Ảnh hưởng của KHXH Xô viết tới KHXH Việt Nam: “Nửa vời” về lý thuyết

Khoa học xã hội (KHXH) Xô viết đã ảnh hưởng “bao trùm” lên KHXH Việt Nam trong giai đoạn 1950 – 1990 và còn nhiều dư âm cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, dấu ấn về lý thuyết lại không rõ ràng và “nửa vời”.

Sergei Aleksandrovich Tokarev, tác giả cuốn “Những hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng” đã được dịch ra tiếng Việt và có ảnh hưởng rất lớn tới giới KHXH Việt Nam. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Đó là những nội dung chính được nhiều nhà nghiên cứu từ các chuyên ngành khác nhau như triết học, lịch sử, nhân học, khảo cổ, văn hóa học… thảo luận tại Hội thảo “Những ảnh hưởng và dấu ấn của Dân tộc học Xô-Viết trong nhân học ở Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX” tại ĐH KHXH&NV Hà Nội ngày 21/6.

Những nhà KHXH tên tuổi như GS Trần Quốc Vượng, GS Hà Văn Tấn, GS Đặng Nghiêm Vạn… đều từng chịu ảnh hưởng nhiều hoặc ít từ học thuật Xô viết. KHXH Xô viết không chỉ ảnh hưởng lên KHXH Việt Nam mạnh mẽ trong giai đoạn từ 1950 – 1960 cho tới 1990, mà cho đến tận ngày nay vẫn dễ dàng tìm thấy dấu ấn của nền học thuật này. Học thuật Xô viết ảnh hưởng được lên KHXH Việt Nam thông qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp: một số lượng lớn các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo, truyền thụ bởi các nhà KHXH Xô Viết; còn lại là rất nhiều nhà khoa học chưa từng đặt chân tới Liên Xô nhưng lại được “truyền nghề” hoặc ngấm tư tưởng của nền học thuật đó một cách “thụ động” từ những người đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng học thuật Xô Viết.

Biểu hiện ảnh hưởng rõ ràng nhất của KHXH Xô viết thể hiện ở cơ cấu tổ chức của các viện chuyên ngành, định hướng chủ đề nghiên cứu và lý thuyết nghiên cứu, theo PGS.TS Vương Xuân Tình, nguyên viện trưởng Viện Dân tộc học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Ví dụ, mô hình của Viện Dân tộc học rất giống với Viện dân tộc học Liên Xô khi phân chia các phòng ban: Phòng địa lý học tộc người, xã hội học tộc người, các nhà khoa học được đào tạo ở Liên Xô cũng thường nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt ở Viện. Những chủ đề nghiên cứu mà nhiều nhà dân tộc học Việt Nam theo đuổi là phân loại, xác định thành phần tộc người, lịch sử tộc người, các đặc điểm kinh tế văn hóa của tộc người… vốn là “truyền thống” của dân tộc học Xô viết. Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết của dân tộc học Xô viết lại “không rõ ràng lắm ngoài việc nói về nguyên tắc phải tuân thủ lý thuyết của Mác – Lê nin”. Tương tự, đối với ngành Khảo cổ học, theo PGS.TS Lâm Mỹ Dung, Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Đại học KHXH&NV: “Khảo cổ học Việt Nam chịu ảnh hưởng của khảo cổ học Xô viết nhưng điểm khác biệt căn bản là khảo cổ học Việt Nam không tiếp cận lý thuyết. Các GS Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng thường kiến giải các vấn đề bằng nền tảng kiến thức dày dặn của mình chứ không áp dụng ‘cứng nhắc’ ý thuyết Mác – Lênin”.

Lý giải về hiện tượng áp dụng lý thuyết trong KHXH Xô viết một cách “bối rối”, “nửa vời” hoặc “xanh vỏ, đỏ lòng”, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ nhiệm khoa Triết học, ĐH KHXH&NV Hà Nội, người đã từng học tập, nghiên cứu ở Liên Xô và CHLB Đức cho rằng: “Rất nhiều cán bộ được cử đi học tại Liên Xô và các nước Đông Âu không nắm vững một cách bài bản lý thuyết. Thậm chí tài liệu dịch thuật về lý thuyết trong KHXH Xô viết có rất nhiều điểm không chính xác. Ngoài ra, các nhà KHXH Liên xô và Việt Nam rất ít khi có dự án hợp tác nghiên cứu chung”.

Ngày nay, giới KHXH Nga đã cất lời “ai điếu” cho những lý thuyết cũ không còn phù hợp trong thời kỳ Xô viết và cơ cấu lại các cơ quan nghiên cứu. Các lý thuyết lớn như lý thuyết về tộc người – Ethnos phát triển những năm 1960 gây được ảnh hưởng lớn nhằm phân loại các cộng đồng tộc người trong lịch sử đã “lùi vào lịch sử” chứ không còn được áp dụng trong thực tiễn. Còn ở Việt Nam, từ sau 1990, KHXH Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa và đang dần “giã từ” KHXH Xô viết, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chính, Khoa Nhân học, ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)