Xếp hạng đại học: Giải pháp cho Việt Nam

Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và ĐHQGHN tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan. Tuy nhiên, các luồng thông tin đánh giá về xếp hạng đại học đều rất khác nhau. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Đức, phó giám đốc ĐHQG HN.


PGS.TS Nguyễn Hữu Đức.

Tia Sáng: Hội thảo về xếp hạng đại học do Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN phối hợp tổ chức đã làm rõ và thống nhất được một số vấn đề cơ bản về giáo dục đại học, theo ông, vấn đề quan trọng nhất mà hội thảo đã nêu được là gì?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Hội thảo bàn nhiều nội dung, nhưng tựu trung, nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, đối với giáo dục đại học, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học cần phải đặt lên hàng đầu. Muốn làm tốt được điều này, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trước hết phải thực hiện kiểm định chất lượng và minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với cộng đồng;  quan tâm giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng đồng thời phải hướng đến việc hội nhập với khu vực và nâng cao uy tín quốc tế. Khuyến khích các trường đại học chủ động lựa chọn và tham gia xếp hạng bởi các tổ chức xếp hạng đại học quốc tế có uy tín phù hợp với chiến lược phát triển để góp phần đối sánh và nhận diện đơn vị.

Tôi cho rằng, đại học phải làm chất lượng, còn xếp hạng chỉ làm nhiệm vụ chụp ảnh, chụp được toàn bộ hay được một phần kết quả cũng cần khuyến khích để đối sánh với cái chung của thế giới và nhận diện cho cái riêng của mình.

Tuy nhiên, sau hội thảo vẫn còn một số các ý kiến còn lưỡng lự và băn khoăn về vấn đề xếp hạng đại học ở Việt Nam.

Một hội thảo đề cập đến những nội dung khá mới mà có nhiều luồng thông tin khác nhau thì cũng là bình thường. Theo quan sát của tôi các ý kiến còn lưỡng lự, các trường đại học còn chần chừ thường liên quan đến các yếu tố sau đây.

Thứ nhất, đó là nhóm các ý kiến còn nhầm lẫn giữa kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học.

Ở ta, nói kiểm định chất lượng là do cách dịch ra cho gọn nên không phản ánh hết nội hàm của hoạt động này. Từ gốc tiếng Anh của hoạt động này là kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng (quality assurance) chứ không phải là trực tiếp chất lượng (quality).

Kiểm định là để xem trường đại học đã đủ các điều kiện tổ chức đào tạo chưa. Cùng điều kiện như nhau, nhưng để có một đại học chất lượng xuất sắc đến đâu thì còn phải xét đến các kết quả và sản phẩm đầu ra của họ. Nói thế để thấy là tại sao các trường đại học Việt Nam đạt kiểm định với tỉ lệ rất cao, nhưng có ít trường đại học xếp hạng tốt là vậy. Thế nên các trường đại học cũng nên sử dụng kết quả kiểm định chất lượng cho đúng nghĩa của nó.

Thứ hai, là nhóm các trường không thể nào, không bao giờ lọt vào bảng xếp hạng. Đó là các trường không có đào tạo tiến sĩ, không có nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

Có những trường đại học đào tạo bậc đại học các lĩnh vực công nghệ cao, rất có chất lượng, nhưng chừng nào trường chưa quan tâm đến đào tạo tiến sĩ, chưa quan tâm đến công bố quốc tế thì dù có mặn mà với xếp hạng, cũng khó lọt top.

Có thể nói rộng ra, khi bàn chuyện đại học (theo tiêu chí university của thế giới) mà có sự tham gia của các trường đại học có cơ cấu và chức năng không hoàn chỉnh thì tiếng nói không thống nhất là tất nhiên. Xếp hạng đại học do đó liên quan mật thiết đến việc phân tầng, xếp hạng theo nhóm, theo sứ mệnh và mục tiêu.

Thứ ba, là nhóm ý kiến so sánh, chỉ trích phương pháp và tiêu chí của các bảng xếp hạng. Mỗi nhóm xếp hạng đều có cách tiếp cận và mục tiêu đánh giá của họ cả. Trong 16 bảng xếp hạng đại học mà mấy hôm nay truyền thông nhắc đến nhiều, có 3 bảng xếp hạng QS, THE và ARWU có uy tín nhất thế giới. Trong đó, bảng xếp hạng QS mà 6 trường đại học Việt Nam tham gia được không phải là bảng chất lượng thấp đâu. Bảng này theo khảo sát của trang web Alexa thì có sự quan tâm thứ nhất của thế giới đấy. Các trường đại học hàng đầu thế giới đều tự nguyện tham gia bảng xếp hạng này, như: Massachusetts Institute of Technology (MIT), Stanford University, Harvard University, California Institute of Technology (Caltech), University of Cambridge (top 5 QS thế giới năm 2018). Rồi cả các trường đại học hàng đầu châu Á: Nanyang Technical University (NTU), National University of Singapore (NUS), The Hong Kong University of Science and Technology, Korean Advanced Institute of Science & Technology (KAIST), The University of Hong Kong (top 5 QS châu Á 2018). Và đến top 25 đại học hàng đầu ASEAN (hình 1). Tất cả các trường danh giá, chẳng ai từ chối, bài xích bảng này hay bảng nọ cả.

Và cuối cùng, là các trường đại học công lập, trong số đó có các trường đại học trọng điểm, đã có bề dày truyền thống và các kết quả nhất định, nhưng ít nhiều còn thiếu tự tin và đang phải lo toan với cơm áo gạo tiền. Đây là nhóm đại học tiềm năng, đáng ra phải tích cực thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng thương hiệu đơn vị, thương hiệu quốc gia, nhưng đáng tiếc là đang khiêm tốn quá.

Bảng 1: Các trường đại học tốp 25 của ASEAN năm 2018.

Đúng là có thể có các luồng ý kiến khác nhau, nhưng trên thế giới không có trường đại học nào từ chối và trả lại “vương miện” khi được xếp hạng cả. Thế tựu trung lại, bản chất và mục tiêu của các bảng xếp hạng là gì mà cộng đồng quan tâm thế, thưa ông?

Điểm chung nhất và bản chất sơ khởi của việc xếp hạng là phục vụ cộng đồng, phục vụ người học, cho nên bản chất đó là một dịch vụ miễn phí (public services). Khi tham gia xếp hạng các trường không phải đóng một lệ phí nào và cộng đồng sử dụng thông tin xếp hạng cũng miễn phí. Hoàn toàn không có yếu tố thương mại nào ở đây.

Tác dụng của các bảng xếp hạng không chỉ giới hạn ở đó. Nhờ có cơ sở dữ liệu phong phú về các trường đại học, các bảng xếp hạng còn có thể thực hiện đượcnhiệm vụ quan trọng khác là phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách của các tổ chức, quốc gia (policy driven services). Liên quan đến mục tiêu quản lý và hoạch định chính sách của các quốc gia, các bảng xếp hạng thường được tài trợ và giao cho các phòng thí nghiệm hoặc các trung tâm nghiên cứu thực hiện. Còn việc phân tích hiện trạng và đối sánh phục vụ mục đích riêng của các tổ chức sẽ do các tổ chức chi trả. Đây là việc các tổ chức xếp hạng có thể phục vụ thêm, ngoài phạm vi xếp hạng.

Nhưng có cảm giác là các bảng xếp hạng đại học thế giới và đại học châu lục chỉ dành cho một nhóm nhỏ các trường đại học nhà giàu, số còn lại rất đông đang đứng ngoài?

Đúng như vậy. Ngay như bảng xếp hạng mở rộng nhất thì QS thế giới chỉ xếp hạng được cho 1.000 trường, chiếm khoảng 3% tổng số các đại học trên thế giới và QS châu Á cũng chỉ được 400 trường.

Tuy nhiên, đây không phải là giàu hay tiết kiệm. Để có một trường đại học xuất sắc, có thứ hạng tốt không thể là một trường chỉ có phấn trắng và bảng đen. Đó phải là một môi trường học thuật hiện đại cần có nhiều đầu tư, hoặc là đầu tư từ nhà nước hoặc các doanh nghiệp. Đây là mục tiêu của các quốc gia quyết tâm đầu tư để có các trường đại học xuất sắc, có khả năng làm cho GD&ĐT và KH&CN trở thành động lực cho sự phát triển, đổi mới chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Kinh nghiệm đầu tư thành công của Trung Quốc thông qua các đề án 211, 985, của Hàn Quốc qua chương trình BK21 và mới đây của LB Nga qua chương trình “5-100” rất đáng học tập.
 

Bảng 2: Các tiêu chí của bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải.

Vậy theo ông, giải pháp nào cho các trường còn lại? Ở các quốc gia khác thì họ có kinh nghiệm gì?

Có thể lấy kinh nghiệm của Trung Quốc làm ví dụ. Bảng xếp hạng đại học thế giới ARWU nổi tiếng do một trung tâm nghiên cứu thuộc của trường ĐH Giao thông Thượng Hải thực hiện lần đầu vào năm 2003. Xuất phát điểm chỉ nhằm nghiên cứu đánh giá và đối sánh năng lực của các trường đại học hàng đầu của Trung quốc so với thế giới để làm cơ sở xây dựng chính sáchđầu tư phát triển mà thôi. Bảng xếp hạng này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các trường đại học, chính phủ và giới truyền thông trên toàn thế giới. Các tiêu chí của bảng xếp hạng này rất cao (xem bảng 2) và năm 2017 Trung quốc chỉ có 45 trường góp mặt.

Về phương diện quốc gia, để giải quyết bài toán của 1243 trường đại học của họ, Trung quốc đã xây dựng bảng xếp hạng các trường đại học trong nước với các tiêu chí (xem bảng 3) khác biệt rất nhiều với bảng xếp hạng thế giới. Với cách này họ đã xếp hạng được cho 600 các trường đại học mỗi năm công bố được ít nhất 100 bài báo Scopus. Còn một cách làm khác rất đặc biệt nữa là có Bảng xếp hạng riêng cho các trường đại học Nhật Bản ngay trong trang web của THE (https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/methodology-japan-university-rankings-2018).

Bảng 3: Tiêu chí của bảng xếp hạng các trường đại học Trung Quốc

Ông có gợi ý cho xếp hạng đại học ở Việt Nam?

Về xếp hạng quốc tế, như đã nói ở trên, tuỳ theo chiến lược phát triển từng giai đoạn, các trường toàn quyền lựa chọn bảng xếp hạng quốc tế để tham gia, khả thi nhưng phải có tính hội nhập và phổ quát cao để dễ có sự đối sánh hệ thống.

Ở cấp độ quốc gia, tôi thấy cần thiết phải hình thành một nhóm chuyên gia có đại diện của cơ quan quản lí nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện và kế hoạch tham gia xếp hạng triển khai xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng riêng cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng này trước hết phải có sự đồng thuận của trường, coi đó là bộ công cụ phục vụ công tác đánh giá, nhận diện hiện trạng, xây dựng chính sách đầu tư phát triển và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Các trường đại học có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ giao nhiệm vụ đầu tư phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học có kết quả đánh giá xếp hạng yếu kém cần được xử lý, đảm bảo trách nhiệm với xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

PV thực hiện.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)