Bắc Cực đang lâm nguy

Chịu từ những đám cháy dữ dội đến hiện tượng băng tan liên tiếp lập kỷ lục, Bắc Cực lâm vào nguy kịch và đang kêu cứu.

 



Băng biển đã thưa thớt hơn rất nhiều. Những con hải mã khó tìm các tảng băng lớn để nghỉ ngơi, sinh đẻ và chăm sóc con. Ảnh: oceana.ca



Trong hành trình nghiên cứu ở biển Bering và hạ cánh tại thành phố Anchorage thuộc bang Alaska vào tháng 7 vừa qua, Chelsea Wegner, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Maryland ở Solomons đã rất sốc khi nhìn thấy những đám khói làm tối cả bầu trời và lần đầu tiên trong lịch sử nhiệt độ ở Anchorage vượt qua ngưỡng 32oC.
“Đây thực sự là một khoảnh khắc kỳ dị”, Wegner thốt lên và cho biết rằng khí hậu ấm lên bất thường đã làm tan chảy gần như toàn bộ băng biển ở biển Bering.
Sau đó, nhìn từ trên con tàu phá băng Canada ở ngoài khơi Alaska, Chelsea Wegner thấy không có một tảng băng nào để những con hải mã có thể vào nằm nghỉ ngơi, sinh đẻ và chăm sóc con trong mùa hè ở Bắc Cực. 
Không chỉ một mình Wegner sốc, mà giờ đây mỗi ngày các nhà khoa học sẽ phải theo dõi những con số kỷ lục mới về quá trình tan băng ở đây – tình trạng hiện nay là một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất kể từ năm 1979.
Trong bài viết dưới đây, Nature tổng kết một loạt những thách thức mà Bắc Cực đang phải đối mặt khi một mùa hè tới đây, với mức độ khắc nghiệt chưa từng có đang ngày càng đến gần.
 
Băng biển biến mất trong vòng 240 km từ Alaska
 
Chu trình băng biển ở Bắc Cực là đóng băng vào mùa đông và tan chảy vào mùa hè. Nhưng sự ấm lên đáng ngạc nhiên trong mùa đông và xuân hiện nay ở Bắc Cực đã cản trở quá trình đóng băng trên, và đó là dấu hiệu cho một thảm kịch băng tan sẽ diễn ra vào mùa hè tới.
Điều này thể hiện rõ nhất ở vùng biển Bering. Trong suốt mùa xuân và mùa hè, băng biển Bắc Cực tan chảy nhanh hơn bình thường ở các khu vực như biển Beaufort và trung tâm Bắc Cực. Phạm vi và khối lượng băng đạt mức thấp kỷ lục hằng tháng trong tháng 7 và đỉnh điểm là đến đầu tháng 8 vừa qua, băng biển đã biến mất trong phạm vi 240 km tính từ bờ biển Alaska. “Chúng tôi chưa từng chứng kiến hiện tượng này trước đây”, Alice Bradley, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vùng cực tại Đại học Williams ở Williamstown, Massachusetts nói.




Alaska đang trải qua một đợt nắng nóng từ tháng 4 – 8 năm 2019. Nhiệt độ ở  Anchorage lần đầu tiên vượt ngưỡng 32oC trong lịch sử. Ảnh: NOAA Climate/RTMA



Mặc dù lượng băng tan này vẫn chưa thể vượt qua mức kỉ lục là 3.387 triệu km2 vào ngày 17/9/2012 nhưng nó là bằng chứng cho thấy băng biển đang bị cuốn vào vòng tan rất nhanh. Lượng băng biển Bắc Cực sẽ vẫn còn tiếp tục chạm đáy trong năm nay.
Kể từ năm 1981 đến năm 2010, cứ mỗi năm năm một lần, các nhà khoa học theo dõi diện tích băng biển trung bình và ghi nhận thấy hiện tượng băng biển Bắc Cực đang suy giảm nhanh chóng. Mức được ghi nhận trong tháng 7 thấp hơn 47% so với mức trung bình trong suốt giai đoạn 1979-2018.
Còn ngay bây giờ là thời điểm bắt đầu đóng băng hằng năm nhưng phần lớn băng được hình thành là băng mỏng, rất dễ bị tan chảy vào năm tới.
 
Greenland “đang bị nướng”
 
Hậu quả của nhiệt độ cao là dải băng khổng lồ của Greenland, hòn đảo lạnh giá lớn nhất trên thế giới với 81% diện tích bị băng bao phủ, đã “bị nướng” vào mùa hè vừa qua: Nhiệt độ trên đảo tăng vọt lên tới 12oC so với mức trung bình vào cuối tháng 7. Tại trạm Summit Station, trạm nghiên cứu cao nhất trên băng, nhiệt độ đã vượt lên trên điểm đông của nước vào ngày 30 và 31 tháng 7. Các hồ sơ lưu trữ trước đây đã cho thấy mức độ hiếm có của hiện tượng này, bởi vì trong suốt khoảng thời gian từ những năm 500 cho tới 1994, hiện tượng này chỉ xảy ra tám lần.
Trong đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài năm ngày, Greenland đã mất khoảng 55 tỷ tấn băng – trong đó, khoảng 13 tỷ tấn băng bị mất đi chỉ trong duy nhất một ngày 1/8. Đó là lượng băng lớn nhất ở đây biến mất trong vòng 24 giờ kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi nhận số liệu này kể từ năm 1950.
“Hiện tượng tan băng ở Greenland có thể đã khiến cho mực nước biển dâng trên toàn cầu tăng 1.5mm trong năm nay”, Xavier Fettweis, nhà khoa học chuyên nghiên cứu vùng cực, Đại học Liège ở Bỉ nói khi so sánh khối lượng băng bị mất vào mùa hè và khối lượng thu được từ tuyết rơi mùa đông, Greenland có thể đã mất – thậm chí nhiều hơn – so với năm thời tiết rất cực đoan là năm 2012.


Nhiệt độ tăng vọt ở các xứ tuyết
 
Tháng 7 năm nay là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới, theo dữ liệu của Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu và Cơ quan Khí quyển và Hải dương học Quốc gia Hoa Kỳ. 
Và ở các vùng cực Bắc của Alaska, miền Tây Canada và miền Trung nước Nga từ tháng 1 đến tháng 7 trung bình đều có nhiệt độ ấm hơn ít nhất 2°C. Hàng ngàn con chim biển chết trong tháng 7 và 8, chủ yếu do đói ở vùng biển bị nóng lên hơn bình thường, và đây là năm thứ năm liên tiếp điều này xảy ra. Alaska vẫn đang phá vỡ kỷ lục nhiệt độ vào đầu tháng 9.
Tại Thụy Điển, nhiệt độ ngôi làng Markusvinsa ở phía Bắc chạm ngưỡng nhiệt 34,8°C vào ngày 26 tháng 7 – nóng nhất từng được ghi nhận tại quốc gia nằm trên vùng Bắc Cực này. Cơn sóng nhiệt làm tan chảy Greenland vào cuối tháng 7 trước đó đã tàn phá miền Tây châu Âu rồi mới tràn tới Greenland, khiến nhiệt độ vượt quá 40°C ở Bỉ và Hà Lan – mức cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu.


Rừng phía Bắc cháy triền miên
 
Tất cả sức nóng đó đã biến những khu rừng phía Bắc thành những mồi lửa sẵn sàng cháy bất kì lúc nào. Hơn 1 triệu ha rừng bị cháy ở Alaska vào mùa hè này, chủ yếu ở miền Nam và miền Trung của bang. Mùa cháy bắt đầu sớm bất thường và đã kéo dài lâu hơn bình thường khiến Chính phủ Hoa Kỳ phải cử lính cứu hỏa đến đây thêm thời gian từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 để khắc phục những vụ cháy rừng kinh hoàng. 
Bên cạnh đó, hơn 2,6 triệu ha rừng ở Siberia đã bị cháy kể từ tháng 7, bao trùm các thành phố trên khắp các miền Đông nước Nga trong biển khói. Nhiệt độ cao, gió và giông bão đã làm châm ngòi và lây lan những vụ cháy rừng khiến Nga phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 7 đối với một số khu vực ở Siberia.
Cháy rừng ở Alaska và Siberia đã bắt đầu giảm dần vào tháng 8 nhưng vẫn được xếp hạng là những vụ cháy rừng lâu nhất ở Bắc Cực từng được ghi nhận. Chỉ riêng trong tháng 6, cháy rừng đã thải ra 50 triệu tấn carbon dioxide – gần bằng lượng khí thải CO2 hằng năm của Thụy Điển và hơn tổng lượng khí thải ra từ tất cả các vụ cháy rừng ở Bắc Cực trong chín tháng gần đây nhất, theo Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus của Ủy ban châu Âu .
Ngay cả Greenland, nơi hiếm khi thấy cháy rừng, cũng đã trải qua một số trận cháy rừng trong đợt nắng nóng kỷ lục vào mùa hè này. □
 
Đức Phát dịch
Nature 573, 320-321 (2019)doi: 10.1038/d41586-019-02653-x 
Nguồn https://www.nature.com/articles d41586019 02653-x?fbclid=IwAR3_n_oFP1cSshl6m9m 48Olu 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)