Đại dương mất dần khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu

Trong hội nghị ở Monaco vào ngày 25/9, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố bản tóm tắt báo cáo đặc biệt về đại dương và băng quyển với dự đoán: nếu lượng khí nhà kính không giảm, bão sẽ ngày càng mạnh hơn, nguy cơ lũ lụt tăng và thu hẹp quy mô ngành đánh bắt hải sản.

 

Các đại dương giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ nhiệt và khí CO2 từ bầu khí quyển. Tuy nhiên điều này đang thay đổi, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường trong những thập kỉ tới. Mức độ nóng lên của các đại dương đã tăng gấp đôi kể từ đầu những năm 1990, các cơn sóng nhiệt đại dương ngày càng diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn, gây biến đổi hệ sinh thái biển và góp phần tạo ra nhiều cơn bão mạnh hơn. Độ axit của đại dương sẽ tăng lên khi hấp thụ nhiều CO2, đe dọa sự sinh tồn của các rạn san hô và ngành đánh bắt hải sản.

Phó Chủ tịch IPCC Ko Barrett cho biết các đại dương “không thể đuổi kịp” lượng phát thải khí nhà kính của con người.

Mực nước biển dâng cao hơn dự đoán

Báo cáo chỉ ra mực nước biển có thể dâng thêm 1,1m vào năm 2100 nếu lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng. Con số này đã tăng 10cm so với dự đoán của IPCC trong báo cáo tổng quan về khí hậu trên toàn thế giới công bố năm 2013. Nhà địa vật lý Richard Alley ở Đại học bang Pennsylvania, cho rằng, báo cáo mới nhất về mực nước biển dâng vẫn còn “thận trọng”, bởi các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về việc khi nhiệt độ tăng có thể sẽ khiến các tảng băng sụp đổ nhanh chóng, đặc biệt ở phía tây Nam Cực. Nếu điều đó xảy ra, mực nước biển sẽ dâng nhanh hơn nữa so với dự báo mới nhất của IPCC. “Mực nước biển sẽ dâng lên ít hoặc nhiều so với dự đoán của báo cáo mới nhất, những sẽ không thể giảm nhiều”, ông Alley nói.

Nước biển dâng sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt khi có bão và thủy triều lên sẽ thường xuyên, nghiêm trọng hơn. Vào năm 2050, các đợt lũ lụt lớn thường chỉ xảy ra một lần trong cả thế kỷ như hiện nay sẽ diễn ra hàng năm ở nhiều hòn đảo và thành phố ven biển – ngay cả khi cắt giảm lượng lớn khí thải.

Nhưng báo cáo cũng nêu, con người có khả năng làm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu về dài hạn bởi mực nước biển dâng phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tiến hành cắt giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia.

Biến đổi các lục địa và hệ sinh thái biển

Báo cáo cũng nghiên cứu số phận các lục địa băng sẽ tiếp tục chìm trong những thập kỷ tới. Ở Bắc Cực, diện tích tối thiểu băng mùa hè đã giảm gần 13% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979. IPCC cho biết tốc độ thay đổi này chưa từng có trong ít nhất 1000 năm gần đây. Khoảng 20% băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có thể bất ngờ tan chảy, dẫn đến đất bị sụt lở. Đến cuối thế kỷ 21, 1/2 diện tích Bắc Cực sẽ là các hồ nước nhỏ. Các vùng núi có sông băng nhỏ, từ dãy Andes tới Indonesia, có thể mất 80% lượng băng vào năm 2100.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến nguồn nước từ những đỉnh núi cao nhất thế giới đến các vùng sâu thẳm trong lòng đại dương, và các hệ sinh thái đang phản ứng lại. Nếu không cắt giảm phát thải, tổng sinh khối các loài động vật biển có thể giảm 15% vào năm 2100, và sản lượng đánh bắt hải sản tối đa có thể giảm tới 24%. Nhà sinh thái học nghề cá Kathy Mills ở Viện Nghiên cứu Vịnh Maine (Mỹ) cho biết những thay đổi tương tự đang diễn ra ở nhiều nơi, chẳng hạn ở phía bắc Đại Tây Dương, nhiệt độ tăng khiến cá voi phải kiếm ăn ở những vùng nước lạnh hơn. Điều này khiến các loài động vật dễ mắc phải lưới bẫy tôm hùm.

Ngày 23/9, Hội đồng cấp cao về kinh tế đại dương bền vững cũng đã công bố báo cáo riêng về biến đổi khí hậu và các đại dương, xác định một loạt hành động có thể giảm phát thải carbon và hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bao gồm thúc đẩy năng lượng tái tạo và đánh bắt bền vững, hạn chế phát thải do vận tải biển và bảo vệ hệ sinh thái ven biển.

Thanh An dịch

Ngun: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02897-7

Tác giả