ADN hé lộ bí mật chưa từng biết đến về châu Mỹ Latin

Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội các nhà nhân học hình thể Mỹ (AAPA) diễn ra từ ngày 11 đến 14/4, Andrés Moreno-Estrada – nhà di truyền học quần thể tại PTN quốc gia nghiên cứu đa dạng hệ gene Mexico (LANGEBIO) đã tiết lộ những bí ẩn về các cuộc nhập cư vào Mỹ Latin trong lịch sử.

Các tàu của Anh thường xuyên sách nhiễu tàu buồm Tây Ban Nha, vốn đưa những người bị lãng quên danh tính tới Mỹ Latin, bao gồm người Philippines bị bắt làm nô lệ và người Do Thái cũ. Nguồn: Nature.com

Deborah Bolnick, nhà di truyền nhân chủng học tại Đại học Texas, Mỹ, nhận xét: “Hiểu biết mới sẽ giúp chúng ta nhận ra những cách thức mà kinh nghiệm và thực tiễn lịch sử tỉ mỉ đã để lại dấu ấn sâu sắc trên các hệ gene của chúng ta.”

Juan Esteban Rodríguez, học viên cao học chuyên ngành di truyền học quần thể tại LANGEBIO đã lên kế hoạch nghiên cứu về tổ tiên của người Mexico, một phần trong cuộc di cư toàn cầu. Bắt đầu từ thế kỷ 19, nhiều người nhập cư Trung Quốc đã di chuyển đến Mexico để xây dựng đường sắt tại các bang phía Bắc nước này. Lớn lên gần biên giới với Mỹ, Rodríguez biết rất rõ về lịch sử này và anh muốn tìm hiểu xem liệu mình có thể xác định  được sự hiện diện về gene của người nhập cư Trung Quốc trong quần thể người Mexico hiện đại không.

Nhưng khi xem xét một cơ sở dữ liệu gồm 500 hệ gene người Mexico – ban đầu được dành cho các nghiên cứu y sinh, thật ngạc nhiên là anh đã phát hiện ra một số biến thể di truyền chung với người châu Á. Một số người ở ở Bắc Mexico có gốc gác châu Á khá rõ nhưng hóa ra là họ không phải những người duy nhất bởi Rodríguez đã tiếp tục khám phá ra 1/3 số người được lấy mẫu ở Guerrero, quốc gia ven biển Thái Bình Dương nằm cách biên giới Hoa Kỳ gần 2.000 km về phía nam, cũng có đến 10% “dấu vết” của tổ tiên châu Á, cao hơn đáng kể so với phần lớn người Mexico. Và khi so sánh những hệ gene đó với những người ở châu Á ngày nay, anh thấy họ có quan hệ gần gũi nhất với người Philippines và Indonesia.

Rodríguez và người hướng dẫn, Andrés Moreno-Estrada – nhà di truyền học quần thể ở LANGEBIO, đã lật lại các sử liệu để tìm ra tổ tiên của những người này có thể là ai. Họ học được từ các nhà sử học, những người nghiên cứu các bản kê hàng hóa trên tàu và các tài liệu thương mại khác từ thế kỷ 16 đến 17, là các thuyền trưởng người Tây Ban Nha đã giong buồm di chuyển giữa Malina và cảng Acapulco (Guerrero) để chuyên chở hàng hóa và con người, kể cả những người châu Á bị bắt làm nô lệ. Mặc dù biết rõ về việc giao dịch nô lệ bằng đường biển nhưng các nhà sử học không tìm thấy cứ liệu về nguồn gốc của các nạn nhân. Khi thuyền cập bến Mexico, tất cả những người này đều được gọi là “chinos” – người Trung Quốc. Moreno-Estrada nói: “Chúng tôi đang khám phá những câu chuyện bí ẩn về chế độ nô lệ và những người bị mất danh tính khi họ xuống thuyền ở một đất nước hoàn toàn xa lạ.”

Các nhà khoa học khác nghiên cứu di sản của một nhóm người bị gạt ra bên lề ở Mexico thuộc địa: người châu Phi. Hàng chục ngàn nô lệ và người châu Phi tự do sống ở Mexcio trong khoảng thế kỷ 16 – 17, đông hơn cả người châu Âu thời kỳ đó. Kết quả là ngày nay, hầu hết những người Mexcio đều mang khoảng 4% gene người châu Phi. María Ávila-Arcos, nhà di truyền học ở Phòng thí nghiệm quốc tế nghiên cứu về hệ gene người (Juriquilla, Mexico), nhận xét, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các cộng đồng khác. Trước đây, cô đã đã phát hiện ra cộng đồng hậu duệ gốc Phi ở Guerrero và Oaxaca, có khoảng 26% gốc gác châu Phi, phần lớn là đến từ Bắc Phi.

Một nghiên cứu gần đây xuất bản trên bioRxiv đã sử dụng dữ liệu di truyền của 6.500 người sinh ra ở Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru và phát hiện các biến thể di truyền phổ biến ở dân cư khu vực đông Địa Trung Hải và Bắc Phi, đặc biệt là ở người Do Thái Sephardi, đã xuất hiện trong khắp dân cư Mỹ Latin, chiếm gần ¼ các đối tượng lấy mẫu.

Nghiên cứu này do nhà di truyền học Andrés Ruiz-Linares (ĐH Phúc Đán, Trung Quốc), Garrett Hellenthal (Đại học London) và cộng sự thực hiện. Họ đã theo dấu những người đã cải đạo từ đạo Do Thái sang Thiên chúa giáo vào năm 1942, khi Tây Ban Nha trục xuất những người từ chối cải đạo. Người cải đạo bị cấm di cư tới thuộc địa của Tây Ban Nha, dù một số ít đã thực hiện được việc này. Nhưng sự phổ biến của gốc gác Sephardi ở Mỹ Latin gợi ý rằng việc di cư còn nhiều hơn so với những gì lịch sử ghi lại.

Đối với Ragsdale, công trình này là một lời nhắc nhở rằng các vẫn còn nhiều bất ngờ ngay với cả những nhà khoa học vẫn nghĩ rằng mình đã hiểu rõ, “cách chúng ta nghĩ về việc thuộc địa hóa vẫn còn quá đơn giản. Chúng ta đang thiếu rất nhiều sự tỉ mỉ ở đây.”

Thanh Trúc lược dịch

Nguồn: http://www.sciencemag.org/news/2018/04/latin-america-s-lost-histories-revealed-modern-dna

Tác giả

(Visited 3 times, 2 visits today)