Các quốc gia mở đều có nền khoa học mạnh

Điều gì làm nên sức mạnh khoa học của một quốc gia? Caroline S. Wagner và Koen Jonkers đã tìm thấy mối tương quan rõ ràng giữa tầm ảnh hưởng khoa học của một quốc gia và các mối liên kết mà nó tạo ra với các nhà nghiên cứu quốc tế.


Anh là một trong số những quốc gia có tính mở cao và có nhiều nghiên cứu có ảnh hưởng cao. Nguồn: Weizmann UK.

Signe Ratso, phó tổng giám đốc Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Hội đồng châu Âu còn đi xa hơn khi trả lời Science|Business trong hội nghị thường niên vào ngày 4/6/2018, ông gọi hợp tác quốc tế trong nghiên cứu là “một công cụ của quyền lực mềm”, ví dụ việc châu Âu thiết lập chương trình nghiên cứu châu Âu Horizon cũng là cách ủng hộ chính sách thương mại và phát triển của châu Âu.

Tăng cường đầu tư cho R&D có phải là tất cả?

Các dự án quốc tế chiếm ít nhất 20% kinh phí đầu tư cho khoa học của một quốc gia, ở một số quốc gia, con số này lên tới 50%. Số lượng các bài báo có đồng tác giả là những nhà nghiên cứu quốc tế tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo tính toán của hai nhà nghiên cứu Caroline S. Wagner và Koen Jonkers, trong vòng 20 năm, số lượng này đã tăng gấp đôi. Ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều quốc gia đang tham gia thiết lập các mối quan hệ quốc tế. Bằng chứng là các công trình nghiên cứu có thêm nhiều địa chỉ của các tác giả thuộc ít nhất hai quốc gia. Với những quốc gia hàng đầu thế giới, phần các công trình “chỉ dựa vào nội lực” đang suy giảm.

Vậy điều này đã đủ căn cứ chứng minh tác động của hợp tác quốc tế với nghiên cứu khoa học? Để làm rõ hơn vấn đề này, Caroline S. Wagner và Koen Jonkers đã phân tích dữ liệu về công bố và trích dẫn cũng như mức đầu tư cho khoa học của 36 quốc gia.

Vào năm 2016, họ đã hợp tác với Jeroen Baas, nhà khoa học phụ trách về dữ liệu của Elsevier, nhà xuất bản điều hành cơ sở dữ liệu trích dẫn Scopus, để kiểm tra gần 2,5 triệu công trình quốc tế đã được xuất bản vào năm 2013 trên mọi lĩnh vực và có giá trị trích dẫn trong vòng ba năm. Họ phân tích dữ liệu này dựa trên số lượng công bố quốc tế và chỉ số trích dẫn có trọng số riêng theo  từng ngành (field-weighted citation index) – tỷ lệ giữa các trích dẫn trên thực tế từ các công bố quốc tế và số lượng trích dẫn trung bình từ toàn bộ công trình quốc tế tương tự khác – được phân bổ cho các quốc gia dựa trên vị trí của tác giả trong công trình (vì vậy trong trường hợp 2/3 tác giả trên một công bố thuộc Anh hoặc 1/3 thuộc Singapore thì tỷ lệ này được áp dụng để xác định sự đóng góp của hai quốc gia với bài báo).

Ngoài yếu tố hợp tác quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng tính cơ động của các nhà khoa học cũng là yếu tố ảnh hưởng. Ví dụ một nhóm tác giả trên Nature đã phân tích số liệu từ 14 triệu bài báo của gần 16 triệu nhà khoa học xuất bản từ năm 2008 đến năm 2015 và nhận thấy, dù làm việc ở vùng đất hay quốc gia nào thì các nhà khoa học có nhiều mối quan hệ quốc tế đều có xu hướng được trích dẫn nhiều hơn so với đồng nghiệp không cơ động của họ. Vì thế, Caroline S. Wagner và Koen Jonkers đã xem xét cả những nhà nghiên cứu mới đến, các nhà nghiên cứu di cư và những người trở về quê hương trong tài liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Các yếu tố này cũng chứng tỏ giữ một vị trí quan trọng trong mối quan hệ với độ mở trong khoa học của một quốc gia.

Việc phân tích dữ liệu này đem lại một số kết quả thú vị: Nếu xét về số lượng các bài báo thì Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế nhưng nếu xét về số lượng “những bài báo quốc tế” – bài báo có tác giả đa quốc gia, thì Mỹ vẫn dẫn đầu, tiếp theo là Anh, thứ ba mới là Trung Quốc, và tiếp sau là những quốc gia khác như Đức, Pháp và Canada. Khi xét đến tỷ lệ phần trăm đóng góp của các quốc gia trong những bài báo có tác giả thuộc nhiều quốc gia thì Thụy Sĩ là nơi có nhiều kết nối khoa học với nhiều quốc gia nhất với tỷ lệ 42%, tiếp theo là Bỉ 38%, Singapore 37%, Áo 36% và Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cùng 34%. Nếu xét đến tác động của các bài báo “đa quốc gia” thì Singapore vượt qua cả Mỹ, sau hai quốc gia này lần lượt là Thụy Điển, Bỉ, Thụy Sĩ và Hà Lan (Trước đó, trong một công bố dựa trên dữ liệu xuất bản trong vòng 20 năm từ 1990 đến 2011 trên PLOS năm 2015, Caroline S. Wagner và đồng nghiệp cũng phát hiện ra xu hướng: các bài báo “đa quốc gia” được trích dẫn nhiều hơn các bài báo có tác giả  từ một quốc gia).

Khi đánh giá mối tương quan giữa việc đầu tư cho R&D của chính phủ (theo dữ liệu của OECD và Eurostat – văn phòng thống kê của EU) và độ mở của nền khoa học của các quốc gia nhỏ, Caroline S. Wagner và Koen Jonkers đã sử dụng các phân tích về hệ số tương quan Pearson (Pearson correlation) để so sánh định lượng trên diện rộng, như so sánh công bố quốc tế của Mỹ với Singapore. Họ nhận thấy ngân sách chi cho R&D có mối quan hệ chặt chẽ với số lượng công bố: kinh phí đầu tư càng lớn thì số bài báo càng nhiều (tính cả bài báo một tác giả, đồng tác giả và có tác giả quốc tế), tuy nhiên mối liên quan giữa đầu tư ngân sách và ảnh hưởng của bài báo lại ở mức thấp. Điều đó cho thấy, việc đầu tư cho R&D của chính phủ chưa chắc đã đem đến những bài báo được nhiều trích dẫn hơn.

Mối tương quan giữa tính mở và trích dẫn của các công trình hết sức chặt chẽ, điều này không phụ thuộc kinh phí đầu tư cho R&D hay tổng số bài báo được xuất bản. Singapore, Anh, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Đan Mạch là những quốc gia có tính mở cao và có nhiều nghiên cứu có ảnh hưởng cao. Họ dường như được “hưởng lợi” nhiều nhất từ việc có thêm nhiều nhà khoa học ngoài quốc gia tham gia nghiên cứu thông qua việc thiết lập mối hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó thì Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Czech và Hàn Quốc – trái ngược với chờ đợi bởi tỷ lệ đầu tư cho R&D tính theo GDP của Hàn Quốc cao hơn hầu hết các quốc gia khác, trong đó có cả Mỹ – lại là những quốc gia có tính mở thấp và ảnh hưởng thấp.

Trong số 33 quốc gia mà các nhà nghiên cứu khảo sát thì chỉ có 4 quốc gia tuy có điểm số cao về ảnh hưởng khoa học nhưng lại có độ mở thấp hơn nhiều quốc gia khác, như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha và Phần Lan và chỉ có hai quốc gia là Hungary và Mexico là ngược lại, độ mở cao và ảnh hưởng thấp.

Độ mở trong chính sách khoa học

Nghiên cứu của Caroline S. Wagner và Koen Jonkers cho thấy độ mở của quốc gia liên quan chặt chẽ đến ảnh hưởng khoa học. Ví dụ châu Âu là nơi có nhiều học bổng và có chính sách khuyến khích hợp tác quốc tế. Các quốc gia EU đều triển khai các biện pháp tăng cường hệ thống nghiên cứu trong nước cùng với việc thúc đẩy mối hợp tác quốc tế. Các chương trình Khung EU được thiết lập cũng vì mục tiêu đó và một trong những mục đích hiện nay trong chính sách nghiên cứu của EU là tạo điều kiện để “mở với thế giới” nhiều hơn.

Việc phân tích trích dẫn trong công trình khoa học của các quốc gia EU cho thấy họ mở rộng ảnh hưởng của mình nhiều hơn Mỹ và cùng với Mỹ, ảnh hưởng về khoa học của họ lớn hơn Trung Quốc, dẫu cho các bài báo có sức ảnh hưởng cao của cường quốc khoa học châu Á này đang tăng lên nhanh chóng. Một số quốc gia khác có chính sách khuyến khích độ mở trong nghiên cứu cũng có được sự ảnh hưởng cao, ví dụ như Singapore và Australia.

Mặc dù có một số ý kiến cho rằng bài báo được trích dẫn nhiều không đồng nghĩa với chất lượng hay tầm quan trọng nhưng nó cũng cho thấy sự ghi nhận và bắt nhịp với đời sống nghiên cứu quốc tế. Nhờ đó, những quốc gia có công trình được nhiều trích dẫn cũng thấy được sự chú ý của cộng đồng khoa học quốc tế với nghiên cứu của mình.

Vậy làm gì để các quốc gia có thể duy trì độ mở trong chính sách khoa học và khuyến khích hợp tác quốc tế? Jonathan Adams, cựu giám đốc đánh giá nghiên cứu của Thomson Reuters và cố vấn quản lý nghiên cứu của  thành phố Leeds, Anh cho rằng, các chính phủ có thể tập trung vào ba vấn đề:

Thứ nhất, trong thời đại Dữ liệu lớn được chia sẻ rộng rãi, lợi thế thuộc về ai có đủ kỹ năng để khai thác tri thức chứ không phải là ai sở hữu chúng. Và sự khan hiếm các nhà nghiên cứu có thể dẫn đến “cuộc chiến toàn cầu để tranh giành tài năng”. Vì vậy các chính phủ cần cung cấp và bảo đảm các điều kiện tốt nhất để thu hút và hỗ trợ các nhà khoa học xuất sắc, nếu không các tài năng khoa học sẽ tìm đến những nơi biết trọng dụng họ.

Thứ hai, ưu đãi của chính phủ phải đủ khả năng đưa các trường đại học gia nhập các mạng lưới hợp tác quốc tế. Ví dụ các dự án cần nhiều tổ chức tham gia có thể được công nhận trong các hệ thống đánh giá chất lượng nghiên cứu (như Khung Nghiên cứu xuất sắc của Anh-UK Research Excellence Framework). Việc hiểu thấu đáo nghiên cứu đang triển khai của các nền kinh tế mới nổi sẽ bị hạn chế nêu thiếu sự gắn kết và hợp tác thiết thực. Từ lâu, chúng ta đã biết, chỉ trông cậy vào việc hợp tác làm ra những bài báo sẽ không tạo ra hiệu quả trong chuyển giao tri thức.

Thứ ba, hợp tác cần được thực hiện giữa các nhà khoa học châu Âu, Mỹ với các đồng nghiệp ở các phòng thí nghiệm châu Á và Nam Mỹ. Các nền kinh tế già cỗi không chỉ phụ thuộc vào việc chào đón các nhà khoa học nước ngoài xuất sắc đến phòng thí nghiệm của mình nữa. Việc duy trì một lượng nhà khoa học tài năng là cần thiết nhưng chưa đủ, cần phải có nhiều chương trình trao đổi học giả. Hà Lan đã đạt được thành công là nhờ tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu của họ cơ động hơn, dù nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thấp hơn Anh và Mỹ.

 

Thanh Nhàn tổng hợp
Nguồn:
https://www.nature.com/news/open-countries-have-strong-science-1.22754#/graph2
http://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0131816#pone-0131816-t001
https://www.nature.com/articles/497557a
https://www.nature.com/news/scientists-have-most-impact-when-they-re-free-to-move-1.22730#/b2
http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20180622142453538

Lo ngại về tính mở thay đổi
Tiêu chí “Mở với thế giới”, một trong ba trụ cột của chương trình nghiên cứu châu Âu Horizon Europe trong 4 năm qua đã bị thay đổi (hai trụ cột còn lại là Khoa học mở và Đổi mới mở). Theo quy định mới, từ năm 2021, “các quốc gia thứ 3” không thuộc EU như Canada, Nhật Bản và Nam Phi sẽ phải có đóng góp để được tham gia Horizon Europe, ngược lại họ sẽ có một thỏa thuận tự do thương mại với châu Âu và một thỏa thuận theo chương trình đặc biệt (programme-specific agreement). Vì thế, với lợi thế thu được tương đương với những gì phải đóng góp, các quốc gia này sẽ giữ được sự cân bằng về kinh phí.
Khoản ngân sách dành cho những nghiên cứu giữa các quốc gia EU với các quốc gia ngoài EU đang sụt giảm khi chỉ còn 2,5% ngân sách chung trong Horizon 2020, trong khi Chương trình Khung 7 trước đây ghi là 4.3 %. Thay đổi này khiến các nhà khoa học châu Âu lo ngại sẽ làm giảm sự kết nối với các nhà khoa học tài năng ngoài EU. Hiện nay, 73% công bố quốc tế, 70% bằng phát minh, sáng chế đều thuộc về các tác giả ngoài EU.
Maryline Maillard, cố vấn KH&CN của Thụy Sĩ tại EU cho rằng nếu EU quyết định áp dụng các quy định mới thì “tiêu chí phải rõ ràng, minh bạch và công bằng” và “chỉ nên áp dụng trong các trường hợp đặc biệt.” Theo quan điểm của bà, không nên hạn chế sự tham gia của những quốc gia khác, ví dụ nhiều nước châu Phi hay châu Á mong muốn tham gia vào các chương trình nghiên cứu của EU nhưng bị hạn chế bởi nguồn lực đầu tư và vì vậy EU sẽ lỡ cơ hội kết nối với nhiều nhà khoa học tài năng. Alexander Cooke – cố vấn Khoa học, đổi mới sáng tạo và công nghiệp của Australia tại EU, quốc gia bị ảnh hưởng vì quy định mới, nhấn mạnh đến việc EU cần nhận thấy sự tham gia của họ là cần thiết cho một dự án khoa học, do đó cần phải xác định tiêu chí là “quốc gia có khả năng xuất sắc trong khoa học” hoặc “nền khoa học có nhiều ảnh hưởng”…

 

Tác giả