Ý niệm đại học như một giá trị cốt lõi (Kỳ cuối)

Người đọc ngày nay đến với Ý niệm đại học - sau ngót 70 năm, với bao nước chảy qua cầu - bằng nhiều cảm xúc pha trộn. Nhiều ý tưởng thâm thúy, sôi nổi của Jaspers vẫn còn sức hấp dẫn và thuyết phục của một cương lĩnh giáo dục nhân bản, đầy tính viễn kiến. Nhưng, đối chiếu với thực tế phàm tục, không ít quan điểm của Jaspers đã tỏ ra quá lạc quan, thậm chí,… viễn mơ và không tưởng.

Tiếc thay, ngay ở những quan điểm cốt lõi!

–    Dự báo của Jaspers về sự mở rộng của đại học, nhất là đối với các ngành kỹ thuật, đã trở thành hiện thực, nhưng hy vọng của ông về một sự tích hợp các ngành khoa học dường như còn là điều xa vời. Ý niệm về sự thống nhất các ngành khoa học, trong thực tế, ngày càng trở nên khả nghi trong “hoàn cảnh hậu-hiện đại”[7], khi – như chính Jaspers đã tiên liệu – chỉ có sự cùng tồn tại bình đẳng và đồng đẳng của nhiều ngành khoa học cạnh tranh với nhau, từ “thiên văn học và quản trị xí nghiệp, đến triết học và quản lý khách sạn”! Thế giới hậu-công nghiệp còn mang theo mình ý thức tân-nhân bản hay chỉ đơn thuần duy kinh tế và duy kỹ thuật? “Tuyên ngôn các khoa học tinh thần” năm 2005 do hàng loạt giáo sư hàng đầu đề xướng, kêu gọi khôi phục định hướng liên ngành, kết hợp khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên vẫn chưa mang lại kết quả gì cụ thể[8].

–    Trong cấu trúc và cơ chế nội bộ của đại học hiện đại, lòng tin của Jaspers rằng: “Vì cùng nhau mưu cầu chân lý, nên những nhà nghiên cứu sẽ không quan hệ với nhau theo kiểu cạnh tranh sinh tồn” phải chăng chỉ là một giấc mơ đẹp, khi “publish or perish”, với sự chi phối mãnh liệt của chức vụ, lương bổng và nguồn tài trợ, trở thành một “luật chơi” ngày càng khắc nghiệt và không kém phần thô bạo? “Đại học không chỉ cho phép mà còn đòi hỏi tiếp nhận những nhân vật bất đồng và mâu thuẫn với nhau vào trong lòng mình” như khẳng định ở trên sẽ trả lời thế nào trước nạn bè phái, “cánh hẩu” tràn lan và khó chối cãi trong đời sống đại học ngày nay? Và, cái gì còn lại là “phẩm giá”, trong khi mọi cái (một bài báo, một quyển sách, một bằng sáng chế…) đều có một “giá cả”?

–    Sau cùng là về mối quan hệ luôn căng bức và tế nhị giữa khoa học và chính trị, giữa đại học và nhà nước. Từ kinh nghiệm xương máu dưới chế độ phát xít cực quyền, Jaspers kiên quyết đòi hỏi sự phi chính trị của đại học: “Chính trị cũng như tính quốc gia, dân tộc – phải là đối tượng của nghiên cứu, chứ không phải là mục tiêu và ý nghĩa của đời sống đại học”, nếu không muốn “phản bội Ý niệm đại học”. Trong đại học “việc gần gũi với thực tế là thông qua nhận thức, chứ không phải thông qua hành động”. Hannah Arendt, nữ triết gia, bạn thân của Jaspers, đồng thời là chiến sĩ chống phát xít và, cùng với Jaspers, là nhân chứng thời đại, lại có cách nhìn khác. Trong thư ngày 9.7.1946, Arendt phê bình thẳng thắn và chi ly “mấy điều thực tế”, trong tác phẩm này của Jaspers. Theo bà, “không có sự an toàn phi chính trị trước chính trị”, và cũng chính vì thế mà đại học “đã đánh mất phẩm giá của mình dưới chế độ cực quyền từ 1933”. Theo Arendt, đại học ngày nay thậm chí “phải là một nhân tố chính trị”, hiểu theo nghĩa là cứ điểm để bảo vệ tự do ngôn luận như là nền tảng của quyền tự do phát biểu chân lý khoa học và, qua đó, của quyền tự do giảng dạy (như sẽ được trịnh trọng ghi vào trong Điều 5 của Hiến Pháp CHLB Đức sau đó ít lâu). Jaspers tán đồng trong thư ngày 19.10.1946 cho Arendt: “Những nhận xét phê bình của bà đối với quyển Ý niệm đại học của tôi đều đúng cả”!

Đến với công trình tâm huyết này của Jaspers, ta chỉ có thể trân trọng “lòng tin triết học” của ông rằng: đại học hiểu như sự thống nhất của các ngành khoa học không chỉ là một Ý niệm được phát triển từ triết học, dựa trên một tiến trình lịch sử đã qua (các khoa học riêng lẻ ngày càng dị biệt hóa, và đều bắt nguồn từ Một khoa học nguyên thủy v.v…), mà còn là một Ý niệm sẽ điều hướng diễn trình trong tương lai: “Mọi khoa học đều thiết yếu gắn liền với nhau là một Ý niệm triết học. Chỉ từ Ý niệm ấy mới phát sinh sự thống nhất của các khoa học như là một sứ mệnh định hình nên cái toàn bộ của tri thức. Và đó cũng là chỗ bắt đầu sự tương tác của mọi khoa học hướng về một mục tiêu chung”.

—–

[7] J. F. Lyotard, Hoàn cảnh hậu-hiện đại, Một báo cáo về tri thức, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, 2007.

[8] “Manifest Geisteswissenschaften”, Tuyên ngôn của năm giáo sư ngày 25.11.2005: http://www.bbaw.de/ bbaw/Veranstaltungen/Veranstaltungsseite_ansehen.html?terminid=551

[9] Bùi Văn Nam Sơn, Platon và việc thực hiện ý tưởng, Trò chuyện triết học, NXB Tri thức 2012, tr. 36 và tiếp.


Đọc thêm:

 Ý niệm đại học như một giá trị cốt lõi (Kỳ 2)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6571&CategoryID=6

 Ý niệm đại học như một giá trị cốt lõi (Kỳ 1)
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=6559&CategoryID=6

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)