20 năm bền bỉ nghiên cứu về POPs

Từ một nhóm nghiên cứu gần như “vô danh”, sau 20 năm bền bỉ đi theo con đường đã chọn, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích môi trường – an toàn thực phẩm (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trở thành một địa chỉ tin cậy về nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực khoa học môi trường, đặc biệt là về các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs). GS. TS Phạm Hùng Việt đã trao đổi với phóng viên Tia Sáng về cách triển khai nghiên cứu trong điều kiện còn nhiều khó khăn ở Việt Nam.


GS. TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích môi trường – an toàn thực phẩm (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Năm 2002, Công ước Stockholm về các hợp chất POPs mới được ký kết nhưng những nghiên cứu đầu tiên về POPs đã được nhóm nghiên cứu của ông thực hiện từ sáu năm trước. Vậy bằng cách nào nhóm nghiên cứu có thể bắt kịp với những vấn đề nóng của thế giới, dù mới được thành lập?

Khi còn làm postdoc ở Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ, tôi đã chú ý rất nhiều đến “Silent Spring” (Mùa xuân câm lặng) của nhà sinh học Mỹ Rachel Carson, một cuốn sách gối đầu giường trong lĩnh vực khoa môi trường xuất bản năm 1962. Trên cơ sở nghiên cứu thực hiện từ giữa những năm 1940, tác giả đã nêu sự ảnh hưởng của con người với môi trường thông qua việc sử dụng các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… – những chất mà sau này được Công ước Stockholm đưa vào danh sách các chất POPs. Tôi nhận thấy, POPs không là vấn đề của riêng ai hay của riêng quốc gia nào. Tại Thụy Sỹ, thầy của tôi là giáo sư Wilhem Simon có hai hướng nghiên cứu chính, khối phổ phân giải cao là một trong hai hướng đó, đây là công cụ hữu hiệu nhất để nghiên cứu cấu trúc cũng như xác định thành phần các hỗn hợp phức tạp như dioxin/furan, polyclobiphenyls (PCBs)…Các học trò của thầy theo hướng này sau đấy là những nhà khoa học nổi tiếng về POPs, ví dụ TS. Peter Schmid (EMPA, Thụy Sỹ), là một đồng nghiệp mà tôi giữ mối liên hệ chặt chẽ sau này.

Tuy vậy trở về Việt Nam nhiều năm và tập hợp được nhóm nghiên cứu, có trong tay công cụ sắc ký khí từ hợp tác với Thụy Sỹ, tôi mới có điều kiện làm về POPs. Để bắt đầu, chúng tôi cũng phải tầm sư học đạo trong nước, cử các bạn trẻ tới học hai cán bộ có kinh nhiệm nhất về phân tích thuốc trừ sâu cơ clo lúc đó là anh Nguyễn Mạnh Ẩm ở Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và anh Đặng Đức Nhận ở Viện Năng lượng nguyên tử VN. Thêm vào đó, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của GS. Joshep Tarradellas – một người rất nổi tiếng về nghiên cứu PCBs. Ông đã cùng đồng nghiệp tư vấn rất tận tình cho nhóm khi bắt đầu phân tích các đối tượng phức tạp như PCBs từ những năm 1995. Và phải nói rằng, một cơ duyên đã đi theo chúng tôi suốt hai chục năm nghiên cứu về POP đó là lời mời tham gia vào một chương trình phân tích, quan trắc trong khu vực Đông Á của trường Đại học Liên hợp quốc (Nhật Bản) vào năm 1996.

Chưa có nghiên cứu nào về POPs, tại sao họ lại biết và mời mình tham gia?

Họ biết đến mình thông qua sự giới thiệu của bạn bè. Tất nhiên để được cùng tham gia nghiên cứu với họ, mình phải chứng minh được năng lực nghiên cứu và đáp ứng được những yêu cầu ban đầu của họ. Đây là lý do vì sao trước khi mời, họ phải gửi mẫu của một phòng thí nghiệm chuyên sản xuất mẫu thử của thế giới để xem mình có đủ năng lực phân tích không, khi đánh giá so với chuẩn nếu kết quả mình có Z score < 2 thì họ chấp nhận mình.

Lúc đó nhóm nghiên cứu của tôi cũng chưa có tiếng tăm gì nhưng vẫn nhiệt tình tham gia. Có sợ thất bại không ư? Không, mình vẫn muốn biết khả năng của mình đến đâu chứ. Kết quả là họ chấp nhận và mời mình tham gia pha đầu tiên trong dự án của họ về các hợp chất POPs cùng bảy phòng thí nghiệm khác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Cơ hội làm việc với các nhóm nghiên cứu này đem lại cho nhóm nghiên cứu của ông điều gì?

Qua hợp tác với các phòng thí nghiệm này, mình cũng trưởng thành lên nhiều và tự tin mở rộng hợp tác quốc tế trong nhiều vấn đề, nhiều đối tượng cần nghiên cứu…, như chất chống cháy PBDEs trong rác thải điện tử, chất Dioxin/Furan trong phát thải công nghiệp, giao thông, chất PFOS chống dính trong đồ gia dụng, chất CFC trong thiết bị làm lạnh…; đồng thời mình cũng nhận ra được rằng, ở Việt Nam mình có rất nhiều mẫu cần thiết cho nghiên cứu về POPs. Các quốc gia có năng lực cao trong nghiên cứu về POPs thì lại không có mẫu “tốt” như vậy trong tự nhiên. Do đó, mình phải “tận dụng” điều đó để thiết lập các mối quan hệ hợp tác quốc tế khác.

Đặc biệt, chúng tôi có hợp tác rất tốt với nhóm nghiên cứu của giáo sư Shinsuke Tanabe, Đại học Ehime (Nhật Bản) suốt từ những năm 1999 tới nay trong triển khai các đợt lấy mẫu môi trường của cả khu vực Đông Á và xây dựng ngân hàng mẫu tại Nhật Bản. Đã có năm thành viên của nhóm được đi làm tiến sĩ và postdoc nhiều năm tại đây về POPs, U-POPs. Hiện giờ, họ đều là những chuyên gia giàu kinh nhiệm về POPs ở Việt Nam.

Việc Việt Nam sớm tham gia Công ước Stockholm có làm cho việc nghiên cứu của ông thêm thuận lợi?

Việc sớm tham gia Công ước Stockholm đã chứng tỏ Việt Nam đã nhận ra những hậu quả của POPs đối với môi trường và sức khỏe con người. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bắt đầu thực hiện một số công việc như kiểm kê sự tồn lưu của hai loại POPs, như chất độc màu da cam, có chứa Dioxin, đã được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam và tập kết tại một số kho chứa ở sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng…, hóa chất bảo vệ thực vật như DDT được nhập từ Liên Xô cũ từ dưới thời chiến tranh để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phun diệt muỗi chống bệnh sốt rét…; và đánh giá khả năng tác động đến sức khỏe con người, qua đó xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn và chọn ra những cách quản lý phù hợp như cấm lưu hành hay tiêu hủy…

Do đã có năng lực nghiên cứu thông qua dự án của trường Đại học Liên hợp quốc nên nhóm nghiên cứu của tôi, lúc này đã chính thức được thành lập dưới tên gọi Trung tâm nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Đại học Khoa học tự nhiên)1, có thể tham gia các dự án tại Việt Nam cùng các nhà quản lý và các nhóm nghiên cứu trong nước, quốc tế khác.

Các chất POPs cổ điển như DDT đã rất cũ với thế giới rồi nên khó có công bố. Vậy việc tham gia thực hiện các dự án về nó có giúp được gì cho Trung tâm?

Đúng là DDT hay PCBs – chất trơ không chuyển hóa nên góp phần chống ôxi hóa là phụ gia của dầu biến thế và tồn tại bền vững trong môi trường sau khi thải loại, là những chất rất cũ. Nhìn chung nghiên cứu về chúng khó làm ra những công bố quốc tế, vốn đòi hỏi tính mới, nhưng việc tham gia những dự án kiểm kê, đánh giá các chất này của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Công Thương mang lại kinh phí và kinh nghiệm xử lý cho các nhà nghiên cứu của Trung tâm, đôi khi nó làm nảy sinh ra những vấn đề rất hay. Ví dụ khi tham gia dự án kiểm kê và xử lý PCB của Điện lực Việt Nam (Bộ Công thương), Trung tâm phân tích chất PCB trong khoảng 59.000 mẫu dầu biến thế trong và ngoài ngành điện lực, chúng tôi nhận thấy giữa phương pháp tiêu chuẩn mà thế giới vẫn áp dụng là sắc kí và phương pháp sàng lọc nhanh có một số mẫu cho kết quả vênh – lớn. Vậy sự chênh lệch này xuất phát từ đâu? Kiểm tra đi kiểm tra lại, chúng tôi “gần tìm ra” nguyên nhân: thay vì dùng PCB, nhà sản xuất đã dùng hóa chất khác làm phụ gia, và hóa chất này cũng được xếp vào danh sách POPs nhưng chưa bị các nhà quản lý Việt Nam “động tới”.

Do tồn tại ở mức phần tỷ trong các mẫu nên việc phân tích chất POPs không chỉ khó hơn so với nhiều đối tượng khác mà còn phải thực hiện trên những thiết bị đắt tiền, trong khi kinh phí đầu tư cho đề tài hiện nay của Việt Nam không có khoản chi về thiết bị. Ông đã giải quyết vấn đề này bằng cách nào?

Đúng vậy, ngay cả kinh phí từ dự án với Đại học Liên hợp quốc thì cũng ở mức nhỏ, đủ mua vật tư hóa chất, kinh phí cử người đi nước ngoài tập huấn những kỹ thuật phân tích mới, dự hội thảo, seminar… Tuy nhiên qua đó, tôi có được mối quan hệ với Shimadzu, công ty sản xuất thiết bị khoa học và đơn vị đầu tư cho các dự án này, thường xuyên dịch và tổ chức hội thảo cho họ tại Việt Nam. Năm 1998, tôi đề xuất một dự án hợp tác với họ: một bên có mặt bằng, nhân lực, một bên có máy móc, phụ tùng. Việc kết hợp giữa hai bên sẽ có được một phòng thí nghiệm chung và các công bố quốc tế được thực hiện từ đây sẽ ghi thêm dòng chữ cảm ơn Shimadzu. Phòng thí nghiệm trị giá hai triệu đô đã ra đời như thế, nhiều thiết bị trong phòng thí nghiệm này đã phục vụ cho nhiều nghiên cứu về POPs. Gần đây, chúng tôi cũng tiếp tục ký kết một dự án tương tự với Shimadzu, dự kiến thực hiện trong năm tới.

Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mới tiến hành đầu tư chiều sâu về trang thiết bị cho Trung tâm Nano và Năng lượng, đơn vị được thụ hưởng không chỉ Trung tâm này mà còn một số đơn vị khác của trường, trong đó có chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi có nhiều cơ hội thực hiện các nghiên cứu về POPs mới như các đồng nghiệp quốc tế.

Được biết, ngoài việc là địa chỉ tin cậy về nghiên cứu các chất POPs, Trung tâm còn là một nơi tư vấn chính sách cho các đơn vị quản lý.   

Như trên đã nói, quá trình Trung tâm tham gia xử lý các chất POPs tồn lưu như DDT, PCB… cũng là tham gia vào việc hình thành chính sách quản lý. Sau đó, mỗi khi có vấn đề gì liên quan đến các chất gây ô nhiễm trong môi trường, không chỉ chất POPs, các cơ quan chức năng lại tìm đến với mình, nhờ mình tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn. Hiện tại, do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công nhận kết quả nghiên cứu của mình là số liệu nghiên cứu của quốc gia và chấp thuận đưa nó vào mạng lưới các trung tâm nghiên cứu về POPs theo Công ước Stockholm trên thế giới. Do đó, các kết quả nghiên cứu này đã góp phần hỗ trợ công tác hoạch định chính sách. Đây là niềm vui của những người làm khoa học bởi thấy được những nghiên cứu của mình đóng góp cho xã hội thông qua chính sách quản lý.

Mặt khác, do Trung tâm còn là đơn vị đóng vai trò đào tạo cán bộ, nên trong lĩnh vực POPs, đã có nhiều cán bộ ở các viện, cục thực hiện luận án tiến sỹ trên cơ sở phối hợp nghiên cứu giữa hai đơn vị. Và sau này họ đều trở thành các cán bộ chủ chốt về kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo ví dụ Viện Hải dương học Hải phòng, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Kiểm soát ô nhiễm… Chính những người xuất phát từ cán bộ khoa học, kỹ thuật như vậy sẽ có cách nhìn hợp lý hơn trong việc xây dựng hay thực hiện những chính sách quản lý liên quan.

Trong suốt 20 năm nghiên cứu về POPs, ông rút ra được điều gì?

Có hai vấn đề mà tôi rút ra được từ quá trình nghiên cứu về POPs. Thứ nhất, mỗi hóa chất đều có mặt tốt và mặt xấu. Ngay từ khi phát minh các chất đó, các nhà khoa học chưa thể lường hết được những tổn hại lâu dài mà nó sẽ gây ra mà mới chỉ nhìn thấy những ưu điểm ban đầu. Ví dụ khi tìm ra DDT vào năm 1939, nhà hóa học Paul Hermann Mueller cũng không ngờ rằng sau đó ông được trao giải Nobel Y sinh vào năm 1948. Tuy nhiên nhiều năm sau, người ta phát hiện ra DDT lại là chất có độ bền vững và độc tính cao nên khi tồn lưu rất lâu trong môi trường, dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên, qua đó thâm nhập vào cơ thể con người và ảnh hưởng đến hệ thần kinh của con người. Vì thế, các nhà nghiên cứu phải liên tục nâng cao năng lực của mình để có thể bám sát được những vấn đề nóng và cả những vấn đề tưởng cũ nhưng liên quan trực tiếp đến đời sống con người.

Thứ hai là muốn thành công trong nghiên cứu thì mình phải biết mở rộng hợp tác quốc tế, không chỉ để học hỏi họ mà còn mời được họ tham gia nghiên cứu với mình. Qua trao đổi học thuật thì vấn đề mới nảy sinh. Anh có làm nghiên cứu thật thì quốc tế mới biết đến anh và đến tìm anh. Mà để việc đó thuận lợi thì mình cũng phải tương đối hiểu biết một tí, kiến thức cập nhật một tí.

Để áp dụng được hai điều này thì cốt lõi là mình phải tự kiên trì, bền bỉ thực hiện nghiên cứu và tìm mọi cách vượt qua khó khăn để giải quyết vấn đề.

Những kinh nghiệm đó góp phần định hướng gì về nghiên cứu cho ông trong thời gian tới?

Với các hợp chất POPs, chúng tôi đã có bề dày trong việc nghiên cứu về sự có mặt, lan truyền của chúng trong các thành phần môi trường. Hiện tại, mọi người đều biết các chất ô nhiễm đi vào cơ thể chủ yếu đều qua con đường thức ăn. Do vậy đối tượng mẫu mà chúng tôi tiếp tục hướng tới là thực phẩm, cũng như các vấn đề liên quan tới sức khỏe môi trường, bên cạnh các phương pháp phân tích hóa lý thuần túy, các kỹ thuật sinh học như ELISA, Calux, marker sinh học phân tử,… cũng sẽ được áp dụng. Đây cũng chính là những hướng đi mới của các nhóm nghiên cứu về POPs trên thế giới.

Cảm ơn ông!

Thanh Nhàn thực hiện
——
1. Kể từ tháng 11/2016, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích môi trường – an toàn thực phẩm (ĐHQGHN) ra đời trên cơ sở nhóm nghiên cứu mạnh của Giáo sư Phạm Hùng Việt. Phòng thí nghiệm trọng điểm này có hoạt động lồng ghép với Trung tâm Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững.

“Những hiểu biết rất rộng về POPs của Trung tâm của GS. TS Phạm Hùng Việt đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong công tác quản lý như trong thực hiện Dự án quản lý chất PCB tại Việt Nam. Điều chúng tôi ấn tượng là các nhà khoa học của Trung tâm không chỉ đưa ra những kết quả phân tích mẫu chính xác và được đối tác nước ngoài công nhận mà còn hoàn thành công việc đúng thời hạn trong hợp đồng. Với chúng tôi điều này vô cùng quý báu bởi dự án này có nhiều bên tham gia, nếu bên nào không hoàn thành đúng mốc quy định sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung. Bên cạnh đó, các thành viên của Trung tâm còn hết sức cởi mở và sẵn sàng trao đổi với chúng tôi về chuyên môn mỗi khi gặp tình huống khó, thậm chí còn hướng dẫn chúng tôi về cả vấn đề ngoài hợp đồng.”
(Bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban KHCN&MT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam)

 

Tác giả