Đối phó với đại dịch Covid-19: Sự chuẩn bị trong 10 năm

Kinh nghiệm và những hiểu biết về các virus cúm mà Phòng thí nghiệm Cúm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương NIHE) có được từ những năm 2000 đã trở thành “vũ khí đặc biệt” để họ có thể tham gia tư vấn và góp phần giải quyết các vấn đề chuyên môn mà Việt Nam gặp phải trong đại dịch Covid-19, ngay cả khi phải đối mặt làn sóng thứ ba với biến thể mới của SARS-CoV-2 vào giáp Tết Nguyên đán.


Các nhà nghiên cứu Phòng thí nghiệm Cúm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương). Ảnh: nhandan.con.vn

Có lẽ, ở thời điểm này, rất nhiều người ngoài ngành y đều đã biết đến tập thể các nhà khoa học Phòng thí nghiệm Cúm. Hẳn ai cũng rõ những thông tin “bề nổi” như việc họ được trao giải Kovalevskaia, thực hiện các xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 hay có mặt tại các điểm nóng dịch bệnh… nhưng ít ai biết, những năng lực chuyên môn và kinh nghiệm họ áp dụng đã được tích lũy thông qua quá trình ứng phó nhiều dịch bệnh từ những năm 2000.

Vì vậy trong lễ kỷ niệm 90 năm ngành Tuyên giáo ngày 31/7/2020, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Viện phó Viện NIHE, cho rằng, sự từng bước trưởng thành của y học dự phòng Việt Nam thể hiện rõ qua các mốc dịch bệnh: “Khi có dịch SARS vào năm 2003, công việc giám sát cách ly của chúng ta vẫn còn non nớt do chưa có kinh nghiệm, các tổ chức quốc tế phải cử các chuyên gia tới hỗ trợ xây dựng hệ thống giám sát cúm quốc gia. Sáu năm sau, khi phải đối mặt với cúm A/H1N1, chuyên gia nước ngoài giúp chúng ta xây dựng chương trình ứng phó. Tuy nhiên với SARS CoV-2, toàn bộ chiến lược phòng chống và tổ chức thực hiện đều từ nỗ lực của các cán bộ của y học dự phòng Việt Nam. Các chuyên gia nước ngoài vẫn có mặt nhưng chỉ trong vai trò quan sát và tất cả những hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm của các tổ chức quốc tế cũng chỉ mang ý nghĩa phụ thêm”.

Kết quả của những tích lũy lâu dài

Lời bộc bạch của PGS. TS Trương Thị Quỳnh Mai đã tóm gọn quá trình đạt tới trình độ quốc tế của đội ngũ các nhà khoa học ở NIHE. Là một người của NIHE, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng – một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019, nhớ lại vào dịch SARS năm 2003, “ban đầu mình cũng chẳng hiểu biết gì nhiều, chỉ nghĩ là lây qua đường hô hấp thì đeo một cái khẩu trang y tế chắc là đảm bảo”, dù thời điểm đó, các chuyên gia quốc gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cảnh báo đây là một virus lây truyền qua đường hô hấp hết sức nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ phổ biến này của các nhà nghiên cứu NIHE là do “khi đó, hoàn cảnh chưa cho phép chúng tôi làm việc trong điều kiện tốt về vật chất, trang thiết bị như bây giờ. Mặt khác kiến thức của mình về các loại virus cúm cũng còn rất hạn chế”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhìn nhận lại quá trình vỡ vạc như thế. 

Suy nghĩ này chỉ thực sự thay đổi khi chỉ trong vòng một tuần, tình trạng chuyển biến lâm sàng hết sức trầm trọng, thậm chí chuyên gia quốc tế cũng tử vong. “Lúc đó, mọi nhận thức của mình đã thay đổi hẳn nhưng cũng chưa biết làm thế nào để đối phó với dịch bệnh cả, chỉ có mỗi cách là tạm thời dừng những việc tiếp xúc không cần thiết lại để cường độ tiếp xúc với những tác nhân gây bệnh có thể giảm đi”, chị nói. Giữa những lúc cam go, những người làm nghiên cứu về virus cúm đã may mắn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tận dụng cơ hội để không ngừng cập nhật những hiểu biết mới, “vì tại thời điểm đấy, chúng tôi mới lần đầu biết thế nào là trang bị phòng hộ cá nhân (PPE), khẩu trang N95, tấm che mặt (mask shield), máy thở trong phòng thí nghiệm… nhưng nhận thức về an toàn sinh học của mình lúc đấy chưa đầy đủ, sử dụng mọi trang bị phòng hộ lúc thì đơn giản quá, lúc thì thái quá”. 

“Những gì thế hệ các thầy đi trước như các giáo sư Hoàng Thủy Long, Hoàng Thủy Nguyên, Huỳnh Thị Phương Liên… truyền lại đã đem lại những kinh nghiệm quý báu cho lứa các nhà nghiên cứu thế hệ sau như chúng tôi. Nhờ có sự nối tiếp thế hệ như vậy mà chúng tôi không chỉ không quá hoang mang khi đối mặt với virus corona chủng mới mà còn giữ được niềm say mê thực sự trong công việc. Tôi cảm thấy rất vui khi thấy điều đó ở các nhà nghiên cứu lứa sau nữa, nếu không thật khó thuyết phục được mọi người bám trụ giữa sự nguy hiểm và vất vả. Trong những hình huống nguy cấp nhất thì tất cả vẫn sẵn sàng chia sẻ công việc, có mặt tại Viện đến 8 – 9 giờ tối. Đương nhiên trong dịch có những ngày bơ phờ lắm, nhìn nhau cũng chẳng muốn chào, nhưng không ai nản và ai cũng ở tâm trạng sẵn sàng hôm sau có thể lên đường vào tâm dịch”. (PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng – một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019).

Điểm quan trọng mà các nhà nghiên cứu NIHE học hỏi được là cập nhật khái niệm và thực hành về an toàn sinh học thông qua việc xây dựng, vận hành một phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 2 +, nơi làm việc với các vi sinh vật có khả năng gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người, với kinh phí do JICA tài trợ. 

Có lẽ, hiếm ở đâu người ta lại thấm thía câu nói “học qua hành” như NIHE. Những kiến thức về virus cúm được bổ sung theo từng đợt ứng phó với nhiều loại cúm khác, ví dụ vào năm 2005, khi Việt Nam xuất hiện cúm A/H1N1 – một chủng virus cúm A là nguyên nhân của hầu hết bệnh cúm trên người và có đặc điểm là lây lan nhanh trên diện rộng. Theo nhận xét của PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng thì mức độ hiểu biết và khả năng ứng phó đã được nâng lên: “Lúc đấy thì mình đã hiểu biết là tác nhân gây bệnh lây qua đường hô hấp, cần được bảo hộ đầy đủ và đúng mức bởi mỗi loại cúm A hoặc cúm B sẽ có những quy định về trang phục riêng”. Do đó, khi xuất hiện ca cúm gia cầm H5N1 đầu tiên lây nhiễm trên người vào cuối năm 2005 là các nhà nghiên cứu đã thành thạo với việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân thế hệ mới và bắt đầu tự tin cho những nghiên cứu về cúm A. 


PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng – một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019. Ảnh: Thanh Nhàn

Việc tích lũy hiểu biết qua thời gian khiến những người như chị có thể đưa ra nhận xét khái quát về virus cúm A và cúm B – những loài vi sinh vật nhỏ bé không thể quan sát bằng mắt thường nhưng là tác nhân gây bệnh ở quy mô thế giới, “người ta vẫn sợ nhất là cúm gia cầm (cúm A) vì tỉ lệ tử vong của nó cao, dù lây lan không nhanh và hiện mới được đánh giá là chỉ lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người, chưa lây lan từ người sang người. Còn cúm mùa (cúm B) lây lan rất nhanh giữa người với người nhưng bệnh cảnh lâm sàng trầm trọng ghi nhận rất thấp. Thực ra cúm A hay gây bệnh cảnh trầm trọng hơn và việc tổ hợp giữa 16 kháng nguyên H (hemagglutinin) và 15 kháng nguyên N (neuraminidase) thể có tạo ra ít nhất gần 200 tổ hợp virus cúm khác nhau, vô cùng phức tạp”.

Tâm thế chủ động của nhà nghiên cứu

Có một điểm trùng hợp giữa những người đi tiên phong trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19 như các nhà nghiên cứu ở Học viện Quân y, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) hay NIHE…  là sự chủ động trong tìm hiểu và nghiên cứu những tác nhân gây bệnh, ngay cả khi chúng chưa đến Việt Nam. Việc hoàn thành nhanh chóng bộ kit xét nghiệm SARS CoV-2 bằng kỹ thuật “chuẩn vàng” PCR-RT của các nhà nghiên cứu Học viện Quân y một phần nhờ việc chủ động đề xuất với Bộ KH&CN đề tài phát triển bộ kit phát hiện nhanh virus Ebola vài năm trước cũng như chủ động cập nhật tình hình quốc tế như một phản xạ tự nhiên khi dịch Covid-19 mới nhen nhóm xuất hiện ở Trung Quốc. Với các nhà nghiên cứu ở NIHE cũng vậy, họ chú ý ngay tới những ca đầu tiên ở Trung Quốc giữa những thông tin dịch bệnh khác. “Đương nhiên mình lúc nào cũng phải cập nhật thông tin của WHO, ngay từ khi mới xuất hiện virus mới ở Trung Quốc trong những ngày đầu tháng 12/2019 và khi Việt Nam chưa có ca bệnh thì ở đây mình đã phải chuẩn bị hết rồi”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói.

Sự chủ động của chị và đồng nghiệp chính là việc chuẩn bị sẵn dòng tế bào nuôi cấy và một tâm thế sẵn sàng thực hiện khi có mẫu bệnh phẩm gửi đến. Việc cập nhật thông tin của WHO và kinh nghiệm tích lũy từ năm 2003 giúp họ xác định được ngay con virus họ corona này thích hợp với dòng tế bào Vero E6. Họ đề nghị phòng thí nghiệm hữu nghị Nagasaki trong khuôn viên NIHE chuyển cho hai dòng, mặc dù chưa có mẫu bệnh phẩm. “Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này rồi. Với phòng thí nghiệm, ngoài việc chẩn đoán thì mục tiêu sâu hơn là phải nghiên cứu. Do vậy, khi có những bệnh phẩm dương tính đầu tiên vào ngày 30/1/2020, tức ngày mồng 6 Tết năm ngoái, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc phân lập virus, một trong những công việc cơ bản trong nghiên cứu”.

Mặc dù việc phân lập thành công virus SARS CoV-2 dựa trên rất nhiều yếu tố về cơ sở vật chất, kinh nghiệm trên những loại virus khác nhau… nhưng PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng vẫn cho rằng, thành công ngay từ lần đầu tiên nuôi cấy còn có thêm yếu tố may mắn. “Mẫu bệnh phẩm mình làm nếu có nồng độ virus cao vì được lấy khi bệnh nhân ở giai đoạn đỉnh bệnh, thì tỉ lệ thành công lớn, còn nếu ở giai đoạn mới bắt đầu hay giai đoạn bệnh đã thoái lui rồi thì sẽ không có khả năng phân lập được. Do vậy ngày 30/1/2020 có mẫu dương tính gửi về đến ngày 7/2, sau 96 giờ theo dõi hồi hộp, chúng tôi đã phân lập được virus rồi”, chị kể. 

Câu chuyện này đã diễn ra tới một năm trước nhưng chị vẫn còn cảm thấy mọi thứ hiển hiện trước mắt “Thường thì chúng tôi sẽ mất hai ngày để chuẩn bị tế bào, sau đó đưa cho mẫu bệnh phẩm vào đấy để nuôi cấy. Nếu như bình thường mình chỉ nhìn thấy hiện tượng hủy hoại tế bào thì cũng chưa thể xác định được virus mình nuôi cấy đấy là gì, nhất là trường hợp này khó hơn vì là virus mới. Nhiệm vụ lúc đó của chúng tôi là làm tiêu bản, sau đó mình thực hiện những biện pháp cho nó hết lây nhiễm và soi để xác định bằng hình thái”. 

Một thuận lợi lớn của NIHE trong việc xác định virus là có kính hiển vi điện tử, một thiết bị rất hữu hiệu trong việc xác định hình thái, cấu trúc của mẫu virus ở cấp độ nano. Cái cảm giác chạm vào một cái mốc quan trọng trên chặng đường “chiến đấu” với virus như vỡ òa. “Sau một tiếng, chúng tôi nhìn ra đúng con virus mình mong muốn cả về kích thước và hình thái. Người ta đặt tên cho virus họ này là corona (vương miện) và khi nhìn thấy hình thái dưới kính hiển vi điện tử đúng chuẩn thế, kích thước ở mức 97 nanomet rồi 101 nanomet. Mình đã xác định được nhiều con virus khác nhau trên tiêu bản, vì vậy mình có quyền khẳng định con virus phân lập được là nó”.


Bức ảnh tiêu bản virus corona chủng mới do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập, nuôi cấy hiển thị trên kính hiển vi điện tử. Nguồn: NIHE. 

Việc phân lập được virus corona chủng mới ở thời điểm đại dịch mới chạm đến Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. “Nếu không thành công, mình có thể ‘xin’ mẫu của bạn bè quốc tế nhưng việc có được nó từ mẫu bệnh phẩm ở Việt Nam đem lại nhiều thuận lợi hơn cho những nghiên cứu ở giai đoạn sau”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói một cách ngắn gọn về ý nghĩa của công việc mà NIHE đã làm được. Tuy nhiên, đồng nghiệp của chị, PGS. TS Hồ Anh Sơn – trưởng nhóm phát triển bộ kit phát hiện nhanh SARS CoV-2 ở Học viện Quân y, thì không khỏi cảm thấy “hàm ơn” về nỗ lực này: “Con virus mà Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập được sớm trên mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Việt Nam đã giúp chúng tôi có thể phân tích sâu hơn về đặc điểm trình tự gene của virus và so sánh với các trình tự gene virus do các nước đã công bố. Nếu không có mẫu của Viện thì chúng tôi khó có thể thiết kế bộ kit được tối ưu hơn và nhanh hơn”. Bên lề cuộc họp báo công bố bộ kít tại Bộ KH&CN vào ngày 5/3/2020, tiến sĩ Hoàng Xuân Sử, một thành viên của nhóm cho biết, trong giai đoạn đầu đại dịch, bộ kit đầu tiên của CDC Hoa Kỳ từng thất bại bởi phát triển và đánh giá trên mẫu bệnh phẩm giả định chứa tiểu phần virus để mô phỏng giống bệnh phẩm lâm sàng do lúc đầu ở Mỹ chưa có nhiều người mắc và chưa có nhiều mẫu bệnh phẩm.

Năm 2020 là một năm bận rộn về nghiên cứu của NIHE. Ngoài việc tham gia một nhánh của đề tài “Phát triển Vaccine chống lại chủng mới của virus corona trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm” do Vabiotech chủ trì, họ còn thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới 2019 tại Việt Nam” cùng đồng nghiệp TPHCM – một đề tài nghiên cứu cơ bản về tất cả đặc trưng dịch tễ học, virus học, huyết thanh học của virus. Bên cạnh đó, NIHE còn phối hợp với các viện như Viện Tế bào gốc và Công nghệ Gene Vinmec, Viện Y học lâm sàng nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Huyết học truyền máu Trung ương tìm hiểu về những bệnh nhân ở thể trạng trung bình nặng để nghiên cứu điều trị huyết tương. Song song với quá trình này, các nhà nghiên cứu của NIHE tiếp tục giải trình tự gene, tham gia chia sẻ các kết quả giải trình tự các chủng virus ở những vị trí địa lý khác nhau để cùng đồng nghiệp trên thế giới cập nhật thông tin mới phục vụ ứng phó dịch bệnh và nghiên cứu lâu dài.

Thật khó đánh giá hết một chuỗi nỗ lực của các nhà nghiên cứu ở NIHE ở thời điểm dịch bệnh chưa lui nhưng việc phân lập được virus corona chủng mới, tạo điều kiện phát triển và đánh giá độ đặc hiệu của bộ kit xét nghiệm nhanh, phát triển vaccine, đưa ra những tư vấn để góp phần xây dựng chiến lược ứng phó, ngăn chặn cũng như tập huấn quy trình xét nghiệm cho các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh địa phương, bệnh viện địa phương… của họ đã tham gia vào việc cùng cả nước đẩy lui các làn sóng lây nhiễm. “Tôi có cảm nhận là chưa bao giờ hệ thống y học dự phòng được nhắc nhiều đến thế, chưa khi nào NIHE làm được nhiều việc như thế và được xã hội quan tâm nhiều như thế. Tất cả những điều đó đã trở thành động lực để chúng tôi có thể dành hết tâm sức vào việc tham gia kiểm soát và ngăn ngừa đại dịch”, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói một cách giản dị, dù biết rằng các nhà nghiên cứu ở viện “mất” thêm cái tết Nguyên đán nữa vì virus corona. □

 

 

Tác giả