60% lượng nước ngầm ở Nam Á bị ô nhiễm

Nghiên cứu mới trên Nature Geoscience đã cho thấy hơn một nửa lượng nước ngầm ở khu vực nam Á bị nhiễm mặn hoặc asen.

Sử dụng nước ở Ấn Độ. Nguồn ảnh: www.revealnews.org

Hơn một nửa lượng nước ngầm ở khu vực lưu vực sông Ấn – Hằng, nơi cung cấp nước ngọt cho hơn 750 triệu người ở các nước Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh bị ô nhiễm tới mức không nên dùng để uống hoặc để tưới tiêu trong nông nghiệp, nghiên cứu này khuyến cáo.

“Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn nước bị nhiễm mặn và asen”, nhóm tác giả cho biết. Ở độ sâu lên tới khoảng 200m, có tới 23% tổng lượng nước ngầm quá mặn, và khoảng 37% lượng nước ngầm nhiễm asen với nồng độ độc hại vượt mức cho phép.

Tình trạng nhiễm mặn và asen ở lưu vực sông Ấn – Hằng có nguyên nhân do sự tác động từ con người và tự nhiên, trong đó bao gồm cả hậu quả từ các hoạt động tưới tiêu trong nông nghiệp vốn được quản lý kém. Asen vốn sẵn có trong tự nhiên, nhưng nay mức độ ô nhiễm hóa chất này ngày càng tăng cao do quá trình sử dụng phân bón trong nông nghiệp và khai thác mỏ cho sản xuất công nghiệp.

Báo cáo trên cũng cho thấy tình trạng nhiễm độc do asen trong nước uống đang là vấn đề rất đáng lo ngại ở khu vực các nước Nam Á này.

Ước tính, lưu vực sông Ấn – Hằng đóng góp khoảng một phần tư tổng số lượng nước ngầm trên toàn thế giới – nước ngọt được lưu trữ ở các khe, túi nước ngầm, trong lòng đất. Nguồn tích tụ cho nước ngầm chủ yếu lấy từ nước mặt trên các dòng sông và lượng mưa hàng năm. Khoảng mười lăm tới hai mươi triệu giếng lấy nước ngầm từ lưu vực sông này mỗi năm cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Nghiên cứu mới được đưa ra dựa trên nguồn báo cáo từ nhiều khu vực về mực nước và chất lượng nguồn nước ngầm từ năm 2000 tới 2012 cho thấy rằng mực nước chiếm khoảng 70% của tầng chứa nước (aquifer). Nhưng con số này thậm chí có thể giảm xuống chỉ còn 30%, đặt biệt là ở các khu vực tập trung dân cư đông đúc.

Bảo Như lược dịch theo The Guardian.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)