Chuyển giao kỹ thuật và chia sẻ tri thức cùng nông dân: Kinh nghiệm từ RDSC

Những giải pháp kỹ thuật được chính người dân trong cộng đồng lựa chọn thường là các kỹ thuật hay công nghệ phù hợp nhất với hoàn cảnh và năng lực của họ. Các kỹ thuật nếu mới lạ với phần lớn người nghèo, cần được thử nghiệm ở quy mô nhỏ để cộng đồng tự trải nghiệm, đánh giá và từ đó tự quyết định vận dụng theo năng lực của mình.

 


Hoạt động của ngành khuyến nông chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi mà ít khi đáp ứng nhu cầu tiếp cận thị trường.

Hiện nay, việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ở Việt Nam được thực hiện qua một hệ thống khuyến nông hiện đại với hệ thống tổ chức của nhà nước từ trung ương đến địa phương. Về hoạt động, ngành khuyến nông chủ yếu tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, mà ít khi đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của nông dân, nhất là người nghèo, ví dụ về tài chính, hay nước sạch, vệ sinh, đặc biệt là tiếp cận thị trường. Các khuyến nông viên thường chọn các gia đình khá giả có đủ nguồn lực đất đai, tài chính, lao động để thực hiện các mô hình do có sức ép phải đảm bảo thành công.
Bên cạnh hệ thống khuyến nông nhà nước, tuy nhiều khi không được tính vào trong hệ thống khuyến nông, rất nhiều tổ chức NGO ở Việt Nam thực hiện các chương trình phát triển cộng đồng và thường gắn liền với các chương trình cải thiện sinh kế, bảo tồn và phát triển môi trường, về bản chất cũng là các hoạt động khuyến nông. Trung tâm Dịch vụ Phát triển Nông thôn (RDSC) là một tổ chức như vậy.

Một số kết quả cụ thể

Năm 2004, khi tới xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình, một nhóm cán bộ của RDSC thấy ở một thôn có ba người có nghề nuôi ong. Họ chỉ nuôi được tới bốn năm đàn mà không thể phát triển thành quy mô lớn hơn, mặc dù quanh làng có rừng keo, bạch đàn, các loại cỏ lào và cây ngô cho phấn làm thức ăn quanh năm. Khi nói chuyện với những người nuôi ong, họ đều nuôi theo kiểu tự học, chưa biết đến những kỹ thuật làm cầu mới, tạo chúa mới, hay cho ong ăn bổ sung vào mùa đông. Đặc biệt đàn ong ở đây có những lúc bị bệnh thối ấu trùng làm chết cả đàn, nhưng không ai biết cách xử lý. Tương tự những bệnh đơn giản hơn, bệnh ỉa chảy ở ong cũng chưa ai biết cách xử trí. Trong làng, phụ nữ rất sợ ong đốt và không ai quan tâm tới nghề nuôi ong. Ở những thôn lân cận, có nhiều bản người Bru – Vân Kiều sinh sống gần rừng, có nguồn mật hoa dồi dào, nhưng bà con chỉ đi săn mật ong bằng cách đốt ong.
Phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Ong Trung ương, RDSC đã tổ chức một khóa học nâng cao kỹ năng nuôi ong cho nhóm hộ muốn nuôi ong trong các thôn ở đây theo mùa hoa và tiến trình phát triển của đàn ong. Mở đầu là những bài học làm thùng nuôi mật cải tiến, làm cầu ong, nấu sáp cho cầu ong, giải phẫu – sinh lý ong và tập tính của ong. Mỗi gia đình tham gia tập nuôi với ba thùng ong, mỗi thùng ba cầu. Trong các tháng tiếp theo, người dân cùng trao đổi về các bài học chăm sóc ong, phòng chống bệnh cho ong, phòng chống thiên địch là những con vật hại ong. Các bài học nâng cao về chống bốc bay, xử lý tình huống khi ong bốc bay, làm mũ chúa nhân tạo, chia tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa, cho ong ăn bổ sung vào mùa rét … cũng được triển khai. Nhóm nuôi ong được tặng một thùng quay mật ly tâm.

Tư tưởng khuyến nông xuất phát từ các trường đại học ở Anh và nhanh chóng lan tỏa sang Mỹ và nhiều nước khác. Hiệp hội Nông dân đầu tiên được thành lập để làm khuyến nông là ở Scotland vào năm 1728 để truyền bá kiến thức nông nghiệp qua các bài giảng và ấn phẩm.

Tư tưởng khuyến nông xuất phát từ các trường đại học ở Anh và nhanh chóng lan tỏa sang Mỹ và nhiều nước khác. Hiệp hội Nông dân đầu tiên được thành lập để làm khuyến nông là ở Scotland vào năm 1728 để truyền bá kiến thức nông nghiệp qua các bài giảng và ấn phẩm. Sau ba năm, nhóm nuôi ong đã hình thành một tổ nuôi ong cùng chia sẻ với nhau kỹ thuật con giống, thống nhất về chất lượng và giá bán ra thị trường. Đàn ong của gia đình mỗi thành viên đã tăng lên thành quy mô trại ong nhỏ và vừa từ 15 tới 30 đàn. Thu nhập từ nuôi ong với các hộ thành viên đã tương đương hoặc gấp đôi thu nhập từ chăn nuôi lợn.
Do vậy, các chi nhánh của Tổ hợp Nuôi ong được mở rộng thêm ra nhiều thôn, đặc biệt là các thôn có nhiều hộ nghèo người Bru – Vân Kiều. Nghề nuôi ong hiện tại đã trở thành một nghề ổn định đem lại thu nhập cao cho hơn 100 hộ gia đình ở xã.
Tiến trình chuyển giao kỹ thuật nuôi ong tương tự được RDSC thực hiện ở nhiều xã có điều kiện phù hợp. Các dự án đó không chỉ tạo thu nhập cho người nông dân, tạo thêm một ngành sản xuất mới, mà còn góp phần thúc đẩy xu hướng sản xuất sạch và bảo vệ môi trường do ong rất nhạy cảm với thuốc trừ sâu hóa học.
Bên cạnh các chương trình khuyến nông về nuôi ong, RDSC còn thực hiện nhiều hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia cầm, tiểu gia súc. Nổi bật nhất là chương trình đưa cây ngô vào vụ ba ở xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ năm 1996. RDSC hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sáng tạo gieo ngô trên nền đất cứng trước khi thu hoạch lúa để sau đó trồng cây con trên nền đất ruộng lúa mới gặt và làm luống cho kịp thời vụ của cây ngô. Sau khi áp dụng thành công ở ba thôn, kỹ thuật này đã được mở rộng ra toàn xã, giúp rút ngắn thời gian canh tác  và cải thiện triệt để tình trạng thiếu đói lương thực. Các hộ nông dân trong xã còn có thêm lương thực để phát triển chăn nuôi gà và lợn.
Trong các chương trình phát triển cộng đồng, RDSC chú trọng xây dựng năng lực cho nông dân và cán bộ các tổ chức đối tác. Đây là một yếu tố quyết định để kết quả của các chương trình này có thể tồn tại lâu dài khi RDSC rời khỏi địa phương. Do vậy, RDSC thường tuyển các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đã tốt nghiệp các trường đại học tập huấn kỹ thuật cho nông dân và tổ chức các thực nghiệp nông nghiệp, chăn nuôi. Các chương trình tập huấn này được thực hiện với sự hợp tác và giám sát của các trung tâm khuyến nông huyện để đảm bảo kỹ thuật được thực hiện phù hợp nhất với các quy trình đã được ngành khuyến nông địa phương khuyến cáo.
Để chia sẻ các bài học về khuyến nông, RDSC duy trì một trang mạng về phát triển nông thôn, trong đó mảng chia sẻ các bài học về kỹ thuật nông nghiệp là một nội dung chủ chốt. Những bài viết ở trang mạng có giá trị và được bạn đọc cả nước tham khảo là một cách mở rộng hiệu quả của các hoạt động chuyển giao. Ví dụ, bài viết về kỹ thuật nuôi thỏ  do chuyên gia RDSC mời về giảng tại trại nuôi thỏ làm mẫu ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ, có tới khoảng 104.000 lượt người đọc.

Vài bài học chuyển giao kỹ thuật dựa vào cộng đồng

Sau hai mươi năm, các tổ chức cộng đồng được hình thành trong các chương trình của RDSC vẫn đang phục vụ hàng chục nghìn gia đình ở các cộng đồng nghèo ở nhiều tỉnh. Các quỹ tài chính vi mô của phụ nữ ở huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn và Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) do RDSC xây dựng vẫn đang hoạt động mở rộng và cung cấp hiệu quả đồng vốn nhỏ cho người nghèo dân tộc thiểu số ở các xã. Tổ nuôi ong ở xã Trường Xuân vẫn sản xuất mật ong ở quy mô ngày càng mở rộng, sản phẩm có chất lượng cao và không khi nào khó khăn về tiêu thụ. Cán bộ ở các xã thuộc diện nghèo nhất ở những huyện mà RDSC tư vấn hỗ trợ đã có kiến thức về lập kế hoạch, theo dõi, giám sát, thậm chí là về xây dựng dự án phát triển và có thể tiếp nhận chương trình giảm nghèo của các tổ chức quốc tế khác một cách dễ dàng. Ở nhiều xã, các thú y viên có tay nghề ngày càng cao đang mở rộng phạm vi phục vụ của mình ra nhiều xã khác, thậm chí cả những huyện khác.
Có một số nguyên tắc phổ biến được rút ra từ các chương trình chuyển giao kỹ thuật (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả những kỹ thuật về quản lý, phát triển tổ chức, thực hiện theo phương pháp tiếp cận phát triển cộng đồng). Đó là việc lựa chọn những giải pháp xuất phát từ bối cảnh môi trường, kinh tế và văn hóa của mỗi cộng đồng, và trước hết là từ các câu chuyện thành công  trong cộng đồng. Những giải pháp kỹ thuật được chính người dân trong cộng đồng lựa chọn thường là các kỹ thuật hay công nghệ phù hợp nhất với hoàn cảnh và năng lực của họ. Các kỹ thuật nếu mới lạ với phần lớn người nghèo, cần được thử nghiệm ở quy mô nhỏ để cộng đồng tự trải nghiệm, đánh giá và từ đó tự quyết định vận dụng theo năng lực của mình. Trong quá trình này, cần xây dựng một hệ thống hỗ trợ người nông dân về kiến thức, kỹ năng và cung cấp các vật tư để kỹ thuật được tiếp nhận và “nội hóa” vào các hộ gia đình.
Kết quả của các chương trình hỗ trợ trên được duy trì bền vững là nhờ vào sự nuôi dưỡng, thúc đẩy nguồn năng lực của từng cá nhân và trên hết là một nỗ lực tập thể của cả cộng đồng trong khát vọng giải quyết vấn đề của mình bằng nguồn lực của chính mình. Trong quá trình này, vai trò của tổ chức phát triển cộng đồng là xúc tác, thúc đẩy cộng đồng thông qua các cá nhân, các thủ lĩnh và lãnh đạo cộng đồng nhận thức về các chủ đề họ mong muốn giải quyết, tháo gỡ những nút thắt để giải phóng năng lực của cộng đồng, kết nối cộng đồng với các nguồn lực bên ngoài về kỹ thuật, về tài chính và các chương trình của chính phủ. Điều cốt lõi của sự phát triển bền vững ở cộng đồng là xây dựng những tổ chức tự quản của nông dân, của phụ nữ và những người dân tộc ít người có đủ năng lực. Các tổ chức này không chỉ duy trì việc sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho bản thân, cho cộng đồng một cách bền vững theo quy tắc của thị trường, mà còn là một diễn đàn để người nông dân nghèo, phụ nữ liên kết với nhau, thảo luận và đối thoại với các tổ chức chính quyền để giải quyết các vấn đề của họ. 
——-
Tác giả Đặng Ngọc Quang là giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phát triển nông thôn (RDSC). RDSC là một tổ chức khoa học độc lập, thành lập từ năm 1994, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hiện các mô hình phát triển nông thôn, thúc đẩy các cộng đồng yếu thế tiếp cận với dịch vụ công một cách có hiệu quả. Nhân sự của RDSC luôn dao động khoảng 8 – 12 người tùy theo quy mô của các dự án hỗ trợ nông nghiệp mà Trung tâm triển khai.
1http://rdscvietnam.org/Desktop.aspx/News/Ky-thuat-dia-phuong-Tri-thuc-ban-dia/Ky_thuat_chan_nuoi_tho_quy_mo_ho_gia_dinh_tai_Phu_Tho/
2Nói theo tiếp cận được biết trong tài liệu phát triển là “lệch chuẩn tích cực”.

Tác giả