Ý niệm đại học như một giá trị cốt lõi (Kỳ 2)

Theo Jasper, đại học có ba nhiệm vụ: nghiên cứu, giảng dạy, và quan trọng hơn cả, đào luyện đời sống tinh thần.

II.
Ta thử đi sâu hơn vào các luận điểm nói trên của Jaspers:

1. Bản chất của khoa học

Ý niệm đại học đặt cơ sở trên “bản chất của khoa học”. Vì, theo Jaspers, “nơi đâu có việc tìm tòi chân lý vô-điều kiện, ở đó có yêu sách của con người xét như là con người”. Chính từ việc đi tìm chân lý vô-điều kiện và vô-giới hạn này, Jaspers đề ra cương lĩnh của đại học: “Đại học là nơi hiện thực hóa lòng hiếu tri nguyên thủy. Nó không có mục đích nào khác hơn là trải nghiệm những gì ta có thể biết và những gì ta sẽ trở thành, thông qua tri thức.

Jaspers phân biệt giữa “khoa học theo nghĩa hẹp” (chỉ các ngành khoa học riêng lẻ như vật lý, hóa học v.v…) với “khoa học theo nghĩa đích thực hay theo nghĩa rộng”. Theo ông, khoa học theo nghĩa hẹp có các hạn chế sau đây:

– “tri thức khoa học về sự vật không phải là tri thức về Tồn tại”. Các khoa học riêng lẻ cô lập những quan hệ đặc thù khỏi mối quan hệ phổ biến. Ta không nhận thức được “bản thân Tồn tại” nơi những đối tượng nhất định, trái lại, chỉ nhận thức được mặt hiện tượng của chúng, vì những đối tượng của khoa học tự nhiên đều là những hiện tượng trong khuôn khổ không-thời gian. Chính cái biết mở rộng đến vô tận về những mối quan hệ tự nhiên sẽ tạo ra “cái biết chắc chắn nhất về cái không biết”. Do đó, theo Jaspers, sẽ là sai lầm cơ bản khi tin rằng tất cả đều được giải quyết trong các mối quan hệ “tự nhiên”, tức chỉ được tiếp cận bởi khoa học tự nhiên.

– “tri thức khoa học không thể mang lại cứu cánh nào cho đời sống. Nó không đề ra được những giá trị chung quyết”. Những cứu cánh, nhất là cứu cánh tối hậu như là sự Thiện tối cao, không thuộc về lĩnh vực khoa học, trái lại, cho thấy có nguồn gốc ngoại lý, siêu lý.

–  “khoa học không thể giải đáp cho câu hỏi về ý nghĩa của chính nó”, cũng như không thể phản tỉnh về cơ sở của chính mình.

Vì thế, việc biện minh cho khoa học, theo Jaspers, dễ rơi vào hai thái cực, thoạt nhìn như trái ngược nhau, nhưng cùng dẫn đến hệ quả cực đoan như nhau: công cụ hóa khoa học như một phương tiện đơn thuần hoặc tuyệt đối hóa khoa học như một cứu cánh tự thân. Với tầm nhìn xa, Jaspers dự báo khả năng hoạt động khoa học sẽ “trượt dài” vào sự vô tận của những khẳng định, vào sự phân tán và tự mãn của kiến thức chuyên môn, chồng chất những kết quả và không còn quan hệ gì với ý nghĩa của khoa học và đời sống. Nhà khoa học đòi hỏi sự tự do, nhưng, theo Jaspers, khi nội hàm của tự do (tức vương quốc của các cứu cánh và sự Thiện tối cao) bị phai mờ, nó sẽ bị chuyển hóa thành sự tùy tiện. Và vì kết quả khoa học có giá trị phổ quát, nó hiện diện như tài sản chung, tha hồ cho các thế lực chính trị và kinh tế khác nhau khai thác. Đó cũng là lý do tại sao quyền lực nhà nước đã “sẵn lòng” dành chút ít tự do cho việc nghiên cứu khoa học. Mô hình đại học Humboldt, theo Jaspers, vô hình trung đã mắc mưu: “khoa học là một cô gái giang hồ!”. Phương cách nào để nhà khoa học không còn “đánh đĩ” chính mình? Theo Jaspers, phương cách cứu chữa không gì khác hơn là xác định trở lại “lòng hiếu tri nguyên thủy”. Khi ta muốn biết một điều gì nhất định, ta đề ra một mục đích, và trong trường hợp ấy, lòng hiếu tri không còn đúng nghĩa là “nguyên thủy” nữa. Cũng không còn là “nguyên thủy” khi nỗ lực hiếu tri được xem như thành tố của lý tưởng giáo dục thuộc về một xã hội hay một giai đoạn lịch sử nhất định. Vậy, “nguyên thủy” ở đây, theo Jaspers, chỉ có thể là sự “tò mò”, là lòng khao khát sơ khai muốn nhận diện được cái xa lạ, cái chưa quen thuộc. Chỉ có sự tò mò không bao giờ thỏa mãn ấy mới khêu gợi một sự nhận thức sâu xa: sự nhận thức trong “tính nguyên thủy của nó”. Chính lòng hiếu tri mang kích thước “hiện sinh” ấy mới có thể làm cơ sở cho khoa học: “không một sự hiểu biết riêng lẻ nào thỏa mãn được tôi; tôi tiến lên phía trước không ngừng nghỉ. Tôi mong muốn mở rộng tri thức thành cái Toàn bộ”. Nhưng, để sự thôi thúc “vô-điều kiện” ấy không trở thành mù mờ, khoa học cần một sự “hướng đạo”. Sự hướng đạo ấy đến từ đâu? Với lòng hiếu tri nguyên thủy, sự hướng đạo đến với ta từ bên trong, nhưng lại thông qua “cái Một của Tồn tại”. Chỉ có “cái Một” này mới mang lại linh hồn cho khoa học. “Linh hồn” này là gì, theo Jaspers, là điều không thể nói rành mạch. Cái cá biệt, trong chừng mực là cái cá biệt, cần được nhận thức và tiếp tục tra hỏi. Nhưng, linh hồn không dừng lại hay tan biến đi trong cái cá biệt, đó chính là định nghĩa “tiêu cực” đầu tiên về linh hồn này: “từ nỗi bàng hoàng trước vẻ đẹp và sự hài hòa trong thế giới, khoa học đẩy tôi vào nỗi sợ hãi trước mọi sự tan vỡ, trước sự vô nghĩa và hủy diệt không thể giải thích được”. Trong nỗi sợ hãi ấy, con người có được “trải nghiệm hiện sinh”, tức trải nghiệm về “sự bất tri thực sự mà Cái Một như là sự Siêu việt luôn gián tiếp cho tôi thấy. Sự Siêu việt ấy sẽ là người hướng đạo âm thầm cho mọi sự hiếu tri của tôi”. Trải nghiệm này mang lại linh hồn và ý nghĩa cho lòng hiếu tri, nhưng “ý nghĩa này cũng không thể được xác định một cách thuần lý được”. Nói cách khác, “khoa học không phải là mảnh đất vững chắc cho tôi yên nghỉ, trái lại, là con đường tôi đi để xác tín về sự Siêu việt trong hình thức của sự bất an vốn gắn liền với sự hiếu tri (…) Sự hướng đạo từ cái Một của sự Siêu việt tuyệt nhiên không rõ ràng, rành mạch. Không ai có thể nắm bắt và sở hữu nó trọn vẹn. Trái lại, sự Siêu việt chỉ có thể được hiện thực hóa trong hình thái lịch sử liên tục vươn tới của nhận thức, như một thể nghiệm, một sự dấn mình mạo hiểm”. Nói theo ngôn ngữ triết học của Jaspers, hiện sinh (Existenz) đột phá sự hiện hữu (Dasein), và, khi sự đột phá này được ý thức, Jaspers gọi là sự “soi sáng hiện sinh”, tức cần đến năng lực của lý tính (Vernunft) để giữ khoảng cách phản tỉnh với hiện hữu, trong khi giác tính (Verstand) giúp ta giải quyết những đòi hỏi thực dụng trong đời sống. Giác tính luôn thỏa mãn khi giải quyết thành công những vấn đề của cuộc sống, trong khi lý tính là năng lực và động lực để tiếp tục tra hỏi. Tóm lại, chống lại tư duy “thực chứng” của thời đại và tư duy “vị lợi” trong khoa học, Jaspers muốn mang lại một kích thước mới: lòng hiếu tri nguyên thủy, vô điều kiện, có nền tảng sâu xa trong “hiện sinh” của con người.

2. Nhiệm vụ của đại học: “đào luyện đời sống tinh thần”

Trước hết, thử hỏi người sinh viên chờ đợi gì ở đại học? Sinh viên học một chuyên ngành, họ chờ đợi những kiến thức chuyên môn được truyền đạt một cách có hệ thống, được tốt nghiệp để vào đời một cách thuận lợi. Nhưng, theo Jaspers, sinh viên còn chờ đợi hơn thế: “Con đường đến với khoa học phải được mở ra cho họ; thế giới và con người ngày càng sáng tỏ với họ, và cái Toàn bộ phải được trình bày trong một trật tự vô tận như một vũ trụ. Lao động khoa học – theo đúng Ý niệm về nó – là mang tính tinh thần, nghĩa là, có quan hệ với toàn bộ cái khả tri”. Nói khác đi, đại học có ba nhiệm vụ: nghiên cứu, giảng dạy, và quan trọng hơn cả, đào luyện đời sống tinh thần. Sự thống nhất chặt chẽ giữa ba nhiệm vụ tạo nên Tinh thần sống động, mang lại linh hồn và sức sống cho mọi chuyên ngành.

Việc nghiên cứu là sự hợp nhất của ba yếu tố: nắm vững phương pháp, sản sinh ý tưởng và vun bồi lương tâm trí thức. Cả ba gắn liền với chủ thể nghiên cứu. Nếu để cho những yếu tố bên ngoài khoa học (như danh vọng, quyền lực, tiền tài…) chi phối, nhà khoa học sẽ không còn là chủ thể của tiến trình lao động khoa học nữa. Không còn nhịp đập của trí tuệ và con tim, đại học sẽ khô héo, hay, nói một cách hình tượng, “chỉ còn ngữ văn, không còn triết học; chỉ còn thực hành kỹ thuật, không còn lý thuyết, chỉ có dữ kiện vô tận, nhưng không còn Ý niệm nào”. Lao động khoa học cần tránh bị thoái hóa thành những kỹ năng vụn vặt, đó là lý do cần kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy: “Chỉ ai tự mình nghiên cứu thì mới giảng dạy một cách đích thực. Nếu không, chỉ là sắp xếp cái đã biết một cách giáo khoa mà thôi. Trong khi đó, đại học không phải là trường phổ thông mà là học viện cấp cao (…) Vì thế, đối với nghề nghiệp đặc biệt này, được đào tạo tốt nhất không phải là được học một tri thức đã hoàn tất, mà là được đào tạo và phát huy những quan năng của tư duy khoa học. Giữ vai trò quyết định ở đây không phải là sở hữu điều đã học, mà là năng lực phán đoán và năng lực tra hỏi. Năng lực này chỉ có được bằng cách tiếp xúc với công việc nghiên cứu sống động”.

Đối với người học, có Ý niệm về tính toàn bộ của chuyên ngành đặc thù của mình, rồi, nói chung, có Ý niệm về tính toàn bộ của con người hiếu tri là điều quyết định cho sự nghiệp về sau. Lý do thật dễ hiểu: làm thầy giáo, thầy thuốc hay quan tòa, ta đều phải làm việc với con người toàn bộ và với tổng thể những quan hệ của cuộc sống. “Việc đào tạo các chuyên ngành này sẽ là vô hồn và vô nhân đạo, nếu không hướng đến cái toàn bộ”. Vì thế, theo Jaspers, việc phá vỡ đại học thành những chuyên ngành cô lập với nhau là tiền đề – và cũng là hậu quả – của mưu đồ “thu gom” lao động khoa học để phục vụ cho những mục đích kinh tế-chính trị vụ lợi nhất thời.

Jaspers đặt cơ sở cho lập luận này từ quan niệm của Kant về phẩm giá. Theo ông, lao động khoa học và thành tựu khoa học có một phẩm giá. Phẩm giá là cái gì vượt lên mọi giá cả: “Trong vương quốc của những mục đích, tất cả đều có một giá cả hoặc một phẩm giá. Có giá cả, khi ta có thể thay thế nó bằng cái gì ngang giá, ngược lại, những gì vượt lên trên mọi giá cả, nghĩa là, không có vật ngang giá, cái ấy là phẩm giá”[5]. Theo Kant, chỉ có đạo đức và con người – trong chừng mực có năng lực đạo đức – “là duy nhất có được phẩm giá. Còn tài khéo và sự chăm chỉ trong lao động thì có một giá thị trường”[6]. Sự tự trị, do đó, là cơ sở cho phẩm giá của bản tính con người. Và đại học, theo tên gọi, là universitas, là cái Toàn bộ, là sự Thống nhất hay tính Toàn thể. Đại học bao giờ cũng là universitas generis humani, là nhân loại hiểu như một nhất thể. Tính người là thiêng liêng: chính nó mang lại phẩm giá cho từng mỗi cá nhân. Trong ý nghĩ đó, theo Jaspers, khái niệm “phẩm giá” của Kant hoàn toàn có thể áp dụng vào cho lao động khoa học, hiểu như việc thực hiện tính người ở cấp độ đậm đặc nhất.

Bên cạnh sự thống nhất giữa nghiên cứu và giảng dạy, Jaspers khẳng định nguyên tắc thứ hai của đại học là “sự kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy với tiến trình đào luyện con người”. “Giáo dục đại học là tiến trình đào luyện sự tự do đầy thực chất, mà cụ thể là bằng việc tham gia vào đời sống tinh thần đang diễn ra ở đó”. Sự đào luyện ở đại học, về bản chất, là tinh thần giáo dục Socrates. Hoạt động khoa học mang những con người ham hiểu biết lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, một nền “cộng hòa của những học giả”, trong đó chỉ có luận cứ là được xem trọng, chứ không phải quyền lực hay quyền uy. “Ý nghĩa nguyên thủy của universitas như là cộng đồng của thầy và trò cũng quan trọng như ý nghĩa của sự thống nhất mọi ngành khoa học. Trong Ý niệm đại học có sự đòi hỏi về tính cởi mở toàn diện với nhiệm vụ liên kết không giới hạn, nhằm gián tiếp tiệm cận cái Một-Toàn bộ”. Điều này không gì khác hơn là sự truyền thông và giao tiếp rộng rãi giữa những nhà khoa học, nhất là giữa những nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau. “Ý niệm Đại học không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi tiếp nhận những nhân vật bất đồng và mâu thuẫn với nhau vào trong lòng mình”.

[5] Immanuel Kant, Grundlegung zur Metaphysik der Sitten / Đặt cơ sở cho Siêu hình học về đức lý, Tác phẩm Kant, Ấn bản Hàn Lâm, Tập IV, Berlin 1968, tr. 434.|

[6] Sđd, tr. 435.

Đọc thêm:

Ý niệm đại học như một giá trị cốt lõi (Kỳ 1)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6559&CategoryID=6

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)