Bảo tồn động vật hoang dã…trong nhà máy

Đổi mới kinh tế là động lực thúc đẩy gia tăng sản xuất và kéo theo đói là sự xuất hiện của hàng loạt các nhà máy mới ở Việt Nam. Vấn đề mới đặt ra là ô nhiễm môi trường do chất thải của các nhà máy. Tuy nhiên, bên cạnh đó người ta cũng thấy nhiều doanh nghiệp rất có ý thức bảo vệ môi trường. Công ty Ford Việt Nam là một trong số đó.

Ai đã từng đến thăm nhà máy của Ford Việt Nam nằm tại Hải Dương đều rất thú vị khi được giới thiệu về chương trình bảo vệ động vật hoang dã của nhà máy, đặc biệt là được nhìn thấy tận mắt cảnh những chú cá vàng tung tăng bơi lội dưới dòng mương nhỏ, đúng chỗ dòng nước thải từ nhà máy chảy ra. “Nhà máy được áp dụng các qui trình và công nghệ đặc biệt để có thể đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường khắt khe nhất liên quan tới chất lượng nước thải, chất lượng không khí và các yếu tố về môi trường khác như vi khí hậu, ánh sáng, tiếng ồn, điện từ trường công nghiệp”, ông Nguyễn Trung Hậu, Trưởng phòng An toàn và Môi trường của Ford Việt Nam cho biết. Những con cá vàng vốn rất khó nuôi và chỉ có thể sống trong một môi trường trong sạch. Để cá vàng sống ở đúng lòng mương nơi nước ô nhiễm chảy ra là một cách đánh giá tốt nhất về chất lượng nước thải đã qua xử lý của công ty.
Ngay từ những năm đầu chuẩn bị xây dựng nhà máy, lãnh đạo Ford Việt Nam đã chủ ý xây dựng một nhà máy “xanh, sạch, đẹp và thân thiện với môi trường”. Từ đó ra đời Dự án môi trường hoang dã xây dựng trên diện tích 10 hecta/tổng số 32 hecta của nhà máy. Với sự giúp đỡ của Giáo sư sinh vật học Nguyễn Cử và Tổ chức môi trường hoang dã WHC, dự án được tiến hành nhằm  xây dựng và phát triển đa dạng sinh học, tạo nên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng ngay trong khuôn viên của nhà máy. Các công việc cụ thể của dự án là duy trì sự sinh sống của các loài chim, cá trong khu vực nhà máy giữa các nhà xưởng và phần đất chưa sử dụng. Ngay từ khi thực hiện, các nhân viên trong đội tình nguyện của nhà máy đã báo cáo thường xuyên thấy có trên 150 diệc xám theo bầy cùng 15 con diệc bạch Trung Quốc sống tại khu vực đầm lầy và vườn cây trong nhà máy. Công ty đã tiến hành trồng cây, đào mương dẫn nước trong khuôn viên của nhà máy, thả cá vào mương để tạo điều kiện thu hút các loài động vật hoang dã này về sinh sống. Nhờ việc cung cấp thêm thức ăn và bảo vệ nguồn sống tự nhiên cho các loài chim, nhiều loài chim khác như chim bói cá, vạc Von Schrenck hay vạc nâu vàng cũng đã về sinh sống tại khu vực này. Đội tình nguyện của công ty là những người thực hiện các công việc đào hệ thống mương duy trì nước cần thiết cho ao đầm vào mùa cạn, tổ chức trồng các vườn hoa trước cửa và xung quanh nhà máy… Không chỉ tạo điều kiện bảo vệ môi trường, hệ thống vườn cây, hoa và mương nước cũng khiến cảnh quan nhà máy đẹp hơn.
Khu bảo tồn các động vật hoang dã này đã được Tổ chức Bảo tồn Thế giới trao bằng khen vào năm 2002. “Nhà máy là một trong 130 điểm trên thế giới được tổ chức này trao giải thưởng vào năm đó”, ông Hậu nhớ lại. Ngoài việc quản lý chất thải của công ty sau khi xử lý, thực hiện chương trình bảo tồn động vật hoang dã, công ty còn áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 (từ năm 2001), kết hợp với các đơn vị xung quanh trong công tác bảo vệ môi trường. “Chính vì vậy, từ năm 1996 chúng tôi đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (giờ là Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp “Giấy xác nhận kiểm soát ô nhiễm” và được Sở Tài nguyên Môi trường Hải Dương đánh giá cao trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Hậu nói. Không chỉ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường trong và xung quanh nơi nhà máy hoạt động, công ty Ford từ hơn 5 năm nay đã tiến hành chương trình Ford Grands nhằm tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Cụ thể là mỗi năm Ford giành hàng chục nghìn đô la để tài trợ cho các dự án bảo tồn hệ động thực vật, bảo tồn di sản văn hoá dân tộc và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.
 


 Tổng giám đốc Ford Việt Nam Jim Jucker đang giới thiệu khu bảo tồn với Jim Padilla, Chủ tịch tập đoàn Ford khi ông này sang thăm Việt Nam. ảnh: Quốc Tâm

Trước tình hình môi trường ngày càng ngày càng xấu đi do tác hại của nền công nghiệp phát triển nhanh chóng, nạn khai thác tài nguyên, phá rừng bừa bãi…, ông Hậu trăn trở: “Vẫn còn có những doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ việc bảo vệ môi trường và vẫn xả chất thải độc hại vào môi trường”. Theo ông, các doanh nghiệp cần cố hết sức trong công  tác bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Những biện pháp cụ thể có thể thực hiện là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu sản xuất, tái sử dụng và tái chế các chất thải, nguyên vật liệu, tăng cường sử dụng các chất không độc hại hoặc ít độc hại, không sử dụng hoặc hạn chế ở mức tối thiểu sử dụng chất có hại cho môi trường…

P.V 

Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả