Xây dựng ĐH Hoa Sen theo tinh thần Humboldt

Vừa qua, ĐH Hoa Sen đã tổ chức cuộc thi viết “Tôi mong đợi gì ở các trường đại học?” trong chương trình hoạt động kỷ niệm 200 năm đại học Humboldt. Theo TS Nguyễn Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, lý do để ĐH Hoa Sen tổ chức cuộc thi vì tinh thần Humboldt là một cội nguồn quan trọng của đại học hiện đại mà ĐH Hoa Sen đang hướng tới với mục tiêu, đồng thời là nghĩa vụ và cam kết: trở thành một trường ĐH Việt Nam không thua kém bất kỳ một ĐH tử tế nào ở các nước khác. TS Nguyễn Trân Phượng đã có cuộc trao đổi với Tia Sáng về những giải pháp để tập thể sư phạm ĐH Hoa Sen thực hiện được mục tiêu đó.

Xin chị cho biết tinh thần cơ bản qua những bài tham gia cuộc thi “Tôi mong đợi gì ở các trường đại học”?
Chúng tôi thu thập ý kiến qua bảng hỏi và mở cuộc thi viết là để cho công chúng, gồm doanh nghiệp, phụ huynh, giảng viên và sinh viên cả ở Việt Nam và ngoài Việt Nam có cơ hội lên tiếng. Nên tôi không muốn nói thay họ. Độc giả quan tâm, xin mời xem trực tiếp trên trang http://hu200.hoasen.edu.vn/.

Với khoảng 100 bài dự thi được gởi về trong đó có cả bài từ Phần Lan, Malaysia… đã phản ánh khá trung thực sự chia sẻ của số đông về các giá trị cơ bản của tinh thần Humboldt; nhưng họ chưa tin ở tính khả thi của việc thực hiện tinh thần đó trong điều kiện hiện tại của Việt Nam. Họ thấy rõ giáo dục đại học còn lệ thuộc nhiều vào chính trị vai trò chủ yếu của đại học là khai sáng tinh thần tự do và tôn trọng công lý chưa được coi trọng, do vậy nền giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng những tiêu chí tối thiểu của giáo dục đại học và đang thất bại trong việc cung cấp những điều quan trọng mà sinh viên cần có. 

Cũng có những nhận định của một số người cần được trao đổi lại, chẳng hạn “đại học thực chất là tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục, cần được đối xử như một doanh nghiệp và hành động như doanh nghiệp”. Song cũng có thể thấy ở đó sự nóng lòng, bức xúc về tính kém minh bạch, kém hiệu quả trong quản lý giáo dục hiện tại. 

Nhận thức về mục tiêu của giáo dục đại học hay những mong đợi cụ thể của doanh nghiệp, phụ huynh, giảng viên và bản thân sinh viên, theo tôi không có khác biệt lớn với mong đợi của công chúng các nước khác. Vấn đề là khoảng cách còn xa giữa mong đợi bình thường, chính đáng đó và thực trạng.

Vậy trong hoạt động của nhà trường, Đại học Hoa Sen đã có những giải pháp gì để đáp ứng được sự mong đợi đó?
Không phải đợi hỏi công chúng rồi chúng tôi mới có giải pháp. 

Ngay từ khi thành lập trường Hoa Sen cách đây gần 20 năm, đã có tiền đề cho sự phát triển đúng hướng của Đại học Hoa Sen ngày hôm nay. Tiền đề đó có thể nêu tóm tắt là: có một ý tưởng, một dự án giáo dục rõ ràng, khác biệt làm xuất phát điểm cho sự thành lập trường. Dự án Hoa Sen nhằm thể nghiệm một triết lý đào tạo, một mô hình giáo dục sau phổ thông khác với hiện trạng phổ biến của những năm đầu thập niên 1990. Bởi vậy, người ta sẽ không hiểu đúng về bản chất trường đại học Hoa Sen nếu chỉ xem nó là một trường mới được “nâng cấp” từ bậc học thấp hơn, và theo nhãn quan của đa số trong xã hội Việt Nam, là “hèn kém” hơn hay có sự khác biệt về bản chất so với trường đại học. Người ta cũng sẽ không hiểu nó nếu cứ bám lấy định kiến là đại học tư chỉ có thể làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực (teaching university) mà không thể vươn tới chức năng nghiên cứu cơ bản (research university). Theo tôi cũng có phần giáo điều khi nhất mực tách rời và đối lập hai loại hình đại học này.

Sự chuyển đổi thành trường cao đẳng, rồi trường Đại học Hoa Sen vừa là sự phát triển dựa vào nội lực được tích lũy trước đó của trường, vừa trên cơ sở tự tạo cho mình những nội lực mới và, khi cần, những nội lực khác; nhưng có một số điều cốt lõi vẫn bất biến trong tính chất làm nên “bản sắc” Hoa Sen, có thể coi là gene từ buổi hình thành.

Xin chị cho biết một trong những điều bất biến được coi là quan trọng nhất?
Đó là từ chối coi Việt Nam hay trường học ở Việt Nam là “ngoại lệ” không giống ai. Chúng tôi cho rằng trường học ở đâu (dù trường mẫu giáo hay đại học, dù trường công hay tư, lớn hay nhỏ, lâu đời hay mới lập) cũng phải là trường học mà không phải là cơ sở kinh doanh; giáo dục sau phổ thông, giáo dục đại học ở đâu, dù nước giàu, nước nghèo, nước đã hay đang phát triển, dù Á Đông hay Âu Mỹ cũng phải có những tính chất cơ bản chung, phù hợp với thời đại của mình.

Chính vì thế, Hội thảo khoa học đầu tiên chúng tôi tổ chức ngay sau khi trở thành đại học có chủ đề “Tính chủ động của tư duy, phương pháp và tinh thần đại học”. Đó là chưa kể các cuộc thảo luận nội bộ được tổ chức trong quá trình chuẩn bị đề án đại học, với sự tham gia của nhiều trí thức trong và ngoài nước, để xác lập nền tảng của một triết lý giáo dục không quá cách biệt với thế giới.

Nhiều người cho rằng các cá nhân phải là những con người trọn vẹn trước khi trở thành kỹ sư, nhà khoa học. Chị có đồng tình với ý kiến này không?
Tôi rất dè dặt với những khái niệm vừa quá khái quát để có thể tường minh, vừa có hơi hướm chuẩn mực “muôn đời” như là con người trọn vẹn. Nó làm tôi nhớ một thời người ta ngộ nhận chỉ cần dán nhãn “nhà trường xã hội chủ nghĩa” là có thể ba bó chắc một giạ là chúng đào tạo ra “con người xã hội chủ nghĩa”. Tôi thì tin là con người phải luôn được nhìn nhận và đối xử như là con người, dù họ có học hay chưa từng đến trường. Còn giáo dục đúng nghĩa, may ra là giáo dục giúp cho con người có ý thức rõ ràng hơn về thân phận làm người của mình, về tính nhân bản cần có của xã hội và về cách thế mà mỗi người góp phần giữ gìn, nuôi dưỡng tính nhân bản đó, dù họ là nhà triết học, nhà khoa học, là chị thư ký, anh kỹ sư hay là những nhân vật đời thường bình dị như trong tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Ngọc Tư.

Thứ nhất, tôi hoài nghi về khẳng định được chị nhắc lại hai lần: phải là “con người trọn vẹn” trước khi trở thành kỹ sư, nhà khoa học. Tại sao nhất thiết phải trước khi nhỉ? Có phải vì đại học Hoa Kỳ ưa chuộng mô hình học liberal arts ở college trước khi học “chuyên ngành” ở đại học không? Nói ưa chuộng có nghĩa là cũng không phải bắt buộc. Vả chăng, phần lớn các trường đại học Hoa Kỳ cũng như mọi trường đại học tử tế ở nước khác vẫn đang trăn trở cải tiến, thể nghiệm; nói cho đúng là không có mô hình bất di bất dịch. Theo tôi, đại học bây giờ phải vừa rộng, vừa sâu. Còn trước, sau, hay ít nhiều đồng thời, là lộ trình học tập, rèn luyện, trải nghiệm (learning experience) nên được tạo điều kiện cá thể hóa theo năng lực, sở trường, sở thích, cơ hội và nhiều hoàn cảnh khác của cá nhân.

Thứ hai, chắc chắn là tôi rất thích khi chị nhắc “các cá nhân”. Tôi tin là giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng nhất thiết không nên quên các cá nhân ngay cả khi giáo dục đại học đang ồ ạt đại chúng hóa như một xu thế không ai cưỡng nổi, và cũng chẳng nên cưỡng lại, vì đó đồng thời là dân chủ hóa cơ hội tiếp cận tri thức. Chỉ cần đó là giáo dục thực chất, không cung cấp giá trị ảo.

Vậy theo chị, mục tiêu đào tạo con người của ĐH Hoa Sen là gì?
Đó là đào tạo sinh viên trở thành những con người đáp ứng với nhu cầu làm người của thế kỷ 21.

Từ khi còn là trường đào tạo kỹ thuật viên (học 2 năm sau tú tài), chúng tôi đã coi trọng việc dạy ngoại ngữ và dạy môn Giao tiếp (Communication), rồi Giao tiếp liên văn hóa, khi chúng tôi thành trường cao đẳng, có thêm quỹ thời gian. Đó vừa là trang bị kỹ năng cần thiết cho mọi nghề, vừa là nuôi dưỡng tính nhân bản của những con người có đầu óc cởi mở với ngôn ngữ và văn hóa khác, biết lắng nghe và tôn trọng khác biệt trong giao tiếp với tha nhân, không chỉ trong môi trường làm việc.

Khi trở thành trường đại học, chúng tôi lập bộ môn Kỹ năng và phương pháp, trong đó, ngoài môn Giao tiếp, có thêm các môn như Phương pháp học đại học, Dẫn nhập phương pháp nghiên cứu khoa học, Tư duy phản biện, Giới và phát triển. Nay bộ môn này đã trở thành chương trình Giáo dục tổng quát và từ năm học 2011-2012 sẽ có thêm nhiều môn học mới khác như: Con người và môi trường, Đạo đức nghề nghiệp, Nhập môn triết học, Nhập môn văn hóa Việt Nam, Phát triển nghề nghiệp, hay Cảm nhận nghệ thuật. Sinh viên tất cả các ngành bậc cao đẳng và đại học đều bắt buộc chọn học một số môn trong các môn trên. Ở bậc đại học, có những môn học dạng seminar, đòi hỏi năng lực tự nghiên cứu và tranh luận khoa học nhiều hơn. 

Ngoài ra, cũng từ 1991, chúng tôi chăm lo công tác Sinh viên vụ (sau này gọi là Hỗ trợ sinh viên) và coi hai lần thực tập là thành phần bắt buộc trong tất cả các chương trình đào tạo, không chỉ giúp sinh viên hiểu và hội nhập thành công vào môi trường doanh nghiệp, mà còn đặt họ trong tâm thế luôn so sánh, đối chiếu, phân tích, lý giải, kiểm nghiệm những điều học được ở trường và học tại nơi làm việc, học trong thực tế cuộc sống, học làm người hữu dụng, biết đối nhân xử thế. 

Khi trở thành trường cao đẳng, chúng tôi phải xin “đặc cách” của Bộ Giáo dục để được phép giao đề tài tốt nghiệp cho sinh viên khá, giỏi tập tành nghiên cứu, tìm giải pháp cho các bài toán sản xuất, kinh doanh và tham gia giải quyết các vấn đề thực tế. Nay Hoa Sen là trường đại học, sinh viên có quyền chọn lựa giữa đi thực tập tốt nghiệp có hoặc không có đề tài nghiên cứu, chỉ làm đề tài hay học môn thay thế để mở rộng cơ hội khám phá tri thức ngoài ngành học chính.

Học chế tín chỉ được thực hiện tại Hoa Sen không có khác biệt đáng kể với cách nó được áp dụng ở các nước phát triển; một số môn học được giảng bằng tiếng Anh kể cả ở năm 1, năm 2 và nhiều hơn ở 2 năm cuối. Điều này tạo thuận lợi cho chúng tôi tiếp nhận sinh viên quốc tế đến học tại trường, trao đổi sinh viên. Từ đó sinh viên có nhiều cơ hội giao lưu với sinh viên quốc tế, học từ giảng viên quốc tế (là cơ hữu của trường hay đến dạy trong khuôn khổ hợp tác đại học), tham dự seminar, hội thảo khoa học quốc tế do trường tổ chức. Ngoài ra, họ được khuyến khích giao lưu với doanh nghiệp, sinh hoạt câu lạc bộ, thực hiện nhiều dự án phục vụ cộng đồng.

Bắt đầu từ năm nay, Quỹ Phát triển KH&CNquốc gia- Bộ KH&CN có chương trình tài trợnghiên cứu cơ bản cho ngành khoa học xã hội và nhân văn với mong muốn các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn có thể kết nối với cộng đồng khoa học thế giới. Theo chị, cần có những chính sách gì để khuyến khích công bố của quốc tế của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội và nhân văn? 

Theo tôi cần có chính sách khuyến khích nhà khoa học công bố quốc tế nhất là trong khoa học xã hội, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc thật sự có nhà nghiên cứu và có hoạt động nghiên cứu nghiêm túc, có kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế (chứ đừng theo cách “đặc thù”). 

Điều thiết yếu khác, là tự do và năng lực tư duy. Chính sách có thể cản trở hay tạo thuận lợi; nhưng nó không tạo ra sự tự do, cũng không trực tiếp sản xuất ra công trình nghiên cứu; mà là sự chọn lựa, ý chí và năng lực của con người, của các cá nhân và nhóm nghiên cứu, hay khả năng kết nối giữa nhu cầu cuộc sống và tri thức, công nghệ đáp ứng nhu cầu đó, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù với hiệu ứng nhanh hay chậm, ngắn hạn hay lâu dài.

Tóm lại, tôi vẫn trông mong ở nguồn lực từ cộng đồng trong nước và quốc tế, ở tài năng và “sĩ khí” nhiều hơn ở chính sách. Tôi càng ít tin là cái quỹ nào đó sẽ là phép lạ tạo sự thần kỳ. Nếu nghĩ chỉ bằng tiền mà giải quyết được căn bệnh trầm kha, chẳng phải là giản lược lắm sao? Còn tiền nếu được dùng hiệu quả, không thất thoát do tham nhũng, lãng phí thì đương nhiên là có ích.

 “Không có sự tạo dựng lớn lao nào mà không có một giấc mơ”. Giấc mơ mà chị cùng cộng sự dành cho Đại học Hoa Sen là gì?
Ước mơ của chúng tôi giản dị lắm. Làm giáo dục một cách chân thực, đàng hoàng, tử tế, góp phần khôi phục diện mạo người thầy, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, người học, cũng là khôi phục diện mạo người Việt mình trước cộng đồng quốc tế. Làm sao để đồng nghiệp, sinh viên quốc tế tới trường chúng tôi giảng dạy, nghiên cứu, học tập, đến Việt Nam làm việc, sinh sống cảm thấy hiệu quả, thoải mái; thú vị với khác biệt văn hóa, với ẩm thực Việt; mà khỏi phải tự hỏi: “Ủa, sao ở đây kỳ vậy?” Để người của Hoa Sen đến với cộng đồng dù ở nông thôn

Hiếu học, hiếu tri”, ham học, ham hiểu biết (bây giờ là giá trị đầu tiên trong bảy giá trị của Đại học Hoa Sen) là giá trị mà tôi sống với nó từ hồi nhỏ đi học tới bây giờ. Nghiên cứu với tôi là học, “học không biết chán” như người xưa nói, học với kiến thức tích lũy suốt quá trình dài làm trò rồi làm thầy, học với phương pháp luận vững chắc được đào tạo tử tế, với niềm đam mê sử học từ năm tôi hai mươi tuổi và chọn lãnh vực học thuật này làm nghề của mình. Từ gần 20 năm nay, “chuyên ngành” tôi đam mê là nghiên cứu lịch sử giới, lịch sử phụ nữ.

hay thành thị, dù là doanh nghiệp hay trường học, cơ sở công tác xã hội đều chứng tỏ mình là người hữu dụng, biết sẻ chia. Để người từ trường chúng tôi đi công tác, học tập, giao lưu với quốc tế đều để lại ấn tượng đẹp về người Việt. Để các bạn trẻ có cơ hội học hành, phát triển bản thân, ra trường có việc làm tốt, sống thực với các giá trị mà Hoa Sen xác định là giá trị cốt lõi của văn hóa tổ chức mình. Chúng tôi cũng mong muốn các giá trị đó được coi trọng một cách rộng rãi hơn trong văn hóa Việt thời hiện đại.

Người ta đua nhau hướng về “trường quốc tế”. Hoài bão của chúng tôi là xây dựng Hoa Sen thành một trường đại học Việt Nam không thua kém bất kỳ một đại học tử tế nào ở các nước khác. Đó là một ước mơ mãnh liệt của tôi, đang được chia sẻ ngày càng rộng, càng sâu và mạnh trong tập thể sư phạm Đại học Hoa Sen. Nhưng không chỉ là ước mơ, đó còn là nghĩa vụ và là cam kết của chúng tôi.

Công việc của một nhà quản lý có làm chị “xao lãng” công việc của một nhà nghiên cứu?
Nghề giáo dục cũng là chọn lựa của tôi từ rất sớm, vì một đam mê khác. Trách nhiệm người dạy, người nghiên cứu, rồi người quản lý đều cột chặt tôi với giáo dục. Nên nghiên cứu giáo dục cũng vừa là đam mê vừa là điều bắt buộc.

Đã là bắt buộc và đam mê thì sao mà xao lãng được. Huống chi tôi còn có một tình yêu khác, có chung với rất nhiều người cùng thế hệ, là yêu nước Việt, người Việt. Cùng thế hệ với tôi, người Âu, Á, Mỹ, Phi gì cũng có nhiều người chia sẻ với nước Việt, dân Việt, vì hai cuộc chiến tranh khốc liệt làm người ta không thể dửng dưng. Tôi tin nghiên cứu giáo dục, nghiên cứu lịch sử một cách tử tế là cần thiết và hữu dụng cho nước mình, dân mình; dù sự cần thiết và hữu dụng đó không giống như cơm ăn, áo mặc hay nhà ở, việc làm.

Những ràng buộc của công việc quản lý chỉ có cái hại rất lớn – là ngốn của tôi nhiều thời gian quá; trong nhiều trường hợp là thời gian lãng phí vì không tạo ra giá trị thật. Nhưng biết sao bây giờ, đó cũng là thân phận làm người Việt. 

Dù sao, tôi có cảm giác thời gian và tâm lực tôi dành cho nghiên cứu khá hiệu quả, vì ít phụ thuộc bối cảnh, môi trường làm việc hơn là công tác quản lý. Ước gì nó được nhiều hơn một chút, tôi sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều!

Ngọc Tú thực hiện

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)