Ánh mắt trong tranh của Rembrandt

Các bức tranh của Rembrandt được kết hợp giữa các nét mờ và các chi tiết nhằm “hướng” ánh mắt về những khu vực dễ gây xúc động cho người xem.

Rembrandt (1606-1669), một trong những họa sĩ ấn tượng nhất của thế kỷ XVII, thuộc trường phái baroc châu Âu, thường vẽ các bức tranh thu hút người xem nhờ sự kết hợp giữa các nét mờ tại một số vị trí của khuôn mặt và các chi tiết rõ ở mắt hay khóe môi. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật và các chuyên gia về cảm nhận từ lâu đã đặt câu hỏi: điều gì đã làm nên sự thần kỳ của các bức tranh này và đi tìm câu trả lời.

Hiệu quả đặc biệt

Steve Di Paola và các cộng sự thuộc Đại học Simon Fraser và Đại học Colombia (Anh) đã nghiên cứu cách con mắt trong bức tranh thay đổi khi người xem tranh Rembrantd di chuyển. Để làm được điều này, họ đã sử dụng các máy quay có độ chính xác cao và các phần mềm đo thời gian nhìn, số điểm quan sát và tốc độ của ánh mắt người xem với con mắt trong tranh. Họ nhận ra rằng số lượng các điểm cố định mà mắt người xem nhìn tranh của Rembrandt ít hơn so với tranh của các họa sĩ thời trước ông cũng như các họa sĩ đương đại, những người thường có mức độ các chi tiết đồng đều hơn. Mắt người xem thường hướng về các khu vực chính của khuôn mặt, nơi tập trung các chi tiết biểu cảm hoặc tính cách của nhân vật, như mắt hay miệng và dừng lại ở đó lâu hơn. Ngược lại, ánh mắt thường lướt qua, hoặc dừng lại rất ít ở những khu vực mà người họa sĩ cho rằng quan trọng. 


Bức Evangelist Mathaus and Angel, 1661

Portrait of Saskia as Flora, 1635

Các bức tranh của Rembrandt có tính cách tân cao và đến thời nay vẫn khiến chúng ta phải kinh ngạc, đặc biệt bởi khả năng tạo một bức hình với các điểm vẽ có chi tiết hoàn toàn đồng nhất: các vòng ngoài của khuôn mặt thường được làm mờ, làm giảm sự chú ý của mắt người xem vào đó. Ngược lại, ánh mắt của người xem sẽ tập trung vào chi tiết chính: các con mắt, đôi khi chỉ là một con mắt, thí dụ như trong bức tranh tự họa mà ông vẽ vào thời điểm cuối đời.

Các nhà tâm lý học đã tiến hành một thử nghiệm thú vị để khẳng định hiệu ứng này: họ dùng các phần mềm xử lý ảnh để thay đổi một số chi tiết trong tranh của Rembrandt, thí dụ như làm mờ ánh mắt của nhân vật trong tranh và đưa cho những người khác xem và đánh giá. Kết quả thu được là: mắt của người xem thường bị các con mắt có độ chi tiết lớn hơn ở trong tranh thu hút. Như vậy, Rembrandt có vẻ là người tiên phong trong việc đưa ra các nguyên tắc cơ bản về sự cảm nhận hội họa cho người thưởng thức.

Ngoài việc sáng tạo ra các hiệu quả đặc biệt này, kỹ thuật vẽ cơ bản của Rembrandt cũng giống như các họa sĩ khác cùng thời. Ánh sáng thường được vẽ mờ, sử dụng các điểm nhấn theo lối vẽ đắp dày. Các vùng bóng mờ thường được vẽ nhờ màu nhạt, nhưng có lớp vẽ mỏng hơn phần ánh sáng.

Vài nét về người nghệ sĩ tài ba

Rembrandt Harmenszoon van Rijn là họa sĩ người Hà Lan. Bên cạnh việc được coi là một trong những họa sĩ và người thợ khắc bản in vĩ đại nhất của châu Âu, ông cũng là họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật Hà Lan. Những đóng góp của ông cho nghệ thuật bắt đầu từ thời kỳ mà các nhà lịch sử bây giờ gọi là Thời kỳ Hoàng kim Hà Lan.


Bức Night Watch, vẽ năm 1642

Ngay từ hồi còn trẻ, Rembrandt đã là một họa sĩ thành danh trong các bức chân dung, những bức vẽ thể hiện bi kịch cuộc sống cá nhân và tình trạng nghèo khó về tiền bạc trong những năm sau này càng chứng tỏ tài năng thiên bẩm của ông. Những bức tranh nổi tiếng nhất của ông chính là các bức vẽ về các nhân vật thời đó, các bức tự họa và các hình minh họa trích đoạn của Kinh thánh. Chính các bức tranh tự họa của ông đã làm thành một “lý lịch” độc đáo và chân thật nhất về cuộc đời của ông, trong đó, người nghệ sĩ coi mình không phải là người thích hư danh và thành thật.

Trong hội họa cũng như tranh khắc gỗ, ông đã chứng tỏ mình làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật mô tả hình tượng, trong đó không ít kỹ thuật được tạo ra bằng chính kinh nghiệm của bản thân. Chính vì vậy, các bức tranh về quang cảnh trong Kinh thánh được hình thành từ không chỉ kiến thức ông thu nạp được từ Kinh thánh, mà cả sự điêu luyện trong bố cục hội họa và sự quan sát tinh tế của ông với người Do Thái ở Amsterdam. Chính vì thiện cảm của ông đối với nhân tình thế thái mà ông được người đời sau gọi là “một trong những con người vĩ đại đã tạo ra nền văn minh cho nhân loại”.
    Vương Tiến  (Theo Pour la Science,
cleagreengems.com và Wikipedia)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)