‘Xưởng bằng giả’: Tác hại đối với sinh viên và xã hội

Đa số các quốc gia xuất khẩu bằng giả lại là những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc; trong khi các quốc gia nhập khẩu một cách hoàn toàn tự nguyện và không nghi ngại chính là những quốc gia đang phát triển.

Tin tức dồn dập trên các tờ báo lớn thời gian gần đây làm cho công chúng Việt Nam bắt đầu tỉnh thức với nạn bằng giả, trường dỏm đang hoành hành khắp nơi trên cả nước. Nhưng bằng giả, trường dỏm không chỉ có ở Việt Nam, mà là vấn nạn toàn cầu. Nhiều nỗ lực quan trọng trên phạm vi quốc tế để chống lại vấn nạn này đã và đang được thực hiện.

Bài viết ‘Xưởng bằng giả’: Tác hại đối với sinh viên và xã hội của hai tác giả Judith S. Eaton thuộc CHEA (Hội đồng Kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ) và Stamenka Uvalic – Trumbic thuộc UNESCO nhằm nêu tổng quan về vấn nạn xưởng bằng giả trên phạm vi toàn thế giới. Bài viết đã được đăng trên trang web của CIHE (Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học quốc tế thuộc ĐH Boston, Hoa Kỳ) từ năm 2008.

Các nỗ lực chống bằng giả, trường dỏm có thể phân loại thành ba  nhóm hoạt động chính:
(1) tăng cường sự giám sát của chính quyền đối với việc cấp phát và sử dụng bằng cấp, và thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm nhặt đối với những trường hợp vi phạm;
(2) tăng cường vai trò của giới truyền thông trong việc cung cấp thông tin minh bạch về các trường đại học trong và ngoài nước;
(3) giáo dục người tiêu dùng giáo dục (tức sinh viên và gia đình), người sử dụng lao động, và toàn xã hội, về những tác hại có thể có do việc tham gia học tập ở những trường đại học dỏm (trong tiếng Anh gọi là diploma mill, tạm dịch là ‘xưởng bằng giả’) gây ra.

Cả ba nhóm hoạt động nói trên đều quan trọng và cần được triển khai đồng thời và nhịp nhàng để tạo ra một hiệu ứng cộng hưởng làm tăng hiệu quả của nỗ lực chống bằng giả, trường dỏm.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết này đến bạn đọc như một nỗ lực của giới truyền thông nhằm ngăn chặn bớt tác hại của các xưởng bằng giả quốc tế trong giai đoạn đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Những phần in nghiêng đậm trong bài là do chúng tôi thêm vào để nhấn mạnh những ý liên quan đến Việt Nam, không có trong bản gốc tiếng Anh.

———

Các “xưởng bằng giả” đang làm đình trệ những nỗ lực nhằm đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học – điều này lâu nay vẫn là một vấn đề quan trọng ở cấp quốc gia, nhưng hiện nay đã trở thành một mối quan tâm trên toàn thế giới. Đối mặt với vấn đề này, Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học đặt tại Hoa Kỳ vừa hợp tác với UNESCO để tập hợp một nhóm không chính thức các chuyên gia về giáo dục đại học và đảm bảo chất lượng/kiểm định để tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến các xưởng bằng giả.

Đặc điểm của các xưởng bằng giả

Các xưởng bằng giả vốn là những tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo đại học giả mạo, thậm chí lừa đảo; những tổ chức này chuyên bán những chứng chỉ và văn bằng giả. Nhìn bên ngoài, một xưởng bằng giả thường có vẻ giống như một trường đại học hay cao đẳng thông thường, với các ấn phẩm (dưới dạng bản in hoặc điện tử), phô trương những tiện nghi trong khu học xá bắt mắt, có logo trông cổ xưa như thể trường đã có một bề dày về truyền thống, và danh sách giảng viên có những bằng cấp rất ấn tượng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ ta có thể nhận ra những “học xá” của các “trường” này chỉ là những địa chỉ gửi thư; logo của trường thì sao chép (có chỉnh sửa) từ logo của những trường nổi tiếng, và danh sách giảng viên thì lại bao gồm những người “có thể” cũng có lúc giảng dạy nhưng thực chất lại không phải là những giảng viên thường xuyên tham gia trong hoạt động giảng dạy của trường.

Tuy không có một khái niệm được thừa nhận rộng rãi về xưởng bằng giả, nhưng hầu hết những “trường” này đều có chung một số đặc điểm. Bằng cấp của các “trường” này đều có thể mua được. Chúng không đòi hỏi hoặc đòi hỏi rất ít việc tham gia lớp học của sinh viên (trực diện hoặc trực tuyến). Sinh viên ở đây được yêu cầu làm rất ít bài tập, và yêu cầu tốt nghiệp là ở mức tối thiểu. Việc quyết định cấp bằng có thể dựa một phần rất lớn trên lý lịch cá nhân hoặc kinh nghiệm thực tế, và những yêu cầu trên có thể không được quy định bằng văn bản. Một số xưởng bằng giả có thể không có giấy phép hoạt động của tiểu bang. Tên của các “trường” này thường được chọn sao cho nghe hao hao giống những trường đại học, cao đẳng nổi tiếng. Nhằm gia tăng lòng tin của khách hàng, một vài “trường” còn mạo nhận về các tổ chức quốc tế như UNESCO hoặc WHO, tuyên bố sai sự thật rằng đã được các tổ chức nêu trên kiểm định. Những ‘trường’ này có thể không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy về chất lượng của mình – chẳng hạn như đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định được công nhận.

Các xưởng bằng giả kiểu cũ đóng trên một địa bàn cụ thể hoặc sử dụng phương pháp hàm thụ chỉ có thể hoạt động trong giới hạn một khu vực hoặc quốc gia. Tuy nhiên, giờ đây các “trường” này đã tận dụng triệt để cách thức tiếp cận qua web và mạng internet, tạo cho họ khả năng mở rộng phạm vi hoạt động ra thế giới một cách dễ dàng. Đa số các quốc gia xuất khẩu bằng giả lại là những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc; trong khi các quốc gia nhập khẩu một cách hoàn toàn tự nguyện và không nghi ngại chính là những quốc gia đang phát triển.

Thật khó có thể xác định được số lượng các xưởng bằng giả đang hoạt động, và những ước lượng về số trường dỏm này cùng với phạm vi hoạt động của chúng cần được xem xét cẩn thận. Phạm vi tài chánh của một xưởng bằng giả có thể xê dịch từ nửa tỉ đô-la cho đến hàng tỉ đô-la hằng năm.

Rủi ro từ những xưởng bằng giả

Các xưởng bằng giả gây ra những tác động đáng kể về mặt xã hội, vì vậy mọi người có liên quan đến giáo dục đại học đều có trách nhiệm ngăn cản sự tồn tại của những tổ chức đáng ngờ này. Những người có liên quan không chỉ là sinh viên mà còn là các nhà tuyển dụng và chính phủ, cũng như là các trường đại học và cao đẳng thực chất.

Đối với sinh viên, dù họ là những người cố tình tìm kiếm bằng cấp bằng con đường dễ dãi hoặc là nạn nhân của những quảng cáo sai lệch từ các xưởng bằng giả, đều là những người bị hại vì những bằng giả mắc tiền đó đều là lừa đảo và trong nhiều trường hợp là không có giá trị. Các sinh viên và phụ huynh tại các quốc gia đang phát triển, những người bị thu hút bởi cơ hội có được một bằng cấp nước ngoài một cách linh động chính là nhóm đối tượng dễ bị hại nhất. Điều rất thường xảy ra là những bằng giả này không thể dùng để xin việc hoặc thăng chức. Số tín chỉ từ các xưởng bằng giả không được chuyển đổi sang những trường hợp pháp. Nếu một bằng đại học được chứng minh là giả, nó sẽ không được chấp nhận để vào học sau đại học.

Các nhà tuyển dụng bị tổn thương khi họ vô tình tin tưởng vào những bằng cấp giả mạo và xem đó là bằng chứng về năng lực của nhân viên mà họ tuyển dụng. Một nhân viên có bằng giả như vậy, ở mức nhẹ nhất, sẽ làm cho đơn vị bị mất mặt. Ở mức nặng nhất, những người sử dụng bằng dỏm là mối đe dọa cho người khác, đặc biệt khi những bằng dỏm ấy lại được sử dụng như sự đảm bảo về mặt chuyên môn trong những lĩnh vực như điều dưỡng và công trình sư. Lúc đó, mạng sống của nhiều người sẽ bị đe dọa.

Chính phủ sẽ chịu thiệt hại lớn khi hàng triệu đô-la tiền thuế của người dân được dùng làm trợ cấp và khoản vay cho sinh viên đóng học phí tại các trường giả hoặc khi chính phủ (trên cương vị là nhà tuyển dụng) cấp trợ cấp học phí cho các nhân viên theo học tại các trường giả. Chính phủ (thực ra là người nộp thuế) còn buộc phải duy trì chi phí củng cố những luật lệ nhằm ngăn ngừa hoạt động của các xưởng bằng giả – ví dụ như việc điều tra những vụ lừa đảo được thực hiện trong nhiều năm tại Hoa Kỳ, do Cục Thương mại Liên bang và Văn phòng Kiểm toán chính phủ Mỹ  (Government Accountability Office, trước đây là General Accountability Office) (1).

Các trường đại học và cao đẳng cũng chịu thiệt hại do các xưởng bằng giả gây ra vì chúng làm suy giảm những nỗ lực hợp pháp của các trường đại học chân chính trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học có chất lượng. Khi các xưởng bằng giả nhái tên những trường đáng tin cậy để phục vụ nhu cầu bất chính của các xưởng bằng giả này, chúng đã tạo ra sự nhầm lẫn và nghi ngờ trong các sinh viên tiềm năng và xã hội đối với những trường chân chính. Sự nghi ngờ của xã hội đối với các xưởng bằng giả khiến cho những trường đại học hợp pháp bị vạ lây, làm giảm đi các nỗ lực duy trì niềm tin của công chúng và nỗ lực phục vụ xã hội của các trường đại học tử tế.

Chính sách quốc gia

Kể từ thập niên 1990, một số nước đã thực hiện các hoạt động quan trọng nhằm khống chế các xưởng bằng giả như: xuất bản những danh sách các trường hợp pháp, ban hành những đạo luật nhằm ngăn chặn việc hình thành những xưởng bằng giả, đóng cửa những xưởng bằng giả đã tồn tại, và duy trì những chiến dịch thông tin và tăng cường nhận thức của xã hội. Tại cuộc họp gần đây giữa những nhà lãnh đạo trong giáo dục đại học và quản lý chất lượng để thỏa luận về vấn đề xưởng bằng giả, các cá nhân đến từ Nigeria, Úc, Anh Quốc và Hoa kỳ đều nói đến việc cần thiết duy trì các hoạt động nói trên.

Những nỗ lực khác bao gồm việc Trung Quốc cho xuất bản các danh sách của những trường nước ngoài được công nhận và yêu cầu rằng các trường nước ngoài muốn hoạt động tại nước này phải thông qua việc thiết lập mối quan hệ với các trường trong nước. Tại Anh Quốc, một hệ thống cảnh báo được xây dựng nhằm thông báo cho xã hội về những xưởng bằng giả, kèm thông tin về việc các trường này có đáp ứng được những tiêu chuẩn cấp bằng đại học tại Anh Quốc hoặc tiêu chuẩn để được gọi là trường đại học hay chưa. Tại Nigeria, những bằng cấp trực tuyến từ những trường không được kiểm định bị cấm và các nhà tuyển dụng không được phép chấp nhận bằng dỏm. Tại Úc, khái niệm “trường đại học” được bảo vệ chặt chẽ.

Hoạt động quốc tế

Việc chú trọng gần đây vào vấn đề các xưởng bằng giả đi kèm với các hoạt động về chất lượng học thuật là vì giáo dục đại học hiện nay ngày càng được quốc tế hóa. Trong tài liệu Study Abroad (Du học), UNESCO đã công bố Bản thông tin (Fact Sheet) của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học Hoa Kỳ (CHEA) về các xưởng bằng giả và xưởng kiểm định giả được tập hợp vào năm 2003, đây là một phần trong những cảnh báo của UNESCO trước hiện tượng xưởng bằng giả đang tồn tại. UNESCO và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) đã phát hành Cẩm nang hướng dẫn về việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học xuyên biên giới có chất lượng vào năm 2005. Cuốn Cẩm nang đã đề ra những trách nhiệm cho những đối tượng liên quan khác nhau trong giáo dục đại học – nhằm bảo vệ chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục đại học xuyên biên giới và chống lại các xưởng bằng giả. UNESCO gần đây cũng tiến hành thử nghiệm Cổng thông tin về các tổ chức giáo dục đại học, cho phép tiếp cận từ khắp nơi trên thế giới danh sách các trường đại học hợp pháp trên mọi quốc gia. (http://www.unesco.org/education/portal/hed-institutions). Việc công bố danh sách này giúp làm rõ rằng những trường không có trong danh sách là những trường có thể đáng ngờ.
 
Nhóm chuyên gia quốc tế do CHEA và UNESCO tập hợp cũng đang tiến hành xây dựng bản tuyên bố về các hoạt động hiệu quả trên phạm vi quốc tế trong việc giải quyết vấn nạn về xưởng bằng giả. Nhóm chuyên gia này cũng đang tìm kiễm những chiến lược mới, chẳng hạn như liệu có cần những nỗ lực quốc tế thường trực trong việc xác định những tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục lừa đảo hay không, cũng như tính khả thi của việc duy trì chương trình nâng cao nhận thức xã hội trên phạm vi quốc tế.

Nỗ lực quốc tế nói trên sẽ còn là một nhu cầu lâu dài. Các xưởng bằng giả sẽ tiếp tục là một vấn nạn đối với các sinh viên, nhà tuyển dụng, chính phủ, và cả giáo dục đại học. Chúng làm tổn hại một nguồn tài nguyên quan trọng của các quốc gia – cụ thể là ngành giáo dục đại học rộng mở, đa dạng và có hiệu quả cao cũng như các sinh viên, đối tượng được các tổ chức này phục vụ.

Phương Anh giới thiệu – Kim Khôi dịch
Nguồn:
http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number53/p3_Eaton_Uvalic-Trumbic.htm

* Judith S. Eaton là Chủ tịch Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học đặt tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Email: [email protected] và Stamenka Uvalic-Trumbic hiện là Trưởng Bộ phận Cải cách, Đổi mới, và Đảm bảo Chất lượng, Phòng Giáo dục Đại học, UNESCO tại Paris, Pháp. Email: [email protected].

(1) Từ GAO dịch sang tiếng Việt chưa thống nhất, chúng tôi chọn gọi theo cách dịch trong bài viết của Vietnamnet trong bài viết này “Chính phủ Mỹ nói một đàng, làm một nẻo” đăng ngày 13/5/2010. Link: http://vietnamnet.vn/thegioi/201005/Chinh-phu-My-noi-mot-dang-lam-mot-neo-909650/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)