Bước khởi đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Việt Nam

Từ tham gia đóng ống, đóng gói cho Sputnik V, Vabiotech có thể sẽ trở thành trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ để gia công, sản xuất một vaccine COVID-19 cho khu vực và thế giới, mặc dù, đó sẽ không phải là một chặng đường dễ dàng.


Sputnik V sản xuất tại một nhà máy gần St Petersburg, Nga. Hiện nay Sputnik V có 5 nhà máy sản xuất ở Nga nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Olga Maltseva/AFP via Getty Images.

Vào tháng 3/2021, Việt Nam đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga sau khi nước này tặng Việt Nam 1.000 liều nhân chuyến làm việc của Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev. Đây là vaccine Covid-19 thứ hai được cấp phép khẩn cấp ở Việt Nam sau vaccine Oxford/Astrazeneca. Kể từ đó, Sputnik V là một trong số những vaccine mà Việt Nam nỗ lực đàm phán để mua nhằm phục vụ mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Trong thời điểm vaccine COVID-19 khan hiếm, Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine có thể để đạt miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt. Trong đó, Sputnik V cũng là một loại vaccine đáng lưu tâm, nhất là khi nó đã được tiêm trên cả chục triệu người và kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của Sputnik V đăng trên tạp chí Lancet cho thấy hiệu quả bảo vệ hơn 90%.   

Rất may là đến đầu tháng sáu, qua trao đổi với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDFI) – nơi “rót vốn” nghiên cứu và sản xuất Sputnik V, họ đã đồng ý bán cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine này. Đến đầu tháng bảy, Chính phủ Việt Nam còn giới thiệu để tập đoàn bất động sản T&T tự đàm phán mua thêm 40 triệu liều.

20 triệu liều chính phủ đặt bao giờ sẽ về tới Việt Nam? Liệu T&T đàm phán có thành công? Và về theo bao nhiêu đợt? – là những câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn. Tính đến đầu tháng bảy năm nay, đã có 67 quốc gia phê duyệt khẩn cấp vaccine Sputnik V. Nga đã hứa bán cho những nước này khoảng gần 900 triệu liều, nhưng số lượng vaccine gửi đi không đáng kể. Guatemala đã trả trước Nga 80 triệu USD để mua 8 triệu liều, nhưng tính đến cuối tháng sáu vừa qua, nước này mới chỉ nhận được 150.000 liều và đang yêu cầu phía Nga trả lại tiền1. Ngoài Guatemala, Argentina, Mexico, Philippines cũng than phiền về tình trạng vaccine Sputnik V chậm trễ tương tự. Nhu cầu vaccine trong nước của Nga cũng bất ngờ “đổi chiều”, sự e ngại vaccine của người dân ban đầu giờ đã nhường chỗ cho tình trạng cung không đáp ứng nổi cầu. Do sự nổi lên của biến chủng Delta, số người mắc và các ca tử vong vì COVID-19 tăng vọt ở nước này, người dân phải “chạy vội” đi tiêm.

 

Giải quyết một điểm nghẽn của sản xuất vaccine Sputnik V

 

Hãy đừng vội bi quan. Việt Nam cũng tham gia sản xuất vaccine Sputnik V, cụ thể là ở công đoạn gia công đóng ống, đóng gói. Anh Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech, công ty chịu trách nhiệm khâu này ở Việt Nam, cho biết đó là cơ sở để “tăng phía chủ động của mình trong việc đàm phán với đối tác.”, giữ lại số liều sản xuất được tối đa trong nước.

Ai đó sẽ nghi ngờ, cho rằng Việt Nam làm gì có nhiều tự tin đến vậy: gia công đóng ống, đóng gói không phải là công đoạn đòi hỏi công nghệ gì “ghê gớm”, và quyền quyết định phân bố vaccine sản xuất  tại Việt Nam đến nước nào hoàn toàn nằm ở phía Nga. Điều đó có lẽ đúng trong điều kiện bình thường, nhưng đặt trong bối cảnh đại dịch, Vabiotech thực sự đã giải quyết một điểm nghẽn trong sản xuất vaccine, thậm chí là một điểm nghẽn quan trọng đối với riêng vaccine của Nga.

Khi nguyên liệu được chuyển về Việt Nam, vaccine Sputnik V chỉ là một công thức bao gồm các hoạt chất (Active pharmaceutical ingredient – API) được đóng gói trong các túi silicon lớn vài lít. Chỉ sau bước đóng ống, đóng gói, các API mới được bơm vào các lọ thủy tinh, đóng nắp, dán nhãn theo các yêu cầu của nhà sản xuất, trở thành vaccine hoàn chỉnh. Riêng với vaccine của Sputnik V, thành phẩm sẽ được bảo quản ở nhiệt độ đông băng -200C và trải qua một số bước kiểm định để đánh giá chất lượng sơ bộ. Nếu đạt, lô vaccine sẽ được chuyển vào kho, chờ được chuyển đi phân phối và sử dụng.

Khi cả thế giới đang trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine và trong chiến dịch tiêm chủng thần tốc, nhu cầu vaccine tăng vọt, các chính phủ đòi hỏi các công ty làm vaccine phải tăng năng suất càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc mở rộng và nâng cấp nhà xưởng không thể triển khai trong một thời gian ngắn, bao gồm cả thệ thống đóng ống đóng gói. Với Nga, họ còn khó tiếp cận nguồn nguyên liệu như lọ thủy tinh, nút với số lượng lớn và ổn định do chịu một số cấm vận. Đóng ống, đóng gói, quy trình cuối cùng của sản xuất vaccine, còn gắn liền với việc bảo quản và vận chuyển phức tạp phía sau. Trong khi điều kiện bảo quản và vận chuyển API đơn giản thì vaccine thành phẩm lại đòi hỏi quy trình ngặt nghèo hơn do nó chính là sản phẩm cuối cùng tới tay người sử dụng.

Thời điểm này, bất kì các nhà sản xuất vaccine nào cũng kì vọng có thể tìm một đối tác đủ điều kiện để gia công một hoặc toàn bộ khâu sản xuất để gánh đỡ các đơn hàng đang liên tục bị trễ hẹn. Hãng dược Sanofi cũng phải giúp hai kình địch của mình là Moderna và Pfizer trong công đoạn đóng ống và đóng gói tại châu Âu. “Họ [nhà sản xuất vaccine] có khách hàng ở khu vực nào thì nên đặt một nhà máy đóng ống đóng gói ở đó là chủ động nhất” – Anh Đạt cho biết. Vabiotech trong trường hợp này có thể giúp Sputnik V trong việc phân phối vaccine ở Đông Nam Á.

Trong một báo cáo của WHO về các nhà sản xuất vaccine tại Việt Nam vào năm 2016, Vabiotech được nhận định là nhà sản xuất và cung cấp vaccine lớn nhất trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam. Họ sản xuất bốn loại vaccine đạt tiêu chuẩn GMP bao gồm vaccine viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản và vaccine tả uống với tổng công suất khoảng 40 triệu liều/năm. Tuy nhiên, các vaccine này đều được bảo quản ở nhiệt độ 2-80C. Để chuẩn bị cho sự hợp tác với phía Nga, Vabiotech đã bổ sung máy móc bảo quản ở nhiệt độ -200C. (Khi ở nhiệt độ này, Sputnik V có thể bảo quản trong thời hạn sáu tháng, khi triển khai tiêm chủng trên diện rộng ở nhiệt độ 2-80C thì “tuổi thọ” của vaccine sẽ giảm xuống còn hai tháng). Vabiotech đặt kế hoạch sẽ đóng ống đóng gói với công suất 5 triệu liều/tháng (tương đương với 1 triệu lọ/tháng). Trong tương lai, họ đang tính tới việc tăng lên gần gấp đôi con số này (100 triệu liều/năm).


Vabiotech nhận ba lô vaccine Sputnik V để gia công đóng ống, đóng gói cuối tháng 6 vừa qua. 

Cuối tháng sáu vừa qua, Vabiotech đã nhận được lô bán thành phẩm đầu tiên. Sản phẩm đóng ống mẫu đã được gửi lại phía Nga để đánh giá chất lượng. Sớm nhất là đến cuối tháng bảy phía Nga sẽ phản hồi liệu Vabiotech có đáp ứng đủ yêu cầu tham gia hệ thống đóng ống đóng gói của mình hay không. Nếu được công nhận, Vabiotech mới chính thức trở thành một trong những địa chỉ đóng, ống đóng gói của Sputnik V trên thế giới.

 

Chặng đường phía trước

 

Đây là cơ hội để Vabiotech sẽ đặt một chân vào con đường nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine cho thế giới. Trong tương lai, Vabiotech kì vọng có thể được nhận chuyển giao toàn phần, nghĩa là sản xuất Sputnik V từ những hoạt chất ban đầu.

Vaccine Sputnik V được làm theo công nghệ vector virus. Công nghệ này cấy gene của kháng nguyên vào một virus vô hại và tiêm virus được chỉnh sửa gene này vào cơ thể người. Vector virus có thể là công nghệ chuyển giao nhanh nhất cho Việt Nam hiện nay. Lí do là bởi công đoạn sản xuất chính của công nghệ này dựa trên việc nhân – nuôi virus – điều đa số các nhà sản xuất vaccine hiện nay tại Việt Nam vẫn làm khi sản xuất các vaccine bất hoạt và sống giảm độc lực. Chính vì vậy, các nhà máy hiện tại sản xuất vaccine hiện tại vẫn có thể tận dụng được phần lớn quy trình và điều kiện sản xuất sẵn có. Bản thân Vabiotech cũng đang nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19, đã kết thúc giai đoạn tiền lâm sàng dựa trên công nghệ vector virus (nhưng virus vector là baculo virus, một loại virus gây bệnh trên côn trùng). Một cơ sở sản xuất vaccine khác của Việt Nam là IVAC (Nha Trang) cũng sử dụng công nghệ này. Họ chỉ mất hơn ba tháng để cho ra đời vaccine mới đưa vào thử nghiệm lâm sàng, dựa trên công nghệ nuôi virus cúm trên trứng gà của họ (virus vector của họ là virus gây bệnh gà rù Newcastle).

Hiện nay, Sputnik V tuyên bố họ sẽ có 15 cơ sở sản xuất (bao gồm cả đóng ống, đóng gói) trên thế giới để sản xuất 1.4 tỉ liều/năm. Trong đó, Quỹ đầu tư phát triển Nga mới ký hợp đồng với tập đoàn dược phẩm Huons Global, Hàn Quốc vào tháng năm vừa qua và với Viện Huyết thanh Ấn Độ trong tháng bảy này để sản xuất vaccine này từ khâu đầu tiên. Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng là nơi sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca. Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ sản xuất giúp phía Nga lên đến một tỉ liều/năm còn phía Ấn Độ là 300 triệu liều/năm.

Nhưng không có nhiều nước có thể nhận chuyển giao công nghệ toàn phần gần như ngay lập tức như Hàn Quốc và Ấn Độ. Hai nước này là một trong số ít quốc gia cung cấp các hoạt chất (API) vaccine cho toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ và các nước Châu Âu hàng chục năm nay. Chính vì vậy, ngoài kinh nghiệm, chuyên môn và trang thiết bị tương đối cập nhật, họ còn có khả năng cung ứng sản lượng vaccine lớn trong đại dịch. “Thời điểm này, tất cả nhà sản xuất họ cần số lượng lớn, họ không ‘chơi’ với các cơ sở nhỏ lẻ. Họ có rất nhiều bạn hàng, cần hàng. Họ phải thăm dò nhà sản xuất khác xem cơ sở vật chất có đáp ứng tối thiểu năng suất họ cần hay không” – Anh Đạt nói. Quan trọng hơn, do đã có nhiều năm gia công, những nước này dễ lấy được niềm tin của đối tác về mặt đáp ứng các yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng. Một nhà sản xuất không phải lúc nào cũng hào hứng chia sẻ những bí mật công nghệ, kỹ thuật, chuyên môn của mình với những nhà sản xuất khác. Việc Vabiotech đóng ống, đóng gói cho Sputnik V là trường hợp gia công vaccine đầu tiên của Việt Nam cho nước ngoài.

Cho đến đợt dịch COVID-19 lần này, Chính phủ Việt Nam mới bắt đầu thúc đẩy việc tìm kiếm đối tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục yêu cầu Bộ Y tế phải tích cực đẩy mạnh việc này hơn nữa. Quả thật, sản xuất vaccine thông qua chuyển giao công nghệ sẽ ngắn hơn là nghiên cứu và phát triển từ đầu, nhưng không có nghĩa là không cần thời gian và không cần đầu tư rủi ro. Nhà nước sẽ không chỉ cần kết nối mà cũng cần giảm bớt gánh nặng đầu tư cho doanh nghiệp, bởi vaccine có lẽ là một trong những dược phẩm ít có lãi nhất khi mỗi người chỉ dùng một vài liều trong cả cuộc đời.

Có người nói rằng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ một cơ sở sản xuất này sang cơ sở khác cũng giống như nhân rộng một mô hình nhà hàng Michellin ba sao. Nghĩa là rất khó. Cùng một loại nguyên liệu, cùng một công thức nhưng kết quả lại không được như ý. Nắm được những kĩ thuật, bí quyết, hiểu biết của nhà sản xuất khác cần thời gian và có cả những thất bại. Chẳng hạn gần đây, một nhà sản xuất vaccine Johnson & Johnson tại châu Âu (cũng dựa trên công nghệ virus vector và cũng sử dụng vector là virus adeno, gần tương tự như Sputnik V) không tài nào tăng được sản lượng virus như ở Mỹ, dù cùng một điều kiện nuôi cấy2.

Đó còn chưa kể, để tiếp nhận công nghệ từ phía đối tác, các cơ sở sản xuất vaccine cũng sẽ cần nâng cấp, bổ sung máy móc, dây chuyền thiết bị. Cần nhớ rằng trước khi nhận lời gia công cho Sputnik V, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã sản xuất vaccine AstraZeneca, và để sản xuất được AstraZeneca, họ đã chuẩn bị cơ sở vật chất từ khi vaccine này vẫn còn đang ở bước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I3.  Vậy nên để tiếp nhận chuyển giao toàn phần, “năng lực là một phần, nhưng phần quan trọng hơn và khó hơn ở thời điểm này là thiết bị máy móc và nhà xưởng. Có đặt mua thì cũng phải ít nhất sáu tháng mới về đến nơi”. – anh Đạt nói.

Nhưng dù thế nào, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 vẫn là điều đáng để theo đuổi, ít nhất là để Việt Nam chủ động được vaccine trong nhiều năm tới và sau đó là tham gia cùng với thế giới đối phó với những dịch bệnh mới sẽ nổi lên trong tương lai.□   

1 https://fortune.com/2021/06/30/russias-sputnik-v-vaccine-delivery-production-guatemala-philippines-mexico-argentina-putin/

2https://www.chemistryworld.com/news/why-manufacturing-covid-vaccines-at-scale-is-hard/4013429.article

3https://www.bloomberg.com/features/2020-covid-vaccine-serum-india/

     

Tác giả