Maria Sibylla Merian: Nhà côn trùng học và minh họa khoa học

Cho đến tận ngày nay, minh họa khoa học (science illustration) là một hoạt động quan trọng của ngành phân loại học sinh học nhằm giúp phóng đại, làm rõ chi tiết đặc điểm giải phẫu đặc biệt trên cơ thể sinh vật, đặc biệt là với các sinh vật có kích thước nhỏ như côn trùng. Ít ai biết đến Maria Sibylla Merian, một người phụ nữ thầm lặng kiên quyết theo đuổi công việc này, đã đặt nền móng cho nghiên cứu côn trùng, để rồi bị chỉ trích và lãng quên suốt ba thế kỷ.

Ngày nay hầu hết học sinh có thể mô tả chi tiết vòng đời của bướm: trứng nở thành sâu bướm, sâu bướm biến thành kén và kén nở ra bướm. Nhưng những kiến thức hết sức căn bản này đã từng là chủ đề được tranh luận sôi nổi vào thời mà nhà tự nhiên học tiên phong Maria Sibylla Merian sinh sống. Bà là người có những quan sát tỉ mỉ, kết luận mối quan hệ giữa sâu bướm với bướm, đặt nền móng cho các lĩnh vực côn trùng học, hành vi động vật và sinh thái học.

Maria Sibylla Merian sinh năm 1647 tại Frankfurt, Đức vào thời mà nghiên cứu khoa học về sự sống còn hết sức sơ khai. Mặc dù được đào tạo để trở thành một họa sĩ, nhưng Merian lại được biết đến là một trong những nhà sinh thái học thực địa đầu tiên. Cô đã nghiên cứu hành vi và mối tương tác của các sinh vật vào thời điểm mà phân loại học và hệ thống học (đặt tên và lập danh mục) là mục tiêu theo đuổi chính của các nhà tự nhiên học.

Giống như hầu hết các nhà côn trùng học hiện đại, niềm đam mê với côn trùng của Merian bắt đầu từ rất sớm. Năm 13 tuổi, được sự khuyến khích của cha dượng, người cũng là một họa sĩ, cô bắt đầu sưu tập và nuôi sâu bướm để làm chủ đề cho các bức tranh của mình. Cô thường vẽ dưới ánh nến, chờ đợi khoảnh khắc khi một con sâu bướm cuốn kén của nó hoặc một con bướm mới bắt đầu xuất hiện từ chiếc kén.

Merian vẽ sâu bướm ăn thực vật mà nó bám vào và động vật săn mồi ăn sâu bướm. Cô định ghi chép lại, không chỉ giải phẫu của các đối tượng mình quan sát mà còn cả vòng đời và sự tương tác của chúng với các sinh vật sống khác. Thay vì quan sát các mẫu vật đã được ướp (như quy ước thời đó), cô đã vẽ về hệ sinh thái của các loài từ hàng thế kỷ trước khi thuật ngữ này bắt đầu ra đời.

Nhưng Merian phải rất tranh thủ thời gian để tiến hành các nghiên cứu của mình cho thỏa trí tò mò. Không giống như nhiều nhà tự nhiên học nam giới thời đó, Merian không có tự do để dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu côn trùng. Năm 1665, ở tuổi 18, Merian kết hôn với họa sĩ Johann Andreas Graff, sinh hai con gái nhưng cuộc hôn nhân dường như không hạnh phúc nên đã ly hôn và chịu trách nhiệm nuôi nấng cả hai con. 

Kể từ khi ly hôn, bà mới có cơ hội để theo đuổi mơ ước minh họa khoa học của mình. Để đảm bảo tài chính cho gia đình, bà dạy vẽ tranh cho con gái của những gia đình giàu có. Theo nhiều cách, bà là một trong những “bà mẹ làm khoa học” đầu tiên, cố gắng cân bằng những thách thức trong nghiên cứu của mình với cuộc sống gia đình nhiều áp lực cơm áo gạo tiền. Bà phải làm tất cả những điều này vào thời điểm mà những người phụ nữ thông minh, tò mò thực sự bị coi là rất nguy hiểm thậm chí còn bị kết tội phù thủy.

Người đặt nền móng

Nghiên cứu của Merian về sâu bướm đã đem lại hiểu biết và đóng góp quan trọng vào một cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt vào thời mà bà sống. Một bên là những người tin rằng sự sống nảy sinh từ vật chất vô tri vô giác: ví dụ như ruồi, sinh ra từ những đống mục rữa; côn trùng khác hình thành từ bùn; hạt mưa tạo ra ếch nhái. Còn một bên là những người tin rằng sự sống chỉ nảy sinh từ dạng tồn tại trước đó. Để trả lời câu hỏi đó, Merian đã lai tạo bướm từ trứng thành bướm trưởng thành trong nhiều thế hệ và cho thấy một cách dứt khoát rằng trứng nở thành sâu bướm, cuối cùng biến thành bướm. Sau đó, những cuốn sách của Merian về sâu bướm (xuất bản năm 1679 và 1683) đã đủ để giúp bà có một vị trí không thể thay thế trong lịch sử khoa học.

Nhưng phải tới năm 1699, ở tuổi 52 bà cùng con gái út (lúc đó 20 tuổi) bắt đầu một trong những chuyến thám hiểm khoa học thực sự đầu tiên trong lịch sử. Lênh đênh 5000 dặm, trong một hành trình đầy hiểm nguy qua Đại Tây Dương vào thời đó là một thách thức rất lớn với phụ nữ ở thời của bà (thời ấy, phụ nữ đi xa thường phải có nam giới đi cùng). Mục tiêu của bà là vẽ minh họa các loài côn trùng mới ở Surinam, một quốc gia Nam Mỹ (nay được gọi là Suriname) chỉ vừa mới trở thành thuộc địa của Hà Lan. 


Chân dung Merian được in lên tiền Đức. 

Sau hai tháng du hành đầy nguy hiểm, hai người phụ nữ đã đến thiên đường của các nhà côn trùng học. Ngập tràn những loài mới xung quanh, Merian rất muốn thu thập và vẽ mọi thứ mà bà có thể chạm tay vào nhưng ngay lập tức bà gặp phải vấn đề – những người Hà Lan ở đây không muốn giúp hai người phụ nữ không có người giám hộ đi thu thập côn trùng trong rừng, một công việc mà họ cho là rất … vớ vẩn. Vì vậy, Merian đã xây dựng mối quan hệ với người nô lệ châu Phi và thổ dân, họ đồng ý mang mẫu vật cho bà và còn chia sẻ với bà về cách thức sử dụng nhiều loại cây để chữa bệnh hoặc nấu ăn. Ví dụ, Merian viết rằng những phụ nữ Amerindian bị bắt làm nô lệ đã sử dụng hạt từ một số loại cây để phá thai nhằm tránh cho con cái họ khỏi kiếp sống nô lệ. Đó là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự khủng khiếp của chủ nghĩa thực dân những năm 1600.

Merian và con gái đã nghiên cứu ở Surinam trong hai năm trước khi bà mắc chứng sốt rét, sức khỏe suy giảm đã buộc Merian phải trở về nhà. Trong bốn năm sau đó, bà đã làm được tới 60 bản in khắc về sinh vật ở Suriname và cuốn sách đúc kết về những năm tháng ở đây, cuốn Metamorphosis insectorum Surinamensium (Biến hình của các loài côn trùng ở Suriname), đã nổi tiếng trong cả giới nghệ thuật và khoa học vào thời đó. 

Những người đàn ông hoài nghi

Mặc dù là một người đặt nền móng cho ngành sinh thái học côn trùng nhưng sau khi bà qua đời (vào năm 1717) thì hầu như người ta lại không nhắc đến vai trò của bà mà thậm chí còn phê phán. Sau khi bà mất, người ta bắt đầu thêm những điểm không chính xác len lỏi vào các bản sao vẽ tay của sách Merian. Các tranh côn trùng tưởng tượng được thêm vào, một số tranh thì được “cải tạo lại” bằng cách tô thêm màu để tăng “tính thẩm mỹ” cao hơn. Sự chú ý cẩn thận tỉ mẩn đến từng chi tiết một cách đáng kinh ngạc của Merian dần bị làm nhòe đi.

Vào những năm 1830, nhà thần học và tự nhiên học Lansdowne Guilding – người nghiên cứu về thực vật vùng Caribe nhưng chưa bao giờ đến thăm Surinam – đã viết một bài phê bình gay gắt về công việc của Merian trong một cuốn sách có tựa đề “Những quan sát về công việc của Maria Sibylla Merian về côn trùng, ở Surinam”. Ông dùng những từ phê phán rất gay gắt như “bất cẩn”, “vô dụng” và “thấp hèn và vô dụng” để mô tả các bản in của Merian mà ông ta cảm thấy có nhiều điểm không chính xác. Nhiều lỗi như ông ta đã chỉ ra được thêm vào nguyên tác mặc dù bà đã mất từ trước đó. 



Các bài phê bình nặng lời của Guilding cũng đầy tính phân biệt giới hoặc ông ta buộc tội Merian đã bỏ qua những vấn đề mà “mọi nhà côn trùng học đều biết”. Guilding cũng chỉ trích Merian vì dựa quá nhiều vào kiến ​​thức của nô lệ châu Phi và người thổ dân nơi đây, những người mà ông cho là không đáng tin cậy.

Xuất thân của Merian là một nghệ sĩ không được đào tạo chính quy về khoa học cũng trở thành vấn đề bị lôi ra chỉ trích để làm giảm uy tín của của bà sau khi mất. Đến những năm 1800, người làm trong ngành sinh học phải được các học giả đào tạo ở trường đại học và những người tự thân gom nhặt kiến thức như Merian giờ đây hoàn toàn bị khinh thường. Họ hoàn toàn không quan tâm đến thực tế là phụ nữ thời Merian bị cấm tham gia các chương trình giáo dục đại học.

Chưa kể, một số quan sát của Merian nghe có vẻ viển vông ở thời ấy – bà cho biết rằng ở Surinam có loài nhện ăn thịt chim và kiến ​​thì biết tự nối với nhau để bắc cầu. Những mô tả này dường như quá kỳ lạ nên cũng bị hoài nghi và các tác giả khác cũng bắt đầu săm soi những mô tả của Merian và chuyến du hành khoa học của bà có phần nhiều là tưởng tượng thực ra là vượt quá tầm hiểu biết của một bà già. Và vì vậy Merian không còn được nhớ đến như một nhà tự nhiên học tiên phong. Bà bị loại bỏ ra khỏi thế giới khoa học và chỉ còn được nhớ đến như một bà lão vẽ những bức tranh đẹp – nhưng hoàn toàn phi khoa học – về những con bướm. Mặc dù công việc của bà tiếp tục truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhưng những đóng góp của bà với tư cách một nhà khoa học đã bị lãng quên.

May mắn thay, thế kỷ 20 đã có cái nhìn công bằng hơn với những đóng góp mang tính nền tảng của bà. Khi các nhà khoa học hiện đại xác nhận thói quen “ăn thịt chim” của loài nhện tarantula và giờ đây chúng ta biết rằng kiến ​​lê dương (army ants) thực sự biết nối nhau xây thành chiếc cầu thì rốt cuộc, “những chuyến đi kỳ thú” của Merian mới không hề là câu chuyện viển vông. Những bức tranh minh họa sống động của bà nay được lưu giữ tại các viện bảo tàng trên thế giới. Để kỷ niệm công việc tiên phong của bà, một số bảo tàng như Bảo tàng Bản in và Bản vẽ Berlin đã tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm của bà vào năm 2017, tạp chí trực tuyến Atlas Obscura có tuyển chọn các tác phẩm công phu của bà và ngân hàng liên bang Đức đã in chân dung bà lên tờ tiền 500 mác. □

Bảo Như tổng hợp
Nguồn: 
https://theconversation.com/hidden-women-of-history-maria-sibylla-merian-17th-century-entomologist-and-scientific-adventurer-112057
https://www.atlasobscura.com/articles/maria-sibylla-merian-artist-insects-flowers

Nhà thực vật học người Thụy Điển Karl Linnaeus, một trong những người tiên phong của ngành sinh thái học hiện đại và được tôn vinh là “Vua của giới thực vật học” vì đặt nền móng cho việc phát triển một hệ thống phân loại sự sống, đã đề cập nhiều đến các hình minh họa của Merian trong các mô tả loài của ông. Erasmus Darwin, ông nội của Charles Darwin, trích dẫn công việc của Merian trong cuốn sách “Vườn thực vật” của mình.

Tác giả