Những vấn đề khí hậu được quan tâm nhiều nhất trong năm 2021

Dưới đây là 5 vấn đề khí hậu được quan tâm nhiều nhất trong năm qua theo lựa chọn của tạp chí Scientific American.

Nhiệt độ tăng, hạn hán, lũ lụt
Biến đổi khí hậu thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới trong năm nay. Cháy rừng bùng lên khắp Siberia, Hy Lạp, Ấn Độ và các khu vực khác. California, nơi thường xuyên xảy ra cháy lớn trong những năm gần đây, lại chứng kiến ​​những trận hỏa hoạn kinh hoàng. Đám cháy Dixie, vụ cháy lớn thứ hai trong lịch sử của bang này, đã thiêu rụi gần một triệu hecta. Ngoài ra, Dixie và Caldor ở California là những đám cháy đầu tiên trên đỉnh của dãy núi Sierra Nevada, một khu vực cảnh quan nổi tiếng của bang.
Cháy rừng trên khắp miền Tây nước Mỹ bắt nguồn từ nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán, cả hai hiện tượng thời tiết cực đoan này đều trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Một đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng đến Tây Bắc Thái Bình Dương và tây nam Canada vào tháng 6, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Vào ngày nóng nhất, nhiệt độ ở Seattle đạt 42 độ C, trong khi khu vực này vốn mát mẻ và ẩm ướt; nhiệt độ ở Portland đạt đến mức kinh hoàng 46 độ C. Một nghiên cứu cho thấy đợt nắng nóng như vậy “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu. Đợt nắng nóng này làm chết hàng trăm người và hàng tỉ sinh vật biển.
Vài tháng sau, những trận mưa xối xả đã gây ra lũ lụt trong cùng khu vực, khiến hàng nghìn cư dân phải di dời. Các quan chức Canada gọi trận mưa như trút nước đổ xuống British Columbia – lên đến hơn 15cm trong một ngày – là sự kiện “có một trong 500 năm”. Lũ lụt do mưa cũng quét qua các thung lũng sông ở Đức, Bỉ và Đan Mạch, phá hủy các tòa nhà và giết chết hơn 200 người. Một phân tích cho thấy lũ lụt như vậy ở châu u có khả năng xảy ra cao gấp 9 lần trong điều kiện khí hậu ấm hơn.
Năm 2021 cũng chứng kiến một mùa bão nghiêm trọng khác ở Mỹ – ngay sau cơn bão kỷ lục năm 2020 – gây lũ lụt ở nhiều khu vực. Bão Ida cấp 4 đã đổ bộ vào bờ biển Louisiana vào tháng 8 (đúng ngày kỷ niệm cơn bão Katrina năm 2005), tàn phá toàn tiểu bang, đặc biệt là ở vị trí của các cộng đồng thu nhập thấp. Mưa từ của Ida tiếp tục gây ra lũ lụt chết người ở các khu vực phía Đông Bắc, bao gồm cả TP New York.
Khoa học khẳng định con người gây biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan
Những sự kiện thời tiết cực đoan như trên đang trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn do sự nóng lên toàn cầu, theo Báo cáo Đánh giá lần thứ Sáu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), công bố vào tháng Tám.
Được tổng hợp bởi hơn 200 nhà khoa học, báo cáo khẳng định chắc chắn nguyên nhân đang thúc đẩy biến đổi khí hậu: “Rõ ràng là ảnh hưởng của con người đã làm ấm bầu khí quyển, đại dương và đất liền.”
Các tác giả cũng cảnh báo rằng các cam kết hiện tại của các quốc gia trong việc giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa không đủ để đạt được mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 2 độ C (3,6 độ F) so với mức tiền công nghiệp, theo thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.
Người dân toàn cầu lo ngại về khí hậu
Một cuộc khảo sát với hơn 10.000 người từ 16 đến 25 tuổi ở 10 quốc gia công bố vào tháng 9 trên Lancet Planetary Health cho thấy 60% số người được hỏi “rất” hoặc “cực kỳ lo lắng” về biến đổi khí hậu; và 45% cho biết cảm giác buồn bã, tức giận và lo lắng liên quan đến biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ. Thuật ngữ “lo âu sinh thái” (eco-anxiety), định danh cảm giác lo lắng và buồn bã nói trên, thậm chí còn được thêm vào Từ điển tiếng Anh Oxford năm nay.
Nước Mỹ chuyển hướng
Năm nay, quan điểm của Mỹ về biến đổi khí hậu đã hoàn toàn đảo ngược so với năm 2020, sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống vào tháng Giêng. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, chính quyền Biden đã nộp các thủ tục giấy tờ cần thiết để đưa Mỹ gia nhập lại thỏa thuận khí hậu Paris kể từ ngày 19/2. Ông cũng chỉ đạo các cơ quan liên bang tính đến biến đổi khí hậu khi đánh giá các dự án cơ sở hạ tầng; và chấm dứt tài trợ của liên bang cho than và các dự án phát thải nhiều carbon khác ở nước ngoài.
Sau đó, ông tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế vào Ngày Trái đất (22/4) và đưa ra cam kết Mỹ sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030 và giảm phát thải methane, một khí gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh.
Chính quyền Biden cũng bắt đầu sửa đổi các quy tắc và quy định liên bang để thực sự đáp ứng các mục tiêu đã đặt ra, tái lập lại các cơ quan liên quan về khí hậu đã bị vô hiệu hóa dưới thời của tổng thống Donald Trump. Chi phí xã hội của carbon – tính toán thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra khi đánh giá các chương trình và dự án – đã được nâng lên 51 USD/ tấn, tăng từ mức 1 USD/ tấn dưới thời chính quyền Trump. Và chỉ trong tháng 12, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đã ban hành các tiêu chuẩn khí thải xe cộ nghiêm ngặt hơn – đây là một bước đi quan trọng bởi vì giao thông vận tải là ngành đóng góp lớn nhất vào lượng khí thải nhà kính của Mỹ.
Nhưng một số hành động của chính quyền Biden đã bị chỉ trích – đáng chú ý là việc tiếp tục cho thuê đất để khoan dầu khí.
Nhiều nghi ngờ về COP26
Nhiều dấu hỏi đặt ra sau khi Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra ở Glasgow từ ngày 31/10, sau một năm trì hoãn vì đại dịch COVID-19. Mục đích của COP26 là để các nước tăng cường cam kết giảm phát thải theo thỏa thuận khí hậu Paris. Một số nước đã làm như vậy, nhưng những cam kết mới cũng không được như các nhà hoạt động môi trường kỳ vọng – và cũng không đủ để đạt mục tiêu 2 độ C, theo các nhà khoa học khí hậu. Một phân tích được tiến hành sau COP26 cho thấy với các cam kết hiện tại, nhiệt độ trái đất có thể ấm lên 3 độ Cvào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp, chưa tính đến tình hình triển khai thực tế của nhiều cam kết.
Các quốc gia đã đồng ý sẽ tiếp tục nâng các cam kết giảm phát thải vào cuộc họp COP 27 được tổ chức vào ngay năm tới tại Ai Cập, thay vì đợi đến năm 2025.
Ngô Thành t/h

Tác giả