Bài toán Pioneer
Trong cuộc tọa đàm về tính khả thi của Pioneer do Tia Sáng tổ chức, đa số ý kiến đều cho rằng mục tiêu của nó phù hợp với Việt Nam, tuy nhiên vẫn cần các "điều kiện biên" để "chạy" chương trình này.
TS Phạm Đức Chính |
TS Hoàng Ngọc Long |
TS Nguyễn Ngọc Châu |
GS Nguyễn Bá Ân |
TS Nguyễn Văn Đức |
Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có nên áp dụng ngay Chương trình Pioneer, và nếu áp dụng thì cần những điều kiện gì và phải làm những gì? TS Nguyễn Ngọc Châu (Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật) cho rằng “rất cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt”. TS Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý & Điện tử) cũng cho rằng nội dung của Pioneer thực chất là các chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu mà ta “nên cố làm theo”. Song TS Long cho rằng “đây chưa phải là thời điểm để tìm công nghệ mới”, vậy nên Pioneer chỉ nên đặt mục tiêu là “nuôi dưỡng những nhà khoa học giỏi”. Ông cũng nêu một thực tế: cũng với từng đấy thiết bị “cũ kỹ” ở Việt Nam, song GS Darriulat vẫn có thể có nghiên cứu công bố trên tạp chí “số một thế giới”, bởi vậy “đầu tư vào con người” vẫn là quan trọng nhất. Một khi có được những nhóm khoa học mạnh, nền kinh tế thực sự cần công nghệ thì mới tìm hướng nghiên cứu ưu tiên. Thời điểm này có thể là 5 năm sau. Không đồng ý với ý kiến “nuôi dưỡng nhà khoa học giỏi” của TS Hoàng Ngọc Long, GS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý & Điện tử) cho rằng “Việt Nam đã bồi dưỡng (đội ngũ làm khoa học) 30 năm nay rồi”. Vấn đề trước mắt chưa phải là “tìm đội ngũ giỏi” mà là “tìm người có trách nhiệm”: Cụ thể ai sẽ trả lời câu hỏi có nên tiến hành Pioneer hay không”. Nếu tiến hành thì cụ thể ai sẽ chịu trách nhiệm về chương trình này?
Một số ý kiến cũng lưu ý điểm khác biệt trong môi trường nghiên cứu giữa Hàn Quốc và Việt Nam khi “chạy” Pioneer. TS Phan Đức Chính cho rằng: “Hàn Quốc có thể chọn hàng trăm nhà khoa học ‘đầu tàu’ nhờ học đã có cái nền là không gian khoa học lành mạnh. Trong khi đó nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian trước mắt của ta là xây dựng một không gian văn hóa làm khoa học nghiêm túc”, song cũng nhận định: “Chương trình Pioneer có nhiều ưu điểm hấp dẫn. Vấn đề là phải tìm phương thức phụ hợp với hoàn cảnh cụ thể với các giải pháp đồng bộ đi kèm”. Ông Hải Nam (ĐH Bách Khoa HN) cũng nêu kinh nghiệm: “Những ai từng ở Hàn Quốc đều thấy người Hàn rất cần cù. Một sinh viên master hay PhD ở Hàn Quốc làm việc qua đêm ở Lab là bình thường”.
Giải pháp đồng bộ
TS Nguyễn Văn Đức (ĐH Bách Khoa HN) cho rằng “bài toán Pioneer” có thể giải được nếu như giải được “bài toán gốc” là thành lập được một Hội đồng đánh giá chuyên môn tài năng và công tâm: “Nếu giải được ‘bài toán Hội đồng’ thì giải ‘bài toán Pioneer’ sẽ rất dễ dàng”. TS Nguyễn Ngọc Châu thì đề nghị, tiêu chí thành viên Hội đồng phải là những nhà khoa học đang công tác, có kinh nghiệm nghiên cứu-đào tạo và có công bố quốc tế (trong thời gian gần đây).
Bên cạnh “bài toán Hội đồng”, TS Nguyễn Ngọc Châu đề nghị một mô hình nghiên cứu theo tổ chức của các trường đại học Mỹ: Tổ chức mỗi nhóm nghiên cứu thành 1 “Lab”. Nhóm nghiên cứu này gồm 2-3 nghiên cứu viên chính, 3-5 trợ lý nghiên cứu là nghiên cứu sinh. Trưởng nhóm nghiên cứu này phải được tuyển chọn chặt chẽ theo các tiêu chí quốc tế. Các nhóm nghiên cứu này được giao quyền tự chủ sáng tạo và ràng buộc cơ bản là phải có sản phẩm KHCN: bằng sáng chế và công bố quốc tế.
Giải pháp trước mắt, theo TS Phạm Đức Chính (Viện Cơ học), là “giảm số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh, nhưng tăng kinh phí cho từng nhóm, để có thể thuê chuyên gia quốc tế lãnh đạo các nhóm này, đặc biệt là ở các lĩnh vực gần gũi với ứng dụng và công nghệ thiết yếu cho nền kinh tế mà chúng ta còn yếu. Các chuyên gia quốc tế phải là các nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế, có kinh nghiệm lãnh đạo các nhóm nghiên cứu khoa học công nghệ mà thường bao gồm cả các phần xây dựng mô hình lý thuyết, mô phỏng số, chế tác mẫu và phân tích thực nghiệm. Sau 4-5 năm các nhà khoa học Việt Nam (đã được lựa chọn là có đủ năng lực) trong nhóm sẽ phải học được các kinh nghiệm làm việc với chuẩn mực quốc tế, để có thể tiếp tục phát triển các nghiên cứu không có chuyên gia quốc tế dẫn dắt. Khi cử người đi du học, chúng ta cũng nên lưu tâm tới khả năng đào tạo cả một ê-kíp thực hiện các thành phần công việc khác nhau”.
“Các chuyên gia quốc tế có thể tham gia giảng dạy, nhưng nhiệm vụ chính của họ phải là lãnh đạo nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, với hệ quả đào tạo được cả các tiến sĩ trình độ quốc tế. Như vậy kinh phí đào tạo từ Bộ GD&ĐT cũng có thể được bổ sung vào đây”.
“Các chương trình khoa học trọng điểm cấp nhà nước cũng nên mời chuyên gia nước ngoài tham gia, và cũng phải đòi hỏi công bố khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Cái khác ở đây chỉ là đề tài cấp nhà nước phải tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể của thực tế, còn đề tài Pioneer thì có định hướng khoa học tự do hơn. Các phòng thí nghiệm trọng điểm cũng nên ưu tiên phục vụ cho các chương trình này”.
Việc thuê chuyên gia nước ngoài, theo TS Chính là “không có gì lạ. Cũng như ta đã thuê các huấn luyện viên nước ngoài để cạnh tranh được với khu vực”.