giới hạn trong ngành sử, và như thế không có lý gì tốt nghiệp ngành sử lại không thể chuyển đổi qua ngành khác. Giới chủ có lẽ thích những người như thế hơn.
   
Quan niệm về đào tạo chưa đúng dẫn đến cách thiết lập chương trình không phù hợp. Những cái sai này xoay vòng, cái này vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của cái kia.
   
Không thể theo đuôi

Trong cuốn A Whole New Mind: Why right-brainers will rule the future (Trí Tuệ Toàn Tri Mới: Tại sao người có não phải mạnh sẽ điều khiển tương lai) (2005), Daniel Pink nhận xét mấy thập niên qua thuộc về lớp người có năng lực riêng: thảo chương viên phần mềm có thể bẻ khóa mật mã, luật sư có thể thảo hợp đồng, thạc sĩ quản trị kinh doanh có thể gậm nhấm các con số. Nhưng chìa khóa mở vào vương quốc tương lai đang chuyển qua tay lớp người khác. ‘Tương lai tùy thuộc vào các nhóm người khác nhau với các bộ óc rất khác nhau – người sáng tạo, người đồng cảm, người thấu hiểu các mô thức, và người tạo nên ý nghĩa cho cuộc đời. Đó là các nghệ sĩ, nhà phát minh, nhà thiết kế, người kể chuyện, người chăm sóc, người an ủi, người có tầm nhìn xa, những người sẽ hưởng nhiều nhất phần thưởng và chia sẻ niềm vui vô biên của xã hội.’

Cuốn sách của Pink được dịch ra 20 ngôn ngữ, là đề tài thảo luận trong nhiều trường đại học. Pink cho rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của ‘khái niệm’, và việc hình thành khái niệm nằm trong bán cầu phải của não. Theo Pink, nhân loại trải qua bốn thời kỳ, đầu tiên là nông nghiệp, đến công nghiệp, gần đây nhất là công nghệ thông tin, và hiện nay là “kỷ nguyên khái niệm’ (conceptual age), tức thuộc những người sáng tạo. Vì sao? Vì chỉ qua sáng tạo thì hàng hóa quá phong phú hiện nay (nhờ tự động hóa kể cả khám bệnh cũng bằng máy) mới có thể cạnh tranh.

Ngày nay người ta đều công nhận bán cầu phải là bán cầu của sáng tạo, của tính nhân văn, của cảm xúc người.

Khái niệm về công nghiệp sáng tạo (creative industries) xuất phát và đẩy mạnh ở Anh khi Thủ tướng Tony Blair lên cầm quyền năm 1997. Sáng tạo là tạo sự khác biệt, thuộc bán cầu phải, và trong giáo dục, nó cần kiến thức và kỹ năng thuộc khối KHXH và nhân văn.

Nói như thế không có nghĩa chúng ta lại theo đuôi thế giới. Các nước phát triển đang chuyển qua thời đại sáng tạo vì họ đã có một cái nền vững chắc về cơ cấu giáo dục nói chung. Họ đã có phần cứng… cứng. Ta không thể chạy phần mềm Photoshop phiên bản mới nhất trên máy computer 286 cách đây hai thập kỷ. Để theo kịp, phải có một phần cứng có cấu hình mạnh. Đó là cơ chế đại học, chương trình, lương bổng, quan trọng nhất là người dạy, những cái nhiều người đã nói đến.

Việc điều chỉnh có thể làm ngay, nhưng không phải lại ‘đi tắt đón đầu’ chạy theo xu hướng của thế giới (công nghệ sáng tạo hay mở đại học tràn lan). Cao đẳng cộng đồng hãy cứ là cao đẳng cộng đồng. Đại học chuyên ngành vẫn cứ là đại học chuyên ngành nhưng nên hướng thành đại học đa ngành để sinh viên có kiến thức toàn diện hơn. Nhưng cấp bách nhất là phải đổi nhận thức về cách chọn người dạy và cách dạy (sẽ dẫn theo việc thay đổi chương trình).

Sinh viên lơ là khối KHXH và nhân văn không phải lỗi của họ. Đó là hậu quả của một quá trình. Điều chúng ta hy vọng là sau những điều chỉnh về người dạy và cách dạy, cấp sau trung học sẽ tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có khả năng suy luận, diễn đạt, tự tìm tòi, và quan trọng nhất là biết sáng tạo.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)