Ba Kim- chỉ biết nói thật.

Trong cuộc cách mạng văn hóa (CMVH), là đại trí thức xuất thân gia đình địa chủ quan lại, Ba Kim (1904-2005) càng bị hành bạ sỉ nhục: ngày lao động cải tạo, tối đấu tố, đêm ngủ chuồng trâu. Vợ ông vì thương chồng già mà xin chịu các trận đòn roi thắt lưng da có khóa đồng của Hồng Vệ Binh thay ông, do đó ốm yếu rồi chết năm 1973, để lại ông sống nốt 32 năm cô đơn.

 Như nhiều người khác, Ba Kim buộc phải giấu giếm suy nghĩ thực sự, phải phủ nhận chính mình, tiếp nhận sự đấu tố ấy là đúng và tự nguyện “cải tạo”. Quách Mạt Nhược, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc, viết trên báo: “Toàn bộ các sáng tác của tôi hơn 50 năm qua đều đáng vứt đi hết”. Đại trí thức mà còn không dám vạch cái sai của CMVH, nói gì dân thường?
Sau CMVH, trong khi hầu hết người Trung Quốc trút tất cả tội cho “Lũ 4 tên” thì Ba Kim bỏ hẳn 8 năm để chuyên viết về đề tài này với phương thức tự mổ xẻ bản thân, vạch ra sai lầm của mình và sám hối vì các sai lầm đó. 150 bài viết của ông với tổng số hơn 400 nghìn chữ được tập hợp lại và in thành 5 tập, gọi chung là Tùy Tưởng Lục (ghi chép tản mạn), xuất bản năm 1986.
 

Hãy xem vài trích đoạn trong Tùy Tưởng Lục: “Năm 1978, khi đi lao động cải tạo, tôi bị lôi ra bờ ruộng cùng các địa chủ trong vùng chịu đấu tố, tôi đã cúi đầu nhận tội… Tôi hoàn toàn dùng đầu óc của kẻ khác để suy nghĩ. Họ thét lớn Đả đảo Ba Kim, tôi cũng giơ cao tay hét theo. Tôi đâu có giả vờ thế mà thật lòng tỏ ý tự nguyện để người ta đánh gục mình xuống đất đen, từ đó bắt đầu làm lại cuộc đời. Thậm chí tôi còn khổ tâm vì Phái Tạo Phản không thông cảm với nguyện vọng ấy của tôi…”. “Giờ đây trên giường bệnh, nhớ lại 10 năm thân trâu ngựa của mình, tôi luôn tự trách: chỉ có mù quáng sùng bái (lãnh tụ tối cao) thì mới có thể biến con người thành trâu ngựa, và bản thân tôi vẫn có trách nhiệm trong việc đó…”. “Hồi ấy cũng chỉ vì không có dịp mà tôi chưa phê đấu bất cứ ai thôi. Giả thử được phê đấu người khác thì có lẽ tôi sẽ coi đó là dịp may mắn nhường nào. Tôi thường nghĩ và nói: hồi ấy nếu (vì cải tạo tốt mà) tôi được giải phóng và trọng dụng thì có lẽ tôi cũng đã làm khối chuyện ngu xuẩn, thậm chí xấu xa… Tôi sở dĩ giữ được sự trong sạch của mình chỉ là do tôi bị cấp trên cho ra rìa mà thôi...”
Thật là những lời sám hối chân thành nhất, hiếm ai đủ dũng cảm viết như thế! Đó là sự tự mổ xẻ linh hồn mình, tự trách, tự phán xét, đạt tới cõi cao cả của Thận độc – một phép tu thân của người xưa: dù sống một mình cũng vẫn nghiêm túc. Ba Kim tự nhận đã xa rời các tiêu chuẩn đạo đức mình từng xác lập ngày còn trẻ, như chính nghĩa, hy sinh mình, giúp kẻ khác… Vì để bảo toàn bản thân mà ông đã nói những lời dối trá, đã phê phán người khác. Dám phơi bày trước công chúng kết quả mổ xẻ linh hồn mình và sự sám hối nhận lỗi – đây là một lần phục hồi và thăng hoa nhân cách Ba Kim, khiến người TQ rất kính phục.
Trong 8 năm viết và đăng báo các bài nói trên, không ít bạn bè khuyên ông: già yếu rồi, nên nghỉ thôi, chớ viết Tùy Tưởng Lục nữa. Nhưng ông nói: “Điều quan trọng nhất đối với một nhà văn là lương tâm nghệ thuật”. “Nếu tôi làm bản tổng kết cuộc sống đau khổ ấy, triệt để mổ xẻ bản thân để làm rõ mọi chuyện ngày ấy, thì chưa biết sẽ có một ngày nào đó tình hình thay đổi, tôi lại trúng phải thuật thôi miên, biến thành một kẻ khác. Điều đó đáng sợ quá! Đây là một món nợ về tâm linh mà tôi sớm trả hết. Nó như một cái roi quất vào trái tim tôi.” “Tôi phải viết tiếp Tùy Tưởng Lục bằng việc mổ xẻ, phê phán chính mình, Tôi viết cũng là tôi đào bới, khai quật linh hồn mình. Phải đào thật sâu nữa, nhìn thật rõ nữa. Nhưng càng đào sâu thì lại càng đau lòng và cũng càng khó. Viết tiếp chẳng phải là một việc dễ dàng gì. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng phải cố viết, cố đào. Tôi tin rằng cố gắng của mình không phải là vô ích”.
Tôi gọi Tùy Tưởng Lục là “bộ sách nói thật”, là lời sám hối, là di chúc để lại cho đời nhằm để sau này TQ mãi mãi sẽ không xảy ra tấn thảm kịch như CMVH nữa. Vì mục đích cao cả đó, khi đã 80 tuổi ông vẫn nằm trên giường bệnh đọc cho con gái chép các bài viết. Ông nói: “Tôi cho rằng Đại họa 10 năm ấy… nếu nó không xảy ra ở TQ hồi đó thì sau này có thể xảy ra ở nơi khác”.
Giới trí thức TQ đánh giá cao bộ sách này. Nhà văn Trần Hoang Môi nhận xét: Tùy Tưởng Lục quán triệt nguyên tắc “Nói Thật”, vừa thể hiện sự phản tỉnh và tổng kết (về CMVH) của Ba Kim đạt tới tầm cao lịch sử, vừa thể hiện tình yêu tổ quốc, nhân dân và lương tâm của một nghệ sĩ chân chính. Bà Trầm Dung nói: Sở dĩ Tùy Tưởng Lục được gọi là giai phẩm văn học và tư liệu lịch sử, tất cả là do tác giả đã nói sự thật. Bà Viên Ưng nói: Tùy Tưởng Lục thấm nhuần tinh thần trách nhiệm lịch sử sâu nặng của nhà văn hóa lớn đối với lịch sử, thời đại, dân tộc và đất nước. Trong bài “Lời kêu gọi thành khẩn nhất”, Vương Mông (nguyên Bộ trưởng Văn hóa) viết: Qua Tùy Tưởng Lục, có thể nghĩ tới việc văn học có nên vạch trần CMVH và “vết sẹo xã hội” hay không. Có người phản đối việc vạch vết sẹo, có người chỉ muốn làm một nhân vật vĩ đại chịu khổ mà không tố khổ, dường như thế mới là cách tốt nhất yêu quý bảo vệ nhà nước và sự nghiệp. Ba Kim không gây ra sẹo, mà qua việc mình “trả nợ” đã phản ánh trách nhiệm của một công dân và nhà văn chính trực đối với đất nước và lịch sử. Tùy Tưởng Lục là lời kêu gọi thành khẩn nhất, hô hào mọi người có thái độ trách nhiệm với lịch sử và tổ quốc. Nếu ai cũng làm được như thế này thì đất nước này sẽ có hi vọng. Trong bài “Chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm”, nhà văn hóa Uông Tăng Kỳ nói: Ba Kim luôn luôn là một tâm hồn rỉ máu đau khổ; khác với những người che giấu lỗi lầm, khi nghĩ lại cuộc CMVH, ông coi mình là “chủ nợ”, tự mổ xẻ mình tới mức tàn khốc; đồng thời vượt qua đau khổ, lấy lại lòng tự tin, tràn đầy hi vọng vào tương lai. Lý Tồn Quang, nhà nghiên cứu tác phẩm Ba Kim nhận định Tùy Tưởng Lục là tác phẩm tiêu biểu có giá trị nhất của Ba Kim kể từ thập kỷ 50 trở lại. Trương Quang Niên viết: Đọc Tùy Tưởng Lục, bạn đọc TQ và nước ngoài cũng như con cháu đời sau sẽ hiểu được tư duy của người đại diện ưu tú nhất của giới trí thức TQ sau 10 năm loạn lạc. Ba Kim già yếu ốm đau lại hay bị kẻ khác vô tình hoặc cố ý hiểu nhầm và cản trở, thực ra chính ông mới là bạn chiến đấu thân thiết nhất của Đảng CSTQ; Đảng ta vô cùng cần có những người bạn dũng cảm và bộc trực khuyên bảo như vậy. Chúng ta học Ba Kim là phải đề xướng việc nhà văn bàn chuyện chính trị, chuyện xã hội. Nhiều nhà văn nhận xét: Tùy Tưởng Lục  đã phát hành, song thời gian xuất bản, chất lượng in ấn và số lượng phát hành cũng như bình luận tác phẩm đều không được như mong muốn của mọi người; các giới văn học, xuất bản và báo chí truyền thông có sứ mạng coi trọng và đánh giá đúng giá trị và ý nghĩa của tác phẩm này.
Từ nhỏ, ai cũng được dạy phải nói thật, nhưng nói dễ làm khó. Dám nói thật về một sự kiện xấu hầu hết mọi người muốn “ỉm” đi – điều đó chứng tỏ nhân cách cao cả của Ba Kim.

Nguyễn Hải Hoành

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)