Ba giải pháp thúc đẩy nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc

Trung Quốc đã phải trải qua một chặng đường dài với nỗ lực của cả cộng đồng khoa học, đặc biệt từ Quỹ KH&CN quốc gia nhằm xây dựng một môi trường nghiên cứu minh bạch, gia tăng đầu tư vào khoa học cơ bản và thúc đẩy ứng dụng của các nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, khoa học Trung Quốc có thể tăng cường đóng góp vào sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.


Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500m ở Quý Châu là một trong những dự án khoa học lớn của Trung Quốc.

Mùa hè năm 1992, Xiaogang Peng là postdoc tại khoa Hóa học trường Đại học Cát Lâm ở Trường Xuân – một vùng hẻo lánh Nam Trung Quốc, và mơ ước có chân trong một phòng thí nghiệm hàng đầu của Mỹ. Vài năm sau, anh đạt được ước mơ đó, thậm chí còn đăng trên Nature một công trình nghiên cứu về công nghệ nano với các đồng nghiệp ở trường Đại học California ở Berkeley vào năm 1996. Năm 2005, anh trở thành giáo sư chính thức (tenured professor) của trường Đại học Arkansas. Tuy nhiên, Xiaogang Peng đã từ giã “giấc mơ Mỹ”, trở về Trung Quốc và chọn làm việc ở trường Đại học Chiết Giang, Hàng Châu – một trong những địa chỉ nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia.

Không chỉ có Xiaogang Peng, nhiều nhà khoa học Trung Quốc xuất sắc khác cũng chọn cách quay về quê hương, trong số đó có nhà vật lý lượng tử Jian Wei Pan (trường Đại học KH&CN Hợp Phì) – người đưa Trung Quốc trở thành tiên phong trên thế giới về viễn tải truyền thông lượng tử (long-distance quantum communication): sử dụng các quy luật lượng tử để truyền tải thông tin trong trạng thái bảo mật. Vì sao họ lại trở về? Vì môi trường nghiên cứu Trung Quốc đã thực sự tạo điều kiện cho các nhà khoa học? Mu Ming Poo, nhà nghiên cứu ở Viện Khoa học thần kinh (Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc) ở Thượng Hải cho biết: “Chính phủ đã bắt đầu nhận ra việc tăng đầu tư cho khoa học và kêu gọi tài năng ở nước ngoài về vẫn chưa đủ, cần xây dựng được cơ sở hạ tầng và cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Không dễ dàng thực hiện được điều này, trước hết về nhận thức. Trong nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, hoạt động R&D chủ yếu là ngắn hạn và chỉ tập trung vào công nghệ. Phần lớn các khoản tài trợ công đều rót vào những lĩnh vực như động cơ turbine mới, tàu cao tốc, pin mặt trời hoặc các loại thuốc với tầm nhìn 5 đến 10 năm. Để tập trung vào những vấn đề gốc rễ khoa học của các công nghệ, Trung Quốc cần có cái nhìn bao quát và dài hơi trong đầu tư khoa học.

Họ cũng bắt đầu đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản nhưng lại tạo ra một bức tranh tương phản: nếu năm 1997, tỷ lệ công bố quốc tế chiếm 2,5% so với tổng số công bố của thế giới thì tới năm 2015 đã là 18,8% (theo dữ liệu Scopus của Elsevier) – nhưng vẫn có nhiều chỉ trích về chất lượng công bố. Ví dụ, theo nhiều lời chỉ trích thì các trường đại học Trung Quốc đã trở thành “những công xưởng sản xuất giấy” do chạy theo số lượng hơn là chất lượng công bố. Hậu quả là tầm ảnh hưởng vẫn ở mức thấp: ví dụ trong lĩnh vực hóa học có ít phản ứng hoặc quy trình phản ứng gắn liền với tên tuổi các học giả Trung Quốc, dẫu cho họ xuất bản công trình nhiều hơn các quốc gia khác. Những hành vi sai trái trong nghiên cứu – bao gồm cả viết thuê công bố – cũng phát triển rầm rộ, bằng chứng là nhiều công trình của các nhà khoa học Trung Quốc bị rút lại từ hệ thống BioMed Central, Elsevier và Springer trong những năm 2013-2015.

Giới công nghiệp và một số quan chức chính phủ vẫn phàn nàn rằng nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực như toán thuần túy hoặc vật lý cơ bản đều không liên quan đến sự phát triển kinh tế hay đời sống xã hội. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khoa học Trung Quốc đạt 55% năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 88% của Mỹ cùng thời gian. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, ngân sách chi cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc chỉ 4,7% so với Đức 24,1% ở Pháp, 17,6% ở Mỹ hay 12,6% ở Nhật Bản năm 2013.

Do đó, họ nhận thấy để tạo ra một môi trường nghiên cứu lành mạnh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần tăng cường chất lượng và duy trì tính liêm chính trong nghiên cứu cơ bản. Chất lượng cần thiết hơn số lượng và sự liêm chính là cách tốt nhất để đảm bảo chất lượng. Khi có được những điều này, sự đầu tư cho khoa học sẽ tăng lên.

Áp dụng những tiêu chuẩn xác thực

Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh trên tất cả các thứ bậc có thể đo đếm nhưng về tổng thể thì nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc vẫn phát triển chậm, ví dụ quốc gia này chỉ có một nhà khoa học đoạt giải Nobel và Trung Quốc vẫn đứng sau nhiều cường quốc khoa học về chỉ số trích dẫn – hệ số Field Weighted Citation Impact của Trung Quốc vẫn là 0,86 vào năm 2015, thấp hơn tỷ lệ trung bình của thế giới (1,0).

Vì thế cần phải nâng cao hơn tiêu chuẩn chất lượng với những bài báo được nhiều trích dẫn và tạo ra nhiều kết quả mang tính đột phá. Để làm được điều này, Trung Quốc hy vọng vào vai trò của Quỹ KH&CN Trung Quốc và Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc. Được thành lập vào năm 1986, đến năm 2016, Quỹ KH&CN Trung Quốc quản lý 24,8 tỷ NDT, gấp hơn 300 lần vốn khởi điểm (80 triệu NDT, tương đương 12,2 triệu USD). Các công bố từ đề tài do Quỹ tài trợ chiếm 62,1% tổng số công bố của Trung Quốc, chiếm 11,5% tổng số công bố của giới hàn lâm toàn cầu – theo số liệu năm 2015. Theo giáo sư Wei Yang, người được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch NSFC vào năm 2013, “nhiệm vụ của Quỹ là trở thành người bạn của các nhà khoa học: công bằng trong đánh giá; khuyến khích nghiên cứu dài hơi; hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu; hiệu quả trong quản lý; phong phú trong tài trợ…”

Cái khó đầu tiên đối với Quỹ KH&CN Trung Quốc là hệ thống các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc rất đa dạng với hơn 1.000 viện nghiên cứu về khoa học cơ bản, mỗi nơi tập trung vào một trọng tâm phát triển khác nhau, và hơn 1.000 trường đại học, mỗi trường lại có một sự kết hợp khác biệt trong nghiên cứu và giảng dạy. Hơn nữa, mỗi nơi lại nhận được nguồn đầu tư khác nhau, ví dụ trường ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) mỗi năm nhận được gần 5 tỷ NDT đầu tư cho nghiên cứu từ nhiều nguồn nhưng ngược lại cũng có những trường đại học vùng chỉ có ngân quỹ nghiên cứu vài triệu NDT mỗi năm. Việc đánh giá dựa vào số lượng công bố có thể phù hợp với một viện nghiên cứu mới thành lập với khoảng 10 công bố mỗi năm nhưng lại không tương thích với một trường đại học lớn có tới 10.000 công bố một năm.


Nhà vật lý lượng tử Jian Wei Pan – một trong 10 gương mặt xuất sắc năm 2017 của Nature đã rời châu Âu về Trung Quốc làm việc.

Vì vậy, mỗi viện nghiên cứu phải biết lựa chọn đầu tư trọng tâm trước nhiều cơ hội lựa chọn: một cá nhân có khả năng làm được nhiều công bố quốc tế, hay dự án có khả năng đem lại tầm ảnh hưởng lớn, hứa hẹn được trích dẫn cao, nếu dự án có ý nghĩa toàn cầu hoặc tạo ra một đột phá khoa học. Mỗi viện nghiên cứu phải lập được kế hoạch dài hạn phù hợp với truyền thống nghiên cứu, cơ sở vật chất và cả mục tiêu trong tương lai. Việc đánh giá trong các viện nghiên cứu cần phải được tiến hành mỗi khi có dự án kết thúc hoặc khi viện được đầu tư nâng cấp.

Một vấn đề khác là cách phân bổ kinh phí cơ bản nào là tốt nhất? Cần đầu tư vào những dự án khoa học nhằm giải quyết “những thách thức xã hội” hay cho những ý tưởng tiên phong? Ví dụ như Quỹ KH&CN Trung Quốc đầu tư 70% kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, 10% cho những tài năng và 20% cho những dự án nghiên cứu lớn mang tính thách thức và rót vào những cơ sở nghiên cứu mới.

Tăng cường tính liêm chính học thuật

Trong thập kỷ vừa qua, Bộ Giáo dục và Quỹ KH&CN Trung Quốc, Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc đã thực hiện thành công cuộc vận động công khai chống hành vi gian dối trong xuất bản. Phần lớn các viện nghiên cứu đều có những biện pháp xử lý những trường hợp bị nghi ngờ là gian dối hoặc xác định là vi phạm đạo đức khoa học, thậm chí ở một số nơi như trường đại học Chiết Giang, Hàng Châu, còn thực hiện chính sách không khoan nhượng: giáo sư Wei Yang trong thời gian làm hiệu trưởng ĐH Chiết Giang đã phát hiện ra 40 trường hợp sai trái, hơn 20 nhà nghiên cứu liên quan bị kỷ luật, những công việc thực hiện trong quá trình gian lận đều bị rút lại, kể cả bằng cấp, 3 người bị thôi việc, 4 người bị cắt, giảm lương, số còn lại bị thông báo công khai hoặc cảnh cáo nội bộ, một vài người bị cấm nhận nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, Wei Yang cũng thừa nhận: “Thật khó khăn để xây dựng tính liêm chính học thuật nếu như trong những khía cạnh khác của cuộc sống vẫn còn nhiều điều đáng nghi ngờ về tính liêm chính”.

Kết quả là những hành vi gian dối đã giảm xuống, dẫu chưa thể dứt hẳn. Sự giống nhau giữa các bài báo gửi tới các nhà xuất bản và các bài báo đã được xuất bản cũng ít dần. Văn hóa của các nhà nghiên cứu trẻ cũng dần thay đổi từ “tại sao không gian dối” thành “không đáng để làm thế”.

Để đấu tranh với nạn gian dối trong khoa học, Quỹ KH&CN Trung Quốc đã làm những gì? Họ quyết tâm thay đổi ba điều là quan điểm, cơ cấu và phương pháp trong xét duyệt tài trợ.

Thay đổi quan điểm – từ giấu giếm bao che cho gian dối đến phơi bày nó – là điều cốt lõi. Quỹ KH&CN Trung Quốc đang thi hành việc kiểm tra tương tự với việc phân bổ tài trợ cho các đề xuất và hiện xuất bản thông cáo báo chí hằng năm một cách chi tiết về những trường hợp bị phát hiện gian dối học thuật. “Kể từ năm 2000, chúng tôi đã đưa thêm những thông tin mới vào chính sách tài trợ của Quỹ, từ việc bảo mật thông tin xét duyệt đề tài đến sự minh bạch trong đánh giá nghiên cứu. Ví dụ mỗi hội đồng khoa học đều được đòi hỏi phải giám sát việc xét duyệt của hội đồng khác bằng việc bỏ phiếu đánh giá quy trình xét duyệt của những đồng nghiệp khác”, Wei Yang – chủ tịch Quỹ KH&CN Trung Quốc, cho biết.

Thay đổi về cơ cấu trong các viện nghiên cứu là điều thiết yếu để tách quản lý hành chính với quản lý khoa học và ngăn chặn tham nhũng. Ví dụ, Quỹ KH&CN Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp có thể áp dụng rộng rãi với một số cơ quan quản lý quỹ khác: các nhà quản lý hành chính không tham gia vào xét duyệt học thuật. Các thành viên của Quỹ cũng không có quyền truy cập thông tin liên quan đến nhiệm vụ của mình và một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia cao cấp đã được thành lập để tránh xảy ra xung đột về lợi ích, các hội đồng khoa học đều được trao quyền để có thể bảo vệ quan điểm khoa học và đạo đức học thuật.

Thay đổi về phương pháp đánh giá nghiên cứu giúp loại trừ gian dối trong nghiên cứu. Một cuộc vận động ở cấp quốc gia chống lại việc đánh giá nghiên cứu dựa trên số lượng công bố được tiến hành. Chi phí cho nhân lực đang được tháo gỡ. Một cấu trúc tài trợ hợp lý đang được tiến hành xây dựng với mục tiêu làm giảm bớt sự phân tán trong nguồn tài trợ và nhất thiết tất cả các xét duyệt tài trợ đều do một bộ phận chuyên nghiệp thực hiện. “Chúng ta cần quen với việc đánh giá ngoài bởi một hội đồng quốc tế và thanh toán cho các chi phí nghiên cứu một cách gián tiếp” – ông Wei Yang cho biết.

Thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu – sản xuất

Để những đổi mới sáng tạo trong khoa học cơ bản đem lại lợi ích cho nền kinh tế, toàn bộ khâu phát triển – từ nghiên cứu ban đầu đến phát triển công nghệ, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường – phải được chăm chút nuôi dưỡng.

Quỹ KH&CN Trung Quốc đang nuôi dưỡng nguồn lực khoa học cơ bản. Phần còn lại của chuỗi giá trị này đang được Bộ KH&CN Trung Quốc khuyến khích thông qua Các sáng kiến Công nghệ và kỹ thuật quốc gia (16 sáng kiến này sẽ được thực hiện đến năm 2020 và 15 dự án khác được mở rộng đến năm 2030) và Các dự án nghiên cứu trọng điểm quốc gia (36 dự án đã bắt đầu vào năm 2016). Các chương trình này đều kết nối với các nhà nghiên cứu, các nhà phát triển công nghệ và các nhà đầu tư mạo hiểm. Các ví dụ bao gồm dự án về xử lý ô nhiễm không khí, tăng cường sử dụng năng lượng carbon thấp trong kỹ thuật hóa học và các trạm nghiên cứu dưới đáy biển để khám phá đại dương.

Ông Wei Yang kết luận, có 4 điểm cần chú ý: 1. Không ngừng khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá khoa học lớn. Với những lĩnh vực khoa học cơ bản như vật lý cơ bản và thiên văn cần phải có kế hoạch dài hạn bởi nghiên cứu trong lĩnh vực này đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn như trường hợp phát hiện ra sóng hấp dẫn năm 2016; 2. Sử dụng các thước đo thích hợp để đánh giá nghiên cứu; 3. Xây dựng một hệ sinh thái học thuật lành mạnh và phù hợp để các nhà nghiên cứu có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu hơn là chất thêm gáng nặng thủ tục giấy tờ hoặc khiến họ phải nghĩ cách “xử lý” vấn đề tài chính; 4. Thiết lập một mô hình kinh doanh cho riêng Trung Quốc để xác định đúng những nghiên cứu ứng dụng và nuôi dưỡng nó.

Thanh Nhàn tổng hợp từ Nature và The Guardian
Nguồn: https://www.nature.com/news/policy-boost-basic-research-in-china-1.20117
https://www.theguardian.com/science/2018/feb/18/china-great-leap-forward-science-research-innovation-investment-5g-genetics-quantum-internet

 

Tác giả