Khủng hoảng tiếp theo của Venezuela sẽ là các bệnh dễ lây nhiễm

Một cơn khủng hoảng y tế công cộng đang nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng ở Venezuela bởi chương trình tiêm chủng quốc gia bị tê liệt, số lượng các trường hợp bị nhiễm sởi, bạch cầu và những căn bệnh mà vaccine có thể ngăn chặn đã tăng cao kỷ lục.

Vào tháng 2/2019, một cuộc biểu tình phản đối về tình trạng thiếu thuốc và vaccine đã diễn ra tại thủ đô Caracas. Nguồn: elpais.com

Một nghiên cứu do Viện Các mầm bệnh mới phát sinh, trường Y tế công cộng của trường đại học Florida cùng một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ châu Âu, Mỹ, thực hiện đã cho thấy, hệ thống y tế công cộng của Venezuela đã sụp đổ, đây là một nạn nhân khác của tình trạng bất ổn xã hội vốn đã diễn ra ở đất nước này trong nhiều năm. Kết quả là, các bệnh lây nhiễm từng được kiểm soát đã bắt đầu hoành hành trở lại và có thể lan rộng một cách nhanh chóng, theo nhận định của TS. Glenn Morris – một trong những tác giả của nghiên cứu và là Giám đốc của Viện Các mầm bệnh mới phát sinh.

“Về cơ bản, các vaccine dành cho trẻ em là vấn đề hết sức quan trọng của y tế công cộng toàn cầu. Dĩ nhiên, các căn bệnh mà vaccine có thể ngăn chặn có thể nhanh chóng trở lại khi không còn vaccine, như những gì chúng ta đang thấy ở Venezuela”, ông nói.

Trong công bố trên tạp chí Emerging Infectious Diseases, các tác giả đề xuất các quan chức địa phương và các nhà y tế công cộng cần thuyết phục Chính phủ Venezuela chấp nhận hỗ trợ quốc tế và tái lập các chương trình giám sát dịch tễ học. Điều này cũng sẽ giúp các quốc gia láng giềng có thể dập tắt những cuộc khủng hoảng y tế công cộng khu vực chắc chắn sẽ xảy ra. 

Họ cũng tìm ra, sởi – căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao do virus Measles gây ra từng được kiểm soát tốt ở Venezuela cho đến năm 2010, khi chương trình miễn dịch quốc gia mới bắt đầu bị ảnh hưởng cùng sự sụp đổ của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO-WHO), sởi mới tái xuất hiện ở Venezuela năm 2017 và bắt đầu có dấu hiệu ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng Mỹ Latin. Cũng trong năm 2017, người ta phát hiện ra khu vực này có 8.091 ca bạch hầu, trong đó 5.525 trường hợp ở Venezuela. Làn sóng bệnh dịch sẽ tiếp tục được mở rộng vì sự gia tăng các hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp dọc theo các khu rừng Amazon trên đất nước này, tạo ra lượng vận chuyển không ngừng tăng lên và gieo rắc dịch bệnh xuyên biên giới.Làn sóng bệnh dịch sẽ tiếp tục được mở rộng vì sự gia tăng các hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp dọc theo các khu rừng Amazon trên đất nước này, tạo ra lượng vận chuyển không ngừng tăng lên và gieo rắc dịch bệnh xuyên biên giới.  

Kể từ năm 2016, Venezuela có 2.170 ca mắc bệnh bạch hầu, 287 người chết. Theo một báo cáo gần đây, vaccine bạch hầu có thể chỉ đạt 50% nhu cầu trong năm 2018, dẫn đến khoảng 3 triệu trẻ em không được tiêm vaccine. PAHO-WHO cũng cho biết trong năm 2018, từ Venezuela, bệch bạch hầu đã lan tới Brazil và Colombia.

Việc sụt giảm độ bao phủ của vaccine, sự tê liệt của các chương trình giám sát, khối lượng lớn những người di cư và tình trạng khủng hoảng kinh tế chính trị tới mức xấu nhất đang tạo cơ hội cho những dịch bệnh mới bùng phát ở Venezuela và Nam Mỹ.

Anh Vũ lược dịch
Nguồn: https://scienceblog.com/505706/venezuelas-next-crisis-rampant-spread-of-infectious-disease/

Tác giả