16 năm cho một bước ngoặt
Bình thản trước thất bại và dứt khoát khi đứng trước các lựa chọn nhưng PGS.TS Lê Thị Luân không khỏi tỏ ra bối rối khi phải nói với báo chí về mình, về quá trình nghiên cứu đã đưa chị đến với Giải thưởng Kovalevskaya hồi đầu tháng Ba này.
Trong 24 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), PGS.TS Lê Thị Luân đã dành 16 năm để nghiên cứu vaccine Rotavin-M1 phòng virus Rota, là nguyên nhân gây tiêu chảy ở hơn 50% số trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh này, theo số liệu từ một số Bệnh viện Nhi lớn trong nước. Công trình của chị và đồng nghiệp được đánh giá là bước ngoặt trong ngành vaccine học Việt Nam bởi đây là lần đầu tiên nước ta đã sản xuất thành công một loại vaccine sử dụng hệ thống chủng giống thiết lập trên chủng nội địa.
“Tạo hệ thống chủng giống là khâu khó nhất trong quy trình sản xuất một vaccine. Hỗn dịch phân người bệnh có hàng tỷ con virus, chúng tôi phải xác định đặc tính từng con và tìm ra những con an toàn, đồng nhất, ổn định, đáp ứng miễn dịch với hiệu suất cao rồi đem nuôi cấy để tạo chủng. Mất ba năm, từ năm 1998 đến 2001, chúng tôi mới tạo được mẫu virus. Sau đó, tôi phải mang mẫu này sang Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ để phát triển trên tế bào vì điều kiện thiết bị Việt Nam lúc đó chưa cho phép làm việc này. Mang virus được nuôi cấy thành công trở về, tôi cùng đồng nghiệp phải mất thêm hai năm nữa mới hoàn chỉnh được quy trình tạo chủng,” nhà khoa học quê Vĩnh Phúc kể.
Với thành công này, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho sản xuất vaccine tiêu chảy mà không cần đợi chuyển giao công nghệ hay nhập ngoại. Năm 2011, nghiên cứu tạo chủng virus Rota của TS Luân và đồng nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Với vaccine Rotavin-M1 do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Thị Luân tạo chủng giống và xây dựng quy trình sản xuất, Việt Nam trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất thành công vaccine phòng tiêu chảy do virus Rota, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. |
Sau khi tạo được chủng giống, TS Luân cùng đồng nghiệp lại tiếp tục xây dựng qui trình công nghệ sản xuất vaccine Rota với tiêu chuẩn cập nhật quốc tế. Kết quả thử nghiệm lâm sàng từ năm 2009 đến năm 2011 đã chứng minh vaccine Rota sản xuất tại Việt Nam có tính an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt trên trẻ 6-12 tuần tuổi với hai liều cách nhau hai tháng và được đưa ra thị trường cho trẻ uống từ tháng 8/2012 trên toàn quốc. “Thị trường Việt Nam đang lưu hành ba loại vaccine phòng tiêu chảy là Rotavin-M1 của chúng tôi và hai loại khác của Bỉ và Mỹ với giá cao gấp khoảng ba lần. Tại phòng dịch vụ của mình, chúng tôi giới thiệu cả ba loại và hoàn toàn tự tin vào Rotavin-M1, hiện đã chiếm khoảng 40% thị phần, với giá 600 nghìn đồng cho hai liều uống,” chị Luân cho biết.
Nhiều khả năng sắp tới Rotavin-M1 sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi đó, công suất 200-300 nghìn liều/năm như hiện nay sẽ phải nâng lên 3,5 – 4 triệu liều/năm. “Điều khiến tôi an tâm nhất là đã gần 100 nghìn trẻ sử dụng Rotavin-M1 trên cả nước nhưng chưa có bất kỳ phàn nàn nào về sản phẩm,” chủ nhân của giải Kovalevskaya 2013 nói.
PGS.TS Lê Thị Luân (đứng) trao đổi công việc với các đồng nghiệp ở Phòng Kiểm định chất lượng vaccine. Ảnh: TT |
Thành công không hề được lập trình sẵn cho con đường nghiên cứu của chị. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa nội nhi rồi theo học ba năm nội trú vi sinh, chị không hề hình dung tương lai gắn với phòng thí nghiệm, chỉ nghĩ học vi sinh để sau này làm bác sĩ nhi sẽ có thêm kiến thức điều trị bệnh tận gốc. “Luận văn tốt nghiệp nội trú của tôi được GS Hoàng Thủy Nguyên, bậc thầy trong ngành virus, vaccine học của Việt Nam chấm và chú ý. Ngay sau đó, tôi được Thầy nhận về làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương rồi tạo điều kiện cho đi đào tạo tại Nhật Bản. Từ đây tôi mới xác định mình sẽ làm nghiên cứu,” chị nhớ lại.
Kể từ khi bước vào con đường nghiên cứu trong lĩnh vực y tế dự phòng, TS Luân luôn nghĩ đến thất bại như một điều bình thường mà người làm khoa học nào cũng phải đối mặt. “Trong quá trình tạo chủng giống cho vaccine tiêu chảy, tôi luôn nghĩ đến hai khả năng, nếu thành công, tôi có thể chuyển sang bước tiếp theo, còn nếu không, phải sẵn sàng quay lại bước trước đó – tôi đặt hai khả năng này ngang nhau – vì vậy mặc dù mất nhiều năm với không ít lần thất bại, bế tắc nhưng tôi không cảm thấy tuyệt vọng,” chị chia sẻ.
Bên cạnh việc học cách bình thản trước thất bại, chị cũng cho rằng, để làm nghiên cứu trong điều kiện Việt Nam, nhà khoa học cần có một hậu phương vững vàng về mọi mặt, bao gồm cả kinh tế, thì họ mới có thể chuyên tâm đầu tư thời gian cho phòng thí nghiệm, đặc biệt là trong một lĩnh vực vất vả và có thu nhập thấp nhất của ngành y tế là y tế dự phòng. Chị không may mắn đã mất đi một nửa của hậu phương ấy – chồng chị, người vui vẻ nhận về mình nhiều phần việc gia đình để chị đỡ phải tất tả, đã ra đi vì một căn bệnh hiểm cách đây 11 năm. Chị cho biết mình duy trì được phong độ nghiên cứu cũng nhờ có người mẹ chồng tuyệt vời đứng ở phía sau.
Hiện chị phụ trách toàn bộ việc nghiên cứu sản xuất vaccine chân tay miệng (đã xong khâu tạo chủng giống) và tham gia những quy trình chính của việc nghiên cứu sản xuất vaccine bại liệt tiêm, thay cho vaccine uống (đã qua giai đoạn tiền lâm sàng, với chủng giống được nhập từ Viện Bại liệt Nhật Bản).
Theo TS Luân, với việc nằm trong nhóm chín nước trên thế giới sản xuất được vaccine, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về ngành vaccine học của mình. “Chúng ta có đội ngũ được đào tạo bài bản cả trong nước và quốc tế, có kinh nghiệm, có trình độ cập nhật, và trang thiết bị hiện đại do các nước phát triển như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… hỗ trợ. Tại thời điểm này, tất cả các công đoạn trong sản xuất vaccine đều có thể thực thi tốt tại nước ta. Chỉ tiếc là hệ thống kiểm định quốc gia (NRA) của chúng ta chưa đạt chuẩn quốc tế nên cơ hội xuất khẩu bị hạn chế,” chị cho biết.
Nỗi lo thường trực của nhà quản lý
Là Phó giám đốc phụ trách bộ phận R&D phát triển sản phẩm mới của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế từ năm 2001, chị “không phải căng thẳng vì những việc hậu cần” nhưng lại có một nỗi lo thường trực khác, đó là chảy máu chất xám. “Tôi biết làm bác sĩ điều trị một lần khám có thể kiếm vài trăm nghìn, còn bác sĩ y tế dự phòng như chúng tôi không được phép khám bệnh, suốt ngày chỉ lo chống dịch, đi xuống địa phương trèo đèo lội suối cả buổi có khi cũng chỉ được phụ cấp 10 nghìn đồng. Chính vì thế mấy năm nay Khoa Y tế dự phòng của Đại học Y Hà Nội chưa bao giờ tuyển được đủ sinh viên, mặc dù nhu cầu rất lớn. Đồng nghiệp có nhờ tôi thuyết phục các em nhưng tôi bảo, tôi có nói gì cũng chỉ là nói suông thôi, tốt nhất phải có chính sách tăng thu nhập cứng cho những người làm y tế dự phòng vì họ chẳng có nguồn thu nhập mềm nào đáng kể,” chị chia sẻ.
Với điều kiện trả lương như hiện tại, Trung tâm của chị không dám mơ đến việc thu hút những nhân tài tu nghiệp ở nước ngoài về mà chỉ đặt mục tiêu đào tạo những người tận tụy, tâm huyết sẵn có của mình. “Năm nào chúng tôi cũng tạo điều kiện cho mấy chục lượt cán bộ đi tu nghiệp ngắn hạn ở Mỹ và Nhật Bản.” Vậy mà vẫn không ngăn nổi hiện tượng chảy máu chất xám. “Có những đợt cảm giác dây chuyền lỏng lẻo hẳn vì có năm người trong dây chuyền thì đến ba người ra đi, hầu hết đầu quân cho tư nhân hoặc công ty nước ngoài ở các vị trí giám sát hoặc quản lý. Chúng tôi thật sự lâm vào khủng hoảng nhân lực cách đây mấy năm, khi hàng loạt cán bộ chủ chốt xin thôi việc. Sau cơn chuếnh choáng, ban lãnh đạo chúng tôi quyết định phải điều chỉnh các chính sách đào tạo để làm sao người này đi thì có người khác thay thế, đồng thời xây dựng các chế độ ưu đãi như hỗ trợ sản xuất và ký hợp đồng với những cán bộ đến tuổi hưu nhưng có trình độ chuyên môn sâu.”
PGS.TS Lê Thị Luân (thứ tư, từ trái sang) và các đồng nghiệp ở Phòng Kiểm định chất lượng vaccine. Ảnh: TT |
Bản thân chị cũng không ít lần bị bên ngoài “lôi kéo”, nhưng chị nói, “Có người nói tôi lạc hậu, điều đó không đúng, có lẽ tôi chỉ là người dễ hài lòng với những gì mình đã có và đối với tôi, sống có trước có sau mới là điều quan trọng hơn cả,” nhà nữ khoa học vẫn giữ được ánh mắt trong vắt ở tuổi 52 nói chân thành.
Tuy nhiên, chị kỳ vọng Luật KH&CN sửa đổi sẽ giúp thay đổi tình trạng “lép vế”, xét về mặt thu nhập, của những cơ quan nghiên cứu thuộc khối nhà nước. “Đây là một bộ luật hỗ trợ và bảo vệ một cách có trọng tâm, trọng điểm quyền lợi của người làm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học ứng dụng. Chúng tôi hy vọng nếu nó được thực thi nghiêm túc thì cơ hội để người làm khoa học sống đàng hoàng nhờ chất xám của mình sẽ sớm trở thành hiện thực.”