Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu: Người đặt nền móng cho vật lý lý thuyết Việt Nam

Giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, một trong những người đặt nền móng cho ngành vật lý lý thuyết và khoa học vật liệu Việt Nam, đã qua đời ngày 23/1/2022.

Ảnh: Giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Nguồn: Cafebiz

Nhiều người trong giới khoa học Việt Nam đã bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của ông và đánh giá sự đóng góp của ông với khoa học nước nhà. Với người có sức ảnh hưởng quá rộng, vượt quá phạm vi chuyên ngành vật lý hạt cơ bản, thông qua vai trò của một nhà quản lý khoa học – Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam (từ năm 1993 đến năm 1994), Giám đốc Trung tâm KH Tự nhiên và Công nghệ QG (1993 – 1994), Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu (1993 – 1998), hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN (2004-2005)… như giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, có lẽ thật khó để ngay một lúc đưa ra được một đánh giá tường tận.

Giáo sư Lê Hồng Khiêm, nguyên viện trưởng Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), người đón nhận trọng trách là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại Viện nghiên cứu liên hợp hạt nhân Dubna (JINR) từ giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, đã dành những lời chia sẻ về ông “Tôi không biết nói gì hơn… Là người từng tiếp nối vai trò của giáo sư Hiệu ở Viện Viện Vật lý sau các giáo sư Đào Vọng Đức, Nguyễn Ái Việt (A), Nguyễn Đại Hưng, tôi may mắn được hưởng một di sản khá lớn, một tập thể nghiên cứu mạnh với nhiều người tâm huyết và nhiều người từng được ông dìu dắt, được thừa hưởng ý chí làm khoa học của ông. Những người từng làm việc xung quanh giáo sư Hiệu cũng là những người đang góp phần tạo dựng thời kỳ đó nên Viện Vật lý luôn là một trong những nơi có công bố ISI vào top 3, top 5 của viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam”.

Trưởng thành từ Dubna, giáo sư Nguyễn Văn Hiệu cũng là đại diện toàn quyền của Việt Nam tại nơi này, một cơ sở nghiên cứu khoa học đào tạo ra rất nhiều nhà khoa học Việt Nam tài năng, đặc biệt là ngành vật lý. “Do đó, một trong những chủ đề ông quan tâm là làm thế nào để đưa Viện Dubna thành một nơi đào tạo cán bộ cho Việt Nam một cách hiệu quả”, giáo sư Lê Hồng Khiêm nói. Khi nhắc đến điều này, giáo sư Lê Hồng Khiêm muốn nhắc đến một giai đoạn khó khăn của Dubna, sau khi Liên Xô tan rã, nên “số người Việt Nam ở đó gần như bằng không”. “Lúc đó, giáo sư Hiệu rất trăn trở và nói với tôi ‘cháu phải cố gắng đưa được người trẻ và giỏi sang bên đó vì Dubna vẫn là nơi đào tạo cán bộ tốt nhất cho Việt Nam”, ông cho biết. Hiện tại, số lượng các nhà khoa học trẻ ở Dubna đã gia tăng trở lại, không chỉ ngành vật lý mà mở rộng cho nhiều ngành khác.

Trong sự nghiệp của mình, dù đã chuyển sang quan tâm đến vật lý chất rắn hay khoa học vật liệu, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà khoa học hậu sinh, thành công khoa học của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu vẫn nằm trọn vẹn ở lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Trong ấn bản “100 năm Đại học quốc gia Hà Nội” (1906-2006), đồng nghiệp của ông đã viết “Trong hai năm 1961 đến 1963, Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành nhiều công trình về lý thuyết tương tác yếu giữa các hạt cơ bản – một trong những lĩnh vực nghiên cứu đang có tính thời sự lúc đó. Tiếp đó, Anh đã bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực rất mới: các tính chất của các biên độ tán xạ các hạt nhân năng lượng cao” 1. Đó là quãng thời gian giáo sư Nguyễn Văn Hiệu học tập tại Dubna dưới sự dẫn dắt của nhà vật lý lý thuyết Anatoly Logunov, người nghiên cứu lý thuyết trường lượng tử và có đóng góp quan trọng vào lý thuyết hấp dẫn.

Cuốn “General Principles of Quantum Field Theory” (Các nguyên lý cơ bản của lý thuyết trường lượng tử) của nhà xuất bản khoa học Springer có trích dẫn các công trình khoa học của giáo sư Anatoly Logunov và giáo sư Nguyễn Văn Hiệu. Nguồn: Springer 

Trong một cuộc gặp gỡ ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam vào ngày 30/12/2020, giáo sư Trần Hữu Phát, nguyên viện trưởng Viện NLNTVN, kể lại “Năm 1964, anh Hiệu đã viết xong luận án tiến sĩ khoa học và làm được một loạt bài báo từ ý tưởng của giáo sư Anatoly Alekseevich Logunov. Tôi mang luận án về nghiên cứu, thấy nghiên cứu va chạm của hai hạt, tính được biên độ tán xạ và tiết diện tán xạ của nó. Logunov chứng minh là trong lý thuyết trường lượng tử định xứ thì biên độ tán xạ có hai đặc điểm, một nó là hàm giải tích của năng lượng trên mặt phẳng năng lượng, thứ hai là tiến tới vô cực chậm hơn một đa thức. Anh Hiệu đã dùng tính chất thứ nhất để tính các hàm lân cận rất nổi tiếng” 2.

Trên Math-Net.Ru, một cơ sở dữ liệu khoa học Nga được trích xuất từ nhiều nguồn khác nhau trong toán học, vật lý, công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan, thư mục “Nguyễn Văn Hiệu” được ghi nhận có 20 công trình, được xuất bản từ năm 1966 đến năm 2002 3. Năm 1990, nhà xuất bản khoa học Springer xuất bản cuốn “General Principles of Quantum Field Theory” (Các nguyên lý cơ bản của lý thuyết trường lượng tử) của các tác giả Nikolay Bogolyubov, Anatoly Logunov, A.I. Oksak, Ivan Todorov. Cuốn sách này có trích dẫn các công trình khoa học của giáo sư Anatoly Logunov và giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, ví dụ như “Asymptotic relations between cross sections in local field theory” (công bố năm 1963), “Asymptotic relations between scattering amplitudes in local field theory” (công bố năm 1966) 4.

Sau này, giáo sư Nguyễn Văn Hiệu có nhiều học trò và một trong số đó là PGS. TS Nguyễn Bá Ân (vật lý lượng tử) – một trong hai nhà khoa học đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Có lẽ, sẽ có nhiều đánh giá và ghi nhận khác nhau về vai trò và đóng góp của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu với ngành vật lý Việt Nam nói riêng cũng như khoa học Việt Nam nói chung nhưng có thể nói rằng, khi nói về sự phát triển của khoa học Việt Nam những năm 1980-2010, không thể không nhắc đến tên tuổi của ông.

—–

1. http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1778/C1779/2006/05/N7792/

2. http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Giao-su-Tran-Huu-Phat-%E2%80%9CNguoi-dac-biet%E2%80%9D-cua-nganh-hat-nhan–26783

3. http://www.mathnet.ru/php/person.phtml?option_lang=eng&personid=20792

4. https://link.springer.com/book/10.1007/978-94-009-0491-0#editorsandaffiliations

 

Tác giả